Có phải Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là những người tị nạn?

Thứ Năm, 28-12-2017 | 19:32:09

Với những người tị nạn và những người nhập cư trong các bản tin tức, một số nhà bình luận đã tìm cách vạch ra sự tương đồng giữa hoàn cảnh của họ và của Gia đình Thánh Gia – Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Những sự so sánh như vậy chính xác như thế nào? Có phải Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse mà ngày nay chúng ta coi là những người “tị nạn”?.

Vâng, đúng thế.

Trong chương thứ hai của Tin Mừng Mát-thêu, chúng ta đọc câu chuyện về “Cuộc chạy trốn sang Ai Cập”, mà trong đó, sau khi Chúa Giêsu chào đời và chuyến viếng thăm của các nhà đạo sĩ, một “Thiên thần của Thiên Chúa” hiện ra với Thánh Giuse trong một giấc mơ và cảnh cáo Ngài để rời khỏi Bethlehem trốn sang Ai Cập (Mt 2: 12-15). Tại sao? Vì vua Hêrôđê đang định “tìm giết Hài Nhi Giêsu”. Đức Maria và Thánh Giuse đã khởi hành, cùng với Chúa Giêsu, và, theo Tin Mừng Mát-thêu, thực hiện cuộc hành trình trốn sang Ai cập. Sau đó, vua Hêrôđê đã tàn sát tất cả các bé trai dưới hai tuổi tại Bethlehem. Tình tiết đầy kịch tính này là một phần của bài đọc Phúc Âm dành cho “Lễ Các Thánh Anh Hài” được cử hành vào ngày 28 tháng 12.

Vậy, theo Tin Mừng Mát-thêu, điều gì đang xảy ra? Một gia đình bị buộc phải trốn khỏi quê nhà vì nỗi lo sợ bị bách hại. Đây chính là định nghĩa thời hiện đại mang tính kinh điển về một người tị nạn. Trên thực tế, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn xác định nhóm người này như sau:

Người tị nạn là những người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của mình vì khủng bố, chiến tranh hoặc bạo lực. Người tị nạn mang trong mình nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc thành viên trong một nhóm xã hội cụ thể nào đó.

Thánh Gia Thất, theo như trình thuật Tin Mừng Mát-thêu, đã phải chạy trốn vì “nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại” bởi vì là “thành viên trong một nhóm xã hội cụ thể”, trong trường hợp này là những người có con nhỏ và đang sinh sống tại Bethlehem. Tôi không chắc chắn việc quý vị có thể có được bất kỳ sự rõ rang nào hơn thế.

Đức Maria và Thánh Giuse có được áp dụng tình trạng tị nạn chính thức không? Tất nhiên là không. Những kiểu quy định như vậy hầu như không có hiệu lực. Có lẽ lúc đó thậm chí chưa có bất kì đường biên giới nào. Nhưng, theo như Daniel J. Harrington, S.J., một học giả Tân Ước, nhắc nhở chúng ta trong những bình luận của ông về Tin Mừng Mát-thêu trong loạt sách Sacra Pagina của mình:

Ai Cập, dưới sự kiểm soát của La mã vào năm 30 TCN, nằm ngoài thẩm quyền của vua Hêrôđê. Ai Cập đã trở thành nơi ẩn náu truyền thống dành cho người tị nạn của những người Do Thái trong các thời kỳ Kinh Thánh (xem 1V 11:40; Gr 26:21) và thời Maccabean khi vị thượng tế Onias IV chạy trốn khỏi đó.

Như vậy, chúng ta có thể thấy một gia đình đang chạy trốn sang một quốc gia khác vì lo sợ bị bách hại.

Thậm chí ngay cả ngôn từ được sử dụng trong Tin Mừng Mát- thêu cũng làm sáng tỏ tình huống của họ. Bởi vì trong tất cả những điều trong Tân Ước, nó quả là hữu ích cho việc chuyển sang tiếng Hy Lạp nguyên thủy. Mát-thêu, viết cho các độc giả người Do Thái-Kitô giáo vào khoảng năm 85 sau Công Nguyên, đã trình bày lệnh truyền của Sứ thần như sau:

Ἐγερθεὶς παράλαβε τὸ παιδίον καὶ τὴν μητέρα αὐτοῦ καὶ φεῦγε εἰς Αἴγυπτoν….

Chuyển ngữ: ‘Egertheis paralabe to paidion kai tēn mētera autou kai pheuge eis Aigypton….’

Hoặc: “Hãy trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập …” (Mt 2:13).

Hạn từ cần phải chú trọng đó là ‘pheuge’, ‘chạy trốn’, một từ có nguồn gốc từ từ “refugee”, người chạy nạn. Thậm chí ngay cả Sứ thần trong trình thuật Tin Mừng Mát-thêu cũng đã đồng nhất hóa Gia đình Thánh Gia như là những người tị nạn.

Nhưng thậm chí ngay cả khi Gia đình Thánh Gia không phù hợp với định nghĩa đương thời của những người tị nạn (và cho dù là có phù hợp đi chăng nữa) và ngay cả khi Tin Mừng Mát-thêu đã không sử dụng hạn từ Hy Lạp ‘pheuge’ (hay thậm chí là sử dụng), chúng ta cũng vẫn cần phải có tinh thần bác ái và sẵn sàng để chăm sóc cho những người tị nạn và những người di cư đương thời.

Tại sao? Vì Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta phải làm như vậy. Sau này trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ khi nào chúng ta “tiếp đón những người xa lạ”, đó là chúng ta tiếp đón chính Chúa Giêsu (Mt 25). Người tị nạn và những người nhập cư đều là những anh chị em rất cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Lệnh truyền của Chúa Giêsu trong việc chăm sóc cho những người xa lạ, đối với người Kitô hữu, cũng là một giới luật thay thế cho bất kỳ luật lệ nào vốn cản trở, ngăn cản hoặc bỏ ra ngoài việc chăm sóc và tinh thần bác ái như vậy. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy một số Kitô hữu kêu gọi đối với các đạo luật cao hơn trong những vấn đề về đời sống khác đã vứt bỏ những điều này khi nói đến những người tị nạn và những người nhập cư.

Từ năm 1992 đến năm 1994, tôi đã cộng tác với Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên tại Nairobi, Kenya, nơi mà tôi đã biết đến hàng trăm người tị nạn đã trốn khỏi Sudan, Uganda, Somalia, Ethiopia, Eritrea, Rwanda, Burundi, Côte d’Ivoire và nhiều quốc gia khác hầu có thể tránh khỏi “một nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại”. Một số người, như Thánh Gia Thất đã từng phải hết sức lo sợ, đã phải chứng kiến việc con cái họ bị sát hại ngay trước mặt mình. Những người khác đã phải chứng kiến cha mẹ bị tàn sát ngay trước mặt họ. Bất chấp những đau khổ khốc liệt và gần như không thể tưởng tượng được, họ là những con người trung thành nhất mà tôi từng gặp gỡ – những gia đình thánh thiện theo những cách thế riêng của họ.

Chắc chắn những gia đình này xứng đáng được bảo vệ cũng như Thánh Gia Thất xưa.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm