Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai Tuần XIII Mùa Thường Niên (02.07.2018): Thế nào là từ bỏ

Chúa Nhật, 01-07-2018 | 17:00:43

Phúc Âm: Mt 8, 18-22

“Con hãy theo Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng vây quanh Người, thì Người ra lệnh sang qua bờ bên kia. Một luật sĩ đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”. Một môn đệ khác thưa Người rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Chúa Giêsu trả lời: “Con hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”.


Suy niệm: Thế nào là từ bỏ

Khác với những chưởng môn hay đạo trưởng khi chiêu tập môn sinh thường đưa ra những hứa hẹn cho tương lai xán lạn, Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra những đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát cho những ai muốn bước theo Người.

Chúa Giê-su đã trả lời cho hai trường hợp đến xin theo Người cùng chung một điều kiện là “từ bỏ”, từ bỏ những tìm kiếm mang tính trần thế và từ bỏ cả những vương vấn tình cảm, thậm chí là liên hệ ruột thịt.

Thánh Mát-thêu kể ra hai trường hợp: một kẻ “xin nhập tu” và một “người đang tu thì xin về phép thăm gia đình” (khác với thánh Lu-ca kể thêm trường hợp thứ ba là “cầm cày còn ngoảy lại sau” – nghĩa là kẻ tu mà đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay và vẫn tơ tưởng hoa thơm cỏ lạ bên đường – x. Lc 9,57-62).

Với trường hợp “tìm hiểu” thì Chúa Giê-su xác định điều kiện theo Người là lo tìm Chúa chứ không tìm được tiện nghi và quyền lực; còn trường hợp “xin về phép” thì Chúa Giê-su dạy tu thì lo tu chứ đừng vương vấn lo lắng chuyện gia đình nữa.

* Từ bỏ quyền lực.

Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,19-20).

Nhiều người khi nghe câu Tin Mừng này, thường giải thích theo nghĩa “khó nghèo” và cho rằng Chúa Giê-su nghèo đến mức thua cả con chồn con cáo, vô gia cư và ăn bờ ngủ bụi. Nhưng thực ra, Chúa tuy nghèo đấy nhưng Chúa có nhà cửa và khi Chúa chịu chết và Phục Sinh thì Mẹ Maria vẫn còn sống, vả lại các Tin Mừng vẫn kể chuyện Chúa đưa các môn đệ về ở nhà với Người (x. Ga 1,39).

Đúng hơn, Chúa Giê-su xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa?

Thật ra, đây là kiểu nói ẩn dụ mà Thánh Kinh thường sử dụng. Chồn cáo là loài rình rập trong bóng tối, ám chỉ Hê-rô-đê (x. Lc 13,32); trên cờ hiệu của lính Rô-ma (Phi-la-tô) có hình mỏ chim đại bàng. Hê-rô-đê và Phi-la-tô là đại diện cho hai thứ quyền lực bản địa và thực dân thời bấy giờ. Khi nói “chồn có hang, chim có tổ”, Chúa Giê-su muốn nói trước với kẻ xin theo Người rằng: Theo Hê-rô-đê tuy bù nhìn nhưng còn có quyền lực và danh vọng, theo Phi-la-tô còn có quyền công dân Rô-ma và thế giá mẫu quốc; còn theo Chúa Giê-su thì đừng mong gì quyền lợi thế trần, nhưng là hạ mình xuống phục vụ anh chị em mình.

Tin mừng kể rõ người đến xin theo Chúa ở đây là một kinh sư, chúng ta không biết là sau khi Chúa ra điều kiện từ bỏ, ông này có còn dám theo hay không, chỉ biết rằng trong Nhóm Mười Hai cũng có Bartolomeo là kinh sư.

Xét về giai cấp xã hội và tôn giáo Do-thái, tuy giới kinh sư không có thực quyền, nhưng họ có một chỗ đứng rất lớn về mặt tôn giáo trong việc giải thích Thánh Kinh và được mọi người kính trọng, một số thỏa hiệp với Rô-ma để có được những quyền lợi nhất định. Giới kinh sư không thiếu những người thích ăn mặc trịnh trọng, muốn được ăn trên ngồi trốc và muốn được mọi người chào hỏi… Và có lẽ chính vì vậy mà khi “vị kinh sư” này đến xin “đi tu” thì Chúa Giê-su xác định ngay từ đầu điều kiện “từ bỏ tư tưởng tìm kiếm quyền lực trần gian”.

Không riêng gì những người xin theo Chúa ngày xưa, ngày nay cũng không thiếu những người tìm theo Chúa, cách riêng trong ơn gọi tu trì, họ tìm gia nhập các dòng tu hay tu hội với mong muốn được đổi đời, được làm làm ông này bà nọ, để được kính trọng gọi là cha là soeur… phần vì ưa danh vọng phần vì áp lực gia đình dòng họ muốn đã đi tu thì phải làm cha hay làm chức gì đó có tiếng tăm, để rồi không thiếu những người đã tìm mọi cách, thậm chí dùng cả những thủ đọn thấp hèn để đạt mục đích.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hơn chức vụ trong Hội Thánh là để phục vụ và hi sinh truyền giáo, chứ không phải để được kính nể trọng vọng. Nếu không, chúng ta cũng chẳng hơn gì những kinh sư giả hình xưa kia mà Chúa Giê-su từng lên án.

* Từ bỏ những liên hệ tình cảm.

Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8, 21-22).

Trường hợp thứ hai này là một môn đệ, nghĩa là người đã đi theo Chúa rồi, chứ không phải mới đến xin “nhập tu” nữa.

Hôm nay môn đệ này đến xin Chúa Giê-su để “về phép”, có thể là muốn phụng dưỡng cha già mẹ yếu của mình cho đến khi cha mẹ chết rồi mới “vào tu tiếp”, mà không nhận ra được tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, đi tu nhưng vẫn coi công việc gia đình cao hơn sứ vụ Chúa giao phó. Cũng có thể đó là một cái cớ người môn đệ này vịn để thoái thác; những bổn phận ấy của anh có lẽ chẳng qua là bổn phận thuộc về thế giới của “kẻ chết”.

Khi nghe lời quả quyết cách dứt khoát của Chúa Giê-su theo kiểu Người không thể mất thời giờ với những môn đệ không biết sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tin Mừng, có lẽ không ít chúng ta cho rằng Chúa Giê-su đòi hỏi quá khắt khe chăng?

Thật ra, không phải Chúa Giê-su xem nhẹ đạo hiếu, nhưng Người muốn cho những ai đã chọn bước theo Chúa cần có sự siêu thoát, tự do lựa chọn chứ không ai ép buộc. Người muốn môn sinh phải ưu tiên cho việc Chúa hơn những tương quan khác. Đã chọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng thì phải giảm thiểu tối đa những vương vấn gia đình.

“Kẻ chết chôn kẻ chết”. Với cách diễn đạt của Tin Mừng, khi chọn theo Chúa là đang bước vào cõi sống, được Chúa làm gia nghiệp là đạt đến sự sống đời đời; còn không theo Chúa là vẫn đang bị giam giữ dưới quyền lực sự chết phần linh hồn. Vì thế, cứ để thể gian lo chuyện sống chết thể lý, còn người theo Chúa lo rao giảng Tin Mừng về sự sống đời đời cho những ai còn đang ở trong bóng tối sự chết ấy.

Tóm lại, không ai làm tôi hai chủ được, nghĩa là đã chọn theo Chúa Giê-su cùng với sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải từ bỏ một cách dứt khoát những đam mê danh vọng quyền lực và những liên hệ vương vấn tình cảm – kể cả tình cảm gia đình ruột thịt, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Nước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người đã chọn theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến, luôn ý thức về quyền bính là để phục vụ; đồng thời luôn biết ưu tiên việc Chúa là trên hết mọi thứ liên hệ thế gian. Amen.

Viện phụ Hiền Lâm, O.Cist

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm