Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: xuất phát từ Crete?

Chúa Nhật, 09-04-2017 | 19:09:56

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lẽ đã được vẽ trên đảo Crete vào cuối thế kỷ 15. Crete là một trường phái phát triển rực rỡ và bức linh ảnh của chúng ta là một minh chứng cho điều đó.

Tương truyền, linh ảnh Đức Mẹ hằng Cứu Giúp một thương gia người Ý đánh cắp từ một nhà thờ trên đảo Crete và mang đến Rôma. Sau nhiều nỗ lực che giấu, bức linh ảnh đã được trao lại cho nhà thờ Thánh Matthêu, ở chỗ bây giờ là đường Via Merulana. Đây cũng là nơi là trưng bày bức linh ảnh cho các tín hữu tôn kính. Mặc dù không thể xác định rõ ràng mọi chi tiết liên quan đến nguồn gốc của bức linh ảnh, có thể nói xuất xứ từ Crete là một thông tin xác thực.

Linh ảnh được sáng tạo tại Crete

Từ năm 1212 đến năm 1669, Crete nằm dưới sự cai trị của Venice – một nước cộng hòa thương mại thịnh vượng. Dân chúng nơi đây theo nghi điển Byzantine hoặc theo Giáo hội Chính thống, trong khi Venice là một quốc gia theo Công giáo Latinh. Hòn đảo này phát triển thịnh vượng dưới sự cai trị của người Venice. Giống như những nơi khác ở nước Ý thời trung cổ, các nghệ sĩ ở Venice nhận được sự bảo trợ của chính quyền. Nhờ đó, các phong cách vẽ tranh của Tây phương và Đông phương đã phát triển rực rỡ ở đây. Thời đó đó, phong cách vẽ tranh Tây phương luôn mang tính tự nhiên và giàu tính tưởng tượng, còn phong cách Đông phương thì theo những nguyên tắc truyền thống cố định cả về các phần tử trong linh ảnh cũng như cách trình bày và màu sắc của các phần tử đó.

Khi thành phố Constantinople, thủ đô của Đế quốc phương Đông, rơi vào tay người Thổ vào năm 1453, nhiều họa sĩ vẽ linh ảnh trong đế chế đã đến tìm sự bảo trợ ở đảo Crete. Điều này mang lại sự phục hưng cho đời sống nghệ thuật của hòn đảo. Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Crete là Doménikos Theotokópoulos, sau này đã chuyển đến Tây Ban Nha và trở nên nổi tiếng với biệt danh “El Greco” cùng phong cách độc đáo của mình – một phong cách hầu như lấy cảm hứng từ cách vẽ linh ảnh truyền thống.

Linh ảnh Crete được đặc trưng bởi những đường nét chính xác của các nhân vật cũng như việc tạo hình một cách kĩ lưỡng với việc sử dụng những gam màu sáng nhỏ nổi bật ở vùng má. Trang phục được trình bày hầu như dựa theo khoa hình học, với những gam màu mạnh. Những đặc điểm đó có thể thấy rõ trong bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trinh nữ chịu Khổ nạn

Trong truyền thống Byzantine, có năm thể loại linh ảnh chính về Mẹ Thiên Chúa. Thể loại đầu tiên và phổ biến nhất là thể loại “Đức Mẹ là Đấng chỉ đường” (tiếng Hy lạp là “Hodigitria”), trong đó Đức Maria bồng Hài Nhi và hướng về Người, như hướng dẫn người xem đến với Thiên Chúa và ơn cứu độ. Thể loại thứ hai là “Đức Mẹ Khoan dung Thương xót” (“Eleusa”), nhấn mạnh đến tình yêu của người mẹ dành cho Hài Nhi, giữ Hài Nhi gần gò má trong khi Hài Nhi quàng cánh tay quanh cổ mẹ mình. Ở thế loại thứ ba, “Đức Mẹ Vô cùng Nhân Lành” (Panakranta), người mẹ ngồi trên ngai nữ hoàng với Hài Nhi trên đùi minh. Thể loại thứ tư là “Đức Mẹ là Dấu chỉ Cứu độ” (Panagia), trong đó Đức Maria được miêu tả với hai tay giơ lên trong lời cầu nguyện, với Hài Nhi được bao bọc trong một vòng tròn – có ý chỉ cung lòng của Đức Maria. Cuối cùng, thể loại “Đấng Chuyển câu” (Agiosortissa) là loại duy nhất không trình bày Đức Maria với Hài Nhi: hai tay Mẹ giơ lên cầu khẩn.

Bức ảnh “Mẹ Thiên Chúa chịu Khổ nạn” tại đảo Síp với niên đại 1192

Theo thời gian, các thể loại linh ảnh mới xuất hiện, thường dựa theo năm kiểu cổ điển nói trên. Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta thuộc về một loại thường được gọi là “Mẹ Thiên Chúachịu Khổ nạn” (Arakiotissa). Trong đó, người mẹ giữ chặt hài nhi trong tay, giống như trong thể loại “Đức Mẹ là Đấng chỉ đường” và “Đức Mẹ Khoan dung Thương xót”. Tuy nhiên, điều khác biệt nhất là sự hiện diện của hai thiên thần, Gabriel và Micael, ở phía trên, mang dụng cụ của cuộc khổ nạn, với hai bàn tay được che phủ. Thời đó, khi người hầu mang vật gì đến cho hoàng đế, họ che tay mình để bày tỏ sự tôn trọng. Thường thường, ta thấy một chiếc dép tuột khỏi chân hài nhi. Đây là một chi tiết giản dị nhưng giúp gợi đến sự mong manh của hài nhi cũng như một biểu tượng gặp thấy trong Thánh Kinh khi một vị hoàng để từ bỏ quyền lực của mình (xem Đnl 25, 9 và Rut 4, 7-8).

Dấu tích cổ nhất của thể loại “Mẹ Thiên Chúachịu Khổ nạn” có lẽ là một bức tranh trên tường tại một nhà thờ ở đảo Síp có niên đại từ năm 1192. Trong bức linh ảnh đó, Đức Maria được trình bày toàn thân, ôm người con chân trần với hai thiên thần được ghi lại đầy đủ thân hình ở mỗi bên. Điều này cho thấy đây là một thể loại linh ảnh được phổ biến trong các nhà thờ Chính thống giáo vùng Địa Trung hải. Việc bức linh ảnh này được vẽ trên chất liệu gỗ, dễ dàng cho việc vận chuyển và trưng bày tại tự gia, càng chứng minh rằng đây là một thể loại xuất hiện nhiều tại khu vực này thời bấy giờ.

Cuộc Khổ nạn Trọn đời

Ẩn sau sự đơn giản của bức linh ảnh “Mẹ Thiên Chúa chịu Khổ nạn” là một kho tàng thần học Thánh Kinh phong phú. Bản văn làm cơ sở cho việc trình bày linh ảnh này là bản văn nói về chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong thư gửi tín hữu Hipri. Tác giả lá thư nói rằng “khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10:5-7). Nói cách khác, ngay từ đầu, con tim của Chúa Giêsu đã hướng về cái chết của Người như một hành động vâng lời và tuân phục ý muốn của Chúa Cha.

Phụng vụ lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ cũng nhấn mạnh đến việc trẻ Giêsu được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa trong những tuần đầu đời. Một tác giả thánh thi và là nhà giảng thuyết theo truyền thống Byzantine, khi giảng về lễ này, đã tưởng tượng ra một cuộc trò chuyện giữa Đức Maria và con trai của Người. “Một ngày nào đó, Bà sẽ thấy đứa trẻ mà Bà đang bồng ẵm bị đinh nhọn xuyên thủng đôi bàn tay vì tình yêu Người dành cho đồng loại của Bà. Bà sẽ thấy người mà Bà coi là sự sống của mình bị treo lên thập giá và Bà sẽ khóc lóc thảm thiết trước cái chết của Người”.

Brendan Mc.Convery C.Ss.R

Nguồn: http://www.cssr.news/2017/04/born-in-crete/

Tags: ,