Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Việt Nam năm 1798

Thứ Ba, 08-08-2017 | 18:20:20

Thánh tượng Đức Mẹ La Vang tại Trung tâm Hành Hương Toàn Quốc – La Vang, Quảng Trị.


Đức tin Công Giáo đến Việt Nam từ năm 1533. Tín hữu Công Giáo Việt Nam phải chịu đựng bao lần bách hại ác nghiệt kéo dài 300 năm, từ năm 1644 (thế kỷ 17) đến năm 1885 (thế kỷ 19), hàng trăm ngàn tín hữu, trong đó 200 linh mục (150 vị quốc tịch Việt Nam), 340 thầy giảng, 270 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, đã kiên dũng hiên ngang hy sinh mạng sống tuyên xưng đức tin, và 3000 họ đạo bị tàn phá. Trong khi con cái Công Giáo Việt Nam của Mẹ Maria anh dũng chịu đau khổ triền miên, Mẹ Maria đã cùng với Chúa Hài Đồng hiện ra tại La Vang để an ủi, ban ơn vững đức tin, và hứa ban mọi ơn lành hồn xác cho con cái Mẹ, mà một vài điểm lịch sử sơ lược sau đây.

La Vang nguyên gốc là Phường Lá Vằng, như được ghi trong địa bạ làng Cổ Vưu thiết lập thời Lê Triều. Cổ Vưu là một họ đạo thuộc giáo xứ Đinh Cát. Giáo xứ Đinh Cát được thành lập vào thế kỷ 17, nay đổi tiên là Trí Bưu, gần thị xã Quảng Trị.

Theo sử liệu, đồng bào lương giáo tại Cổ Vưu mưu sinh bằng nghề đi rừng (lấy gỗ, bẫy dã thú) và nghề nông. Để tăng gia diện tích canh tác, đồng bào Cổ Vưu phá một khu rừng để trồng khoai sắn và cấy lúa. Diện tích canh tác và hoa mầu gia tăng, một số người dựng lều tại khu tân khai này để coi hoa mầu khỏi bị thú rừng phá hoại. Khi diện tích khẩn hoang canh tác và người tới ngụ tại đó tăng thêm nhiều, dân cư xin đăng bộ nhập hộ, lập phường, mà vì tại đây có nhiều cây lá vằng, nên lấy tên là Phường Lá Vằng, sau đổi là La Vang.

Thánh tượng Đức Mẹ La Vangtại Trung tâm Hành Hương Toàn Quốc – La Vang, Quảng Trị.


Theo nhiều tác phẩm về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang thì năm 1798, cao điểm của biến cố hãi hùng đến với các tín hữu Công Giáo, nhiều người Công Giáo từ Cổ Vưu, Thạch Hãn, v.v. chạy vào ẩn ở La Vang, vì La Vang ở sâu trong rừng xanh núi hiểm. Trong khi lánh nạn, tối đến bà con tụ nhau cầu nguyện Kinh Mân Côi. Một lần đang khi cầu nguyện Kinh Mân Côi, những người hiện diện bất chợt thấy trong hào quang rực rỡ một Vị Phụ Nữ đẹp tuyệt vời, mặc áo choàng, hiện ra gần một đại thụ. Các Kitô hữu tại đây nhận ra Vị Phụ Nữ này là Đức Mẹ Maria vì Người bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn tháp tùng. Đức Mẹ an ủi những người hiện diện và dạy họ bẻ lá cây quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ cũng hứa bất cứ ai tới cầu nguyện tại đây sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù hộ. Đức Mẹ hiện ra với các tín hữu tại đây nhiều lần trong thời gian này. Đồng bào đến ở La Vang ngày càng đông, và vào những lúc vua quan nới rộng việc bắt đạo, bà con đã dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ tại nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Tiếc rằng sử liệu về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang không được ghi chép đầy đủ, mà hầu hết là truyền khẩu, mãi về sau mới có những vị biết sự tích kể lại dưới hình thức những bài vãn (ca bình dân). Duới đây là bài Vãn La Vang trong tác phẩm Linh Địa La Vang của linh mục Xintanilaô Nguyễn Văn Ngọc:

“Trời sinh cái chốn lạ lùng.
Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.
Truyền rằng: có một cây đa,
Mọc trên núi nọ gọi là La Vang.
Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn này linh ứng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng giữa làng La Vang. …”

Những người địa phương đi làm rừng thường hay tới van vái tại cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra) ở Phường La Vang. Về sau họ nghe nói có Bà Linh Thiêng hiện ra tại đây, nên ba làng chung nhau đắp một cái nền vọng dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt, họ dựng mái chùa tranh tại đây, nhưng không ổn, và phải nhượng lại cho giáo dân La Vang. Vì thế trong Vãn La Vang có đoạn:

“Bên lương chức dịch rộn ràng.
Đắp nền thờ vọng rào hàng xơ ly.
Chốn này linh ứng oai nghi.
Ngoại mình khấn vái điều gì cũng linh.
Dân thôn chớ khá nại tình.
Công lao khó nhọc thần linh phù trì.
Qua đây thì phải kiêng vì.
Chốn này linh ứng nhiều khi lạ lùng.
Những ai vào chốn sơn trung,
Hễ khi đến đó nguyện cùng được an.
Những người mót củi đốt than,
Cũng đều đến đó kêu van khẩn nài.”

“Dân ta chớ khá công nài.
Bứt tranh đốn củi để mai làm chùa.
Làm rồi khi ấy đi mua
Hương đèn lễ vật dọn chùa sửa sang.
Dọn ra Thần Phật hai hàng,
Lư hương bát nước nghiêm trang đề huề.
Làm rồi chức dịch mới về.
Nhơn dân lao khổ ê hề bấy lâu.
Về nhà nghỉ giấc canh thâu.
Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.
Trên chùa Thần Phật rộn ràng.
Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.
Rằng Phật rằng Thần lao đao.
Có “Bà bên đạo” phép cao lạ lùng.
Bà vào Bà đánh tứ tung.
Bao nhiêu Thần Phật đều tung ra ngoài.
Tiếng Bà thật đã linh oai.
Lư hương bát nước đền đài đều hư.
Chức làng thức dậy lao lư.
Hỏi nhau coi thử cũng như một điềm.
Sáng mai chức việc đi liền.
Kêu nhau coi thử sự thiềng làm sao.
Xét coi trong việc chiêm bao.
Hoặc hư hoặc thiệt thể nào cho yên.
Kéo nhau mới tới ngoài viên.
Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.
Kêu nhau khi ấy rộn ràng.
Kẻ khiêng người vác về làng cho mau.
Tưởng rằng Thần thánh linh mầu.
Đem về cúng tế bấy lâu nay tròn
Không hay Phật giả yên ngôn.

Tiếc vàng quang thiếp, tiếc son, tiếc dầu.
Linh Bà người hóa phép mầu.
Thôi thôi ta phải chạy mau về làng.
Cùng nhau bàn bạc rộn ràng.
Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn.
Rỡ đi thì sợ người hờn.
Phá không dám phá thiệt hơn thế nào.
Tiếc công dân sự lao đao.
Ăn làm ba tháng lại hao của tiền.
Bây giờ Phật ở không yên.
Lo làm nơi khác tiêu miền xứ xa.”

Sau biến cố lạ lùng trên, các chức dịch sắc hào cả ba làng đồng thuận nhượng cúng đám đất và ngôi chùa tranh mới làm cho bên Công Giáo.

***

Tài liệu theo đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn (giáo phận Bùi Chu) nói về biến cố tử đạo tại La Vang:

“Ngày 7 tháng 9 năm 1885, đoàn người theo đảng Văn Thân tàn sát và thiêu hủy nhà cửa các tín hữu Công Giáo họ Cổ Vưu. Ngày hôm sau, tức 8 tháng 9, 1885, họ kéo vào La Vang, nhưng dân cư đã chạy trốn lên núi, họ vơ vét tài sản, rồi phóng hỏa đốt hết nhà cửa, nhưng không dám đốt nhà thờ Đức Mẹ, vì họ nghe tiếng Đức Mẹ linh thiêng. Trưa ngày 9 tháng 9, 1885, một người theo đảng Văn Thân, tên Thơ, con ông Mẹo, thuộc xóm Bốc, làng Phú Long, đến La Vang. Y thấy nhà cửa của các tín hữu đã bị thiêu rụi, nhưng nhà thờ Đức Mẹ còn nguyên vẹn, y liền phóng hỏa đốt rồi bỏ đi.Nhưng không hiểu lý do gì, chiều hôm đó, nhóm Văn Thân, đã tàn sát giáo dân tại Cổ Vưu và đốt nhà cửa các tín hữu tại La Vang, kéo đến bao vây nhà ông Mẹo và đốt hết cả gia trang. Ông Mẹo, tên Thơ và vợ con y đều bị chết thiêu.”

“Ngày 12 tháng 9 năm 1885, một số giáo dân La Vang từ núi trở về, chẳng may ba mươi người bị quân Văn Thân chận bắt và thiêu sát. Trong số này, có ông tên Thoàn đứng ra xin đặc ân là được chết trên nền nhà thờ Đức Mẹ (nhà thờ đã bị đốt), quân Văn Thân thuận cho. Ông Thoàn và hai mươi chín bạn đồng đạo bị trói thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Về sau, một số giáo dân La Vang kể lại rằng ít ngày sau khi nhà thờ Đức Mẹ LaVang bị đốt, các giáo dân ẩn trên núi gần đó thấy ban đêm tại nền nhà thờ đèn sáng trưng và nghe tiếng người cầu kinh. Nhà thờ bị đốt, nhưng bàn thờ và mấy chân đèn bằng gỗ chỉ cháy sém thôi.”

“Cuộc bách đạo chấm dứt. Giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ, và nhiều lần trùng tu. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, thánh đường Đức Mẹ La Vang được Tòa Thánh nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Tại thánh đường Đức Mẹ La Vang, ngày 22 tháng 8 năm 1961, đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, tổng giáo phận Huế, sau khi tuyên đọc Sắc Lệnh của Tòa Thánh nâng thánh đường Đức Mẹ La Vang lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, ngài tuyên bố: ‘Kể từ nay, Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.’”

Ngược dòng lịch sử, năm 1901, đức cha Lộc (Gaspar) đã ấn định: Bổn Mạng của thánh đường La Vang là Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. Chúng ta nhớ năm 1571, Đức Piô V lập lễ kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 24 tháng 5 hằng năm, và thêm vào Kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, (xin cầu cho chúng con)”.

Nhiều mẫu tượng ảnh Đức Mẹ La Vang được nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác, nhưng năm 1991, giáo quyền Việt Nam đã chính thức chọn hình tượng Đức Mẹ đứng trên mây, hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên trái cầu; Đức Mẹ mặc áo gấm thêu, phảng phất mầu sắc Á Đông. Về sau, nhiều điêu khắc gia và họa sĩ sáng tác tượng và ảnh Đức Mẹ La Vang hoàn toàn Việt Nam, Đức Mẹ mặc y phục Việt Nam, có khăn choàng đầu và trên đầu có vương miện, đang bồng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ mang hài mũi cong và đứng trên trái cầu.

Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi (thanhlinh.net)

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm