Đức Thánh Cha Phanxicô: Lột mặt nạ cái "thương cảm giả tạo" về phá thai và trợ tử.

Chúa Nhật, 19-03-2017 | 23:23:59

Đức Thánh Cha đã cảnh giác các bác sĩ chống lại “thương cảm giả tạo” cho rằng “ủng hộ phá thai chính là giúp cho người phụ nữ, và trợ tử là một cử chỉ trang nghiêm, rằng “sản xuất” một đứa nhỏ được coi như một quyền thay vì phải đón nhận nó như một quà tặng, là một kỳ công của khoa học”.

“Lòng thương cảm Phúc Âm, trái lại, chính là sự tháp tùng những lúc cần thiết, là lòng thương cảm của Người Samari Nhân Lành, là người đã nhìn thấy, đã lại gần và cống hiến một sự giúp đỡ cụ thể”, ngài giải thích.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hội các bác sĩ công giáo Ý, trong hội trường Phaolô VI, hôm thứ Bẩy, 15/11/2014 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập hội.

Sau đây là bản dịch toàn văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha:


Kính chào anh chị em,

Xin cảm ơn sự hiện diện và cũng cảm ơn những lời chúc mừng của quý vị : Cầu mong Chúa ban cho tôi sức khỏe ! Nhưng chuyện này cũng còn tùy các vị bác sĩ, cầu mong quý vị giúp đỡ Chúa ! Tôi muốn đặc biệt chào mừng vị Phụ Tá giáo quyền, Đức Cha Edoardo menichelli, Đức Hồng Y [Dionigi] Tettamanzi, là người phụ tá đầu tiên của quý vị, và cũng gửi một suy nghĩ đặc biệt tới Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini, người đã chăm sóc đời sống của hội trong hàng chục năm qua, hôm nay ngài đang lâm trọng bệnh và đã phải nhập viện. Tôi cũng cảm ơn ông chủ tịch vì những lời chúc tốt đẹp dành cho tôi, cảm ơn.

Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, ngày hôm nay, không còn nghi ngờ gì nữa những khả năng chữa trị đã gia tăng đáng kể; tuy nhiên, dưới nhiều khía cạnh, khả năng “chăm sóc” con người, nhất là khi con người đau đớn, yếu đuối và không được bảo vệ, có vẻ sút giảm. Quả vậy, những tiến bộ của khoa học và y tế có thể đóng góp vào việc cải thiện đời sống con người, nhưng với điều kiện đừng đi xa với gốc rễ đạo đức đặc trưng của các môn học này. Vì lý do đó, quý vị, các bác sĩ công giáo, quý vị nỗ lực sống nghề nghiệp của quý vị như một sứ vụ nhân bản và thiêng liêng, giống như một tông vụ đích thực.

Sự chú ý đến sự sống con người, đặc biệt những người đang chịu đựng những khó khăn nhiều nhất, nói cách khác, là những người bệnh hoạn, cao tuổi, trẻ em, đều liên quan đến sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được gọi vào cuộc thảo luận có mục đích là đời sống con người, để trình bầy lập trường cơ hữu của mình, xây dựng trên Phúc Âm. Ở nhiều nơi, phẩm chất sự sống gắn liền với các điều kiện kinh tế, với “đời sống thoải mái”, với cái đẹp và với những thú vui của đời sống vật chất, quên đi những chiều kích khác sâu sắc hơn như : quan hệ, thiêng liêng và tôn giáo, của đời sống. Thực chất, dưới ánh sáng đức tin, và một lý tính chính đáng, sự sống con người luôn luôn là thiêng liêng và luôn luôn là “hảo hạng”. Không có sự sống nào thiêng liêng hơn sự sống nào : tất cả mọi sự sống đều thiêng liêng ! Cũng như là không có cuộc sống của một con người nào trên mặt phẩm chất lại có ý nghĩa hơn cuộc sống của một người khác, chỉ vì có các phương tiện, các quyền, các cơ hội kinh tế và xã hội quan trọng hơn người đó.

Đó chính là điều mà quý vị, các bác sĩ công giáo, quý vị phải tìm cách khẳng định trước tiên trong thái độ nghề nghiệp của quý vị. Quý vị hành động làm chứng bằng lời nói và gương sáng rằng sự sống con người luôn là thiêng liêng, có giá trị và bất khả xâm phạm, và như thế, sự sống phải được quý mến, bảo vệ và chăm sóc. Thái độ nghề nghiệp này vốn là biểu trưng của quý vị, được phong phú hóa bởi một tinh thần đức tin, là một lý do thêm nữa để cộng tác với những người – dù không có cùng viễn cảnh tôn giáo hay cùng đường hướng tư tưởng – cũng công nhận phẩm giá con người như tiêu chuẩn trong các hoạt động của họ. Quả vậy, lời thề Hippocrate ràng buộc quý vị luôn là những người phục vụ sự sống, Phúc Âm thúc đẩy quý vị đi xa hơn : đến chỗ luôn luôn yêu quý sự sống và trong mọi lúc, nhất là khi sự sống này cần đến sự quan tâm và săn sóc. Trong 70 năm hoạt động khả kính, các thành viên của quý hội đã thực hành như thế. Tôi nhắn nhủ quý vị hãy tiếp tục những mục đích theo điều lệ của quý vị, trên mặt y khoa và luân lý, bao gồm cả giáo dục của huấn quyền Giáo Hội.

Tư tưởng nổi trội đôi khi đưa ra một “sự thương cảm giả tạo” : thương cảm đánh giá phá thai là giúp đỡ phụ nữ, và trợ tử là một cử chỉ phẩm cách, “làm ra” một đứa trẻ được coi như một quyền thay vì phải đón nhận nó như một quà tặng, là một sự tiến bộ khoa học; cũng như sử dụng sự sống con người như là những con vật thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm, với lý do là để cứu những người khác. Trái lại, lòng thương cảm theo Phúc Âm chính là tháp tùng trong lúc cần thiết, chính là lòng thương cảm của Người Samari Nhân Lành, là người đã “nhìn thấy”, đã “thương cảm”, đã tới gần và hiến tặng một sự giúp đỡ cụ thể (x. Lc 10, 33). Sứ mạng bác sĩ đặt quý vị, hàng ngày tiếp xúc với biết bao hình thức đau đớn : tôi khuyến khích quý vị hãy chăm sóc những nỗi đau này như “người Samari Nhân Lành”, đặc biệt lưu tâm đến những người già, những người bệnh hoạn và tàn tật. Trung thành với Phúc Âm đời sống và với sự tôn trọng sự sống như một quà tặng của Thiên Chúa, đôi khi đòi hỏi những sự lựa chọn can đảm và ngược dòng, có khả năng, trong một số trường hợp đặc biệt, đi đến sự từ chối vì lương tâm. Với tất cả những hậu quả xã hội mà sự trung thành này chứa đựng. Chúng ta đang sống trong một thời đại thí nghiệm với sự sống. Nhưng chúng ta thí nghiệm sai rồi. Như tôi nói với quý vị, làm ra một đứa bé thay vì đón nhận nó như một quà tặng. Chơi đùa với sự sống. Cẩn thận, đó là một tội chống lại Đấng Tạo Hóa : chống lại Thiên Chúa Tạo Dựng, là Đấng đã tạo nên mọi sự như vậy. Biết bao lần, trong cuộc đời linh mục của tôi, tôi đã nghe những lời phản đối như : “Xin Cha cho biết, tại sao Giáo Hội lại chống phá thai chẳng hạn ? Đó có phải là một vấn đề tôn giáo không ?” – “Không, không, đây không phải là một vấn đề tôn giáo” – “Thế có phải là một vấn đề triết lý không ?” – “Không, không, không phải là một vấn đề triết lý”. Đây là một vấn đề khoa học, bởi vì chính là liên quan đến sự sống con người và người ta không thể giết đi sự sống con người để giải quyết một vấn đề. “Nhưng, không, tư tưởng hiện đại…” – “Hãy nghe đây, dù trong tư tưởng cổ đại cũng như tư tưởng hiện đại thì từ giết cũng vẫn có cùng một nghĩa !”. Và điều này cũng có giá trị với trợ tử : tất cả chúng ta đều biết rằng, trong cái văn hóa thải loại này, biết bao người già đã là nạn nhân của một sự trợ tử trá hình. Nhưng cũng có cái khác [cái trợ tử được công khai]. Cũng như là thưa với Thiên Chúa rằng : “Không, chấm dứt cuộc đời, chính tôi sẽ làm theo ý tôi muốn”. Một tội lỗi chống lại Thiên Chúa Tạo Dựng. Xin quý vị hãy suy nghĩ điều này.

Tôi cầu chúc rằng 70 năm sống của quý hội có thể kích thích mở ra một con đường gia tăng và trưởng thành khác. Ước gì quý vị hợp tác với tất cả những người và những cơ chế chia sẻ với quý vị lòng yêu quý sự sống và tận dụng sức mình để phục vụ sự sống trong phẩm giá, tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của nó. Thánh Camille de Lellis, khi đề nghị phương pháp hữu hiệu nhất của ngài để săn sóc một người bệnh, đã chỉ đơn giản nói rằng : “Hãy đặt để thêm trái tim trong hai bàn tay này”. Quý vị hãy đặt để thêm trái tim vào hai bàn tay này. Đó cũng chính là lời cầu chúc của tôi. Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria Cứu chữa kẻ liệt kẻ khốn, nâng đỡ các thiện chí mà quý vị có trong lúc tiếp tục hoạt động của quý vị. Tôi xin quý vị vui lòng cầu nguyện cho tôi và với tất cả tấm lòng, tôn ban phép lành cho quý vị. Cảm ơn.


Bản dịch tiếng Pháp của Zenit

Bản dịch tiếng Việt của Mạc Khải

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm