Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 2. Gia đình dưới ánh sáng Lời Chúa.

Thứ Sáu, 06-07-2018 | 17:58:19

BÀI GIÁO LÝ 2: GIA ĐÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA


“Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Luca 2, 41).

Lạy Đức Mẹ, xin đến giúp lòng tin của chúng con!

Xin mở tai chúng con lắng nghe Lời, 

để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và lời Ngài kêu gọi.

Xin khơi dậy trong chúng con ước muốn bước theo chân Chúa,

 nhờ đi ra khỏi vùng đất của mình và đón nhận lời Ngài hứa.

Xin giúp chúng con để cho tình yêu Chúa chạm đến chúng con,

hầu chúng con có thể chạm đến Người nhờ lòng tin.

Xin giúp chúng con hoàn toàn trông cậy vào Ngài, tin vào tình yêu của Ngài,

nhất là trong những lúc gian nan, khi vác thập giá,

khi lòng tin của chúng con được kêu gọi trưởng thành.

Xin Mẹ gieo vào lòng chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.

Xin  nhắc chúng con  nhớ rằng ai tin, sẽ chẳng bao giờ cô đơn.

Xin dạy chúng con biết nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu,

để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi.

Và ước gì ánh sáng đức tin này luôn lớn mãi trong chúng con

cho đến khi ngày không lụi tàn ấy đến,

 chính là Đức Kitô, Con Mẹ, Chúa chúng con.Amen

(ĐTC Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng Đức tin   29.6.2013)

Bức ảnh thánh làm nền cho các bài giáo lý này cho chúng ta thấy ngay bề dầy đức tin của Thánh Gia Nadarét. Như có thể đọc trong Tin Mừng theo Thánh Luca, hàng năm, đúng vào lễ Vượt Qua, Thánh Giuse và Mẹ Maria với Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem để cùng nhau chu toàn hành động đức tin của mình. Chúng ta chứng kiến một gia đình gồm mọi thành viên, là cha, mẹ và con, cùng nhau thực hiện một chuyến đi xa, với đủ thứ bất tiện và bất ưng của thời đại, (quả thật như thế, vì trên đường về, Chúa Giêsu bị thất lạc), để họp mừng tạ ơn Thiên Chúa về biến cố Vượt Qua : Thiên Chúa đã giải phóng dân Israen ra khỏi ách nô lệ Ai cập.

Khi tưởng niệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Gia thất đã làm cho Thiên Chúa sống động trong hiện tại, nhắm đến một tương lai trong đó Thiên Chúa trung tín sẽ hoàn tất mỹ mãn Lời hứa của Ngài.

Cuộc hành hương của Thánh Gia thất không chỉ là một việc làm đạo đức và tôn giáo đơn thuần theo truyền thống dân tộc. Chắc chắn đây không phải là điều mới mẻ khi mọi thành viên của gia đình có mặt đầy đủ để tham dự những ngày lễ tôn giáo vốn lôi cuốn sự chú ý của toàn thể các cộng đồng,  giống như dịp lễ bổn mạng hay những hoạt động tôn giáo đặc thù của một số nền văn hóa, hay các thời điểm quan trọng trong năm phụng vụ, nhất là lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh.  Việc cử hành được Thánh Gia thất thực hiện không chỉ là việc làm truyền thống, nhưng là một điều cho thấy một “hậu cảnh” quan trọng  mà chúng ta có thể biết  qua các bài tường thuật của Tin Mừng trước đó. Đức Maria cũng như thánh Giuse, cả hai được Lời Chúa từ trời cao kêu gọi, cách bất ngờ và đáng kinh ngạc, và các ngài đã đáp lại bằng niềm tin.

Khi đọc lướt  bài tường thuật liên quan đên Đức Maria theo Tin Mừng thánh Luca, và bài tường thuật liên quan đến thánh Giuse theo Tin mừng thánh Matthêu, người ta không  luôn thấy được niềm tin gắn bó hoàn toàn vào dự phóng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta thường xem việc sứ thần hiện ra với Đức Maria, trong ngôi nhà  Nadarét, và với thánh Giuse trong giấc mộng, như là  điều phải có và đương nhiên, nghĩ rằng việc các ngài ưng thuận là chuyện bình thường. Thật ra, hai câu chuyện của Tin mừng muốn truyền đạt một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và lời kêu gọi tiếp theo được bao trùm trong một mầu nhiệm thật sâu thẳm không lời nào diễn tả được.

Thánh Luca không thật sự nói đến “việc hiện ra”, nhưng dùng từ ngữ “ đi vào nhà bà ” (Lc 1,28), trong khi Thánh Matthêu, tuy viết là “ một  sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông ” (Mt 1,20) cho thấy một cuộc thần hiện không hiển nhiên như với Đức Maria, bởi vì xảy ra trong giấc mộng. Sứ điệp chính  hai thánh sử nêu lên không phải là chuyện người ta gọi là “thần hiện”, nhưng là Lời Thiên Chúa chất vấn lòng Đức Maria và thánh Giuse, để các ngài  đáp lời  cách trọn vẹn, là điều sẽ đánh dấu trọn cuộc đời các ngài. Đây là Lời  truyền đạt, báo cho hai ngài biết về những biến cố mới, lạ thường và bất ngờ, song chủ yếu  Lời ấy muốn  tạo nên  một tương quan với con người được chất vấn.  Thiên Chúa chuyển đến cho cả hai cùng một Lời:“Đừng sợ!” (Lc 1, 30; Mt 1, 20).

ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia soi sáng cho chúng ta điều này : “ Lời Chúa không được mạc khải như một chuỗi luận đề trừu tượng, mà như một người bạn đồng hành an ủi ngay cả các gia đình đang gặp khủng hoảng hay đang trải qua đau khổ nào đó, và chỉ cho  thấy đích đến của cuộc hành trình, khi Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và  đau khổ  nữa”. (Kh 21,4)  (AL 22).

Nếu Mẹ Maria và thánh Giuse hàng năm lên Đền thờ Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, lòng sẵn sàng đón nhận những hy sinh và bất ưng thường xảy ra trong những hành trình như thế thời bấy giờ, và cùng mang theo mình Chúa Giêsu, đó là vì các ngài tiếp tục trải nghiệm Lời Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Toàn bộ lịch sử cuộc đời các ngài là một tấm vải được dệt nên bởi cùng một sợi chỉ là Lời Chúa. Chính Lời đã dẫn đưa các ngài sinh hạ Hài Nhi ở hang Bêlem, hoàn thành lời Thánh kinh được ngôn sứ Mikê báo trước: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israen dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2,6). Cũng chính Lời này mời gọi các ngài trốn sang Ai cập để cứu hài nhi khỏi tay vua Hêrôđê (Mt 2, 13); lại cũng là Lời đã làm cho các ngài trở về đất Israen khi vua Hêrôđê băng hà. (Mt 2, 19-23). Thánh Gia thất, qua các thăng trầm trong đời sống, dạy cho mọi người chúng ta biết rằng Lời Thiên Chúa không nhằm truyền đạt những chân lý tôn giáo, một bài giáo lý hay một giáo huấn gồm những qui tắc đạo đức phải thực hành. Lời Chúa là một tương quan sống động và sâu xa với Thiên Chúa, là Đấng trở thành lịch sử trong đời sống của từng gia đình. Vì thế gia đình thật sự là địa điểm nguyên thủy để thông truyền các tường thuật kinh nghiệm về Lời Thiên Chúa.

 Chính ĐTC Phanxicô nhắc lại điều này:“Thánh Kinh cũng trình bày gia đình như nơi con cái được dưỡng dục trong đức tin. Điều này thấy rất rõ trong lời mô tả việc cử hành lễ Vượt Qua (xem Xh 12:26-27; Đnl 6:20-25) và sau đó sẽ xuất hiện cách rõ ràng hơn trong nghi thức Haggadah của người Do Thái, tức là tường thuật dưới dạng đối thoại đi liền với nghi thức Bữa ăn Vượt Qua. Hơn nữa, một Thánh Vịnh ca ngợi việc công bố đức tin trong gia đình như sau: “Ðiều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông thuật lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không giấu giếm gì với con cháu cả, sẽ thuật lại cho hậu thế, những danh hiệu của Đức Chúa và uy lực của Người, những kỳ công Người đã làm ra. Người đã thiết lập chứng cứ nơi nhà Giacóp, định ra lề luật cho Israen, Người đã truyền cho tổ tiên chúng tôi phải truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết, để mai ngày đến lượt thuật lại cho con cháu chúng” (Tv 78:3-6). Như thế, gia đình là nơi cha mẹ trở nên những người thầy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đây là một công việc thủ công, được áp dụng cho từng con người:“Ngày mai con các ngươi có hỏi… Thì ngươi sẽ nói với nó…” (Xh 13:14).    (AL 16).

Chúng ta quá quen giản lược việc thông truyền đức tin vào việc giảng dạy các qui tắc, các chân lý, những thực hành tôn giáo đến nỗi quên rằng đức tin là một kinh nghiệm sống động và cụ thể về Thiên Chúa. Song nếu kinh nghiệm này không được sống và trở thành xương thịt trong bốn bức tường của ngôi nhà mình sống, niềm tin Kitô giáo khi ấy chỉ còn là việc thực hiện một hành vi nghi thức tôn giáo đơn thuần trong những nhà thờ của chúng ta, và không  ảnh hưởng bao nhiêu đến cuộc sống thật hàng ngày. Người ta quá thường nghe than phiền rằng giới trẻ ngày nay, một khi đã học xong chương trình giáo lý và được lãnh nhận các bí tích, thường không còn lui tới giáo xứ, cũng không đến nhà thờ tham dự các lễ nghi phụng vụ hay các ngày “lễ buộc” Giáng sinh và Phục Sinh. Chẳng mấy ai chịu tự hỏi làm sao một thiếu niên còn ao ước đến nhà thờ nếu sau đó nó không cảm nghiệm được tính chất cụ thể của Lời Chúa trong gia đình và trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, cấp thiết phải thay đổi thái độ và bắt đầu lại từ số không, như thể phải loan báo Chúa Giêsu Kitô lần đầu. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh cách chính đáng rất nhiều điểm này: “Trước và ngay giữa các gia đình, lời loan báo tiên khởi (kerygma) phải luôn được vang lên cách mới mẻ; đó là lời “đẹp nhất, trổi vượt nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất”, và “phải chiếm vị trí trung tâm trong toàn bộ hoạt động loan báo Tin mừng”. Đây là lời loan báo chính yếu và quan trọng nhất, “chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, và phải luôn loan báo khi dạy giáo lý dưới hình thức này hay hình thức khác”. Bởi vì, “không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, súc tích và khôn ngoan hơn lời loan báo ấy”, và “toàn bộ công cuộc huấn luyện đức tin trước hết là đi sâu hơn vào trong lời rao giảng tiên khởi này.” ( AL 58)

Ngày nay làm sao công bố lời rao giảng tiên khởi (kerygma)? Thánh Giuse và Mẹ Maria, một lần nữa, chuẩn bị con đường cho chúng ta. Các ngài lên Giêrusalem không phải để tham dự bất cứ cuộc lễ nào, nhưng lả để họp mừng cuộc Vượt Qua, mà đây không chỉ là cuộc lễ quan trọng nhất đối với dân Israen, do ý nghĩa của lễ ấy, nhưng chính là một ngày lễ thật sự chạm đến cuộc sống cụ thể của con người. Nói cách khác, cha mẹ Đức Giêsu đã trải nghiệm cuộc Vượt Qua trong các biến cố đời mình. Lễ ấy không chỉ là nhớ lại quá khứ, không chỉ là cử hành một nghi thức, song là một kinh nghiệm sống động về sự chết và phục sinh trong cuộc sống của mình. Hiển nhiên, các ngài hoàn toàn không biết, không ý thức gì về cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, con mình, nhưng chúng ta biết rằng người viết các tường thuật Tin Mừng luôn khởi đi từ lời rao giảng tiên khởi, lời công bố nền tảng về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để rồi kể lại tất cả các giai đoạn khác dưói ánh sáng của biến cố ấy. Đức Maria và thánh Giuse sống trong gia đình mình theo các chuyển động của Lời Chúa, bởi vì các ngài đã hoàn toàn hòa theo việc họp mừng cuộc Vượt Qua. Cũng theo một cách thức ấy, Lời Thiên Chúa trở thành xương thịt trong từng “ Giáo hội tại gia” duy bằng cách sống mầu nhiệm Vượt qua trong cuộc sống gia đình; hay đúng hơn, chính cuộc Vượt Qua của Đức Kitô đem lại hương vị gia đình cho các tổ ấm gia đình chúng ta. Lễ Vượt Qua không phải là một ý tưởng hay một chân lý, một tin tức phải loan báo cho các gia đình. Lễ Vượt Qua ấy đã hiện diện trong từng gia đình từ ngày họ cử hành Bí tích Hôn phối. Bí tích Hôn phối của họ là sự hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô đang sống và hoạt động trong tương quan yêu thương của họ. Thử hỏi có bao nhiêu cặp vợ chồng Kitô hữu biết được sự thật lạ thường này? Có bao nhiêu người biết được cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình, do ân sủng kết hợp của Bí tích Hôn phối mang lại, là một cử hành Lễ Vượt Qua vĩnh cửu? Có bao nhiêu người trong số họ đã được giãi bày cho biết rằng tất cả mọi chuyện thương đau, sầu khổ, tang chế đều tháp nhập vào cái lý của mầu nhiệm Vượt Qua, cái lý khiến cho không có câu chuyện nào đau đớn hơn mà không luôn luôn là một lời tiên báo và một khúc dạo đầu cho một sự phục sinh lạ thường? Nếu không ai lấy Lời Chúa soi sáng cho họ, thì ai bao giờ có thể ngước mắt lên và nhận ra Mầu nhiệm Cao cả ẩn náu trong xương thịt họ? Đó là lý do “các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh rằng “Lời Chúa là nguồn mạch sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi mục vụ gia đình phải được định hình từ bên trong và huấn luyện các thành viên của Hội thánh tại gia bằng cách đọc Kinh thánh và cầu nguyện theo hướng dẫn của Hội thánh. Lời Chúa không chỉ là Tin Mừng cho đời sống riêng tư của cá nhân, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá và là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau mà các đôi vợ chồng và gia đình gặp phải.” (AL 227)

Để các gia đình chúng ta trở nên đúng với bản chất bí tích của mình, cần thiết phải có một thứ mục vụ thông thường tích cực đi theo hướng này. Đây là một việc làm mang tính thủ công đòi hỏi những chăm chút từng ngày, dọn đường cho một linh đạo chân thật cho hôn nhân và gia đình. Sự đóng góp và nâng đỡ của các mục tử lúc đó trở nên quí báu vì các ngài được kêu gọi “ khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin. Vì thế, tốt nhất là khuyên họ thường xuyên xưng tội, thực hành linh hướng, thỉnh thoảng tham dự các cuộc tĩnh tâm. Nhưng đừng quên mời gọi gia đình dành thời gian hàng tuần cùng nhau cầu nguyện, bởi vì “gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau.” Cũng vậy, khi đi thăm các gia đình, nên mời gọi mọi thành viên trong gia đình qui tụ lại và cầu nguyện cho nhau trong chốc lát và phó dâng gia đình trong tay Chúa. Đồng thời cũng nên khích lệ vợ chồng tìm thời giờ cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người có những thập giá phải âm thầm vác. Tại sao không nói với Chúa về những gì làm mình lo lắng, hoặc kêu xin Người ban sức mạnh chữa lành các vết thương và khẩn nài ban cho ánh  sáng cần thiết để mình  có thể đáp ứng sự dấn thân của mình ?“ (AL 227).

Thay vì dạy dỗ, hướng dẫn hay giáo dục, ĐTC Phanxicô nhiều lần nói đến việc  “khích lệ” vì Ngài biết nghệ thuật của người thầy đích thật không chỉ là biết cách dạy dỗ nhưng nhất là biết đem lại sức mạnh trước những khó khăn và  truyền đạt với con tim hơn là bằng lý trí điều mình muốn đem lại cho người khác. ĐTC hoàn toàn ý thức rằng, để lập gia đình, người ta cần nhiều can đảm, và chính ngài rất ngạc nhiên (như ngài đã viết ở phần đầu tông huấn AL) khi thấy “mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống  hôn nhân, khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh.”(AL 1)

Cầu nguyện thật không dễ dàng và đương nhiên trước một thảm cảnh gia đình, như cái chết đau đớn của một đứa con, sự ra đi sớm của người bạn đời, cảnh mất công ăn việc làm, hay một khủng hoảng trầm trọng giữa hai vợ chồng. Nếu chúng ta không đi vào trong cái lý của mầu nhiệm Vượt Qua luôn sống động và hoạt động trong từng cuộc hôn nhân, các giáo huấn chỉ là những lời  dễ dàng vụt mất trước một cơn gió nhẹ. Lúc đó cần nhiều sự khích lệ, nhưng cũng cần có những chứng từ cụ thể mở đường và chỉ cho thấy mọi sự đều có thể trong Đức Kitô chết và phục sinh.  Chúng ta có thể tìm ở đâu một chứng từ tốt đẹp hơn Thánh Gia Nadarét. Các gia đình “ như Mẹ Maria, được khuyên nhủ cần phải can đảm và thanh thản đối diện với những thách đố trong gia đình, buồn đau cũng như phấn khởi, và giữ gìn cũng như suy niệm  trong lòng những việc  kỳ diệu  Thiên Chúa đã làm (x. Luca 2, 19.51). Trong kho báu trái tim của Mẹ Maria, cũng chất chứa tất cả mọi biến cố của các gia đình chúng ta, những biến cố mà Mẹ vẫn ân cần gìn giữ. Bởi thế Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố đó để nhận ra được sứ điệp Thiên Chúa gởi đến trong lịch sử của gia đình mình”. ..(AL 30)

Cho nên, Lời Chúa đem lại cho từng gia đình một sự khôn ngoan để sống và một ánh sáng cần thiết để hiểu ra được từng biến cố của gia đình, lớn hay nhỏ, và nhờ vậy, nếm trước được hương vị của Tiệc Cưới Vĩnh Cửu mà mỗi gia đình được mời gọi từ muôn thuở.

  • Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

1. Tại sao trong các gia đình chúng ta, Lời Chúa thường bị xem như  một điều xa lạ, thuần túy đạo giáo và không thể hiểu được? Đâu là những nguyên nhân và đâu là phương cách giải quyết?

2. Trong những thời điểm khó khăn sâu xa và khủng hoảng trầm trọng, hiếm khi thấy một gia đình quay về tìm kiếm ánh sáng và sự nâng đỡ nơi Lời Chúa. Chuyện gì đã xảy ra và chúng ta có thể làm gì?

Hãy sống

1. Trong gia đình anh chị, đã có những biến cố nào xảy ra cho thấy Lời Chúa thật sự đã ăn sâu trong gia đình anh chị? Xin kể lại.

2. Hãy họp mừng mầu nhiệm Phục Sinh trong gia đình nếu anh chị thật sự sống mầu nhiệm ấy. Đem lại hương vị Phục Sinh cho các biến cố gia đình, đó là như nếm rượu ngon của tiệc cưới Cana. Theo ánh sáng của bài giáo lý, anh chị có khi nào trải nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh sống động và cụ thể trong mái ấm của mình chưa?

  • Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ

1. Nếu “Kinh thánh đề cập rất phong phú về gia đình” (AL 8), như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, vậy tại sao nhiều gia đình ngày nay vẫn xem Kinh thánh như một pho sách trừu tượng và xa lạ? Vậy thứ mục vụ nào, hoặc, đúng hơn, thứ linh đạo nào đã thiếu vắng trong các cộng đoàn chúng ta?

2. Chúng ta ngày chứng kiến anh chị em công giáo ngày càng ít tham dự các nghi lễ phụng vụ, và thường dừng lại ở dấu chỉ bên ngoài này, đó chính là triêu chứng của một tình trạng ‘có vấn đề’ một cách sâu xa. Hội thánh có thể hay phải đối phó với tình trạng này bằng cách nào?

Hãy sống

1. Chúng ta phải làm thế nào để Kinh thánh không chỉ được đọc không thôi  trong các gia đình nhưng còn trở thành ánh sáng đích thật cho các gia đình?

2. Phải chăng chúng ta chỉ bận tâm cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Nhà thờ hơn là giúp các gia đình sống mầu nhiệm ấy tại gia?  Có thể đề nghị làm gì để thay đổi não trạng này?

Tin Vui chuyền ngữ(ubmvgiadinh.org)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết