Suy niệm trong linh đạo DCCT: Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô.

Thứ Ba, 27-06-2017 | 21:14:23

Như các nhà thừa sai, chúng ta bất chấp nguy hiểm để rao giảng Tin Mừng như những tin vui cho người khác mà không mang bất kỳ niềm vui hay vẻ đẹp trong chính đời sống chúng ta?! Chúng ta có thể làm cho Đức Kitô trở thành đối tượng của công việc mục vụ tông đồ của mình nhưng không thực sự làm cho Ngài thành một người bạn cho những kẻ suốt hành trình được chúng ta chia sẻ?!

Gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc

Bắt đầu lại từ nơi Đức Kitô – Đời sống thánh hiến đã bắt đầu vào thiên niên kỷ thứ ba với cam kết này. Đức Kitô có trở nên quen thuộc hơn trong cuộc sống của chúng ta từ trước đến giờ không? Việc Đức Kitô trở nên quen thuộc hơn có sinh lợi gì cho những sứ vụ của chúng ta không?

Đức Bênêdictô XVI đã nói trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 1 rằng: “Là Kitô hữu không chỉ là kết quả của một sự chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao quý, nhưng đó phải là sự gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi có tính chất quyết định.” Trong tài liệu Aparecida chúng ta đã đọc: “Món quà tốt nhất có thể để một người nhận lãnh là được biết Chúa Giêsu; được gặp gỡ Ngài là điều vĩ đại nhất có thể xảy ra trong đời sống của một người và việc làm cho Ngài được nhận biết bởi những lời nói và việc làm của chúng ta, đó là suối nguồn của niềm vui cho chúng ta” (Số 29).

Một vài câu nói được rút ra trở nên những khẩu hiệu trống rỗng. Ta lập lại chúng và rao giảng chúng nhưng các khẩu hiệu đó không phải luôn luôn mang đến hiệu quả. Trong trường hợp này, ta cho là điều tất nhiên có được cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Nhưng thế nào và khi nào? Liệu Lời của Ngài có mở ra những viễn cảnh mới cho ta hôm nay không?

Khi tôi nhìn lại những năm trước đây, có những ngày dường như Tin Mừng là nền tảng để xây dựng đời tôi. Có lẽ, một người bạn, quyển sách, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, một anh chị giáo lý viên hay vài kinh nghiệm là những lý do giúp tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu đang nói với tôi theo những cách thức khác nhau. Rồi một ngày, tôi thấy tất cả những điều này một cách rõ ràng và tôi bỏ lại mọi sự mà đi theo Ngài. Tôi quyết định cộng tác với Ngài để làm chứa chan hơn ơn cứu chuộc nơi Ngài. Và giờ đây, còn lại trong tôi những quyết tâm ít nhiều, cả với những ảo tưởng và tội lỗi của tôi. Trên hết tất cả là một khát khao được khởi sự lại từ đầu với Đức Kitô một lần nữa.

“Không ai đã từng thấy Chúa bao giờ” (1Ga 4, 12). Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9). Nếu cuộc sống là một sự tìm kiếm nhan thánh Chúa thì tình bạn với Đức Kitô là một sự thiết yếu vì tình bạn này đặt để chúng ta vào đúng lối đi. Xa cách Đức Kitô chúng ta sẽ tìm thấy nhiều con đường khác để theo. “Liệu anh em cũng muốn bỏ Thầy đi sao?” (Ga 6, 67).

Như các nhà thừa sai, chúng ta bất chấp nguy hiểm để rao giảng Tin Mừng như những tin vui cho người khác mà không mang bất kỳ niềm vui hay vẻ đẹp trong chính đời sống chúng ta?! Chúng ta có thể làm cho Đức Kitô trở thành đối tượng của công việc mục vụ tông đồ của mình nhưng không thực sự làm cho Ngài thành một người bạn cho những kẻ suốt hành trình được chúng ta chia sẻ?!

Lời của Ngài là ánh sáng chỉ đường con đi

Tin Mừng Gioan (15, 1 – 5): đơn giản chúng tôi chỉ ra

  • Bối cảnhlà bữa tiệc ly. Trong Tin Mừng Gioan thì việc rửa chân, hình ảnh về vườn nho và những lời yêu thương của Chúa Kitô diễn tả việc thiết lập bí tích Thánh Thể, nhưng đồng thời nó cũng nói lên ý nghĩa đích thực của bữa tiệc này. Nhựa sống chảy từ cây nho đến các nhánh là món quà cho chính nó. Chúng ta có thể diễn tả điều này giống như thứ nguyên liệu thô cho sự kết hiệp của ta với Chúa Giêsu và đồng thời là điều kiện để trổ sinh hoa trái.
  • Trong số các động từ được sử dụng, động từ “ở lại”đòi hỏi sự chú ý của chúng ta một cách đặc biệt. Từ ở lại còn có nghĩa là vẫn còn hay cư ngụ nhưng cũng có nghĩa là nhớ về quê nhà, về nơi có những tác động, cảm xúc và chỗ náu nương mà chúng ta có thể ở một mình. Điều đó nghĩa là chia sẻ với Con Thiên Chúa bản tính của chúng ta như những đứa con của Thiên Chúa. Lần đầu tiên từ “ở lại” được dùng ở mệnh lệnh cách. Đức Giêsu biết rằng nếu chúng ta phải sinh hoa trái dựa vào việc ở lại này thì chọn lựa ngược lại chính là sự cằn cỗi.

Từ truyền thống Dòng Chúa Cứu Thế của chúng ta

Cách thức mà Thánh Anphongsô kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô đã ghi dấu nơi cuộc sống thánh nhân không thể nhầm lẫn được, và thậm chí ngày nay, cách thức này là dấu ấn riêng của lời rao giảng của Dòng Chúa Cứu Thế. Sự việc Anphongsô bị thua kiện và bị lừa tại Tribunal, thành Napôli vào mùa hè năm 1723, khiến cho ngài hiểu thấu Đức Kitô – Đấng là sự thật và là sự bền vững của mọi loài thụ tạo. Ngoài Đức Kitô, mọi thứ là trống rỗng và con người như trở nên một kẻ hung tàn lao về phía đồng loại của mình.

Khi Anphongsô chuyển đến ở giữa người nghèo trong khu ổ chuột của thủ đô và ở những làng mạc bị tách biệt khỏi Vương quốc Napôli, Anphongsô đã thấy đời sống thật sự khó khăn thế nàoẩn phía sau những diện mạo và hình ảnh dối trá.

Việc thực hiện Bí tích Hòa giải nơi xứ đạo đầu tiên của cha Thánh Anphongsô tại trung tâm thành phố Napôli đã giúp cho ngài hiểu vai trò cốt yếu của lòng chạnh thương trong Tin Mừng. Nơi các nguyện đường về đêm, Anphongsô đã đến để hiểu được tâm tư con người, và vai trò quan trọng mà lòng mến cư ngụ trong đời sống người nghèo khi họ đối mặt với những hy sinh và nỗ lực để tiến gần tới Thiên Chúa.

Tại Scala, Anphongsô đã khám phá ra người nghèo bị bỏ rơi thật sự và qua họ, ngài thấy mầu nhiệm Đức Kitô trong một ánh sáng mới, như Đấng đã dựng lều của Ngài giữa chúng ta và từ lều này, Ngài đã đi rao giảng. Kể từ đó, sự hiện diện và sứ mạngtrở thành tâm điểm của cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế.

Khía cạnh chiêm niệm của chị Maria Celeste Crostarosa mang tính quyết định trong lịch sử của chúng ta và tính quan phòng cho dự án cha Thánh Anphongsô đang hoạch định có chiều kích truyền giáo. Một kỷ niệm sống động cho các nữ tu Chúa Cứu Thế và việc Tin Mừng hóa cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế.

Đức Kitô của Anphongsô Ligôri đã mang lấy những đặc điểm mới nơi các Thánh và Chân phúc trong Dòng ta. Với Thánh Giêrađô, Ngài là Đức Kitô khôi hài và chịu đóng đinh; Ngài là Đức Kitô mở ra những cách thức mới trong hoàn cảnh đối với Thánh Clement Hofbauer; trong khi với Thánh John Neumann, Ngài là Đức Kitô đã rời bỏ vùng đất bản xứ để theo những người di cư. Với Chân phúc Gennaro Sarnelli, Đức Kitô là người dạy giáo lý và người bạn của những con người cặn bã nhất trong xã hội. Đức Kitô là người mục tử giản đơn và luôn chào đón đoàn chiên được thấy nơi Chân phúc Fancis Xavier Seelos, hay một Nhà đào tạo kiên nhẫn nơi Chân phúc Gaspar Stangassinger; và với Chân phúc Peter Donders, Ngài là Đấng chữa lành những bệnh nhân cùi hủi. Ngài là người thách thức sự ngạo mạn của quyền lực qua các Chân phúc Dominick Methodius Trcka, Mykolay Charnetsky, Zynoviy Kovalyt, Ivan Ziatyk và nơi các vị tử đạo Dòng Chúa Cứu Thế tại Cuena vừa được phong Chân phước.

Hiến Pháp ngày nay

Tính năng động thừa sai (HP. 14) là đặc điểm của ơn gọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và làm cho chúng ta đi theo khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta bằng việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo (HP. 1). Mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô không kết thúc trong chính nó, mà cũng không mơ hồ theo kiểu thân mật đơn lẻ nhưng hơn hết nó là phục vụ cho sứ mạng. Do tính năng động này làm cho chúng ta trở nên “những người giúp đỡ, những nhà đồng hành, và những người thi hành sứ vụ của Đức Kitô trong công việc cứu chuộc vĩ đại” (HP. 2).

Tuy nhiên, tính năng động thừa sai này có thể trở thành hoạt động điên cuồng và vô ích nếu nó không dựa trên việc gặp gỡ thường xuyên mỗi ngày với Đấng mà chúng ta đang cộng tác; nếu chúng ta không để cho chính Ngài làm trung tâm cho đời sống ta, sự nỗ lực để bước vào sự kết hiệp riêng tư mật thiết với Ngài (HP 23). Chúng ta phải nghiêm túc hỏi chính bản thân mình rằng cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không đặt Đấng Cứu Chuộc vào tâm điểm của cộng đoàn “với Thần Khí tình yêu của Ngài để định hình và duy trì cộng đoàn” (HP. 23).

Ở giữa hai thái cực tĩnh lặng và hoạt động, có một đời sống tông đồ mà nó “bao gồm một đời sống được hiến dâng đặc biệt cho Thiên Chúa và đời sống với công việc thừa sai” (HP. 1).

Communicanda 2 (1999) đã nói “kiểu mẫu rao giảng Tin Mừng của chúng ta phụ thuộc vào việc làm thế nào để dân Chúa có thể nhận ra Đức Giêsu ngõ hầu có thể đáp lại lời Ngài.” (Số. 18). Communicanda 2 cũng đặt câu hỏi làm thế nào “có thể không việc làm cho Đức Kitô là trung tâm hoạt động tông đồ của chúng ta nếu như Ngài không là trung tâm và là tâm điểm sự hiện diện của các cộng đoàn chúng ta?” (Số 19).

Về phần riêng tôi, điều này chỉ có thể khi tôi đã có kinh nghiệm với Đức Kitô như là Đấng Cứu Độ thật sự trong đời sống của mình; thậm chí, cả trong những khoảng tăm tối và ẩn khuất nhất trong lịch sử cá nhân và của thân xác nghèo nàn của tôi, để qua đó, tôi có thể nói như ông Gióp “tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và sau cùng Ngài sẽ làm cho tôi đứng dậy từ bụi đất” (G 19, 25).

Kết luận

Cầu nguyện với Cha Thánh Anphongsô:

Con cảm tạ Ngài, Đấng Hằng Có Đời Đời đã ban cho con người Con của Ngài;

và hơn thế nữa, Ngài cũng ban cho con mọi thứ,

Con, là loài khốn cùng xin phó thác toàn thân con cho Ngài.

Nhờ tình yêu của Chúa Con,

Ngài chấp nhận và liên kết con với sợi dây tình yêu cùng Đấng Cứu Chuộc của con

Và Ngài, Đấng Cứu Độ con, Ngài là tất cả của con

Hãy biết rằng con là tất cả của Ngài

Hãy thực thi nơi con như Ngài muốn

Làm thế nào con có thể từ chối mọi thứ thuộc về Chúa, Đấng đã không chối bỏ con nơi máu và sự sống Ngài.

 Lạy Mẹ Maria, Mẹ của con, xin gìn giữ con dưới sự che chở của Mẹ.

Con không còn ước muốn cho chính mình nữa, con ước ao hoàn toàn thuộc về Chúa của con.

Mẹ muốn làm cho con được trung thành; con tín thác vào Mẹ.

Anthony Mulvey, CSsR.

Học viện Thánh Anphong sô (theo cssr.news)

Tags: ,

Có thể bạn quan tâm