Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 119: Xác nhận lại đạo lý cốt yếu của Hội Thánh về việc truyền sinh

Chúa Nhật, 26-03-2017 | 10:00:51

CXIX: XÁC NHẬN LẠI ĐẠO LÍ CỐT YẾU CỦA HỘI THÁNH VỀ VIỆC TRUYỀN SINH

(Ngày 22 tháng 8 năm 1984)

***

1. Đâu là đạo lí cốt yếu của Hội Thánh về việc truyền sinh trong cộng đoàn hôn nhân, đạo lí mà Hiến chế mục vụ của Công Đồng «Gaudium et Spes» và Thông điệp «Humanae Vitae» của đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhắc nhở chúng ta?

Vấn đề nằm ở chỗ duy trì mối tương quan thích hợp giữa cái được xác định là sự «thống trị … các sức mạnh tự nhiên»[1] và việc «làm chủ bản thân»[2] rất thiết yếu đối với nhân vị. Con người thời đại bộc lộ khuynh hướng muốn chuyển các phương pháp của riêng lãnh vực thứ nhất thành phương thế dùng cho lãnh vực thứ hai. «Con người đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc làm chủ và tổ chức theo  lí trí các sức mạnh của thiên nhiên – như chúng ta đọc thấy trong Thông điệp – đến nỗi nó có khuynh hướng bành trướng sự thống trị này đến chính bản thân con người toàn thể của mình: thân xác, đời sống tâm lí, cuộc sống xã hội, và thậm chí cả lề luật đang điều khiển việc truyền sinh».[3]

Sự mở rộng phạm vi của các phương tiện «thống trị … các sức mạnh thiên nhiên» như thế, đe dọa con người với tư cách là một nhân vị, mà việc «làm chủ bản thân» là và vẫn luôn là đặc thù của nhân vị. Thật vậy, việc làm chủ bản thân tương ứng với cấu trúc nền tảng của ngôi vị: đó chính là một phương pháp «tự nhiên». Ngược lại, sự hoán đổi bằng các «phương tiện nhân tạo» phá vỡ chiều kích căn bản của ngôi vị, tước đi của con người tính chủ thể của riêng mình và biến nó thành một đồ vật cho người ta hưởng dụng tùy ý.

2. Thân xác con người không chỉ là lãnh địa của những phản ứng thuộc tính dục, nhưng đồng thời còn là phương thế biểu lộ toàn thể con người, nhân vị, tự tỏ lộ chính mình nhờ «ngôn ngữ của thân xác». «Ngôn ngữ» này có một ý nghĩa liên vị rất quan trọng, đặc biệt là khi tương giao giữa người nam với người nữ. Lại nữa, những phân tích trước đây của chúng tôi cho thấy rằng trong trường hợp này «ngôn ngữ của thân xác» phải diễn tả, ở một mức độ nhất định, chân lí của bí tích. Bằng cách tham dự vào Kế hoạch đời đời của Tình yêu («Sacramentum absconditum in Deo» : mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở nơi Thiên Chúa) «ngôn ngữ của thân xác» trở thành thật sự gần như là một «lời tiên tri của thân xác».

Người ta có thể nói rằng Thông điệp «Humanae Vitae» đưa chân lí này về thân xác con người với giới tính là nam là nữ của nó, đến những hệ luận cực đoan, không những về mặt luận lí và luân lí, mà còn về mặt thực tiễn và mục vụ.

3. Sự thống nhất hai mặt của vấn đề – chiều kích bí tích (tức thần học) và chiều kích duy nhân vị –tương ứng với «mạc khải của thân xác» toàn vẹn. Từ đây còn rút ra được một sự nối kết giữa quan điểm thuần túy thần học và quan điểm đạo đức học, mà người ta gọi là «luật tự nhiên».

Chủ thể của luật tự nhiên thật ra là con người không chỉ về mặt «tự nhiên» của cuộc sống của nó, mà còn trong sự thật toàn vẹn của tính chủ thể nhân vị của nó nữa. Con người ấy tỏ lộ ra cho ta, qua Mạc khải, như là một người nam và một người nữ, trong ơn gọi viên mãn của nó trong chiều kích thời gian và cánh chung. Con người ấy được Thiên Chúa kêu gọi làm chứng và giải thích cho ý định yêu thương đời đời, bằng cách trở nên là thừa tác viên của bí tích, mà «từ thuở ban đầu» đã được thiết lập trong dấu chỉ «kết hợp nên một xương một thịt».

4. Trong tư cách như là thừa tác viên của một bí tích được thiết lập nhờ sự ưng thuận và được hoàn hợp nhờ sự kết hợp vợ chồng, người nam và người nữ được kêu gọi diễn tả «ngôn ngữ» mầu nhiệm của thân xác họ trong toàn thể sự thật của nó. Qua các hành động và phản ứng, qua toàn thể tính năng động chi phối lẫn nhau giữa sự căng thẳng và hoan lạc – mà nguồn mạch trực tiếp là thân xác của người nam và người nữ, với hành động và tương tác của nó – qua tất cả những cái đó con người nhân vị«lên tiếng».

Người nam và người nữ qua «ngôn ngữ của thân xác» triển khai một cuộc đối thoại – theo St 2,24-25 – vốn đã khởi đầu vào ngày tạo dựng. Và ở chính tầm mức «ngôn ngữ thân xác» này – là cái gì còn hơn chứ không chỉ là những hành động tính dục và, như là ngôn ngữ đích thực của ngôi vị, nó còn bị đòi hỏi của chân lí, tức những luật luân lí khách quan – người nam và người nữ diễn tả chính mình cho nhau một cách trọn vẹn và sâu hơn, xét vì họ đồng thuận với nhau trong ngôn ngữ ấy phát xuất từ chính bình diện thân xác của nam giới và nữ giới của họ. Người nam và người nữ diễn tả chính mình trong tất cả sự thật của con người mình.

5. Con người đúng là một nhân vị bởi vì con người là chủ nhân của chính mình và làm chủ bản thân mình. Thật vậy, vì con người là chủ của chính mình nên nó có thể «hiến thân» cho người khác. Và chính chiều kích tự do này của sự dâng hiến là cốt yếu và có tính quyết định đối với «ngôn ngữ thân xác»,  trong đó người nam và người nữ tự biểu lộ cho nhau trong hành động kết hợp vợ chồng. Vì đây là sự hiệp thông các ngôi vị, nên «ngôn ngữ thân xác» phải được xét đoán theo tiêu chuẩn của sự thật. Chính tiêu chuẩn đó nhắc nhở Thông điệp «Humanae Vitae», như được xác nhận bởi các đoạn được trích dẫn trước đây.

6. Theo tiêu chuẩn của sự thật này, sự thật vốn phải được diễn tả qua «ngôn ngữ thân xác», hành vi vợ chồng «có nghĩa» không chỉ tình yêu thương, mà còn hướng đến sự sống phong nhiêu tiềm tàng, và do đó nó không thể bị tước mất đi ý nghĩa trọn vẹn và thích đáng của nó bởi các can thiệp nhân tạo nhằm ngăn chặn thụ thai. Trong hành vi vợ chồng, tách biệt một cách nhân tạo ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản là bất hợp pháp, vì cả hai ý nghĩa này trong thâm sâu cùng thuộc về sự thật của hành vi vợ chồng: ý nghĩa này được thể hiện đồng thời với ý nghĩa kia, và theo nghĩa nào đó, cái này có được thực hiện là nhờ đến cái kia. Thông điệp dạy như thế.[4] Bởi thế, trong trường hợp đó hành vi vợ chồng thiếu mất chân lí nội tại của nó, vì nếu tước mất đi một cách nhân tạo khả năng sinh sản của hành vi ấy, thì nó cũngkhông còn là hành vi của tình yêu nữa.

7. Có thể nói rằng trong trường hợp người ta tách biệt cách nhân tạo hai ý nghĩa này, trong hành vi vợ chồng người ta kết hợp trên thân xác thực sự, nhưng nó không tương xứng với chân lí nội tại và xứng với phẩm giá của sự hiệp thông ngôi vị (communio personarum). Quả thật, sự hiệp thông ấy đòi hỏi «ngôn ngữ thân xác» phải được biểu lộ giữa hai người trong sự thật toàn vẹn của ý nghĩa hành vi đó. Nếu thiếu vắng sự thật này, người ta không thể nói đến sự thật mình làm chủ bản thân, cũng không thể nói đến sự thật trao hiến bản thân cho nhau và đón nhận nhân vị của nhau. Xâm phạm trật tự nội tại của sự hiệp thông vợ chồng như thế, sự hiệp thông vốn có gốc rễ của nó dựa trên chính bình diện ngôi vị, là tạo ra cái xấu bản chất của hành vi ngừa thai.

8. Giải thích về luân thường đạo lí trên đây được trình bày trong Thông điệp «Humanae Vitae»được đặt trong bối cảnh rộng lớn của những suy tư gắn kết với thần học thân xác. Những suy tư về «dấu chỉ» liên quan đến hôn nhân, hiểu như là bí tích, là đặc biệt đúng đối với lí giải này. Và làm sao có thể hiểu được về mặt thần học rằng làm sao không có vi phạm làm đảo lộn trật tự nội tại của hành vi vợ chồng, nếu không có những suy tư về chủ đề «dục vọng của tính xác thịt».

_________________________________________

[1] Pauli VI, Humanae Vitae, 2.

[2] Ibid., 21.

[3] Ibid., 2.

[4] Pauli VI, Humanae Vitae, 12.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

Tags: , , , ,