Sinh con là quyền của ai?

Thứ Ba, 18-07-2017 | 20:27:30

Tạo hoá đã ban cho phụ nữ thiên chức mang thai, sinh đẻ và cho con bú mà chẳng người đàn ông tài giỏi nào làm thay được.

Trước kia điều này bị coi là gánh nặng của phận đàn bà, nào là mang thai mệt mỏi (“mang nặng đẻ đau”), đầy rủi ro (“ba tháng còn sẩy, bẩy tháng còn sa”, “một con sa bằng ba con đẻ”), nào là sinh nở đau đớn, nguy hiểm (“đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”, “gái chửa cửa mả”, “sinh được một con mất một hòn máu”), đặc biệt luật pháp và truyền thống nhiều nơi lại quy định con phải mang họ cha nên việc sinh con của phụ nữ phụ thuộc rất lớn vào ý muốn của người đàn ông và gia đình nhà chồng.

Thời nay, xã hội quan niệm “thoáng” hơn, kinh tế thoải mái hơn, ngày càng có nhiều chị em “cãi chồng” muốn tự quyết việc sinh con, cả về thời điểm, số con, thậm chí sẵn sàng sinh con không bố, không màng đến việc cho người bố biết hoặc can thiệp vào. Đây hầu hết là những phụ nữ có học, có sự nghiệp và kinh tế độc lập. Họ tin là mình có đủ trí tuệ và tài chính để nuôi dạy con nên người mà không cần dựa vào chồng, nhất là khi xung quanh có quá nhiều đứa trẻ chịu cảnh có bố trên danh nghĩa nhưng thực tế chẳng đươc chăm sóc gì mà chỉ làm “gương mù” cho con. Dân mạng truyền nhau ví dụ về môt người cha đã dạy con rằng: “Con ơi chích hút thì đừng. Rươu chè, gái gú bố mừng cho con!”

Cũng chưa xa lắm đâu, vào 17 tháng 1 năm 1975, Pháp đã thông qua đạo luật Veil cho phép phụ nữ quyền tự quyết định có phá thai hay không. Simone Veil là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp và là nữ Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện châu Âu, suốt đời đấu tranh để những người phụ nữ giành được quyền định đoạt thân thể của mình và quyền được lựa chọn cuộc sống theo ý muốn. Những tổ chức Phò sinh của Giáo hội đã chống lại Luật phá thai này, kêu gọi xây dựng một nền văn hoá sự sống dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về quyền được sống và về phẩm giá của mỗi người.
“Một đứa trẻ nếu tôi muốn, khi tôi muốn” (un enfant si je veux, quand je veux) là biểu ngữ mà nhiều chị em giương cao khi tuần hành trên đường phố nước Pháp thời đó. Phải chăng tư tưởng ấy đã len vào đầu những bà mẹ đơn thân (single mom) ngày nay? (single mom: một phụ nữ chọn cách sống “không chồng mà có con” chứ không phải những “người mẹ đơn chiếc” không có chồng ở bên cạnh như ly thân, ly dị, goá bụa,… – người viết)

Tạo hóa trao cho nữ giới khả năng sinh sản là ưu thế chứ không phải bất lợi. Ta ủng hộ việc xã hội trân trọng quyền của phụ nữ trong việc cung cấp công dân cho xã hội chứ không phải coi họ như “máy đẻ”. 
Nhưng sinh con đâu chỉ phụ nữ, mà còn là “việc của đàn ông” cùng là đặc ân của Đấng Tối cao nữa chứ! Quan trọng hơn là việc bảo vệ quyền của đứa trẻ. 
Khi người phụ nữ tự quyết sinh con một mình, không chỉ người cha bị mất quyền làm cha mà còn tước đi quyền có cả cha lẫn mẹ của đứa con, đẩy đứa trẻ vào hoàn cảnh thua kém so với những trẻ em khác. Nhìn những em bé lớn lên trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, ông bà mới thật sự cảm thấy sự thiệt thòi của đứa trẻ sinh ra không có bố, thậm chí không biết bố mình là ai.
Đó là chưa kể thời điểm sinh con, nhiều chị đã để khá muộn. Không ai nói sinh con so lớn tuổi thì con hoăc cả hai mẹ con sẽ không khỏe mạnh, chỉ e rằng rủi ro trong thai kỳ và lúc sinh sẽ lớn hơn. Nên nhớ tuổi sinh sản không chỉ giới hạn với phụ nữ mà cả với đàn ông, dân gian đã có câu “cha già, con cọc”, sinh con đầu khi nam nữ đã qua tuổi 35-40 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con cái mà sự cách biệt tuổi tác quá lớn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ mẹ cha với con cái. Đa phần những trẻ “có vấn đề” đều sinh ra khi bố mẹ đã lớn tuổi, bị một trong hai đấng sinh thành xao nhãng, gia đình căng thẳng về tinh thần và cảm xúc,…

Có những người mẹ quá mạnh mẽ nghĩ mình không cần dựa dẫm ai, có người theo quan điểm: con không cần bố vẫn hạnh phúc, “thà con được một mình mẹ toàn tâm toàn ý nuôi nấng còn tốt hơn chán vạn lần so với những gia đình đủ cả cha lẫn mẹ mà suốt ngày bất hoà, mâu thuẫn, môi trường sống phức tạp”. Họ đâu biết tình cảnh “mẹ con côi cút” dù “độc lập, tự do” nhưng chắc gì đã “hạnh phúc”, áp lực lại dồn lên con cái, khiến chúng dễ tủi thân phải gồng mình lên, ảnh hưởng đến việc lựa chọn bạn bè, nghề nghiệp, hôn nhân sau này.
Tất nhiên một người mẹ đủ “dũng cảm” để sinh con một mình chắc chắn cũng sẽ đủ mạnh mẽ để bao bọc và dạy dỗ con nên người, thậm chí tốt hơn nhiều so với việc có người cha bê tha, ích kỷ. Nhưng đứa trẻ vẫn sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý trong quá trình lớn lên. Phụ nữ ơi! Việc lựa chọn ấy không chỉ cho mình, mà còn là trách nhiệm với 3 thế hệ: với bản thân, với bố mẹ và với con cái của mình nữa.

Vì thế, quyết định sinh con thế nào, thời điểm nào là tùy cá nhân nhưng cần ý thức đây không chỉ là việc riêng mà còn là quyền lợi của đứa trẻ, ảnh hưởng đến cả số phận con người. Mỗi một sinh linh đều có quyền được sống và quyền được yêu thương. Quyền ấy gắn chặt với con người kể từ khi sinh ra và không ai có quyền tước đi. Đứa trẻ sinh ra không được công nhận thì cuộc đời đã mất đi giá trị của một con người theo đúng nghĩa.

ĐỒNG CẢM với những cô gái 1 mình làm mẹ nhưng đừng tung hô như một “kiểu gia đình” có nhiều ưu thế để lựa chọn. Từ tiếng Anh FAMILY (gia đình) có thể hiểu là từ ghép của: Father And Mother, I Love You (cha mẹ ơi, con yêu cha mẹ!)

Đồng ý là “nhà xuất bản” mang tên NGƯỜI MẸ đã cho ra đời “tác phẩm” tuyệt vời là ĐỨA CON nhưng lẽ nào có thể gạch bỏ tên tác giả, giành luôn cả “quyền tác giả” hoặc đề tên tác giả là: VÔ DANH?

Ths – Bs Lan Hải.
(Hình minh hoạ: Bé xíu hạnh phúc của FAMILY mẹ sữa Trần Mỹ Xuyên)

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm