Ngày thứ hai Đức Thánh Cha viếng thăm Bangladesh

Thứ Bảy, 02-12-2017 | 08:36:57

Thứ sáu mùng 1 tháng 12 là ngày thứ hai ĐTC viếng thăm Bangladesh. ĐTC đã có ba sinh hoạt chính. Lúc 10 giờ sáng ngài dâng thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 16 tân chức tại công viên Suhrawardy Udyan trong thủ đô Dhaka. Vào ban chiều ngài viếng thăm thủ tướng Bangladesh và nhà thờ chính toà Thánh Maria rồi gặp gỡ các Giám Mục Bangladesh tại Toà tổng giám mục. Ngay sau đó ngài gặp gỡ các vi lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trước khi trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ đại diện các tôn giáo và các Giáo Hội Kitô khác và cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình hoà hợp – REUTERS


Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

1. ĐTC dâng thánh lễ truyền chức Linh Mục cho 16 tân chức tại thủ đô Dhaka

Lúc 9 giờ 15 phút sáng ĐTC rời Toà Sứ Thần để đi xe đến công viên Suhrawardi Udyan cách đó 6 cây số. Công viên này chiếm chỗ của trường đua ngựa trước kia. Chính tại đây ông Sheikh Mujibur Rahman đã đọc một bài diễn văn lịch sử trước đệ nhất thế chiến năm 1917, và cũng chính tại đây quân đội Pakistan đầu hàng. Đài kỷ niệm Huseyn Shaheed Syhrawardy, một chính trị gia Pakistan gốc Bangladesh, thủ tướng Bengala trong các năm 1946-1947, ban đầu đã được dùng như câu lạc bộ quân đội của người Anh, và sau thời thuôc địa trở thành Trường đua ngựa Ramna. Bên trong có mộ của ba vị lãnh đạo quốc gia là Sher-e-Hangla A.K. Fazhul Huq (1873-1962), Huseyn Shaheed Suhrawardy (1892-1963) và Khawaja Nazimuddin (1894-1964). Viện bảo tàng Độc Lập trưng bầy các tác phẩm minh giải lịch sử quốc gia từ Vương quốc Moghul cho tới năm 1971 là năm Bangladesh được độc lập.

Xe chở ĐTC đã tới công viên lúc 9 giờ 25 phút. Sau đó ngài lên xe díp đi một vòng chào tín hữu. Thánh lễ truyền chức Linh Mục đã bắt đầu lúc 10 giờ và được cử hành bằng tiếng Latinh, Anh và Bengali.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã khích lệ các tân chức luôn luôn có trước mắt gương của Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử Nhân Lành, không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất. Các linh mục cộng tác vào việc xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo Hội, trở thành dân của Thiên Chúa và đền thờ của Chúa Thánh Thần.  Đề cập đến nguồn gốc của ơn gọi linh mục ĐTC nói:

Hỡi anh chị em, như anh chị em biết rõ, Chúa Giêsu là vị thượng tế duy nhất của Tân Ước, nhưng nơi Ngài toàn thể dân thánh của Thiên  Chúa cũng đã được thiết lập là dân tư tế. Tuy nhiên giữa các môn đệ của Ngài Chúa Giêsu đã muốn đặc biệt lựa chọn vài người, để khi nhân danh Ngài công khai thi hành trong Giáo Hội chức tư tế hầu mưu lợi cho tất cả mọi người, họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài là thầy dậy, tư tế và mục tử.

** Thật thế, như Ngài đã được Thiên Chúa Cha gửi đi cho sứ mệnh này, tới lần mình Chúa Giêsu cũng  đã gửi vào thế giới các Tông Đồ, rồi các giám mục là các người kế vị, và sau cùng là các cộng sự viên của các giám mục là các linh mục, là những người kết hiệp với sứ vụ tư tế họ được mời gọi phục vụ dân Chúa. Các linh mục cộng tác vào việc xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo Hội, trở thành dân của Thiên Chúa và đền thờ của Chúa Thánh Thần.  Thật vậy, họ sẽ trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô thượng tế đời đời, hay họ sẽ được thánh hiến như các tư tế thực sự của Tân Ước, và với tước hiệu ấy kết hiệp họ trong chức tư tế với giám mục của họ, họ sẽ là những người rao giảng Tin Mừng, là mục tử của dân Thiên Chúa và họ sẽ chủ sự các hành động phụng tự, đặc biệt trong việc cử hành hiến tế của Chúa.

Tiếp đến hướng tới các tiến chức, ĐTC khuyên họ ý thức được các nhiệm vụ cao cả của mình và nói: Các con phân phát cho tất cả mọi người lời Chúa mà chính các con đã nhận lãnh với niềm vui. Hãy đọc và suy gẫm lời Chúa một cách kiên trì để tin điều đã đọc, hãy dậy dỗ điều các con đã học trong đức tin, và sống điều các con dậy dỗ. Ước gì giáo lý của các con là lương thực cho dân Chúa, hương thơm cuộc sống của các con là niềm vui và sự nâng đỡ cho các tín hữu của Chúa Kitô, để với lới nói và gương lành các con xây dựng nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Các con sẽ tiếp tục công trình thánh hoá của Chúa Kitô. Qua sứ vụ của các con hiến tế thiêng liêng của tín hữu được trở thành toàn hảo, để cùng với hiến tế của Chúa Kitô, mà qua bàn tay các con nhân danh toàn thể Giáo Hội, nó được dâng lên trên bàn thờ trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Khi tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, các con mang cái chết của Chúa Kitô trong chi thể các con, và cùng Ngài bước đi trong cuộc sống mới.

Với bí tích Rửa Tội các con tiếp nhận các tín hữu mới vào dân Chúa, với bí tích Sám Hối các con tha tội nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội; với Dầu thánh các con thoa dịu các bệnh nhân; khi cử hành các nghi thức thánh và khi dâng lên trong các giờ khác nhau của ngày lời cầu chúc tụng và khẩn nài, các con trở thành tiếng nói của dân Chúa và của toàn nhân loại.

Ý thức được rằng mình đã được chọn giữa các người khác và được thành lập để tham dự vào các việc của Thiên Chúa cho thiện ích của họ, các con hãy thực thi công việc tư tế của Chúa Kitô với niềm vui và lòng bác ái, chỉ để làm đẹp lòng Thiên Chúa chứ không vì chính mình.

** Sau cùng khi tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô, là đầu và là mục tử trong tình hiệp nhất con thảo với giám mục của các con, các con hãy dấn thân hiệp nhất các tín hữu trong một gia đình duy nhất, để dẫn đưa họ tới Thiên Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôn luôn có trước mắt gương của Mục Tử Nhân Lành, không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ, tìm kiếm và cứu vớt nhưng gì đã hư mất.

Tiếp đến là nghi thức truyền chức linh mục.

Sau khi từ giã tín hữu ĐTC đã lên xe trở về Toà Sứ Thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát.

2. Đức Thánh Cha viếng thăm thủ tướng Bangladesh và nhà thờ chính toà rồi gặp gỡ các Giám Mục Bangladesh tại Toà tổng giám mục

Lúc 3 giờ 20 phút chiều giờ ĐTC đã gặp gỡ bà Sheikh Hasina, thủ tướng Bangladesh, trong phòng khách của Toà Sứ Thần. Bà thủ tướng sinh năm 1947 là con gái của ông Sheikh Majibur Rahman, cha dân tộc. Năm 1968 bà thành hôn với ông M. Wazed Miah, một nhà khoa học nguyên tử nổi tiếng. Bà thủ tướng đã lấy bằng tiến sĩ văn chương tại đại học Dhaka năm 1973. Bà được bầu làm phó chủ tịch liên hiệp nữ sinh viên đại học nữ Eden, và đã tham dự tích cực vào cuộc nổi loạn của dân chúng năm 1969. Ngày 15 tháng 8 năm 1975 cả gia đình bà bị ám sát bởi lực lượng quân đội nổi loạn. Bà và em gái thoát chết vì đang viếng thăm Tây Đức. Bà đã được bầu làm chủ tịch đảng Liên minh Awami trong khi sống lưu vong. Năm 1986 bà trở thành lãnh tụ đảng đối lập trong Quốc hội. Ngày 23 tháng 6 năm 1996 bà được bầu làm Thủ tướng và được tái nhiệm trong các năm 2008 và 2014. Bà goá chồng và có hai con.

Sau khi gặp bà Thủ tướng, lúc 3 giờ 40 chiều giờ địa phương ĐTC đi xe đến Toà tổng giám mục tại Ramna. Toà tổng giám mục là một khu vực bao gồm nhà thờ chính toà, nhà ở của ĐGM, nhà hưu dưỡng cho các linh mục già và đại chủng  viện. ĐHY Patrick D’Rosario tiếp đón ĐTC trong sân và tháp tùng ngài vào nhà thờ chính toà. Trên lối đi ngài làm phép ba tấm kia kỷ niệm ba chuyến viếng thăm của các Giáo Hoàng tại Dhaka: Đức Phaolô VI ngày 27 tháng 11 năm 1970 khi Bangladesh còn là phần của Pakistan, Đức Gioan Phaolô II ngày 19 tháng 11 năm 1986, và Đức Phanxicô. ĐTC cũng làm phép hai dinh thự mới xây cho người già và các linh mục cao niên. Liền ngay sau đó ngài chào 20 thành viên của Uỷ ban tổ chức chuyến viếng thăm.

** Nhà thờ chính toà Thánh Maria hay nhà thờ chính toà Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được xây hồi năm 1956 tai Ramna, là khu trung tâm thủ đô Dhaka, rộng rãi sáng sủa. Nhà thờ cũng được gọi là nhà thờ Kakrail là tên của khu phố thủ đô. Bên trong và bên ngoài nhà thờ được trang hoàng theo kiểu gô tích và phục hưng, vì thế nó là một thí dụ kiến trúc thời hậu thực dân. Cùng với toà giám mục có đại chủng viện và nhà hưu dưỡng cho các linh mục già cách nhà thờ chính toà ít bước. Trước toà giám mục có mộ của hai ĐTGM Theotonio Amal Ganguly (1920-1977) và Michael Rosario (1925-2016).

ĐTC và ĐHY đã vào thăm nhà thờ chính toà và được cha sở, cha phó và một nữ tu tiếp đón. Trong nhà thờ có khoảng 700 giáo dân và các ân nhân. ĐTC chào và chúc lành cho mọi người. Sau khi thinh lặng chầu Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện Thánh Thể, ngài theo cửa hông đi ra ngoài để thăm mộ các Giám Mục đã qua đời. Tiếp đến ngài tới nhà hữu dưỡng cách đó 50 mét để gặp gỡ các Giám Mục toàn Bangladesh trên lầu hai của nhà hưu dưỡng.

Ngỏ lời với các GM sau lời chào mừng của ĐHY D’Rosario, TGM Dhaka, Chủ tịch HĐGM Bangladesh, ĐTC ca ngợi kế hoạch mục vụ sáng suốt do các GM nước này đề ra hồi năm 1985. Ngài khích lệ các GM tăng cường việc viếng thăm mục vụ giáo phận, gia tăng sự gần gũi các LM và giáo dân, giúp các giáo dân tham gia nhiều hơn vào các công tác tông đồ của giáo phận và đời sống Giáo Hội. ĐTC kêu gọi các GM làm sao để các ứng sinh linh mục và tu sĩ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngài đặc biệt ca ngợi các hoạt động xã hội và từ thiện bác ái của Giáo Hội tại Bangladesh, và mời gọi các GM quan tâm đến sự cộng tác liên tôn và đại kết. ĐTC nói:

Thực tại hiệp thông chiếm vị thế trung tâm trong kế hoạch mục vụ và tiếp tục gợi hứng cho lòng nhiệt thành truyền giáo, như điểm nổi bật của Giáo Hội tại Bangladesh. Đường lối lãnh đạo của anh em trong tư cách là GM mang đậm tinh thần đoàn thể và nâng đỡ nhau… Nó cũng được biểu lộ qua sự nghiêm túc của anh em khi viếng thăm mục vụ trong giáo phận, và chứng tỏ mối quan tâm thực tiễn đối với an sinh của dân chúng. Tôi xin anh em kiên trì trong sứ vụ hiện diện này, nó giúp củng cố mối giây thiệp thông liên kết anh em với các LM thuộc quyền, là những người em, người con và là người cộng tác của anh em trong vườn nho của Chúa, và với các tu sĩ nam nữ là những người đóng góp rất quan trọng cho đời sống Công Giáo tại đất nước này.

 ** Đồng thời tôi cũng xin anh em chứng tỏ một sự gần gũi sát hơn nữa với các giáo dân. Cần thăng tiến sự tham gia tích cực của họ vào đời sống các giáo phận của anh em, kể cả qua các cơ cấu giáo luật, qua đó tiếng nói của họ được lắng nghe và kinh nghiệm của họ được cứu xét. Hãy nhìn nhận và đề cao giá trị các đoàn sủng của giáo dân nam nữ, khích lệ họ dùng năng khiếu để phục vụ Giáo Hội và xã hội nói chung. Tôi nghĩ đến đông đảo các giáo lý viên nhiệt thành của đất nước này, đến hoạt động tông đồ của họ thực là điều quan trọng đối với sự tăng trưởng đức tin và huấn luyện cho các thế hệ trẻ về tinh thần Kitô giáo. Họ là những thừa sai đích thực và là những người hướng dẫn việc cầu nguyện, nhất là tại những vùng sâu vùng xa. Anh em hãy chú ý đến các nhu cầu thiêng liêng của họ và liên tục huấn luyện họ trong đức tin.

ĐTC nhận xét rằng Bangladesh được chúc lành với những ơn gọi LM và tu sĩ. Ngài nhấn mạnh: cần bảo đảm cho các ứng sinh được chuẩn bị kỹ lưỡng để thông truyền đức tin phong phú cho tha nhân, đặc biệt cho những người đồng lứa của họ.

ĐTC nhắc đến những hoạt động xã hội đáng khen của Giáo Hội tại Bangladesh, giúp đỡ các gia đình, và nhất là dấn thân thăng tiến phụ nữ. Ngài nói: ”Dân chúng tại đất nước này nổi tiếng về lòng yêu mến gia đình, tinh thần hiếu khách, kính trọng cha mẹ và ông bà, săn sóc những người cao niên, các bệnh nhân và những người yếu thế nhất. Các giá trị này được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô củng cố và thăng hoa.

Cũng trong chiều hướng này, ĐTC ghi nhận rằng Cộng đoàn Công Giáo tại Bangladeash có thể hãnh diện về lịch sử phục vụ người nghèo, đặc biệt tại những nơi hẻo lánh nhất và trong các cộng đoàn bộ lạc. Hằng ngày Giáo Hội theo đuổi công việc phục vụ này qua các công tác giáo dục, các nhà thương, bệnh xá và các trung tâm săn sóc, cũng như qua các công tác bác ái khác.

Sau cùng, ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của các hoạt động đối thoại liên tôn và đại kết. Ngài nói: ”Sự dấn thân của Giáo Hội thăng tiến sự cảm thông giữa các tôn giáo, qua các cuộc hội luận và các chương trình học hỏi, cũng như qua các tiếp xúc và những lời mời đích thân, góp phần phổ biến thiện chí và sự hòa hợp. Anh em hãy nỗ lực không ngừng kiến tạo những nhịp cầu và thăng tiến đối thoại, vì những cố gắng ấy không những tạo điều kiện dễ dàng cho những trao đổi giữa các nhóm tôn giáo, nhưng còn vì chúng khơi dậy những năng lực thiêng liêng cần thiết cho việc xây dựng đất nước trong sự đoàn kết, hiệp nhất, trong công lý và hòa bình.

3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các vi lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác

**  Sau khi gặp các Giám Mục, ĐTC đã có cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trong vuờn của Toà tổng giám mục. Khu vườn này có chỗ cho 5.000 người.

ĐTC và mọi người đã thưởng thức các vũ điệu truyền thống và các thánh ca. Tiếp đến là lời chào mừng của ĐHY D’ Rosario, và phát biểu của 5 đại diện tôn giáo: Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Công giáo, và của chính quyền dân sự. Liền sau đó bài ca hoà bình được cất lên.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói chúng ta gặp gỡ nhau nơi đây để đào sâu tình bạn và diễn tả ước mong chung một nền hoà bình tinh tuyền và lâu bền. Các lời chúng ta đã nghe và cả các bài ca và vũ điệu  linh hoạt cuộc gặp gỡ đã hùng hồn nói lên ước mong hoà hợp, tình huynh đệ và hoà bình chứa đựng trong giáo huấn của các tôn giáo. Ước chi cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dấu chỉ rõ ràng cố gắng của các vị lãnh đạo và tín hữu các tôn giáo hiện diện tại đất nước này sống chung trong sự tôn trọng lẫn nhau  và trong thiện chí.

Thật là một dấu chỉ an ủi của thời đại chúng ta, khi các tín hữu và các người thiện chí luôn ngày càng cảm thấy được mời gọi cộng tác vào việc đào tạo một nền văn hoá của sự gặp gỡ, đối thoại và cộng tác để phục vụ gia đình nhân loại. Điều này không chỉ đòi hỏi sự khoan nhưọng, mà còn khích lệ giang tay ra cho người khác trong thái độ tin tưởng và thông cảm, để xây dựng sự hiệp nhất bao gồm sự khác biệt, không phải như một đe dọa, nhưng như một nguồn tiềm năng làm giầu cho nhau và giúp nhau lớn lên. Nó khuyến khích chúng ta vun trồng một con tim rộng mở để coi tha nhân như một con đường chứ không phải một chướng ngại.

Tiếp đến ĐTC đã nêu lên vài đặc tính của việc rộng mở con tim ấy. Trước hết nó là một cánh cửa, một kinh nghiệm sống động chứ không phải một lý thuyết trừu tượng. Nó cho phép bước vào một cuộc đối thoại của cuộc sống, chứ không phải môt trao đổi ý tưởng. Nó đòi hỏi thiện chí và sự tiếp nhận, nhưng không lẫn lộn với sự thờ ơ hay thận trọng trong việc diễn tả các xác tín sâu xa nhất. Dấn thân một cách hiệu quả với tha nhân có nghĩa là chia sẻ các căn tính tôn giáo và văn hoá khác nhau của chúng ta, nhưng luôn luôn với sự khiêm tốn, liêm chính và tôn trọng.

Việc mở rộng con tim giống như một cái thang lên tới Đấng Tuyệt Đối đòi buộc việc thanh tẩy con tim để có thể nhìn mọi sự trong viễn tượng chân thật nhất của chúng. Cái nhìn trong sáng đó sẽ trao ban sức mạnh giúp chúng ta kiên trì trong dấn thân hiểu biết và đánh giá cao tha nhân và quan điểm của họ. Nó trao ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để giang tay tình bạn cho tất cả mọi người.

** Việc rộng mở con tim cũng là một con đường dẫn tới việc tìm kiếm lòng tốt, công bằng và liên đới, tìm kiếm thiện ích cho tha nhân. Lòng sốt sắng tôn giáo đối với thiện ích của tha nhân nảy sinh từ một con tim cởi mở, chảy như một dòng sông lớn tưới gội các vùng đất khô cằn và sa mạc của thù hận, thối nát, nghèo túng và bạo lực tàn phá cuộc sống con người, chia rẽ các gia đình, và làm méo mó ơn thụ tạo.

Các tôn giáo khác nhau tại Bangladesh đã đi theo con đường này một cách đặc biệt trong dấn thân săn sóc trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, và trong câu trả lời cho các tai ương thiên nhiên gây khổ đau cho quốc gia này trong các năm qua, như vụ sập trung tâm thương mại Rana Plaza.

Một tinh thần cởi mở, việc chấp nhận và cộng tác giữa các tín hữu không chỉ góp phần xây dựng một nền văn hoá của sự hoà hợp, và hoà bình mà nó là con tim đập nhịp cho nền văn hoá đó. Thế giới cần đến con tim này biết bao nhiêu, con tim đập nhịp mạnh mẽ để chống lại vi rút của sự gian tham hối lộ chính trị, các ý thức hệ tôn giáo tàn phá, cám dỗ nhắm mắt trước các nhu cẩu của người nghèo, người tỵ nạn , của các nhóm thiểu số bị bách hại và của những người dễ bị tổn thương nhất. Cần thiết biết bao sự cởi mở tiếp đón những con người của thế giới, đặc biệt các người trẻ, đôi khi cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống!

ĐTC cầu mong dấn thân chung của các tôn giáo giúp tín hữu lớn lên trong khôn ngoan thánh thiện và cộng tác vào việc xây dựng một thế giới ngày càng nhân bản, hiệp nhất và hoà bình hơn.

Lời cầu đại kết đã do một Giám Mục Anh giáo đọc.

Sau đó là phần chụp hình lưu niệm. Tiếp đến ĐTC đã chào thêm 20 thành viên khác của Uỷ ban tổ chức, rồi lên xe về Toà Sứ Thần cách đó 10 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Bangladesh.

Thứ bẩy mùng 2 tháng 12 là ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm Bangladesh. ĐTC sẽ viếng thăm Nhà Mẹ Têrêxa Tegaon, rồi đến nhà thờ chính toà Mân Côi để gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh các dòng tu. Tiếp theo đó ngài cầu nguyện tại nghĩa trang giáo xứ và thăm nhà thờ Mân Côi. Vào ban chiều ngài gặp gỡ các bạn trẻ tại đại học Đức Bà Dhaka, trước khi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

Trấn Đức Anh  Linh Tiến Khải

Tags: ,

Có thể bạn quan tâm