Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ tại Bangladesh

Chúa Nhật, 03-12-2017 | 16:06:50

Ngày 2 tháng 12, trong biến cố cuối cùng của chuyến tông du, Đức Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Bangladesh, tụ tập tại sân thể thao của Cao Đẳng Notre Dame ở Dhaka. Ngài khuyên họ “khi tiến bước, các con phải đảm bảo là mình chọn nẻo đường đúng để đi”.

Ngài giải thích rằng: “nẻo đường đúng” nghĩa là “lữ hành” xuyên suốt cuộc sống, chứ không “lang thang vô định”. 

Đức Thánh Cha nói rằng về người trẻ, có “một điều độc đáo”, đó là sự hăng hái của họ và nhận rằng họ làm ngài “cảm thấy trẻ trung trở lại”.

Ngài nói: “Người trẻ luôn sẵn sàng bước tới, làm cho sự việc diễn ra, và chấp nhận may rủi. Cha khuyến khích các con tiếp tục tiến bước một cách hăng hái lúc may lúc rủi. Các con hãy cứ thế bước tới, nhất là trong các khoảnh khắc khi các con cảm thấy bị đè bẹp bởi các nan đề và buồn bã, và khi các con nhìn quanh mà thấy Thiên Chúa dường như mất tăm ở chân trời”.

Khi khuyên họ “lữ hành” chứ đừng “lang thang”, Đức Phanxicô nhắc họ nhớ rằng “đời sống không phải không có phương hướng, nó có một mục đích do Thiên Chúa ban cho chúng ta”. 

Đức Giáo Hoàng dùng sự so sánh với nhu liệu máy tính: “như thể Người đặt trong ta một nhu liệu máy tính, giúp ta biện phân chương trình thần thánh của Người và, chúng ta đáp ứng một cách tự do”.

Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng: “giống mọi nhu liệu, nó cần được cập nhật hóa không ngừng. Các con hãy tiếp tục cập nhật hóa thảo chương của các con, bằng cách lắng nghe Thiên Chúa và chấp nhận các thách đố thi hành thánh ý Người”. 

Cuối cuộc gặp gỡ, sau lời chia tay của Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Tổng Giám Mục Dhaka, Đức Phanxicô đã được đoàn xe hộ tống ra phi trường quốc tế Dhaka, nơi đây, Bộ Trưởng Ngoại Giáo Bangladesh đã chính thức chào tạm biệt ngài. Máy bay Bangladesh đã cất cánh chiều thứ Bẩy để đưa ngài trở lại Rôma, kết thúc chuyến tông du thứ 21 của ngài tới hai nước Miến Điện và Bagladesh.

Sau đây là bài diễn văn của ngài với giới trẻ Bangladesh:

Các bạn trẻ thân mến, chào các con!

Cuối cùng chúng ta gặp nhau ở đây! Cha biết ơn tất cả các con vì sự tiếp đón nồng hậu của các con. Cha cám ơn Đức Cha Gervas [Rozario] vì những lời nhân ái của ngài và cám ơn Upasana và Anthony về các chứng từ của họ. Về người trẻ, có một điều gì đó thật độc đáo: các con luôn đầy lòng hăng hái, và cha cảm thấy trẻ trung trở lại bất cứ khi nào gặp gỡ các con. Này Upasana, con nói tới điều đó trong chứng từ của con; con nói tất cả các con “rất hăng hái” và cha có thể thấy và cảm được điều đó. Sự hăng hái trẻ trung này được liên kết với một tinh thần mạo hiểm. Một trong các thi sĩ quốc gia của chúng con, Kazi Nazrul Islam, nói lên điều này khi gọi người trẻ của đất nước là những người “không biết sợ”, “quen cướp ánh sáng khỏi lòng đêm tối”. Người trẻ luôn sẵn sàng bước tới, làm sự việc diễn ra và chấp nhận rủi ro. Cha khuyến khích các con tiếp tục bước tới một cách hăng hái như thế lúc may cũng như lúc rủi. Các con hãy tiếp tục bước tới. nhất là trong những khoảnh khắc khi các con cảm thấy bị đè bẹp bời vấn nạn và buồn sầu, và khi các con nhìn quanh mà Thiên Chúa xem ra mất tăm ở cuối chân trời. 

Nhưng khi bước tới, các con phải chắc chắn chọn được nẻo đường đúng. Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa “lữ hành” xuyên suốt cuộc sống, chứ không “lang thang vô định”. Cuộc sống chúng ta không phải không có phương hướng, nó có một mục đích do Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người hướng dẫn và điều hướng ta bằng ơn thánh của Người. Như thể Người đặt trong ta một nhu liệu máy tính, giúp ta biện phân chương trình thần thánh của Người và đáp trả tự do. Nhưng, giống như mọi nhu liệu, nó cũng cần được cập nhật không ngừng. Các con hãy tiếp tục cập nhật thảo chương của các con, bằng cách lắng nghe Thiên Chúa và chấp nhận thách đố thi hành thánh ý Người.

Này Anthony, con nhắc tới thách đố trên trong chứng từ của con khi con nói rằng các con là những người trẻ nam nữ “lớn lên trong một xã hội mỏng manh tha thiết mong có sự khôn ngoan”. Con sử dụng chữ “khôn ngoan” và khi dùng như thế, con đã cho chúng ta chiếc chìa khóa. Một khi các con bước trệch từ “lữ hành” qua “lang thang vô định”, mọi khôn ngoan đều mất đi! Điều hướng dẫn và điều hướng chúng ta đi theo nẻo đường đúng chính là khôn ngoan, một khôn ngoan phát sinh từ đức tin. Nó không phải là sự khôn ngoan giả tạo của thế gian này. Nó là sự khôn ngoan ta thấy trong đôi mắt cha mẹ ông bà ta, những người tín thác nơi Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta có thể thấy ánh sáng nhan Thiên Chúa trong mắt các ngài, ánh sáng mà các ngài vốn tìm thấy nơi Chúa Giêsu, Đấng chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (xem 1 Cr 1:24). Muốn nhận được sự khôn ngoan này, chúng ta phải nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh của ta, các vấn đề của ta, mọi chuyện, bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được sự khôn ngoan này khi bắt đầu nhìn sự vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, lắng nghe người khác bằng đôi tai của Thiên Chúa, yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa, và phán đoán sự việc bằng các giá trị của Thiên Chúa. 

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa này giúp chúng ta nhận ra và bác bỏ các hứa hẹn hạnh phúc giả tạo. Nền văn hóa nào đưa ra các hứa hẹn giả tạo này không có khả năng thực hiện chúng; nó chỉ dẫn tới việc lấy mình làm trung tâm, một điều chỉ đổ đầy lòng ta bóng tối và cay đắng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa giúp chúng ta biết cách cháo đón và chấp nhận những người hành động và suy nghĩ khác với chúng ta. Thật là buồn khi chúng ta bắt đầu tự khóa mình vào thế giới nhỏ nhoi của mình và chỉ biết nhìn vào trong mà thôi. Chúng ta sử dụng nguyên tắc “đường của tôi hay đường xa lộ”, và trở nên tù túng, tự khép kín. Khi một dân tộc, một tôn giáo hay một xã hội quay vào “thế giới nhỏ nhoi”, họ sẽ mất hết những điều đã có và sa vào não trạng tự công chính hóa “tôi tốt anh xấu”. Này Upasana, con đã nhấn mạnh các hậu quả của lối suy nghĩ vừa nói: “chúng con mất hướng và đi lạc” và “đời sống trở nên vô nghĩa đối với chúng con”. Đức khôn ngoan của Thiên Chúa mở lòng chúng ta cho người khác. Nó giúp chúng ta biết nhìn quá sự êm ái bản thân cũng như các an toàn giả tạo vốn khiến chúng ta ra đui mù đối với các lý tưởng vĩ đại vốn làm cho đời sống đẹp đẽ và đáng sống hơn.

Cha sung sước khi thấy, cùng với người Công Giáo, chúng ta còn có nhiều bạn hữu Hồi Giáo trẻ trung và nhiều người thuộc các bối cảnh tôn giáo khác. Khi họp nhau ở đây hôm nay, các con biểu lộ quyết tâm cổ vũ một môi trường hoà hợp, vươn tay ra với người khác, bất kể các dị biệt tôn gío của các con. Điều này nhắc cha nhớ lại một kinh nghiệm cha đã có tại Buenos Aires, trong một giáo xứ mới tọa lạc tại một khu vực cực kỳ nghèo đói. Một nhóm sinh viên đang dựng một số phòng cho giáo xứ và cha xứ mời cha tới để thăm viếng họ. Nên cha đi, và khi tới, cha chính xứ giới thiệu họ với cha, từng người một; ngài nói: “Đây là kiến trúc sư. Anh này theo Do Thái Giáo. Anh này Cộng Sản. Anh này Công Giáo thuần thành” (xem Diễn Văn với Các Sinh Viên, Havana, 20 thnág Chín, 2015). Các sinh viên này tất cả khác nhau, thế nhưng thẩy đều làm việc cho ích chung. Họ cởi mở đối với tình bằng hữu xã hội và quyết tâm nói không đối với bất cứ điều gì làm họ sao lãng khả năng đến với nhau và giúp đỡ nhau.

Đức khôn ngoan của Thiên Chúa cũng giúp chúng ta nhìn quá chúng ta để thấy sự tốt lành trong di sản văn hóa của chúng ta. Nền văn hóa của các con dạy các con biết kính trọng bậc cao niên. Như cha đã nói trước đây, người cao niên giúp chúng ta biết đánh giá tính liên tục của các thế hệ. Các ngài đem theo mình ký ức và sự khôn ngoan của trải nghiệm, những điều giúp chúng ta tránh lặp lại các sai lầm của quá khứ. Các vị cao niên có “đặc sủng lấp hố phân cách”, theo nghĩa các ngài bảo đảm để các giá trị quan trọng nhất được chuyển giao cho các con các cháu. Qua lời nói, tình yêu, tình âu yếm và sự hiện diện của các ngài, chúng ta hiểu ra rằng lịch sử không bắt đầu với chúng ta, nhưng chúng ta là thành phần của một “cuộc lữ hành” lâu đời và thực tại luôn lớn hơn chính chúng ta. Các con hãy tiếp tục nói với cha mẹ và ông bà của các con. Các con đừng phí cả một ngày trời để đùa dỡn với chiếc điện thoại của các con mà quên cả thế giới chung quanh các con!

Upasana và Anthony ạ, các con kết thúc chứng từ của các con bằng một biểu thức nói lên niềm hy vọng. Đức khôn ngoan của Thiên Chúa củng cố niềm hy vọng trong chúng ta và giúp chúng ta đương đầu với tương lai một cách can đảm. Người Kitô hữu chúng ta tìm được sự khôn ngoan này trong cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu trong cầu nguyện và các bí tích, và trong cuộc gặp gỡ cụ thể của chúng ta với Chúa nơi người nghèo, người bệnh, người đau khổ và người bị bỏ rơi. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra sự liên đới của Thiên Chúa, Đấng luôn đi bên cạnh chúng ta.

Người trẻ thân mến, khi nhìn vào gương mặt các con, Cha tràn đầy niềm vui và hy vọng: vui và hy vọng vì các con, vì đất nước các con, vì Giáo Hội, và vì các cộng đồng của các con. Xin đức khôn ngoan của Thiên Chúa tiếp tục linh hứng các cố gắng lớn lên trong tình yêu thương, tình huynh đệ, và sự tốt lành của các con. Hôm nay, khi rời khỏi đất nước của các con, cha cam đoan cầu nguyện để mọi người các con tiếp tục lớn lên trong tnìh yêu Chúa và người lân cận. Và xin các con đừng quên cầu nguyện cho cha!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Bangladesh! Isshór Bangladeshké ashirbád korún!

Vũ Văn An chuyển ngữ

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm