Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Nếu không có Bí tích Thánh Thể, tất cả những điều Giáo Hội làm đều trở nên vô ích’

Thứ Bảy, 21-04-2018 | 12:51:46

Trong chuyến viếng thăm diễn ra trong ngày ngắn ngủi tới hai thành phố nhỏ của Ý, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến tính trọng tâm của Bí Tích Thánh Thể đối với đời sống cũng như mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có tình yêu và sự tự hiến của Đức Kitô, tất cả mọi thứ được thực hiện sẽ nên vô ích, bởi vì tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đều là vì người khác.

ĐTC Phanxicô đã chia sẻ như vậy trong Thánh lễ tại thị trấn Molfetta của Ý

“Bí tích Thánh Thể không những là một nghi thức tuyệt vời, nhưng đó là một sự kết hiệp mật thiết nhất, cụ thể nhất, đó chính là một sự hiệp thông đáng ngạc nhiên nhất mà người ta có thể tưởng tượng với Thiên Chúa: một sự hiệp thông của tình yêu hiện thực đến mức nó mang hình thức của một bữa tiệc”, ĐTC Phanxicô chia sẻ hôm 20 tháng 4.

Đời sống của người Kitô hữu lại bắt đầu lại nơi mỗi Thánh Lễ, “nơi mà Thiên Chúa làm cho chúng ta được no thỏa yêu thương. Nếu không có Ngài, bánh ban sự sống, mọi nỗ lực của Giáo Hội đều trở nên vô ích”, ĐTC Phanxicô nói, và đồng thời trích dẫn lời của Đức cố Giám mục Tonino Bello: “các công việc bác ái là chưa đủ, trừ khi những công việc đó được thực hiện với tinh thần bác ái”.

“Nếu thiếu tình yêu nơi những người làm những công việc đó, nếu thiếu điểm xuất phát, vốn chính là Bí Tích Thánh Thể, thì mọi cam kết mục vụ chỉ là một cơn lốc của mọi thứ” chứ không phải là một hành động phục vụ.

ĐTC Phanxicô đã chia sẻ như vậy trong Thánh lễ tại thị trấn Molfetta của Ý. ĐTC Phanxicô đã đến thành phố sau khi thực hiện chuyến viếng thăm ngắn ngủi tới Alessano như một phần trong chuyến viếng thăm kéo dài nửa ngày nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của Đức Giám Mục Antonio Bello, được gọi là “Don Tonino”, một Giám mục người Ý mà án phong Thánh đã được mở vào năm 2007.

Trong bài giảng của mình, ĐTC Phanxicô chia sẻ rằng bất cứ ai lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đều được mặc lấy diện mạo và tinh thần của Thiên Chúa, Đấng chính là bánh ban sự sống đã được bẻ ra cho chúng ta. Và bánh này, ĐTC Phanxicô nói, không “tăng lên với sự kiêu ngạo”, nhưng được trao ban cho người khác.

Những ai lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, ĐTC Phanxicô nói, “không còn sống cho chính mình, cho sự thành công của chính mình, để có được một điều gì đó hoặc trở thành một ai đó, nhưng họ sống cho Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu, Đấng hiến mình vì tha nhân”.

Trích dẫn lời của Đức Giám mục Bello, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Bí tích Thánh Thể “không ủng hộ một cuộc sống tĩnh tại”. Ngài mời gọi những người hiện diện tự hỏi mình về việc họ rời khỏi mỗi Thánh lễ thế nào và về việc liệu họ có bước ra bên ngoài như là “những con người của sự hiệp thông” hay không.

Sau đó, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Chúa, mà Ngài cho biết là yếu tố thứ hai có thể được trích từ bài Phúc Âm trong ngày theo Thánh Gioan, mà trong đó những người Do Thái tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” sau khi Chúa Giêsu nói về việc phải ăn thịt Ngài để có được sự sống đời đời.

“Nhiều khi chúng ta cũng đã hỏi như vậy”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời lưu ý rằng một số người có thể hỏi: “Tin Mừng có thể giải quyết những vấn đề của thế giới như thế nào? Phải tận dụng Tin Mừng như thế nào giữa bối cảnh của những sự dữ như vậy?”.

Khi làm như vậy, “chúng ta cũng mắc phải lỗi của những người đó, những người đã bị làm cho tê liệt khi tranh luận về những lời của Chúa Giêsu, hơn là sẵn sàng đón nhận việc hoán cải đời sống mà Chúa Giêsu đã mời gọi”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời Ngài cũng nhấn mạnh thêm rằng những người này không hiểu được rằng những lời của Chúa Giêsu chính là con đường dẫn đến sự sống.

Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô nói, “không phản ứng lại theo như những sự tính toán của chúng ta và sự thích hợp của thời điểm này, nhưng với việc ‘xin vâng’ bằng toàn bộ cuộc sống của mình. Ngài không tìm kiếm sự phản chiếu của chúng ta, nhưng là sự hoán cải của chúng ta”.

Đề cập đến sự hoán cải của Saolô, người mà sau này trở thành Thánh Phaolô, ĐTC Phanxicô đã ghi nhận việc khi Saolô bị ngã ngựa, ông được truyền phải trỗi dậy, đi vào thành và làm những điều mà ông được truyền dạy.

“Điều đầu tiên cần tránh đó là việc đứng yên một chỗ” hoặc “để cho sự sợ hãi đeo bám”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng một môn đệ thực sự của Chúa Giêsu “không thể chỉ đơn giản là đạt được những sự thỏa mãn nhỏ nhặt”, nhưng phải luôn luôn đứng dậy và hướng về phía trước.

Và, cũng như Saolô đã được truyền phải đi vào thành, mỗi Kitô hữu cũng được truyền phải ra đi, chứ không phải là “khép mình trong không gian chắc chắn của mình. Quả thực hết sức mạo hiểm!”, ĐTC Phanxicô nói.

Đời sống Kitô hữu “cần phải được đặt vào Chúa Giêsu và dành cho người khác”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời Ngài cho biết thêm rằng một người môn đệ không thể đứng yên một chỗ sau khi Chúa Giêsu phục sinh, nhưng phải “ra đi, bất kể những vấn đề cũng như những sự bất ổn”.

“Tất cả chúng ta đều được mời gọi, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta tự nhận thấy mình, để trở thành những người mang niềm hy vọng vượt qua” và trở thành “những đầy tớ của thế giới, nhưng đã được tái sinh, chứ không phải được thuê mướn”. Không bao giờ phàn nàn, không bao giờ tự từ bỏ niềm hy vọng”.

“Thật tuyệt vời khi trở thành những người chuyển giao niềm hy vọng, những người phân phát niềm vui Phục sinh đầy tinh thần đơn sơ và hân hoan”, ĐTC Phanxicô nói. Ngài kết thúc bài giảng của mình bằng lời cầu nguyện rằng Lời Chúa sẽ giải thoát các Kitô hữu và giúp họ trỗi dậy và tiến về phía trước với lòng dũng cảm và tinh thần khiêm tốn.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Tags: ,

Có thể bạn quan tâm