Suy niệm Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần XVIII Mùa Thường Niên (10.08.2018): Lễ Kính Thánh Laurensô, phó tế - tử đạo

Thứ Năm, 09-08-2018 | 17:00:26

Phúc Âm: Ga 12, 24-26

“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.


Suy niệm: Hiến dâng mạng sống vì Chúa.

Theo định luật tự nhiên, mọi vật đều đi qua giai đoạn “đề, phản đề và hợp đề”; tựa như hạt giống gieo xuống nếu không mục nát để đâm chồi nảy lộc thì nó chỉ trơ trọi; con người cần phải nỗ lực làm việc mới mong phát triển…

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng thế, khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên, và ngược lại, chỉ khi trao ban mới được nhận lãnh. Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt, mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

* Như hạt lúa mục nát đi…

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Ngài chuyển hoá đời mình như một hạt giống phải thối nát đi để sinh nhiều bông hạt:

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Phải, nếu hạt lúa được giữ nguyên trong kho, được bảo quản kỹ càng, thì nó chỉ là hạt lúa trơ trọi, một hạt lúa cô đơn, một hạt lúa chết dần mòn. Còn hạt lúa nào chịu huỷ mình đi trong ruộng sình sẽ vươn lên phơi phới và sinh được gấp trăm.

Quy luật sinh tồn là thế: chỉ khi cho đi, mới là lúc được nhận lại dồi dào; chính khi hiến mình là lúc nhận lại bản thân. Vì thế, khi sắp chịu huỷ mình trên thập giá và chịu mai táng trong mộ, Chúa Giêsu gọi đó là giờ Người được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12, 23).

Vì vậy, để chia sẻ sự sống mới với Đức Kitô, con người phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử; tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người, những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo mình phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào mình, như là một phần đời sống của mình. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến mình đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu biết chấp nhận những “cái mất” hiện tại, thì sẽ có những “cái được” trong tương lại, dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua sẽ có những “cái được” vĩnh cửu. mất bản thân mình để được chính Chúa, mất điều tầm thường để được điều cao cả, mất trần gian để được thiên đàng… Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, thì mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).

* Hiến dâng mạng sống vì Chúa.

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.

Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 

Lm. Hiền Lâm

Tags: , , , , , ,

Có thể bạn quan tâm