Suy niệm Tin Mừng - Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh (14.04.2018): Chúa đi trên biển

Thứ Sáu, 13-04-2018 | 17:00:56

Phúc Âm: Ga 6, 16-21

“Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.


Suy niệm: Chúa đi trên biển

Biến cố Chúa đi trên biển cũng được mô tả trong Phúc Âm Nhất Lãm (Mt 14 và Mc 6), nhưng tường thuật của Gioan xem ra nhấn mạnh những chi tiết khác, ngài muốn làm nổi bật một ý nghĩa khác. Thánh sử Gioan không nói đến việc Chúa đến để trợ giúp cho các Tông Ðồ đang lúc gặp khó khăn, cũng không nói gì về việc làm cho sóng gió im lặng. Thay vì nhắc chi tiết làm sóng gió im lặng, ngài nhắc đến việc chiếc thuyền đến bờ bình an. Nhưng khi nhắc đến chi tiết này, tác giả xem ra cũng không chú ý nhiều đến nó, mà chỉ chú ý đến chi tiết qui về Chúa Giêsu nhiều hơn.

Tác giả muốn cho chúng ta nhìn thấy một Chúa Giêsu Kitô đầy quyền năng, không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giêsu đi trên mặt nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Lúc đó, quyền năng Chúa Giêsu được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: “Thầy đây đừng sợ”. Trong Phúc Âm Gioan thì nói: “Ta đây”. Ðó là cách nói diễn tả thực thể Thiên Chúa, nhắc đến Giavê Thiên Chúa mạc khải chính mình cho Môisê như là Ðấng “Ta là: Ego sum qui sum”. Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các Tông Ðồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là thực thể Thiên Chúa, là Ðấng “Ta là”. Như thế, sau phép lạ Chúa làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hoá nhiều để nuôi sống 5,000 người, thì biến cố đi trên mặt biển giữa sóng gió được mạc khải rõ hơn về thực thể Thiên Chúa quyền năng “Ta là”.

Ðáp lại, thái độ của dân chúng nhìn thấy Chúa chỉ như một tiên tri, một con người phi thường và muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ hiểu sai thực thể Chúa là ai. Trong biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy thực thể đúng thật của Ngài, Ngài là Thiên Chúa, là Ðấng “Ta là”.

Như thế, qua lời nói trấn an các tông đồ “Thầy đây đừng sợ”, mạc khải này chuẩn bị thêm cho việc Chúa Giêsu giảng dạy về Bánh Hằng Sống nơi hội đường Caphanaum, Bánh ấy chính là Ngài. Hơn nữa, trong hội đường khi rao giảng về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu được tường thuật năm lần khi dùng đến lời quả quyết “Ta là” để diễn tả thực thể Ngài là Thiên Chúa: “Ta là Bánh Hằng Sống”. Như thế phần nào chúng ta thấy lý do tại sao Phúc Âm Gioan nhắc đến dấu lạ này sau phép lạ bánh và cá hoá nhiều và liền trước bài giảng về Bánh Hằng Sống.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi hiện diện giữa loài người, Như thế, có thể kết luận rằng nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa để có thể tin nhận mạc khải của Chúa về Bí Tích Thánh Thể, về Bánh Hằng Sống. Hai việc này luôn đi đôi với nhau: tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì sẽ tin nhận bí tích Thánh Thể. Ngược lại, nếu không tin Chúa Gêsu Kitô là Thiên Chúa thì cũng không thể tin vào Thánh Thể, và nếu không tin vào Thánh Thể thì cũng không tin vững mạnh vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy những dấu lạ Chúa vẫn thực hiện hôm nay và tin nhận Chúa là Thiên Chúa, từ đó tin nhận những gì Chúa mạc khải cho chúng con để cứu rỗi chúng con. Xin cho chúng con được luôn tín thác vào Chúa, nhất là khi gặp những nghịch cảnh thử thách. Chúa hiện diện trong Thánh Thể để đến với chúng con và trấn an chúng con “Thầy đây đừng sợ”, xin cho chúng con biết đến với Chúa trong Thánh Thể để nghe Chúa nói “Thầy đây đừng sợ”. Amen.

Missionaries in Asia

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm