Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 126: Đức Tiết Độ Phát Triển Sự Hiệp Thông Ngôi Vị Giữa Người Nam Và Người Nữ

Thứ Năm, 05-07-2018 | 22:54:46

CXXVI: ĐỨC TIẾT ĐỘ PHÁT TRIỂN SỰ HIỆP THÔNG
NGÔI VỊ GIỮA NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ

(Ngày 7 tháng 11 năm 1984)

1. Chúng ta tiếp tục phân tích đức tiết độ dưới ánh sáng của đạo lí của Thông điệp«Humanae Vitae».

Cần phải nhắc lại rằng các nhà tư tưởng kinh điển lớn về đạo đức học (và về nhân học), cả thời tiền Kitô giáo lẫn Kitô giáo (như Tôma Aquinô), nhìn đức tiết độ không chỉ là khả năng «kềm chế» các phản ứng thuộc thân xác và nhục dục, mà hơn thế còn là khả năng kiểm soát và hướng dẫn toàn thể lãnh vực khoái cảm và cảm xúc của con người. Vấn đề ở đây muốn bàn tới là khả năng điều hướng cả những kích thích để chúng phát triển đúng hướng, và cả chính những cảm xúc nữa, bằng cách qui hướng khả năng ấy làm cho tính chất “thanh khiết” và, theo nghĩa nào đó, “không thiên tư” của nó đi vào chiều sâu và mạnh mẽ hơn trong nội tâm.

2. Hai yếu tố này, kích thích và cảm xúc, tuy khác biệt nhưng không đối kháng. Điều đó không có nghĩa là hành vi vợ chồng, như hệ quả của sự kích thích, không đồng thời bao hàm tình cảm đối với người kia. Nhưng hẳn phải là như thếkhông được khác.

Trong hành vi vợ chồng, sự giao phối thân mật phải bao hàm một cường độ cảm xúc đặc biệt, đúng hơn, phải có tình cảm đối với tha nhân. Điều đó cũng có nói trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô, dưới hình thức của lời khuyên hướng đến các đôi vợ chồng: «Anh em hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô» [1].

Sự khác biệt giữa «kích thích» và «cảm xúc» mà bài phân tích này nói tới chỉ chứng tỏ độ phong phú chủ quan về phản ứng tình cảm của chủ thể nhân vị. Sự phong phú này loại trừ mọi sự giản lược phiến diện và cho thấy đức tiết độ có thể được thực thi như là khả năng điều khiển cách biểu hiện sự kích thích cũng như cảm xúc, khơi dậy bởi tương tác của sự dị biệt giới tính nam nữ.

3. Đức tiết độ, hiểu như thế, có một vai trò cốt yếu là để giữ thăng bằng trong tâm hồn giữa hai ý nghĩa, kết hợp và sinh sản, của hành vi vợ chồng, [2] trong viễn tượng của việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm thật sự.

Thông điệp «Humanae Vitae» dành mọi sự quan tâm cần thiết cho khía cạnh sinh học của vấn đề, nghĩa là, tính chất chu kì của sự thụ thai. Cho dù «tính chất định kì» ấy có thể được gọi, dưới ánh sáng của Thông điệp, là dấu chỉ quan phòng cho sự làm cha làm mẹ có trách nhiệm, thế nhưng một vấn đề như thế không chỉ được giải quyết ở trên bình diện này mà thôi, vì đây là vấn đề có một ý nghĩa về nhân vị sâu xa và thần học bí tích.

Thông điệp dạy việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm «như một sự thẩm định cho tình yêu hôn nhân trưởng thành» và do đó thông điệp không những có giải đáp cho câu hỏi cụ thể đặt ra trong lãnh vực đạo đức hôn nhân, mà còn, như đã nói, chỉ ra một phác họa cho linh đạo vợ chồng mà chúng tôi ước muốn ít là được phác thảo ra.

4. Cách hiểu và thực hành đúng đắn sự tiết dục định kì là nhân đức (đúng hơn, theo «Humanae Vitae» số 21, gọi là sự «làm chủ bản thân») quyết định «tính tự nhiên» của phương pháp, cũng được gọi bằng cái tên «phương pháp tự nhiên»: đây là «tính tự nhiên» ở tầm mức nhân vị. Bởi đó không được nghĩ việc áp dụng các qui luật sinh học một cách máy móc. Chính nhận thức về các «chu kì thụ thai» – cho dù cần thiết – vẫn chưa tạo nên sự tự do nội tâm của một hành động dâng hiến, vốn có bản chất hiển nhiên là thiêng liêng và lệ thuộc vào sự trưởng thành của tâm hồn con người. Sự tự do này giả thiết có khả năng điều khiển các phản ứng dục tình và xúc cảm, đến độ khiến ta có thể dâng hiến bản thân mình cho «cái tôi» tha nhân kia trên cơ sở sở hữu chín chắn «cái tôi» của bản thân mình như một chủ thể có xác thân và tình cảm.

5. Như đã lưu ý trong các phân tích về thánh kinh và thần học trước đây, thân xác con người với nam tính và nữ tính của nó được tiền định cho sự hiệp thông các ngôi vị (communio personarum). Ý nghĩa hôn phối của thân xác hệ tại ở chỗ đó.

Chính ý nghĩa hôn phối này của thân xác đã bị làm biến dạng, gần như ở tại nền móng của nó, bởi dục vọng (đặc biệt là bởi dục vọng xác thịt thuộc lãnh vực «ba thứ dục vọng»). Nhân đức tiết độ dưới hình thức trưởng thành của nó tỏ lộ dần dần khía cạnh «thanh khiết» của ý nghĩa hôn phối của thân xác. Bằng cách đó, sự tiết độ phát triển mối hiệp thông ngôi vị của người nam và người nữ, một sự hiệp thông vốn không thể thành hình và phát triển trong sự thật trọn vẹn những khả năng của nó mà chỉ dựa trên mảnh đất dục vọng. Sự thật ấy có hai mặt: về nhân vị và về thần học.

+ Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ(ubmvgiadinh.org)


[1] Ep 5,21.

[2] Cfr. Paul VI, Humanae Vitae, 12.

Tags: , , , , , ,

Có thể bạn quan tâm