Phút suy tư: Đức tin và sự bắt bớ

Thứ Bảy, 16-06-2018 | 15:15:51


Niềm tin Kitô giáo và những bắt bớ xưa đến nay luôn đi với nhau như hai người bạn đồng hành. Đức Giêsu, uy phong và hiển hách là vậy, nhưng ngay từ lúc giáng thế cho đến khi từ giã cõi đời, đã phải đối diện với không biết bao nhiêu chống đối từ người khác. Cái chết của Ngài là một minh chứng hùng hồn hơn cả về những ganh ghét mà người đời dành cho Ngài và cho giáo lý của Ngài. Người ta không thể thắng được Ngài trong những cuộc đối chất, người ta không thể phủ nhận những việc tốt Ngài làm, người ta không thể giả vờ như không biết những phép lạ Ngài thực thi, người ta không thể giấu được nỗi sợ hãi khi đứng trước Ngài… thế nên, người ta đố kỵ và cố sức làm mọi thứ để dồn Ngài vào chỗ chết.

Bước theo chân Thầy, các môn đệ cũng lăn mình vào vùng trời sứ mạng. Gặt hái được biết bao thành công, nhưng các ông thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự ác. Các ông đưa nhiều người về với Chúa bao nhiêu thì sự ganh ghét mà giới cầm quyền dành cho các ông cũng lớn bấy nhiêu. Dĩ nhiên, những người này chẳng thể dễ dàng chấp nhận cho một tôn giáo lạ lẫm phát triển bừng bừng như vậy. Vì như thế, họ sẽ mất dần ảnh hưởng, mất đi quyền lợi, mất cả chỗ đứng. Như một phương thức tự vệ, họ dùng hết mọi cách để ngăn chặn “thứ tôn giáo” này. Họ thuyết phục không được thì dùng đến bạo lực. Họ đánh đập không xong thì dùng đến ngục tù. Sau tất cả, họ dồn mọi điều tai tiếng về cho các môn đệ và những người tin theo Chúa, lấy cớ đó để thủ tiêu từng người. Cuộc bách hại trên diện rộng bắt đầu, máu và nước mắt không ngừng chảy xuống.

Khi niềm tin vào Đức Kitô vừa được gieo vãi ở mảnh đất cháu tiên con rồng này, nó đã sớm đâm rễ rồi trổ sinh hoa trái. Chỉ với một tấm lòng đơn sơ, cha ông chúng ta đã đón nhận giáo lý yêu thương của Chúa và thực thi nó ở mực độ cao nhất. Phần lớn trong số họ chẳng phải là những thần học gia, cũng chẳng phải những người với bộ óc siêu phàm. Có những mầu nhiệm cao siêu vượt trên tầm hiểu biết của họ. Nhưng một khi đức tin đã thấm vào lòng, chẳng gông cùm, xiềng xích, hay gươm đao nào có thể diệt được nó. Những con người Việt Nam năm xưa lại được sống kinh nghiệm của Chúa mình, một kinh nghiệm đau thương và thập giá. Họ đón nhận nó như một cái gì đó tất yếu phải kèm theo của việc tin vào Chúa. Họ nuôi dưỡng đức tin của mình trong bùn lầy tối đen của xã hội. Rồi người ta có thể giết chết thân xác họ, chứ cũng chẳng thể làm gì được hơn. Niềm tin đơn sơ, mạnh mẽ nhưng son sắt ấy vẫn cứ đứng vững vàng giữa bao chông chênh, ngày ngày vươn cao hơn nữa bất chấp những bắt bớ xung quanh đang rình chờ.

Năm tháng qua đi, thấm thoát cũng đã hơn 2000 năm rồi, chẳng có thời nào mà đức tin Kitô giáo không bị người ta đưa ra bỡn cợt, đùa giỡn, chà đạp, khinh khi và đàn áp. Nơi nào nhẹ nhất thì cũng bị người ta xỉa xói bằng lời lẽ hay bằng hình ảnh xúc phạm. Nơi nào nặng hơn thì người ta cho người Kitô hữu một viên đạn hay một nhát kiếm vào đầu. Tiếng khóc than ai oán của những bà mẹ trong vụ thảm sát các trẻ nhỏ mà vua Hêrôđê thực hiện năm xưa như vẫn đang còn đó, chẳng bao giờ ngừng. Nhiều người đã chấp nhận chết để giữ vững niềm tin, còn những ai muốn sống niềm tin, thì phải khăn gói lên đường để đi tìm một mảnh đất khác. Nơi nào có bóng dáng người Kitô hữu, nơi đó có bắt bớ đến thăm. Cây thập giá của Giêsu luôn theo họ trên từng ngóc ngách.

Dù vậy, hạt giống Chúa gieo vào lòng đất, vẫn ngày càng lớn lên, đủ sức vươn xa để cho chim trời đến trú ngụ, chứ không vì những bắt bớ mà lụi tàn đi. Những chống đối mà thế lực bạo tàn dành cho người Kitô hữu không những không làm cho họ quỵ ngã mà còn giúp họ mạnh mẽ hơn. Ở một phương diện nào đó, ta có thể nói rằng chính những bắt bớ ấy lại làm cho đức tin của người Kitô hữu thêm trưởng thành, thêm cứng cáp, thêm tinh tuyền và quý giá. Người ta sẽ biết đức tin của mình mạnh đến đâu khi đối diện với thử thách. Đức tin là một viên ngọc quý, người ta phải đánh đổi mọi thứ mới có được. Đức tin cũng không đơn thuần là chút cảm xúc hay lòng mộ mến bâng quơ. Gương của hàng trăm ngàn người Việt Nam tử đạo đã cho chúng ta thấy rằng niềm tin vào Đức Giêsu không phải là một cái gì đó xa lạ bên ngoài, nhưng là chính cuộc sống của họ, là căn tính của họ, là cái mà họ không thể thiếu khi sống trên đời này. Niềm tin Kitô giáo cũng hệt như ngọn lửa cháy bừng; ngọn cuồng phong bắt bớ cứ ngỡ là nếu tấn công vào thì sẽ dập tắt được nó, nhưng gió càng thổi, ngọn lửa càng cháy mạnh thêm nữa. Đã hơn 400 trôi qua rồi, người Việt Nam dù đã trải qua đủ loại bắt bớ, nhưng máu của các anh hùng tử đạo đã tưới gội mảnh đất khô cằn và làm bừng dậy những bông lúa đức tin thơm ngon. Đến bây giờ, bông lúa ấy vẫn không ngừng cho ra những hạt lúa tốt.

Người Kitô hữu luôn bị đặt giữa những thử thách nhưng chẳng bao giờ họ thua cuộc. Những bắt bớ chẳng thể nào huỷ diệt được đức tin; trái lại, càng làm cho nó lớn mạnh hơn. Các Tông Đồ năm xưa cũng như phần lớn các nhà truyền giáo đều kết thúc cuộc đời mình bằng cái chết thương tâm, nhưng chẳng bao giờ những cái chết ấy bị xem là thất bại, vì nếu nó là thất bại, thì cũng chẳng có chuyện niềm tin Kitô lại được loan truyền cho đến tận bây giờ. Giữa những bách hại, các Kitô hữu càng xích lại gần nhau, họ được nhắc nhớ về ý nghĩa và giá trị niềm tin mà họ đang nắm giữ. Bạo tàn luôn có nét hùng hồn và cứ ngỡ mình chiến thắng nhưng nó đã bị chính nỗi sợ giết chết mình từ bên trong. Những kẻ từng đưa tay lên đóng nhát đinh thật mạnh vào thân thể Chúa tưởng là mình có thể dùng sức mạnh để uy hiếp hay huỷ diệt người khác. Nhưng người chấp nhận lấy cái chết để làm chứng cho tình yêu và sẵn sàng nói lên lời tha thứ mới là kẻ chiến thắng thật sự.

Ba mươi năm nhân ngày các anh hùng Việt Nam tử đạo được Giáo Hội tuyên thánh, ta lại được gợi nhớ về sự chiến thắng oai hùng của thập giá Đức Giêsu. Giáo Hội Chúa đang còn lữ thứ và chắc chắn sẽ còn chịu nhiều thử thách gian nan. Nhưng người Kitô hữu vẫn không hề nao núng vì luôn tìm thấy được sức mạnh nơi chính Đấng đã chết và phục sinh, cũng như nơi sức hoạt động phong phú và mãnh liệt của Thánh Thần. Giáo Hội sẵn sàng lên tiếng vì công bình nhưng không bao giờ giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực vì Giáo Hội – nghe theo lời dạy của Thầy Chí Thánh – không hề có vũ trang, không tích trữ vũ khí. Như Giêsu đã dùng tình yêu của mình để chiếu sáng thế gian thế nào, từng người Kitô hữu cũng được mời gọi để noi gương Thầy như vậy. Đó là vũ khí mạnh mẽ nhất của họ và không một cường bạo nào của thế gian có thể chiến thắng được. Người đời cứ hả hê phô diễn trò cười của mình qua những nhạo báng và bắt bớ; còn người Kitô hữu thì vui niềm vui bất diệt trong Thiên Chúa của mình.

 

Pr. Lê Hoàng Nam (dongten.net)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm