Thánh Anphongsô Và Lòng Sùng Kính Đức Maria

Thứ Tư, 18-04-2018 | 20:15:09

Bây giờ con xin quay về với Mẹ, là Nữ Vương và là Mẹ con. Mẹ biết rõ là sau Chúa Giêsu, con đặt tất cả mối hy vọng ơn cứu rỗi ở nơi Mẹ. Tất cả những gì tốt lành con đã được, việc con được trở lại, việc con được kêu gọi, với bao nhiêu ơn lành khác kèm theo, tất cả đều là nhờ lòng xót thương khẩn cầu của Mẹ.

Năm 26 tuổi, nhân một vụ kiện mà Anphongsô bầu chữa không thành, vị luật sư trẻ này đã đến đặt thanh gươm, biểu tượng cho quyền uy của luật pháp dưới chân Đức Mẹ. Cử chỉ này nói lên rằng, ngài không chỉ từ bỏ nghề luật sư với tất cả danh giá của nó, mà còn từ bỏ thế gian với mọi cái thuộc về thế gian, để bước vào con đường duy nhất chỉ tìm kiếm và sống cho Thiên Chúa mà thôi. Anphongsô đã làm cử chỉ đó dưới chân Đức Maria. Chúng ta hiểu chính Đức Mẹ đã có mặt vào khúc quặt quyết định của cuộc đời Anphongsô; chính Đức Mẹ vừa là người chứng kiến, cũng vừa là người được Anphongsô trao phó trọn vẹn đời mình.

Chắc chắn từ giây phút đó và cho đến cuối đời, liên lạc của Anphongsô với Đức Mẹ không phải chỉ là liên lạc của một “lòng sùng kính đặc biệt”, nhưng còn là liên lạc Mẹ – Con trong ý định của Chúa Giêsu nơi thập giá khi trao Gioan cho Đức Mẹ. Phải có cả một hành trình ấp ủ và trưởng thành trong tính mẫu tử này, Anphongsô mới suy gẫm và viết rõ ra được trong tác phẩm “Vinh quang của Mẹ Maria”.

Anphongsô đã phải mất 16 năm trời, tức là từ lúc 43 tuổi, bắt tay vào việc, phác hoạ, đào sâu, suy gẫm Kinh Thánh và các Giáo Phụ cũng như cảm thức của Hội Thánh ngay từ khởi đầu thế nào, để cuối cùng hoàn tất công việc và cho xuất bản tác phẩm trên vào lúc 59 tuổi, tuổi sung mãn của năng lực đời người, và cũng là tuổi nhìn về đích cuộc đời đã gần kề.

Tác phẩm này lại được xuất bản vào lúc đang xảy ra những cao trào của tinh thần chống đối và mỉa mai đối với lòng sùng kính Đức Maria, khi người ta nhân danh thế kỷ ánh sáng khoa học (Voltaire) hay nhân danh một lòng đạo cuồng tín duy Kitô (Jansénisme): hai bóng tối đang bao trùm một cách nào đó thế giới Kitô giáo Châu Âu lúc ấy.

Tuy Anphongsô không nói rõ ra, nhưng tất cả những suy gẫm của ngài đều bắt nguồn từ lời trối trăng nơi thập giá và cảm thức của Hội Thánh về lời trối trăng đó. Khi trao Mẹ của mình cho Gioan và nhân loại, Con Một Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ Người bằng cách muốn cho tất cả chúng ta có một lòng trông cậy vô bờ bến đối với Mẹ, vì Mẹ đứng ngay ở nguồn cứu độ là chính Chúa Giêsu, và như thế tất cả mọi ơn lành đều qua tay và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ. Vậy, ai là con cái của Mẹ sẽ không hư đi mất bao giờ.

Khi cho xuất bản tác phẩm “Vinh quang của Mẹ Maria”, thánh Anphongsô đã thân thưa với Chúa Giê-su như thế này:

“Lạy Chúa Giêsu Cứu Thế, Đấng con yêu mến, con biết Chúa rất vui mừng khi có ai tìm cách ca tụng Mẹ rất thánh của Chúa, người Mẹ mà Chúa rất yêu mến và muốn cho mọi người yêu mến và tôn kính. Vì lẽ đó, dù chỉ là một tôi tớ bất xứng, con cũng muốn xuất bản một tác phẩm nói về các vinh quang của Mẹ.

Con biết không thể gởi gấm những trang sách này cho ai tốt hơn là cho chính Chúa. Vì thế, con xin đề tặng và gởi gấm lên Chúa…

Nếu có xin Chúa thưởng lại công vất vả của con, con chỉ xin Chúa ban cho con một lòng yêu mến Mẹ thật sự, và cho tất cả những ai đọc cuốn sách này cũng được lòng yêu mến Mẹ như vậy”.

Sau đó, quay về với Mẹ Maria, thánh Anphongsô thưa thế này:

“Bây giờ con xin quay về với Mẹ, là Nữ Vương và là Mẹ con. Mẹ biết rõ là sau Chúa Giêsu, con đặt tất cả mối hy vọng ơn cứu rỗi ở nơi Mẹ. Tất cả những gì tốt lành con đã được, việc con được trở lại, việc con được kêu gọi, với bao nhiêu ơn lành khác kèm theo, tất cả đều là nhờ lòng xót thương khẩn cầu của Mẹ.

Mẹ biết là vì yêu mến Mẹ và biết ơn Mẹ, con đã nỗ lực làm cho mọi người yêu mến Mẹ, con đã cố gắng trong mọi hoàn cảnh có thể để nói về Mẹ. Con tính sẽ làm việc này mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng Mẹ cũng thấy con đã luống tuổi, và sức khỏe bấp bênh báo trước cho con biết rằng đích hành trình cũng không còn bao xa, việc diện kiến thế giới đời đời cũng đã gần. Chính vì thế, con đã muốn hoàn tất tác phẩm này, để nó được tiếp tục ở lại thay con mà ngợi khen Mẹ và cao rao vinh quang của Mẹ, lòng tốt lành nhân từ của Mẹ đối với mọi con cái Mẹ… Xin Mẹ hãy giang đôi tay của Mẹ, đôi tay dịu hiền đã kéo con ra khỏi thế gian và sự hư hỏng, và nhận lấy tác phẩm này; xin Mẹ hãy làm chủ nó.

Con cũng xin Mẹ một chút phần thưởng cho công lao của con: đó là cho con yêu mến Mẹ hơn nữa, và cho tất cả những ai tiếp cận với cuốn sách này cũng thêm lòng yêu mến Mẹ …

Đó là mối hy vọng của con”.

Sau đó, quay lại với độc giả và chúng ta, thánh Anphongsô viết như sau:

“Độc giả thân mến, anh em của tôi trong tư cách cùng là con của Mẹ. Nếu thế, chúng ta cùng vui mừng và hạnh phúc vì cùng thấy Mẹ chúng ta được yêu mến.”

Rồi duyệt qua lòng yêu mến Đức Maria trong truyền thống Hội Thánh qua các Giáo Phụ, thánh Anphongsô nhắc lại một lời của thánh Augustinô mà ngài rất ưa thích: “Mọi ngôn ngữ trần gian này có gộp lại cũng không sao đủ để ngợi khen Mẹ Maria như Mẹ xứng đáng được ca tụng”.

Tới đây, chúng ta có thể gợi tóm những suy nghĩ về địa vị của Đức Mẹ trong ý định của Thiên Chúa:

1. Con Một Thiên Chúa đã nhận lấy xác phàm từ lòng Mẹ, và chính trong xác phàm đó Người đã nên giống chúng ta là tội nhân, đã chịu chết cho chúng ta, để cứu độ chúng ta. Vậy làm sao Mẹ lại có thể là khác được, mà chỉ có thể là Mẹ nhân lành xót thương. Điều đó gợi lên nơi chúng ta một lòng trông cậy vô bờ bến: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

2. Con Một Thiên Chúa đã trao cho chúng ta Mẹ của Người để làm Mẹ chúng ta, đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng Lc 2,7: “Và bà đã sinh con đầu lòng, và đã lấy tã vấn con và đặt trong máng cỏ”. Theo xác thịt, Mẹ chỉ có một người con độc nhất sinh ra bởi lòng trinh khiết của Mẹ: Giêsu Kitô, nhưng theo Thần Khí và theo ý định của Chúa Giêsu, ở dưới chân thập giá, Mẹ đã sinh ra vô số con cái cho Thiên Chúa là chúng ta, là mọi kẻ tin hết thảy, là em của Chúa Giê-su. Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, Mẹ của chúng con.

3. Lòng yêu mến của Mẹ đối với chúng ta thật lớn lao lạ lùng. Mẹ yêu mến con mình, đó là một thực thể tự bản chất, tự tạo thành. Nhưng người mẹ theo xác thể mà thôi có thể đánh mất tình yêu này, như người ta thường thấy cảnh đau khổ này trong cuộc đời, có biết bao nhiêu bà mẹ đã từ rẫy, ghét bỏ con mình. Song ở đây, tình yêu của người Mẹ này bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng đã nói: “Dù cho có người mẹ nào quên con mình đi chăng nữa, thì Ta không thể nào quên các ngươi”. Tình yêu của Mẹ đối với chúng ta bắt nguồn từ sự thuỷ chung đó của Thiên Chúa, không lật lọng và thay đổi bao giờ.

3. Mẹ là Mẹ sự sống, làm cho chúng ta được sống. Hội Thánh gọi Mẹ là Mẹ sự sống, vì dưới chân thập giá Mẹ đã đón nhận sự sống và chuyển cho chúng ta, khi Mẹ chấp nhận người con sinh ra bởi lòng Mẹ phải chết vì tội lỗi chúng ta để sinh chúng ta ra. Nếu E-và là mẹ của sự chết dưới cây biết lành biết dữ vì đã chỉ nghĩ đến mình, thì Đức Maria là Mẹ của sự sống dưới cây thập giá vì đã bỏ mình để nhận lấy thánh ý Thiên Chúa: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống.

4. Mẹ cùng hành trình với chúng ta. Mẹ đón nhận chúng ta như thế, nên Mẹ không lúc nào tách rời khỏi cuộc sống chúng ta, một cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ và cạm bẫy, những cay đắng và thử thách, và thử thách cuối cùng chính là cái chết. Mẹ sẽ làm cho cái chết nên nhẹ nhàng, vì Mẹ có đó cùng với chúng ta đi gặp Con Mẹ là Chúa của chúng ta.

5. Thật sự, kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy cuộc đời này vẫn là một hành trình trong thân phận lưu đày, thân phận của lữ khách mà cám dỗ và tội lỗi vẫn luôn đe dọa, nếu ta có biết Chúa thì chỉ là biết trong lòng tin, chưa hưởng nhan thánh Người. Song mặt khác, Chúa cũng đến nơi đây rồi, trong trần gian này: Người đến cho kẻ tội lỗi. Vì thế, Đức Maria là sự cứu giúp, luôn luôn cứu giúp tội nhân. Mẹ không bỏ rơi một tội nhân nào, khi tội nhân đó lo sợ, hoảng hốt trước Thiên Chúa công bằng, nên ngước mắt nhìn lên Mẹ: chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đày kêu lên cùng Mẹ.

6. Người Mẹ đây mạnh thế vô biên để cứu giúp chúng ta. Người Mẹ đó cứ tiếp tục đạp dập đầu con rắn độc ngay lúc nó tính muốn mưu hại một người con nào của Mẹ và cố gắng làm cho người con đó xa rời Chúa Giê-su. Mẹ là Nữ Vương, ai kêu cầu Mẹ sẽ chẳng bao giờ thất bại, và chắc chắn sẽ được cứu rỗi, được thoát khỏi tay thần dữ.

7. Mẹ là Mẹ bầu chữa cho chúng ta. Mẹ không thể nào đành lòng nhìn thập giá của Con Mẹ lại ra vô ích. Chính nhân danh thập giá đó mà Mẹ bầu chữa cho chúng ta là những tội nhân. Như thế, Mẹ ở trong chính hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Tin Mừng Gio-an gọi là Đấng bênh vực, là Đấng bầu chữa: Hỡi Mẹ, Mẹ là chủ bầu chúng con.

8. Mẹ là mối hy vọng lớn lao thật của mỗi người tin. Nếu tất cả sự hiện diện của Mẹ là làm sao cho thập giá của Con Mẹ khỏi ra hư luống, thì cũng đồng nghĩa với việc không để một ai phải hư mất. Vì vậy, Mẹ cứu các con cái Mẹ khỏi mất linh hồn. Mẹ cứu vớt và an ủi các con Mẹ nơi luyện ngục. Mẹ cùng đồng hành và dẫn các con của Mẹ tới bến Nước Trời: xin cho tất cả chúng con được thấy Chúa Giê-su mà Mẹ đã cưu mang.

9. Và cuối cùng, danh Mẹ, Maria thật êm dịu cho chúng ta, là niềm an ủi khi sống và lúc chết. Danh Maria bắt cầu từ thân phận lữ hành về quê trời: Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh!

Kết luận

Một vị thánh lớn, đầu óc thuộc vào giới thượng trí mà đã sống với Mẹ như vậy. Còn chúng ta, mỗi người chúng ta phải tự hỏi: Mẹ Maria có địa vị thế nào trong đời tin của tôi, trong đời đi theo Chúa Kitô? Có thể tuỳ thuộc vào câu trả lời thiết thân này mà ta thoáng thấy được lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu ở trong ý định của Thiên Chúa như thế nào. Và nhờ thế, chúng ta có thể sẽ nhận thấy ơn cứu rỗi, việc nên thánh của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và vững chắc hơn.

Nguyệt San Thư Cha GiámTỉnh Năm 2000
Cha Anphongsô Phạm Gia Thuỵ CSsR.

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm