ĐTC Phanxicô: 'Phá thai không bao giờ là câu trả lời'

Chúa Nhật, 26-05-2019 | 11:03:57

“Tuy nhiên, Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này quả là hết sức rõ ràng: sự sống của con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và việc sử dụng chẩn đoán trước sinh cho các mục đích chọn lọc cần phải bị lên án và phản đối một cách mạnh mẽ bởi vì đó chính là biểu hiện của não trạng ủng hộ thuyết ưu sinh vô nhân đạo, vốn loại bỏ khả năng của các gia đình để đón nhận, đón lấy và yêu thương những đứa con yếu đuối nhất của họ”, ĐTC Phanxicô nói.

 Pope_Francis_at_the_General_Audience_April_20_2016_Credit_Daniel_Ibanez_CNA

Hôm thứ Bảy 25/5, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng phá thai không bao giờ là câu trả lời cho các chẩn đoán trước sinh đầy gay go, đồng thời gọi việc phá thai có chọn lọc đối với người khuyết tật là “biểu hiện của não trạng ủng hộ thyết ưu sinh vô nhân đạo”.

“Sự sợ hãi và thù địch đối với những người khuyết tật thường dẫn đến sự lựa chọn phá thai, định hình nó như là một thực hành của ‘sự phòng ngừa’”, ĐTC Phanxicô chia sẻ hôm 25 tháng 5.

“Tuy nhiên, Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này quả là hết sức rõ ràng: sự sống của con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và việc sử dụng chẩn đoán trước sinh cho các mục đích chọn lọc cần phải bị lên án và phản đối một cách mạnh mẽ bởi vì đó chính là biểu hiện của não trạng ủng hộ thuyết ưu sinh vô nhân đạo, vốn loại bỏ khả năng của các gia đình để đón nhận, đón lấy và yêu thương những đứa con yếu đuối nhất của họ”, ĐTC Phanxicô nói.

ĐTC Phanxicô đã phát biểu tại một hội nghị của Vatican về viện an dưỡng cuối đời làm nổi bật sự chăm sóc y tế vốn hỗ trợ các gia đình đã nhận được chẩn đoán trước sinh cho thấy em bé của họ có thể sẽ chết trước hoặc ngay sau khi sinh.

“Yes to Life: Chăm sóc món quà quý giá của sự sống trong sự yếu đuối của nó”, một hội nghị được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống từ ngày 23-25 tháng 5 đã quy tụ các chuyên gia y tế, các nhà đạo đức sinh học, các nhà cung cấp dịch vụ và các gia đình đến từ 70 quốc gia để thảo luận về cách thức tốt nhất để cung cấp sự hỗ trợ về mặt y tế, tâm lý và cảm xúc cho các phụ huynh đang mong đợi đứa con của mình bị mắc phải những chứng bệnh giới hạn cuộc sống.

“Đôi khi người ta hỏi tôi, viện an dưỡng cuối đời trông như thế nào? Và tôi trả lời, ‘Nó trông giống như một nơi đầy ắp tình yêu thương’”, tác giả và bà mẹ trẻ Amy Kuebelbeck chia sẻ tại hội nghị.

Kuelbeck mang thai 25 tuần khi chị nhận được chẩn đoán rằng đứa con trai chưa chào đời của chị mắc khuyết tật ở tim không thể chữa được. Chị mang thai cho đến hết thai kỳ và đã trải qua hơn 2 giờ đồng hồ với cậu con trai Gabriel của mình, trước khi cậu bé qua đời sau khi sinh.

“Đó chính là một trong những trải nghiệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi”, chị Kuelbeck chia sẻ. Chị đã viết một cuốn hồi ký về trải nghiệm của sự đau buồn, mất mát và tình yêu thương của mình có tên là “Chờ đợi với Gabriel: Câu chuyện về sự trân trọng sự sống ngắn ngủi của một em bé”.

“Tôi biết rằng một số người cho rằng việc tiếp tục mang thai với việc đứa bé sẽ chết thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nó không phải là không có ý nghĩa gì. Cha mẹ có thể chờ đợi đứa con của mình, bảo vệ và yêu thương đứa con của mình miễn là đứa bé đó có thể sống. Họ có thể cho đứa bé đó một cuộc sống bình yên – và một lời tạm biệt yên bình. Đó không phải là không có ý nghĩa gì. Đó chính là một món quà”, Kuelbeck viết trong cuốn “Chờ đợi với Gabriel”.

Tiến sĩ Byron Calhoun, một giáo sư y khoa sản phụ khoa, người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “viện an dưỡng cuối đời” (perinatal hospice), đã phát biểu tại hội nghị. Nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng việc cho phép cha mẹ của những đứa trẻ sơ sinh được chẩn đoán trước sinh gia đoạn cuối cùng có cơ hội được làm cha mẹ có thể dẫn đến ít đau khổ hơn cho người mẹ so với việc chấm dứt thai kỳ.

Nhiều gia đình phải đối mặt với các chẩn đoán này phải quyết định xem liệu họ sẽ tìm kiếm sự chăm sóc y tế đặc biệt hoặc không tương xứng cho con của họ sau khi sinh.

Theo sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, “Việc làm gián đoạn các thủ tục y tế vốn nặng nề, nguy hiểm, dị thường hoặc không tương xứng với kết quả mong đợi có thể là hợp pháp; đó là sự từ chối đối với việc điều trị ‘quá tích cực’. Ở đây người ta sẽ không gây ra cái chết; sự bất lực của một người để làm cản trở nó thì đơn thuần được chấp nhận”.

Các cơ sở như Alexandra’s House, một viện an dưỡng cuối đời ở Kansas City, cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ cho các bậc cha mẹ khi họ phải đối mặt với những quyết định y tế đầy khó khăn này. Họ cũng kết nối các gia đình với một mạng lưới bao gồm các bậc cha mẹ khác đã nhận được chẩn đoán trước sinh giai đoạn cuối. “Hầu hết các gia đình đều giữ liên lạc một cách vô thời hạn”, theo MaryCarroll Sullivan, một y tá và cố vấn về đạo đức sinh học.

Hiện tại có hơn 300 bệnh viện, viện an dưỡng cuối đời và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ chu sinh trên toàn thế giới.

Nữ tu Giustina Olha Holubets, một nhà di truyền học tại Đại học Lviv, đã giúp thành lập ““Imprint of Life” (Dấu ấn của Sự sống) , một trung tâm chăm sóc giảm nhẹ chu sinh ở Ukraine vốn cung cấp sự đồng hành, kế hoạch sinh cá nhân, ban Bí tích Rửa tội và thực hiện việc chôn cất, cũng như lưu lại các bức ảnh, dấu chân và những sách lưu lại những kỉ niệm để giúp các gia đình trân trọng những khoảnh khắc ngắn ngủi của họ với những đứa con của mình.

Phương châm của Trung tâm “Imprint of Life” đó chính là “Tôi không thể kéo dài thời gian sống của bạn, nhưng tôi có thể làm cho khoảng thời gian ngắn ngủi ấy trở nên có ý nghĩa hơn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Nữ tu Giustina và các nhà cung cấp dịch vụ tế bần chu sinh khác tại Điện Tông Tòa tại Vatican vào ngày cuối cùng của hội nghị.

ĐTC Phanxicô đã cảm ơn họ vì đã tạo ra “các mạng lưới của tình yêu thương” mà các cặp vợ chồng có thể đón nhận sự đồng hành với những khó khăn thực tế, con người và tinh thần không thể phủ nhận mà họ phải đối mặt.

“Lời chứng về tình yêu của anh chị em chính là một món quà cho thế giới”, ĐTC Phanxicô nói.

“Việc chăm sóc những đứa trẻ này giúp cho các bậc cha mẹ thương tiếc và nghĩ về điều này không chỉ như là một sự mất mát, mà còn là một bước đi trong một cuộc hành trình cùng nhau. Đứa trẻ đó sẽ ở lại trong cuộc sống của họ mãi mãi và họ sẽ có thể yêu thương nó”, ĐTC Phanxicô nói.

“Một vài giờ mà một người mẹ có thể ru con mình có thể để lại một dấu ấn trong trái tim người phụ nữ mà cô ấy sẽ không bao giờ quên”, ĐTC Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Tags: