Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân: Giới tính của con người

Thứ Năm, 17-08-2017 | 14:18:04

Chúng ta đã biết rằng con người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm ấy được thể hiện nơi chính thân xác của mình. Nhờ thân xác, chúng ta hiện hữu trong thế giới hữu hình và có tương quan với các loài khác. Loài người xuất hiện trên thế giới này đông vô số kể. Chẳng ai có thể đếm nỗi là đã từng có bao nhiêu con người tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến nay và từ nay đến khi thế mạt. Nhưng dù có đông thế nào, con người cũng chỉ có hai phái: nam hoặc nữ. Phái tính nam hay nữ này được thể hiện cách rõ ràng trên thân xác của mỗi người. Người nam và người nữ có cấu trúc sinh học khác nhau, dẫn đến những sự khác biệt khác về tâm lý, cảm thức thiêng liêng… Chẳng ai sinh ra mà lại không là nam hay nữ, ít ra là về mặt sinh học. Có chăng cũng chỉ là những rối loạn tạm thời; và càng sớm càng tốt, người đó phải điều chỉnh lại để đưa giới tính của mình về một trong hai phái mà Tạo Hoá đã định. Giới tính của con người làm phát sinh trong người đó những xu hướng tính dục. Xu hướng này phải trải qua một giai đoạn phát triển lâu dài.

Về mặt sinh học, sự phát triển tính dục cũng song song với sự phát triển của toàn bộ cơ thể. Ở mỗi giai đoạn, sự phát triển này có những đặc trưng khác nhau. Giai đoạn từ nhỏ đến vị thành niên có thể được coi là giai đoạn “thinh lặng” của giới tính, và chưa có một biểu hiện rõ ràng và mạnh mẽ nào liên quan đến tính dục. Đến giai đoạn vị thành niên, đây là giai đoạn có những thay đổi lớn xuất hiện. Ở tuổi dậy thì, đứa bé giống như thực hiện một cuộc “thay da đổi thịt”. Cơ quan sinh dục của trẻ bắt đầu giai đoạn chín muồi và có khả năng sinh sản. Song song với nó, đứa trẻ cũng bắt đầu cảm thấy được thu hút bởi người đồng trang lứa thuộc giới khác.

Xét về mặt sinh học, tính dục của con người đã đến mức trưởng thành, nhưng ở phương diện tâm lý và thiêng liêng, nó còn phải trải qua những giai đoạn khác nữa. Ở độ tuổi mới lớn, đứa bé thường trở nên cứng đầu, không thích bị sai bảo, không thích ở gần bố mẹ, nhưng chỉ thích tụ tập với bạn bè. Đứa bé cứ ngỡ mình là anh hùng, là người lớn, thích thể hiện mình, muốn bắt chước các thần tượng. Đứa bé tỏ ra bất cần đời và cho rằng mình chẳng sợ ai. Tệ hại hơn, đứa bé dễ bị xúi giục bởi người khác để làm những chuyện điên rồ. Hoặc không kiềm chế được những thúc đẩy bản năng của tính dục mà làm nên những chuyện đồi bại. Có thể nói, cái còn thiếu nơi đứa bé lúc này chính là một sự ý thức về trách nhiệm dành cho bản thân, gia đình và xã hội. Sự phát triển của tính dục sẽ đi đến đỉnh cao khi nó có thể hội nhất được toàn bộ các phương diện trong đời sống cá nhân, ý thức được giá trị của tính dục như một công cụ để thông truyền chính mình cho người khác, chứ không phải chỉ là để thoả mãn dục vọng. Nói cách khác, khi đạt đến sự trưởng thành về tính dục, người ta không dừng lại ở sự hoàn thiện bản thân, nhưng còn mở ra với người khác, giúp người ta có những hành xử đúng đắn, tôn trọng những giá trị nhân văn cao quý, trong đó, cái cao quý nhất là tình yêu.

Tính dục của con người tuy có sự phân biệt căn bản về mặt sinh học, nhưng còn có những ảnh hưởng đến các chiều kích khác nữa. Ta vẫn thấy có nhiều khác biệt trong cách hành xử của nam và nữ, đến nỗi người ta có thể xem đó là đặc trưng của mỗi phái. Ví dụ, người nam thường lý trí hơn, còn người nữ thì tình cảm hơn; người nam mà uỷ mị sẽ bị coi là “đàn bà”, còn người nữ là cơ bắp quá sẽ bị nói là “đàn ông”… Như thế, tính dục của một người sẽ đi theo người đó suốt cả cuộc đời và làm nên phong cách, lối hành xử, cá tính của người đó. Trong khi con vật chỉ sống tính dục của mình bằng những chi phối của hoc-mon thì con người lại vận dụng bộ não để điều chỉnh tính dục của mình. Như thế, con người không sống tính dục của mình ở một mức độ nông cạn là thoả mãn dục tính, nhưng còn hướng đến chiều sâu của nó là sự tự do và trách nhiệm, giúp mình mở ra với người khác, hướng đến tình yêu, tạo thành những tương quan liên vị. Những cử chỉ thân thiết mà đỉnh cao là việc quan hệ tình dục chỉ trở nên ý nghĩa khi nó được thực hiện trong phạm vi của tình yêu, của sự trao hiến cho nhau để giúp cho tình yêu đó được đơm hoa kết trái.

Ngoài ra, do sống trong một tổ chức xã hội, nên tính dục con người cũng chịu sự chi phối của nó. Con người có những ràng buộc về lễ giáo, văn hoá mà họ phải tuân theo. Tình yêu vốn dĩ không có lỗi. Chẳng ai cấm cản hay cho phép mình yêu hay ghét một người nào đó. Nhưng không phải cứ cảm thấy yêu là mặc sức “dâng hiến cho nhau”. Tình yêu cần được xã hội chuẩn nhận, cần phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, phải tuân theo ý định của Tạo Hoá thì mới có thể trở nên đẹp và mở ra cho cả hai một tương lai tươi sáng. Người ta càng không được phép lợi dụng chữ “tình yêu” chỉ để thoả mãn cho nhu cầu riêng tư của mình. Cái gì cũng có khuôn khổ của nó. Tính dục và tình yêu là chuyện xuất phát từ nhu cầu của mỗi người, nhưng cũng cần những quy định của xã hội và tôn giáo để giúp nó đi đúng hướng. Đó là lý do vì sao con người, đặc biệt là người trẻ, cần được huấn luyện, đào tạo, dạy dỗ để có được ý thức đúng đắn và những kiến thức hữu ích liên quan đến tình yêu và tính dục của mình.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết