Lời Cha Di Chúc Cho Giới Trẻ

Thứ Ba, 12-09-2017 | 09:12:18

Người cha đây là Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận đấy bà con ạ. Biến cố đau thương 1975 đẩy ngài vào nhà tù 13 năm liền. Tới năm 1991, ngài được qua Roma chữa bệnh, và nhận lệnh cấm trở lai Việt Nam.

Năm 1994 được mời vào hội đồng Công Lý Hòa Bình của Tòa thánh, và sau đó 4 năm thì làm chủ tịch. Tới năm 2000, ngài được đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mời giảng tĩnh tâm mùa chay cho cả giáo triều Vatican. Cùng năm đó, ngài qua Hoa Kỳ chủ tọa lễ khai mạc đại hội Thánh Mẫu, đặc biệt có buổi gặp gỡ với các bạn trẻ, và chia sẻ với tất cả tâm tình người cha. Ngay năm sau ngài được vinh thăng Hồng Y.

Vì mang nhiều bệnh qua những năm tù đầy, ngài đã qua đời năm 2002, thọ 74 tuổi ( sau 49 năm Linh mục, 35 năm Giám mục và 1 năm rưỡi Hồng Y ) để lại thương tiếc cho bao người trên thế giới.

Nghe tin ngài tạ thế, vị tổng thư ký Công Lý Hòa Bình thốt lên :”Một đấng thánh đã ra đi. Hãy đi theo vết chân ngài”.

Và cho tới năm nay, 2017, Giáo hội đã tặng ngài danh hiệu ‘Đầy tớ Chúa’ và rồi ‘Đấng Đáng kính’, chờ ngày được phong Chân phước và Hiển thánh.

– Từ một con tim đầy ắp yêu thương :

Coi lại tiểu sử của ngài : Sau khi du học Roma, về nước làm giám đốc chủng viện Huế, rồi được tòa thánh cử làm giám mục Nha Trang lúc tuổi đời mới là 39 ( trẻ nhất trong lịch sử Công giáo Việt Nam ). Nơi đây, ngài ngày đêm miệt mài lo thánh hóa và canh tân đời sống giáo dân, giới thiệu những phong trào tâm linh mới như Cursillo, Focolare…Với nụ cười luôn rạng rỡ và giọng nói thân tình, ngài đã làm mọi giới quý yêu.

Ngày Cộng Sản tiến chiếm miền Nam, ngài bị bắt, dù mới được Giáo hội đặt làm Tổng giám mục phó Saigon, với quyền kế vị. Dân chúng nghĩ là vì ngài có tinh thần chống cộng cao độ, lại là cháu ruột cố tổng thống Ngô đình Diệm, cũng như đứng đầu mấy tổ chức từ thiện có nhiều tài khoản viện trợ từ ngọai quốc (!).

Ngài sống kiếp tù đầy mà vẫn tỏ ra bình thản, nhân từ, hiền lành với cả mọi bạn tù cũng như nhóm ‘quản giáo’. Ngài luôn sống với sự hiện diện của Chúa ngày đêm, tuân theo thánh ý Chúa, chỉ mong tìm Chúa thay vì chức vị quyền thế. Ngài đã thể hiện việc thánh hóa bản thân mỗi phút giây, sống thực với hiện tại, dù toàn là đau đớn khổ nhục. Dĩ nhiên mỗi giây phút phải được đong đầy với tình yêu siêu nhiên.

Ngài cũng bắt chước thánh Phao lô để vô cùng khéo léo và can đảm tìm cách lén lút viết thơ cho giáo dân, mong chia sẻ tâm tình cha con. Đó là những ‘sứ điệp từ ngục tù’ vô cùng quý giá. Về sau các tâm tư này được góp nhặt thành tập sách ‘Đường Hy vọng’ đang phổ biến rất rộng rãi. Chính Đức Giáo hoàng cũng đã không ngần ngại gọi ngài là ‘chứng nhân của Hy Vọng’.

Đức Gio-an Phao-lô II đã dõng dạc nhắc lại lời của Hồng Y Thuận trong chính ngày lễ an táng, 20 tháng 9 năm 2002 :”Dù sống tù đầy với cả một vực thẳm khổ đau, tôi đã không bao giờ ngừng yêu mến mọi người, không loại trừ một ai. Và khi Chúa sắp gọi tôi về, tôi vẫn yêu thương và chẳng hề oán hận một người nào”.

Lời nói này đã làm bao con tim thổn thức xúc động.

– Giới trẻ lắng nghe :

Nghe tin ngài tham dự đại hội Thánh Mẫu Missouri (đây là lần đầu, nhưng định mệnh cũng biến thành lần cuối), hàng ngàn giới trẻ Việt Nam đã rủ nhau về gặp gỡ và học hỏi nơi người cha khả kính. Bằng một giọng nói hấp dẫn, pha lẫn những mẩu truyện dí dỏm thú vị, ngài đã làm tất cả say sưa và chăm chú nghe từng lời một.

Tâm tình đầu tiên ngài chia sẻ, dĩ nhiên phải là niềm hy vọng bao la vào Chúa và đời sống Chúa ban. Đức Hồng y tha thiết xin các bạn trẻ đừng đi theo cái văn hóa ‘sự chết’ : cứ say mê vui thú, rồi khi không được như ý thì thất vọng để rồi đòi tự tử (ngài trưng ra con số một triệu người trên thế giới đã tìm cái chết mới đây. Mà thật ra giới trẻ tự tử nhiều hơn người lớn. Con số này không thua con số người chết vì tai nạn xe hơi.)

Câu giải đáp cho nan đề này là : đời sống ta cần được đặt ngay vào trung tâm điểm của đức tin và tình yêu với Chúa. Mà Chúa thì luôn đòi chúng ta can đảm tìm Chúa giữa những khó khăn thách đố. Nghĩa là phải ráng giữ Chúa trong hồn mình, làm cơ sở cho hành trang cuộc đời.

Kế đến là thái độ đàng hoàng đứng đắn, trong mọi cuộc giao tế bạn bè xóm giềng. Đừng học thói khôn lỏi lọc lừa, chỉ mong ích kỷ tìm lợi cho bản thân. Giáo dục Hoa Kỳ và Tây phương đang tạo hoàn cảnh cho các bạn trẻ xây dựng xã hội tương lai. Dựa đúng lời Chúa dạy “Không thì nói không, có thì nói có”.

Sau đó là tinh thần trách nhiệm : cần học hỏi và rồi chia sẻ tinh thần này với mọi người quanh mình. Không nên lười biếng ỷ lại vào người khác. Khi đã có chút hiểu biết và khả năng, hãy trao đổi và tìm cộng tác khi ta đã trưởng thành. Đây là lối sống dấn thân thời đại mới.

Khi đến tuổi lập gia đình, “các con cần nhìn vào vấn đề một cách nghiêm chỉnh và lạc quan” : tin vào ơn thánh Chúa sẽ ban, khi chúng ta hoàn toàn trao phó gia đình cho Ngài. Hãy coi đây là một ‘ơn gọi’ cho đời mình. Dĩ nhiên phải biết cầu nguyện và kiên nhẫn với Chúa. Phải dựa vào Chúa để cùng thánh hóa nhau qua từng năm tháng.

Trong trường đời, cũng cần cảnh giác trước những dụ dỗ của các thuyết sai lạc về khoa học và nhân bản. Hãy giữ vững lập trường về việc Chúa tạo dựng, quan phòng, cũng như chân lý ‘con người có hồn có xác’. Thế gian thường xuyên lôi cuốn chúng ta vào tư tưởng vô thần vật chất.

Giới trẻ cần yêu mến quê hương và giáo hội Việt Nam. Phải giữ gìn văn hóa truyền thống tốt của cha ông tổ tiên. Hãy chia sẻ những cái hay này cho đàn em của mình. Không bao giờ làm mất bản sắc Việt Nam, cũng như phát triển tinh thần gia đình, mong tương lai sẽ sáng lạn cho mình và giòng giống.

Hãy hãnh diện mình là người Công giáo, là con Chúa, là thành viên của Giáo hội. Hãy sống đạo thực sự, và giúp Chúa được hiểu biết và tôn thờ. Tất cả phải ý thức sứ mạng truyền giáo hàng ngày. Hãy học làm gương sáng, khích lệ lòng đạo và đức tin, kể cả nơi người bản xứ Hoa Kỳ.

Cuối cùng chúng ta phải xin được ơn bền đỗ : Vững vàng qua thời gian, luôn kiên vững trước thử thách. Cần nhớ ơn cha ông tổ tiên đã đổ máu đào gieo vãi đức tin vào tâm trí chúng ta. Chúa sẽ rộng rãi chúc phúc cho từng người, qua từng tháng từng ngày.

Tất cả những tâm tình trên đây phải được gói trọn trong niềm CÁM MẾN BIẾT ƠN từ đáy lòng. Mà đã hàm ơn thì phải học cách đền ơn, không chỉ vào ngày Thanksgiving hàng năm, mà là từng phút từng giây trong đời.

Đền ơn với Chúa, với Giáo hội và với tha nhân gần xa.

– Phải đáp lời cha:

Các bạn trẻ quý yêu, bao bậc phụ huynh cha chú lúc này đang hướng về các bạn đấy. Ngày xưa các ngài hát thuộc lòng bài ‘Học sinh hành khúc’ : Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. Hôm nay các ngài cũng muốn hát bằng tinh thần bài ca này. Người người đang trông vào các bạn.

Sau khi nghe những lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của vị cha khả ái Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn văn Thuận, các bạn nghĩ sao ?

Chả lẽ được may mắn tới sống tại một quốc gia giàu mạnh, có tự do, dân chủ và nhân quyền hàng đầu như Hoa Kỳ, mà chúng ta quên ơn Chúa hay sao?

Đừng chỉ ‘take it for granted’ ! Nhưng phải ghi lòng tạc dạ và ngày đêm tìm cách đáp đền, như lời Đức Hồng Y căn dặn. Đền đáp bằng cuộc sống đàng hoàng gương mẫu. Đền đáp bằng mở rộng con tim ra cho mọi người, nhất là những kẻ kém may mắn hơn mình. Đáp đền bằng tâm hồn đầy ắp tình yêu Chúa, như hành trang căn bản vững vàng cho từng bước đi trong đời.

Gia đình chúng ta qua đây tỵ nạn, mang theo một sứ mạng thánh hóa mình và tha nhân, nếu không nói là trách nhiệm phúc-âm-hóa môi trường sống, cũng như kéo lôi bạn bè cùng tiến lên trong ân sủng thần linh, như Chúa dạy trong Thánh kinh :”Hãy trở nên muối đất và ánh sáng thế gian”.

Giáo hội và cộng đồng đang mong chờ nơi từng bạn trẻ đấy!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư (VCN)

Tags: ,

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết