Theo đạo đức học có được phép phá thai không?

Thứ Bảy, 21-07-2018 | 12:28:19


I. Dẫn Nhập

Phá thai (Abortion) là một trong những vấn đề phức tạp, nhức nhối, gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử, tại nhiều quốc gia và trong mọi thời đại. Những cuộc tranh luận ấy làm nổ ra hai làn sóng: Ủng hộ sự sống (Pro Life) và Ủng hộ lựa chọn (Pro Choice). Người ta cố gắng dùng các lý thuyết khác nhau để bảo vệ lập trường của mình. Dầu vậy cho đến nay, phá thai không chỉ là một vấn đề nóng bỏng, đang được tranh luận hết sức sôi nổi, nhưng trên hết, nó còn là một tiếng kêu cứu “SOS”. Trong phạm vi bài viết này, người viết không có tham vọng đưa ra một quan điểm rõ ràng mạch lạc, cũng không có ý trình bày cái gì được phép, cái gì bị ngăn cấm một cách kiên quyết, càng không phải mở ra một hướng giải quyết mới mang tính độc lập, một cái nhìn đúng đắn hay một lối thoát cho tranh luận xung quanh vấn đề nan giải này, nhưng người viết cố gắng tiếp cận vấn đề dựa trên một vài triết thuyết đạo đức như thuyết Nữ quyền, thuyết Vị lợi, thuyết Vị kỷ, Kant và sự tôn trọng con người.

Bài viết dưới đây tập trung trình bày ba vấn đề căn bản sau đây: Thứ nhất: Vài nét khái quát về vấn đề phá thai; Thứ hai: Vấn đề phá thai dưới cái nhìn đạo đức học; Thứ ba: Một vài phản biện và nhận định chung; Phần bốn: Kết luận.

II. Nội Dung 
1. Vài nét khái quát về vấn đề phá thai
1.1. Khái niệm phá thai

Y khoa định nghĩa Phá thai như một thuật ngữ về một sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi đến hạn sinh nở. Ở người và các giống loài khác, một sự phá thai có thể xảy ra một cách tự nhiên vì biến chứng trong quá trình mang thai, hay do cố ý gây ra. Trong trường hợp mang thai ở loài người, một sự phá thai có chủ đích có thể bị gọi là “điều trị” hay “tùy chọn”[1]

​​​​​​​1.2. Các trường hợp phá thai.

Trong lãnh vực y khoa, các hình thức phá thai chủ yếu như phá thai trị liệu (therapeutic abortion), phá thai kế hoạch, phá thai chọn lọc (selective abortion) hay phá thai ưu sinh (eugenic abortion), thai ngoài tử cung (GEU – Gestation extra-uterine, hay ectopic pregnancy)[2].
Thông thường, các trường hợp phá thai thường do mang thai ngoài ý muốn. Những phụ nữ chưa chồng do quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai. Do không muốn mang tiếng hoặc chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình, người phụ nữ thường phải bỏ thai. Một số cặp vợ chồng do điều kiện kinh tế hoặc do pháp luật giới hạn số lượng con cái trong gia đình nên cũng phải quyết định phá thai. Ngoài ra, cũng có trường hợp phá thai do thai dị tật, khó nuôi, do bị xâm hại tình dục, cưỡng dâm, loạn luân, hoặc nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

​​​​​​​​​​​​​​1.3. Nguyên nhân phá thai

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phá bỏ một thai nhi, tuy nhiên, người viết xin được đưa ra bốn nguyên nhân căn bản sau đây:

Thứ nhất, giới trẻ hoặc thiếu kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, có quan hệ tình dục dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Trong khi đó, bản thân chưa sẵn sàng để đi tới việc kết hôn, khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa chuẩn bị đầy đủ những yếu tố sức khỏe và tâm lý để mang thai.

Thứ hai, chính sách hạn chế việc gia tăng dân số, mỗi gia đình chỉ được phép có một con hoặc hai con. Vì luật này, những người có thai lần thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư sẽ buộc phải bỏ.

Thứ ba, vì bác sĩ nói rằng đứa bé sinh ra có thể không bình thường hoặc sẽ khuyết tật suốt đời hoặc nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. 

Thứ tư, vì sợ đứa con sinh ra sẽ gây phiền phức, tốn kém tiền bạc, mất thì giờ chăm sóc, sợ chúng sẽ làm hỏng chương trình cha mẹ đã dự tính, hoặc vì một mục đích riêng tư nào đó.

Trước vấn nạn phá thai, một câu hỏi cấp bách đặt ra: Có nên cấm phụ nữ phá thai không? phá thai có phải là một hành vi tội ác, một hành động giết người? Đạo đức học đòi hỏi mỗi người phải cố gắng suy tư để tìm ra câu trả lời, nhưng tự mình suy tư không có nghĩa là muốn nghĩ sao cũng được, nhưng phải dựa trên nền tảng hay cơ sở nào đó. Một vài triết thuyết đạo đức học sau đây sẽ giúp định hướng vấn đề. 

2. Phá thai dưới cái nhìn Đạo đức học

2.1. Theo thuyết Nữ quyền 

Chủ nghĩa Nữ quyền, chủ nghĩa Nữ giới hay chủ nghĩa duy Nữ là một tập hợp của các phong trào và ý thức hệ nhằm mục đích xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trịkinh tếvăn hóa xã hội và sự bình đẳng cho phụ nữ. Một trong các quyền lợi và sự bình đẳng ấy có cả vấn đề liên quan đến quyền tự do kết hôn, bình đẳng trong gia đình, thúc đẩy sự toàn vẹn thân thể, quyền tự chủ, và quyền sinh sản cho phụ nữ.

Những người theo thuyết Nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản: “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Nói cách khác, phụ nữ có quyền phá thai, vì thai nhi nằm ở trong bụng họ[3]. Quyền được phá thai là nền tảng cho sự tiến bộ của người phụ nữ. Đó là một trong những quyền chính yếu để phụ nữ có được sự bình đẳng với nam giới. Việc có thai ngoài ý muốn cũng giống như việc bạn gặp một người ăn xin ngoài đường, bạn không có trách nhiệm đạo đức phải giúp họ vì bạn không chủ động tìm đến họ. Vì thế, người phụ nữ cũng không có trách nhiệm đạo đức với việc mang thai nhi – cái thai mà mình không hề mong muốn. Đối với những người theo thuyết này, bất cứ thai phụ nào cũng đều có quyền tự do để chọn lựa. Họ cho rằng sẽ thật là bất công khi giới hạn sự tự do chọn lựa của người phụ nữ bằng việc cấm họ phá thai. Hơn nữa, những người chủ trương thuyết nam nữ bình quyền đều biết rằng sự sống con người bắt đầu trước khi sinh, nhưng ho dù đứa trẻ chưa chào đời có được coi là con người đi nữa, thì chúng vẫn có ít quyền hơn là người phụ nữ. Do đó, người phụ nữ vẫn có quyền phá thai. 

Hơn thế nữa, một đứa trẻ tồn tại trên đời chẳng có ý nghĩa gì khi mẹ ruột của nó không muốn nó tồn tại. Cơ thể là của người phụ nữ, sinh hay không sinh là quyết định của họ và chỉ họ mới có quyền cho đứa trẻ được chào đời hay không, chứ không phải chồng hay bố mẹ của cô ta. Chính quyền càng không có quyền can thiệp và không có ai có thể tự cho mình cái quyền đại diện cho thuần phong mỹ tục mà lên án vấn đề riêng tư và nhạy cảm này. Quả thế, trong xã hội có những trẻ sơ sinh bị vứt trong thùng rác, bị bỏ quên ở bệnh viện; có những gia đình, bà phải làm mẹ; có những đứa trẻ không có cơm ăn, không có áo mặc, không được đến trường, những đứa trẻ này lớn lên sẽ trở thành ai? thành chủ nhân tương lai của đất nước hay sao? Đất nước được lợi gì khi có những công dân như thế? Vì thế, đứa trẻ ấy có thể bị phá chứ đâu nhất thiết phải sống, vì nó sống cũng không được tôn trọng và không có vị trí nào trong xã hội. Mỗi một đứa trẻ đều là một đứa trẻ được mong muốn, nhưng sẽ là bất công cho các trẻ em nếu đem các em vào một thế giới mà không có ai mong muốn các em tồn tại. Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa việc mang thai ngoài ý muốn và một đứa trẻ “không được mong muốn” sinh ra đời. Chuyện không được mong muốn chính là thái độ về phía người lớn. Vì thế, phải nói: điều bất công nhất đối với một đứa trẻ “không được mong muốn” chính là việc giết chết em bằng cách phá thai, không cho em được làm người. Việc có thêm nhiều những đứa trẻ không được mong muốn sinh ra trên đời này chỉ dẫn đến kết quả là các em sẽ bị lạm dụng và ngược đãi mà thôi. Do đó, chuyện phá thai được chấp nhận. 

Tuy nhiên, thuyết Nữ quyền lại bộc lộ nhiều lỗ hổng. Bởi lẽ, trong thực tế, hầu hết những trẻ em bị ngược đãi đều đã từng được cha mẹ mong muốn cho các em được chào đời. Việc lạm dụng và ngược đãi trẻ em trong xã hội đã không giảm đi kể từ khi việc phá thai được hợp pháp hóa, mà trái lại nó càng gia tăng thêm một cách kinh khủng. Vậy thuyết Nữ quyền đúng chăng khi quá đề cao quyền tự quyết của người phụ nữ và áp đặt vị trí cũng như giá trị của đứa trẻ trong xã hội phải được nhìn nhận, để làm cái cớ bảo vệ cho việc phá thai.

Việc cho rằng phá thai làm giảm đau khổ của phụ nữ và tăng hạnh phúc gia đình họ cũng chỉ là phỏng đoán. Không ai biết chắc rằng sau khi phá thai người phụ nữ không bị ám ảnh vì vừa bỏ “một đứa con tiềm năng” của họ. Không ai chắc rằng sự kiện này không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng và các mối tương quan khác trong gia đình. Điều quan trọng hơn, việc nạo thai có thể gây hại sức khỏe cho người phụ nữ, nếu nghiêm trọng dẫn đến vô sinh trong tương lai. Chính vì vậy, không biết chắc việc phá thai có thể mang lại hạnh phúc nhiều hơn việc giữ lại thai hay không? 

Việc lấy lý do “cơ thể tôi là của tôi” hãy để người phụ nữ được tự do phá thai cũng bị thách thức. Xét về quan hệ quyền lực giữa người phụ nữ và phôi thai là không công bằng. Việc một người trưởng thành, có đầy đủ ý chí và có quyền lựa chọn quyết định loại bỏ cuộc sống của một phôi thai có thể có mong muốn sống, gây ra một phản ứng trái chiều. Do đó, nếu cho rằng phá thai là phá bào thai trong bụng tôi, chứ không phải của người khác, nên không phải là giết người thì hành vi đó khác chi khi bảo rằng thụt két ngân khố quốc gia, không phải của riêng ai, nên không phải là ăn cắp, và cũng tương tự, chuyện ăn ngủ với người khác không phải vợ hay chồng mình, nhưng chỉ vì người đó rất yêu mình, nên không phải là ngoại tình, thì thật sai lầm đến nguy hiểm. Do đó, xét trên phương diện thực chất của hành động, phá thai chắc chắn đủ yếu tố cấu tạo thành một hành động giết người thực sự. 

Phá thai không bao giờ là một sự lựa chọn cá nhân, bởi lẽ luôn có ít nhất hai người liên can với phôi thai: hai người đã truyền đi sự sống và quyết định, một mình hoặc với nhau để trục xuất sự sống đó. Khi phủ nhận quyết định thai nhi còn nhỏ, nên không có chiều kích xã hội, thì cũng tương đương với việc phủ nhận con người không hề có xã hội tính. Khi tính dục và việc phủ nhận rằng con người không chịu trách nhiệm về việc sử dụng nó trở thành một chọn lựa cá nhân, thì khi ấy, toàn bộ đời sống tính dục sẽ bị bóp méo và giảm giá trị. Ai sẵn sàng loại bỏ sự sống con người như loại bỏ một thứ hàng hóa, thì họ cũng coi tất cả đời sống con người chỉ là một thứ hàng hóa không hơn không kém.

Như đã nói trên, quyền được phá thai là nền tảng cho sự tiến bộ của người phụ nữ và là một trong những quyền chính yếu để họ có được sự bình đẳng với nam giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những người ủng hộ thuyết nam nữ bình quyền một cách chân chính lại chính là những người bảo vệ sự sống đích thực. Họ rất tích cực, mạnh mẽ và gay gắt chống lại việc phá thai. Mà quyền của người phụ nữ thì không bao giờ được liên kết với quyền phá thai cả. Chính những lý lẽ căn bản của phong trào ủng hộ quyền phá thai thực ra đang làm giảm đi phẩm giá của người phụ nữ. Người ta đang cố đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm liên kết các phúc lợi của người phụ nữ với việc phá thai, như viên thuốc ngừa thai và việc tự do tình dục, nhưng kết quả, họ đã sai lầm. Một số đường lối, sách lược của phe ủng hộ quyền phá thai đã thừa nhận sự bất lực đáng thương của người phụ nữ, và biến họ trở nên đối tượng của sự ngu dốt và bóc lột. Mỗi người phụ nữ có quyền kiểm soát chính thân thể của họ, nhưng trên thực tế, việc phá thai đã quả quyết rằng, hàng chục triệu người phụ nữ trên toàn thế giới không hề có chút quyền kiểm soát nào trên chính thân thể của họ. Ngược lại, sẽ là một điều làm tổn thương phẩm giá và lòng tự trọng của người phụ nữ nếu xem chuyện mang thai như là một điều gì đó bất bình thường, tiêu cực hay nằm ngoài vòng kiểm soát trên chính thân thể của họ. Lý do phá thai để tránh rơi vào sự nghèo khổ chỉ là một cách lập luận giả trá, mang tính nguỵ biện. Nó ngăn cản người phụ nữ và cả xã hội không cần nỗ lực để đạt tới những giải pháp tích cực khác, thay vì lựa chọn phá thai. 

Tất cả những lý luận trên làm cho thuyết Nữ quyền trở nên yếu thế, luôn phải xem xét và lượng giá lại một cách nghiêm túc, thận trọng.

2.2. Theo thuyết Vị kỷ (Ethics of Egoism)

Theo đạo đức học Vị kỷ, mỗi người đều có quyền hành động để đạt tới hạnh phúc của riêng mình. Những người theo thuyết Vị kỷ phát biểu rằng, các tác nhân luân lý phải làm những gì nằm trong quyền lợi riêng của chính họ. Về cơ bản, nó là điều kiện cần và đủ cho một hành động đúng về mặt luân lý, cái đúng ấy có thể tối đa hóa lợi ích riêng của ai đó. Điều này có nghĩa là ta chỉ làm theo luân lý và hành động nào đó vì lợi ích của chính mình thì những hành động ấy là đúng. Lý thuyết này về cơ bản ủng hộ quan điểm phá thai là đúng, vì nó đem lại lợi ích riêng cho thai phụ. Đồng thời, các bác sĩ – người tiến hành phá thai sẽ có một khoản thu nào đó, sau khi đã thực hiện thành công việc loại bỏ thai nhi ra khỏi tử cung của người phụ nữ.

Mọi cá nhân đều có quyền hoàn toàn làm chủ cơ thể mình, bao gồm cả hệ thống sinh sản, miễn là không phương hại tới quyền làm chủ cơ thể của người khác. Họ cho rằng cái thai chưa sinh không thể được coi là một con người thật sự và rằng cơ thể của ai thì người đó có toàn quyền. Họ có quyền giữ hay bỏ cái thai, nhất là những người mang thai không mong muốn như hiếp dâm, vỡ kế hoạch, hay do điều kiện kinh tế eo hẹp. Dưới lăng kính của Vị kỷ, việc phá thai là một điều hợp lý vì sẽ dẫn đến hạnh phúc cá nhân và không ảnh hưởng gì đến lợi ích chung của tập thể. Do đó, nếu ai ngăn cản việc phá thai thì vi phạm nghiêm trọng đến quyền cá nhân. Cũng theo thuyết này, người phụ nữ đang chu toàn bổn phận của họ là làm thăng tiến tư lợi một cách trực tiếp. Phá thai vì thế là một dạng lợi ích cá nhân dài hạn đối với người phá thai.

Hành vi phá thai lại đi ngược với Đạo đức học “Luật tự nhiên” (Ethics of Natural Law). Luật tự nhiên ở đây được hiểu như là khuynh hướng phát triển hay những gì tự nó là tốt và đúng cho bản chất của một hữu thể. Bản chất của luật tự nhiên của con người là tận dụng lý trí để đạt đến các mục tiêu mà con người tin rằng sẽ mang lại hạnh phúc[4]. Như vậy việc hiểu hành vi phá thai đi ngược với luật Đạo đức tự nhiên chính là do việc lấy khái niệm tự nhiên chồng lên khái niệm Đạo đức tự nhiên, thực ra Đạo đức tự nhiên không quy định hành vi con người nhưng hướng con người đến những vai trò và hành vi dẫn đến hạnh phúc con người.

Liệu một người chỉ chú ý đến lợi ích của bản thân mà tước đoạt đi sự sống của người khác, trong khi người đó không có khả năng tự bảo vệ mình, thì có phải là một hành động đáng để ủng hộ. Thuyết Vị kỷ sai lầm và sinh ra nhiều bất cập trong cách giải quyết vấn đề.

2.3. Theo thuyết Vị lợi (Ethics of Utilitarianism)

Bản chất cốt lõi nhất của thuyết Vị lợi là làm tăng khoái lạc và giảm khổ đau. Triết lý ấy tham vọng biến cuộc đời của nhiều người bớt khổ đau hết mức có thể, để đạt được hạnh phúc. Chúng còn tập trung vào kết quả khoái lạc thay vì chú trọng vào điều tốt thực sự. Nếu kết quả của một hành động giúp tăng khoái lạc và giảm khổ đau thì hành động đó được coi là tốt. Chủ nghĩa Vị lợi trốn tránh khổ đau, nhưng không phải mọi khổ đau đều là xấu, mà nó vẫn có thể dẫn đến điều tốt. Lịch sử nhân loại chứng kiến rất nhiều con người học hỏi từ những sai lầm của mình mà có được thành công. Không ai cổ xúy việc tìm kiếm khổ đau, nhưng nếu nói rằng mọi nỗi đau đều là ác và phải tránh thì hơi thiếu sâu sắc. Không phải thử thách là vui, nhưng bởi thử thách sẽ dẫn dắt ta đến những giá trị cao hơn như sự kiên nhẫn và trung tín. 

Thuyết Vị lợi, mỗi người phải có bổn phận và trách nhiệm lo cho chính mình về đời sống vật chất, tinh thần, sau đó mới lo cho người khác, bằng những cách thế khác nhau, tùy hoàn cảnh. Mục tiêu của thuyết Vị lợi là mang đến lợi ích tốt nhất cho nhiều người trong xã hội. Học thuyết nhằm định hình xã hội tốt hơn, xã hội tốt đó phải có mục tiêu giảm thiểu đến mức có thể các đau khổ trong nó và thúc đẩy hạnh phúc của tất cả, hay ít nhất là của đại đa số. Nếu thông qua một biện pháp hay một hành động mà càng thu được nhiều hạnh phúc so với số bất hạnh xảy ra thì biện pháp hay hành động đó càng vị lợi.  Hành vi là hành vi đem lại lợi ích tốt nhất, và một hành động là đúng là khi hành động đó gia tăng lợi ích, là sai khi gia tăng điều bất lợi. Nếu một hành động không gây hại cho tập thể, nhưng đem đến hạnh phúc cho người thực hiện hành động thì thuyết Vị lợi hoàn toàn ủng hộ. Tiền đề chung như vậy đối với đạo đức ở những người theo chủ nghĩa Vị lợi là nguyên tắc tối đa hóa hạnh phúc chung hay đơn giản là nhân gấp bội tổng số phúc lợi củamọi người. Theo Vị lợi, những kẻ đáng bị phán xét là những người không góp phần làm gia tăng hạnh phúc chung[5].

Trả lời cho câu hỏi có được phép phá thai hay không, thuyết Vị lợi lý luận: Phá thai không gây hại gì cho ai, có thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn là bất hạnh cho thai phụ, cũng như giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Vì để kiểm soát tình trạng gia tăng dân số tại một số quốc gia, nhà chức trách đưa ra dự luật và cho phép phá thai. Họ lập luận, phá thai sẽ đem lại lợi ích chung cho cả xã hội. Giả như chưa có chồng, người phụ nữ sinh con không những chịu vất vả về vật chất, mà còn bị đay nghiến bởi gia đình và xã hội, nhất là thai phụ đó sống trong các gia đình và cộng đồng bảo thủ, coi trọng lễ giáo, tập tục, truyền thống. Họ có thể rơi vào ngõ cụt bởi những thành kiến của những người xung quanh. Nếu giữ lại thai nhi, họ có thể gặp khó khăn về kinh tế, thậm chí có thể bị tước mất cơ hội thăng tiến trong cuộc sống. Rõ ràng, đau khổ của người phụ nữ là có thật, còn đau khổ của thai nhi chỉ ở dạng tiềm năng. Nếu mang ra cân đong đo đếm, Vị lợi thuyết nhìn nhận phá thai là một việc chính đáng và nên làm.

Tuy nhiên, thuyết Vị lợi nhanh chóng bị phản bác ở một vài điểm. Thoạt nghe, Vị lợi có vẻ hợp lý, nhưng do khá nhiều người chỉ biết sơ sơ về Vị lợi mà không hiểu tường tận những hậu quả tai hại mà nó mang lại cho xã hội, khi ý tưởng thuần túy của nó được thực thi triệt để. Chẳng hạn, nếu bạn là người tin vào ý tưởng cơ bản của Vị lợi, thì bạn sẽ phải sắm vai kẻ giết người nhiều lần trong đời để thỏa mãn niềm tin của mình. Cũng thế, người mang thai có trách nhiệm về hành động của mình lại được thêm một cơ hội để vui chơi, trong khi thai nhi không có trách nhiệm gì lại bị tước đoạt cách dã man cơ hội làm người duy nhất của mình. 

Hơn nữa, hành vi của chúng ta có hậu quả trên những người chung quanh, tác động trên cách suy nghĩ người khác. Ví dụ một người phụ nữ có thai siêu âm biết cái thai bị hở hàm ếch, sứt môi là một tật chữa được, nhưng bà ta nhất định phá thai. Hành vi này sẽ tác động trên tập thể, làm cho người ta quen đi và chấp nhận việc phá thai, vì có một khuyết điểm nào đó, có con nhưng phải có con như mình muốn. Hơn nữa, chính phần vụ của xã hội là phải báo cho mọi người biết rằng ngoài mối nguy hại về luân lý và tâm lý, việc phá thai còn ảnh hưởng trên nhiều người, và nếu làm gián đoạn việc mang thai thì có thể có những biến chứng nghiêm trọng. Việc phá thai nhiều lần gây ra mức độ rủi ro sinh sớm cao hơn cũng như các biến chứng khác ở những lần sinh sau.

Tình huống cho rằng phá thai là để việc kiểm soát tỷ lệ gia tăng dân số đã bị phản bác gay gắt. Việc phá thai giúp giải quyết vấn nạn về tình trạng đông dân số và để nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng đối với nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, tỉ lệ sinh đẻ hiện tại vẫn hãy còn rất thấp để cần thiết duy trì về mức độ gia tăng dân số. Ngược lại, sự giảm thiểu đáng kể trong tỉ lệ sinh đẻ lại sẽ có ảnh hưởng rất xấu đối với nền kinh tế của từng quốc gia ấy. Thật ra, tình trạng quá đông dân trong một nước là do những vấn nạn khác gây ra. Mà giả như có một vấn nạn liên quan đến dân số có ảnh hưởng tai hại đến chất lượng cuộc sống chúng ta, thì giải pháp đúng đắn không phải là giết chết đi một phần dân số của quốc gia đó. Khái niệm về chất lượng của cuộc sống chỉ là một cách ngụy tạo mà thôi. Người ta nguỵ biện, viện dẫn đến tiêu chuẩn này để phá huỷ chính sự sống.

Những người bảo vệ sự sống bác bỏ luận cứ này đồng thời viện dẫn nguyên tắc sự sống con người là linh thiêng và không ai được phép đánh đổi cho dù để lấy những thiện ích xã hội lớn hơn[6]. Hơn nữa, luật Nhà Nước không có tính quy phạm. Chúng ta nghĩ gì khi luật buộc phải giúp đỡ một người đang gặp một cảnh hết sức nguy khốn, luật cấm giết người, cho phép giúp người ta chết êm dịu, nhưng luật lại cho phép phá thai? Luật cho phép ly dị, phá thai nhưng lại trợ cấp gia đình đông con. Phải tự vấn về ý nghĩa lẫn hướng đi khách quan của việc làm. Ví dụ: một phụ nữ yêu cần được phá thai: ý nghĩa của yêu cầu phá thai là không muốn có con – hướng đi khách quan của việc phá thai: phạm tới sự sống không tôn trọng con người. Ví dụ: một cặp vợ chồng xin được áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ý nghĩa: muốn có con như các cặp khác – hướng khách quan: khó khăn phải vượt qua, khả năng thành công không cao, số phôi dư. Phải chú ý tới ý định của người làm hành vi nhưng không chỉ ngưng lại ở đó. Một phụ nữ muốn có con trong khi chồng bị chứng vô sinh, bà ta xin được truyền tinh của một người khác. Ý tốt: có con, nhưng một việc như vậy có tính cách xây dựng cho đứa nhỏ sinh ra, cho xã hội không? Nhưng nếu chỉ dựa vào ý ngay lành, người ta dễ có nguy cơ rơi vào cá nhân chủ nghĩa và tỏ ra ngây thơ vì các ý muốn không luôn luôn ngay lành như chúng ta nghĩ, dễ có ảo tưởng. Phải quan tâm tới chiều kích cộng đồng của các hành vi của chúng ta.

Những người phản đối cho rằng phôi thai là “một con người tiềm năng”. Nếu được sinh ra, phôi có thể phát triển thành những con người bình thường đầy đủ ý chí, có thể tài giỏi như Beethoven hoặc Einstein. Hơn nữa, nếu lấy lý do là phôi thai chưa có ý thức về cái tôi của mình để loại bỏ thì cũng đồng nghĩa với việc giết trẻ sơ sinh. Theo nghiên cứu, trẻ em chỉ tự ý thức về bản thân mình, biết mình là ai khi lên đến tầm hai hoặc ba tuổi. Như vậy, nếu lý do này được dùng để biện minh cho việc phá thai thì cũng được dùng để biện minh cho việc giết trẻ sơ sinh dưới ba tuổi, như vậy là phạm tội giết người, cũng giống như giết người đã trưởng thành. 

Phá thai để tránh cho đứa bé khỏi phải đau khổ trong tương lai. Trong trường hợp này, người ta được yêu cầu xem xét trường hợp một đứa bé sinh ra trong cảnh nghèo đói khổ sở. Nếu chắc chắn đứa bé sẽ phải chịu cảnh đói khát hoặc thiếu sự chăm sóc sức khỏe, thì về mặt luân lý, một số người đồng ý cho phép phá thai, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Một số quốc gia đã thông qua những luật lệ rộng rãi về phá thai, nhằm giải phóng người phụ nữ. Hậu quả gia đình bị lung lay tận gốc và xã hội bị đe dọa. Ai cũng biết các nước Âu châu dân số ngày một giảm, với các tiến bộ y khoa người ta sống lâu hơn nên người già ngày càng nhiều mà người trẻ thì ít, để có nhân công phải cho người nước ngoài nhập cư, người ta có thể thấy được những vấn đề đặt ra.

2.4. Kant và sự tôn trọng sự sống con người

Dưới ảnh hưởng của Kant, quan niệm thế tục về phẩm giá con người hầu như được khoanh vùng trong các quan hệ nhân loại, nghĩa là nhân phẩm chỉ mang tính cách nhân bản thuần túy, hay nói cách khác, một nhân phẩm không còn được gắn bó với nền tảng thần quyền, nhưng tìm cách đạt tới sự độc lập tự trị và sự tự quyết của một cá thể không còn muốn khép mình trong các giới răn Thiên Chúa cũng như các giới luật tự nhiên, nhưng tự đặt ra cho chính mình các luật lệ nhằm công nhận và củng cố bản sắc cũng như sự toàn vẹn của chính mình. 

Một quan niệm về nhân phẩm như vừa được đề cập tới – nếu người ta thực sự muốn đề cập một cách nghiêm túc ở đây tới nhân phẩm sẽ không chỉ loại bỏ các khái niệm thuần túy tín ngưỡng mà còn loại bỏ cả sự đòi hỏi về tính tuyệt đối và tính bất khả nhượng, về đạo đức tính đặc biệt và về trách nhiệm cực kỳ nghiêm trọng của phẩm giá con người. Nếu được hiểu như thế, thì nhân phẩm mới thực sự có một chỗ đứng trong khuôn khổ trật tự của luật pháp, hay nói cách khác, thì phẩm giá con người mới thực sự được biện minh như là một khái niệm độc lập và có khả năng giải phóng con người ra khỏi cơ cấu nhằm mưu cầu lợi ích của xã hội nhân loại, dù là lợi ích chính trị hay kinh tế. Nhưng đó là điều khả dĩ, chỉ khi nào ý niệm về nhân phẩm, dù xuất phát từ ảnh hưởng tín ngưỡng hay xã hội thế tục, loại bỏ được phạm vi do các qui luật điều hợp và hướng tới phạm vi siêu việt, một phạm vi vượt khỏi tầm tay khả năng tiếp cận tùy tiện của con người. Chính phạm vi siêu việt này phải đối mặt với hai khuynh hướng triết học: Hay nói cách khác, hoặc: nhân phẩm mang tính chất tuyệt đối và bất khả nhượng, hoặc: ý niệm nhân phẩm chỉ là một khái niệm của lý trí thuần túy và là một danh từ trống rỗng, vô nghĩa.

Con người tự bản chất là mục đích, con người là mục đích tự nội. Trong khi đó, ngược lại, nếu bất cứ ở đâu con người bị lợi dụng như phương tiện thuần túy, dù cho một mục đích cao thượng nào đó, thì lập tức nhân phẩm của họ bị xúc phạm trắng trợn. Đây là sự xác tín được tất cả mọi luật pháp các nhà nước đều ghi nhận ngay từ trang đầu. Phẩm giá con người bị xúc phạm khi chính con người cụ thể bị hạ thấp xuống hàng đối tượng, bị sử dụng như một phương tiện thuần túy, như một giá trị có thể thay thế được. Kant còn xác quyết cách rõ ràng hơn: “Trong thế giới của những mục đích, tất cả đều: hoặc có một cái giá nào đó hoặc có một phẩm giá. Một cái gì đó có được một cái giá, thì người ta cũng có thể thay thế vào đó một giá trị khác tương đương. Ngược lại, khi một cái gì đó chứa đựng một giá trị cao quý vượt lên trên tất cả mọi giá trị, thì người ta không thể thay thế vào vị trí của nó bất cứ một cái gì khác có giá trị tương đương được, và cái giá trị cao quý vượt trên mọi giá trị cao quý khác, đó chính là nhân phẩm, là phẩm giá con người”.

Chính con người là một hữu thể với một phẩm giá nội tại, một hữu thể có khả năng đặt ra những mục đích và tự vươn mình lên thành mục đích. Ở đây Kant muốn nói đến “nhân tính” mà mỗi người đều chiếm hữu. Luật luân lý là nhịp cầu nối kết con người với xã hội đồng loại của mình.[7] Trong những tác phẩm triết học của Kant, ông luôn đề cao phẩm giá con người trong vấn đề sinh hoạt đạo đức của mình. Kant tố cáo tất cả những chủ trương đạo đức lấy đi tư lợi hay hạnh phúc làm tiêu chuẩn hành động[8]. Kant là một trong những nhà sáng lập quan trọng nhất của học thuyết triết học về quyền cơ bản và ông đặt học thuyết này trong mối quan hệ với tính bất khả xâm phạm của nhân phẩm con người. Theo Kant, mệnh lệnh thực tiễn là những “hành động tới mức anh đối xử với con người cũng như đối với bản thân anh và mọi cá nhân khác, luôn cùng lúc, giống như một mục tiêu chứ không bao giờ là một phương tiện”[9]. Kant còn đi xa hơn khi khẳng định: “Bản thân con người chính là nhân phẩm, thực tế con người không thể bị sử dụng bởi một ai đó đơn giản như một phương tiện, mà phải luôn được đối xử như một mục tiêu, và bằng cái đó mà tạo nên nhân phẩm con người, nhờ đó con người vượt cao hơn tất cả các bản thể khác trên thế gian”[10].

Theo Kant con người có giá hơn mọi giá trị. Ông ý thức rằng con người không thể thay thế như một đồ vật. Chẳng hạn một cái xe bị mất chúng ta có thể thay mới nhưng một đứa trẻ trong gia đình mất đi thì không có gì có thể bù lại được. Không thể dùng con người như phương tiện để đạt mục đích. Do đó theo Kant, dù bất cứ lý do gì cũng không được phép phá thai.

3. Phê bình, nhận định

Dù cho những người ủng hộ phá thai có ra sức tuyên bố rằng phá thai là một sự chọn lựa cá nhân thì, hơn bao giờ hết, rõ ràng là việc phá thai thuộc về luân lý xã hội hơn là thuộc về luân lý cá nhân. Tính dục và sự sống con người không thể chỉ thuộc về từng cá thể. Lương tri nói cho từng người biết rằng, mỗi người chỉ giữ cho mình khỏi việc phá thai thôi thì chưa đủ. Họ còn phải có trách nhiệm bảo vệ tất cả sự sống con người, cũng như loại bỏ bao nhiêu có thể những nguyên nhân đưa đến tình trạng phá thai. Nó cũng là vấn đề quan trọng đối với thiện ích của xã hội và của quốc gia. Ngoài ra, phá thai còn là tội ác của ý thức xã hội, điều mà xã hội cũng như luật pháp chấp nhận để tránh cho mình trách nhiệm, những khó khăn khi phải duy trì và tôn vinh ý thức lương tri, điều có thể khiến nhiều người thấy khó chịu trong việc kiếm tìm hoan lạc hư ảo thế trần trong cuộc sống.

Trong mọi chiều hướng suy tư của nhân loại từ khi con người xuất hiện đến nay đều chứa đựng những cố gắng để bảo toàn, phát huy và thăng tiến cá nhân, gia đình, tộc họ, dòng giống. Ðiều này chứng minh một thực trạng rất tự nhiên, rất con người là sự sống cá nhân đã được trân qúi và bảo vệ với bất cứ giá nào từ thuở xa xưa mà chưa cần kể tới những ràng buộc tâm linh hay những luật lệ tôn giáo. Người ta có thể lập luận: Không có hoàn cảnh chung, chỉ có hoàn cảnh riêng, mỗi người sẽ tùy nghi xử thế, nhưng nếu không có nguyên tắc chung, người ta sẽ đi tới chỗ tùy tiện.

Một quốc gia có thể nhắm đến ý nghĩa nào khi tuyên bố phá thai là một vấn đề riêng tư, hoặc thậm chí là quyền của công dân nước mình. Lại chẳng phải là chức năng hàng đầu của chính phủ và xã hội đó là bảo vệ mọi người được hưởng quyền cơ bản được sống và phát triển và trên hết, đó là bảo vệ những người yếu ớt nhất đó hay sao? Một quyết định cá nhân muốn phá thai trong một hoàn cảnh phức tạp và đầy lo âu thì đó là một sự việc bi thảm, song quyết định biến việc phá thai thành một phần kế hoạch nền tảng của con người, lại còn là một quyền được bảo đảm của mọi công dân, thậm chí còn được nâng đỡ bởi ngành y và các thứ thuế chung, thì điều này làm cho mọi tương quan của con người thay đổi.

Lập trường bảo vệ sự sống cho rằng: Sự sống hay thể trạng người đã bắt đầu ngay từ lúc thụ thai. Trực tiếp cướp đi mạng sống của một con người vô tội luôn luôn là điều sai trái. Ngay từ giây phút thụ thai đã có sự sống của một người vô tội. Do đó, phá thai trực tiếp thì luôn luôn là điều phi luân. Nhưng chắc chắn mỗi phụ nữ bỏ thai đều trải qua tột cùng đau đớn dằn vặt tinh thần và thể xác. Việc họ quyết định bỏ hay không bỏ, những người ngoài cuộc không thể hoặc không nên đánh giá, quan trọng là họ hiểu, chia sẻ và thông cảm hay không. Các định kiến xã hội cũng như cảm tính cá nhân có khi lại chính là nguyên nhân gây ra tổn thương, nhiều hơn quyết định bỏ hay không bỏ thai. 

Người ta biết rằng 50% phôi do thụ thai bình thường, sẽ bị tống ra ngoài cách tự nhiên. Không phải vì thế mà người ta có quyền trục các thai hay phôi có tật hay hủy bỏ các phôi đông lạnh, viện lẽ bắt chước thiên nhiên. Khoa học chỉ có thể mô tả lại diễn tiến quá trình làm người, khoa học không đề cập tới vấn đề giá trị vì ngoài thẩm quyền, nhưng khoa học lại tối quan trọng để có thể có một quan niệm đầy đủ về con người. Tuy nhiên, khoa học có thể nói khi nào tế bào phân đôi, phân tư, giai đoạn thành phôi, ngày thứ mấy tim đập, phổi thở, óc hoạt động như thế nào, nhưng không bao giờ khoa học có thể nói được lúc này cái phôi là một con người cần được tôn trọng. Đó không phải là lãnh vực của khoa học, đó là lãnh vực của đạo đức học và siêu hình học.

Nhiều người lên tiếng bảo vệ sự sống và muốn làm rõ cuộc tranh cãi về “phẩm tính sự sống”. Một khi đã cho phép phá thai, chẳng hạn, trong những trường hợp cái thai bị dị dạng nặng thì còn có điều gì lại ngăn chúng ta không biện minh cho những cuộc phá thai đối với những cái thai bị dị dạng tương đối và tiếp sau đó là đối với những cái thai chỉ bị dị dạng nhẹ. Chúng ta sẽ đi từ lập trường vững chắc là việc cấm phá thai xuống đến đến bậc thấp nhất là cho phép phá thai vì những lý do tầm thường nhất. Nhiều người phản đối cho rằng phôi thai là “một con người tiềm năng”. Nếu được sinh ra, phôi có thể phát triển thành những con người bình thường đầy đủ ý chí, có thể tài giỏi như Beethoven hoặc Einstein. Hơn nữa, nếu lấy lý do là phôi thai chưa có ý thức về cái tôi của mình để loại bỏ thì cũng đồng nghĩa với việc giết trẻ sơ sinh. Theo nghiên cứu, trẻ em chỉ tự ý thức về bản thân mình, biết mình là ai khi lên đến tầm hai hoặc ba tuổi. Như vậy, nếu lý do này được dùng để biện minh cho việc phá thai thì cũng được dùng để biện minh cho việc giết trẻ sơ sinh dưới ba tuổi, như vậy là hành vi giết người, cũng giống như giết người đã trưởng thành. 

Những người bảo vệ sự sống đáp lại rằng: khi tiến hành phá thai trong trường hợp người phụ nữ bị hiếp dâm là ta đã trừng phạt lầm đối tượng. Thủ phạm đáng bị trừng phạt chính là kẻ hiếp dâm và chỉ một mình anh ta mà thôi. Người phụ nữ hoàn toàn vô tội và bào thai cô ta đang mang trong lòng cũng hoàn toàn vô tội. Trừng phạt bất cứ ai trong hai người này thì đều thật là phi luân. Luận chứng khác để ý nhiều hơn đến khía cạnh lợi ích. Giả sử bà mẹ đó là một góa phụ một nách nuôi ba đứa con. Nếu bà chấp nhận mang thai, bà phải gửi ba đứa trẻ vào trại mồ côi. Do đó, bà quyết định phá thai. Những người bảo vệ sự sống khước từ lập luận đó và nhấn mạnh rằng mọi sự sống đều quý giá và không thể đánh đổi ngang bằng với các giá trị đó được, cho dù việc phá thai có vì một ý hướng đúng thế nào cũng đành mặc.

 Phá thai là một quyết định khó khăn đối với một người phụ nữ. Nó gây hậu quả về mặt tinh thần và người nữ phải gánh khả năng không thể sinh con được nữa. Ngày nay, cho dẫu việc phá thai đã bớt nguy hiểm hơn trước đây, thì vẫn có biết bao người phụ nữ phá thai đã phải gánh chịu những nỗi đau kinh khủng và lâu dài trong thân xác và nhất là trong tâm hồn. Phá thai gây ra các biến chứng y học rất trầm trọng. Mặt khác, những nguy hiểm thật sự của việc phá thai rất ít khi được phía các y sĩ thực hiện phá thai tiên báo và giải thích cặn kẽ cho người phụ nữ có ý định phá thai. Cũng phải nhận định rằng: các thống kê về những biến chứng và nguy hiểm của sự phá thai thường được báo cáo không đúng sự thật. Người ta chỉ muốn chạy theo thành tích chỉ tiêu chứ không màng đến thân phận và sinh mạng của thai phụ và thai nhi.

Phải nói rằng phá thai gây ra nỗi đau đớn tột cùng cho bản thân người phụ nữ và cả đối với gia đình của họ. Riêng đối với chính thai nhi bị giết bỏ, các tài liệu sống động quay trực tiếp việc phá thai cho thấy, bản thân cháu bé đáng thương đã phải trải qua những nỗi kinh hoàng và đau đớn trước khi chết. Về phía các nhân viên phá thai, rất nhiều người thú nhận về một nỗi ám ảnh ghê rợn kéo dài trong suốt đời họ, thậm chí gây ra căn bệnh tâm thần điên loạn. Những nghiên cứu đã cho thấy rằng việc phá thai có những ảnh hưởng tai hại ghê gớm về mặt tâm sinh lý nơi người phụ nữ. Ý thức của họ cứ mách bảo rằng họ đã phạm một tội ác không thể tha thứ. Khi tìm đến các cơ sở phá thai hợp pháp, người phụ nữ đã không được cảnh báo trước nguy cơ này. Họ cũng không hề được chuẩn bị trước những hậu quả khôn lường về tâm sinh lý của việc phá thai. Cấm thôi sẽ không giải quyết gì nếu không có cơ chế hợp lý để hỗ trợ. Một khi đã bảo đứa trẻ chưa chào đời chính là con người, thì không phải bàn luận gì thêm nữa, chỉ chừng đó thôi cũng đủ khẳng định chúng phải có quyền được sống như bất kỳ ai, và do vậy, mẹ của chúng không có quyền phá thai, nghĩa là không có quyền giết con của mình. Quyền được sống cũng không phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng hoặc kích thước của đứa trẻ. Bào thai không hề ít quyền được sống hơn bất kỳ một người lớn tuổi nào, kể cả trường hợp đó là người mẹ của nó. Việc so sánh giữa quyền lợi của đứa trẻ và quyền lợi của người mẹ là một sự so sánh khập khiễng, mất cân bằng. Bản chất việc phá thai cho thấy chính người mẹ đã tìm mọi cách để chống lại sự sống của chính đứa trẻ là con của mình.

Việc mang thai không phải là tội lỗi. Xã hội không được quyền lên án hay làm áp lực đối với một người mẹ chưa cưới, và đẩy họ vào chuyện phá thai, ngược lại, phải cảm thông, nâng đỡ và hỗ trợ người phụ nữ đó. Cái sai trái chính là lối sống buông thả, lối sống không được giáo dục tốt về mặt đạo đức, tình dục và tình cảm trai gái trước hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân. Việc đã trót có một chọn lựa sai trái là quan hệ tình dục trước hoặc ngoài hôn nhân không thể và không được phép là nguyên nhân đưa tới một chọn lựa sai trái khác kinh khủng hơn, trầm trọng hơn, một tội ác minh nhiên, đó là phá thai, là giết chết một trẻ thơ vô tội.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, đành phải chấp nhận phá thai là để cứu lấy mạng sống của người mẹ. Về nguyên tắc luân lý, khi hai mạng sống cùng bị đe dọa tử vong và chỉ có thể cứu một mạng sống mà thôi, thì các bác sĩ bắt buộc phải chọn lựa cứu ngay lấy một trong hai mạng sống đó. Có những trường hợp bắt buộc phải cứu người mẹ, nhưng cũng có nhiều trường hợp có thể chọn lựa một trong hai, thường người mẹ cao cả sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho con được sống.

Trong thực tế, các chẩn đoán của bác sĩ không phải lúc nào cũng chính xác. Tỷ lệ sai sót và chính xác có khi ngang ngửa nhau. Chính các y bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp cũng phải công nhận về mức độ sai lầm nếu quá tin tưởng vào các kết quả của y khoa. Mặt khác, sự dị dạng của đứa trẻ từ trong bào thai thường là rất nhỏ. Và thực tế cho thấy những trẻ bị khuyết tật được sinh ra vẫn thường sống rất hạnh phúc, lạc quan, có nghị lực lạ lùng để vượt qua nghịch cảnh. Đến khi trưởng thành, họ đều bày tỏ niềm hạnh phúc và tự hào vì đã được chính cha mẹ chấp nhận cho chào đời. Thực tế cuộc sống chứng minh, các trẻ bị khuyết tật không phải là những gánh nặng về mặt xã hội, ngược lại, chính họ đã nỗ lực cống hiến cho cộng đồng nhân loại biết bao giá trị quý báu.

Việc phá thai do bị hiếp dâm hay loạn luân cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Bởi lẽ, mang thai trong trường hợp này không phải là lỗi của đứa trẻ. Người cố tình gây ra hành vi tồi tệ cho người phụ nữ mới là kẻ có tội cần phải được trừng phạt chứ không phải là đứa trẻ hoàn toàn vô tội và đáng thương. Một đứa trẻ vẫn luôn luôn là một đứa trẻ với đầy đủ phẩm giá làm người, cho dù nó đã được thụ thai trong bất cứ tình huống nào, do bị hiếp dâm hay loạn luân. Mặt khác tính cách bạo động của việc phá thai đối với bản thân người phụ nữ cũng tương đồng với tính cách bạo động và vô luân của việc hiếp dâm mà người ấy đã phải gánh chịu. Việc phá thai không thể nào giúp cho người phụ nữ bị hiếp dâm cảm thấy nguôi ngoai hay tìm lại được bình an trong tâm hồn. Vì thế, ngay cả trong trường hợp đặc biệt này, người ta cũng không nên phá bỏ thai nhi.

Chính những người bảo vệ sự sống lại tích cực năng động rất nhiều trong việc chăm sóc cho các chị em phụ nữ đã trót lỡ lầm chọn giải pháp phá thai hoặc đã được thuyết phục để từ bỏ ý định phá thai. Sự nâng đỡ tinh thần và vật chất của họ đã giúp những người trót phá thai có thể được chữa trị chu đáo về tâm lý và thể lý sau khi phải chịu những hậu quả kinh khủng của việc phá thai. Các nhóm bảo vệ sự sống còn mở ra những ngôi nhà tình thương, những mái ấm tiếp đón, ân cần chăm sóc các bà mẹ “bất đắc dĩ” cho đến khi họ sanh nở, giúp họ vui mừng và hãnh diện nhìn nhận đứa bé chính là đứa con vô giá của họ mà chút nữa họ đã định phá bỏ. Ngược lại, chính các nhân viên tại các cơ sở phá thai và cả những người chủ trương ban hành các chính sách đưa tới phá thai mới là những người thật sự có trách nhiệm trên sinh mạng và đời sống của thai phụ. Họ chỉ cốt thu lợi nhuận và đạt thành tích chỉ tiêu đã được giao phó. Trong thực tế, có các bác sĩ đã từng nhúng tay vào việc phá thai, nhưng sau đó đã nhận ra tính vô luân và hậu quả kinh khủng do việc nạo phá thai để lại, họ đã can đảm nói lên sự thật và cho thấy một sự hối hận ăn năn trong lương tâm. Mặt khác, trong số những phụ nữ đã từng phá thai, nhiều người đã trở thành những người đi tiên phong trong các hoạt động xã hội, ủng hộ việc bảo vệ sự sống, hơn là trở thành những người chủ trương phá thai.[11]

Điều 6 Công ước ICCPR[12] ghi nhận: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện”. Như vậy trong tất cả các quyền con người phải khẳng định quyền sống là quyền quan trọng nhất có vai trò tối thượng. Bởi đơn giản khi một con người không có quyền sống thì mọi thứ đối với họ cũng trở nên vô nghĩa. Thế nhưng để nhận thức về cái quyền tối thượng ấy của mình một cách đầy đủ không phải ai cũng có được, thậm chí còn khá nhiều người hiểu theo nghĩa rất hẹp là quyền không bị tước bỏ mạng sống một cách trái luật. Hay nói cách khác, họ hiểu quyền sống là quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe.

Thật không công bằng cho thai nhi, khi người mang thai có trách nhiệm về hành động của mình lại được thêm một cơ hội để vui chơi, trong khi thai nhi không có trách nhiệm gì lại bị tước đoạt cách dã man cơ hội làm người duy nhất của mình. Phá thai là tội ác của ý thức xã hội, điều mà xã hội cũng như luật pháp chấp nhận để tránh cho mình trách nhiệm, những khó khăn khi phải duy trì và tôn vinh ý thức lương tri, điều có thể khiến nhiều người thấy khó chịu trong việc kiếm tìm hoan lạc hư ảo thế trần trong cuộc sống, giảm thiểu đau khổ hay gia tăng hạnh phúc cho người mẹ và gia đình họ. 

Mọi hành động của con người chỉ mang giá trị đích thực khi hành động đó có hiểu biết. Bất cứ việc gì mình làm và biết mình đang làm, dù thời gian biết rất ngắn hoặc thời gian biết rất lâu như hoạch định chương trình đều là hành động trách nhiệm. Nhìn thẳng vào chính hành động xem cả hai việc phá thai và giết người có đủ yếu tố trách nhiệm, và hậu quả của chúng có khác nhau không? Giết người là hành động có suy xét, dù cấp thời hay nghiền ngẫm, để làm lợi cho bản thân bằng cách hủy diệt sự sống của kẻ khác. Phá thai là hành động hủy diệt sự sống của một con người để làm lợi cho bản thân mình dưới bất cứ chiêu bài nào. Như thế, tự bản chất hành động không có sự khác biệt về trách nhiệm và hậu quả, nên phải được coi là cùng một hành động có yếu tố trách nhiệm. 

Phá thai nhằm chữa bệnh thì rất khác với cái gọi là sự báo hiệu về gien. Trong trường hợp này, phôi thai chứ không phải bà mẹ mới là bệnh nhân. Mà giết bệnh nhân thì còn đâu gọi là chữa bệnh nữa. Có ý kiến biện minh cho việc lấy đi cái phôi chắc chắn không thể tồn tại khi sử dụng biện pháp đó để bảo vệ bà mẹ khỏi mối hiểm nghèo. Điều này cũng có thể tạm chấp nhận được. Chẳng hạn như, một phôi thai bị viêm não thì không chỉ không thể phát triển thành một đời sống con người có ý thức mà ngay cả việc tồn tại cũng không thể. Tách bỏ nó đi để ngăn ngừa bà mẹ khỏi bị hiểm nghèo thì thật sự là biện pháp chữa trị, dù không phải là không có bất công với sự sống của bào thai đã bị kết án tử. 

Nếu chưa thể nào chắc chắn được khi nào sự sống được bắt đầu, thí ích lợi của sự nghi ngờ đó phải nên hướng tới việc bảo tồn sự sống. Các sách vở về y khoa và các công trình nghiên cứu khoa học liên tục đồng ý rằng mạng sống con người được khởi đầu ngay từ lúc thụ thai. “Bào thai (fetus) chỉ là một phần thân thể của người phụ nữ mang thai mà thôi, cũng giống như cục a-mi-dan (tonsils) hay ruột thừa (appendix) của họ vậy. Đứa trẻ có thể chết đi và người mẹ thì vẫn còn sống, hay ngược lại, đều đó chứng tỏ rằng cả hai đều là những cá nhân riêng lẻ. Đứa trẻ chưa chào đời có vai trò tích cực trong sự phát triển của trẻ, trẻ điều khiển tiến trình mang thai và thời gian trẻ được sinh ra. Việc ở trong một cái gì đó hoàn toàn khác với việc là một phần của cái gì đó. Con người không nên bị kỳ thị vì chỗ cư trú hay ẩn náu của họ. “Trẻ thơ chưa được sinh ra chính là một phôi thai (embryo) hay một bào thai (fetus), chẳng khác nào một giọt nước của mô (blob of tissue), tức là một sản phẩm của sự thụ thai chứ không phải là một đứa trẻ. Phá thai chính là việc chấm dứt đi một thai kỳ, chứ không phải giết chết đi một đứa trẻ. Xét về mặt ngữ nghĩa học, một đứa trẻ chính là một đứa trẻ cho dẫu chúng ta có gọi là gì đi chăng nữa. Kể từ lúc thụ thai, trẻ chưa được sinh ra không phải là một cơ thể giản đơn, mà đó là một cơ thể rất phức tạp. Trước 3 tháng thai kỳ đầu tiên, trẻ chưa được sinh ra đã có các phần thân thể như là trẻ sẽ từng có. Mỗi lần phá thai chính là việc chấm dứt đi một trái tim đang đập và làm chấm dứt luôn cả những làn sóng đo lường được của bộ não. Ngay trong giai đoạn phẫu thuật phá thai sớm nhất, trẻ chưa được sinh ra nhưng đã có hình dạng của một con người. Thậm chí trước khi trẻ thơ chưa được sinh ra có hình dạng rõ ràng là một con người, thì trẻ vẫn đã là một con người. Cho dẫu là việc lý luận hay đến mấy, thì việc chấm dứt đi một thai kỳ cũng chính là việc chấm dứt đi một sự sống.

Lý luận “Trẻ chưa được sinh ra không phải là một con người, với cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn. Kích thước của nó chỉ có vài inch, và thậm chí nó không thể suy nghĩ được; nó chỉ có tiến bộ chút ít so với một con vật mà thôi” cần phải được cân nhắc. Liệu có người nào đó dám nói rằng con người có nhiều quyền sống hơn là các con vật không ?” Đặc tính hay bản thể con người không phải là vấn đề về kích thước, về kỹ xảo (skill), hay mức độ thông minh. Nếu giá trị của trẻ chưa được chào đời có thể đem ra so sánh với giá trị của một con vật, thì không còn lý do nào mà không thể so sánh luôn giá trị của người đã được sinh ra rồi với các con vật. Thậm chí nếu có ai đó tin rằng con người không thể nào tốt hơn các con vật, thì tại sao họ lại ghê tởm (abhor) việc giết đi các con vật còn sơ sinh, trong khi đó lại đi hô hào việc giết chết đi các trẻ thơ chưa được chào đời? Thật là nguy hiểm khi một người nào đó có quyền để tự do quyết định rằng mạng sống của những người này hay những người khác thì có ý nghĩa và mạnh mẽ hơn những người khác, hay tự mình có quyền sinh sát người khác. Những lý luận chống lại đặc tính hay bản thể con người của trẻ thơ chưa được chào đời bị che khuất bởi lối giải thích duy lý và phủ nhận (rationalization anddenial) mà thôi.

Ngược lại, những người ủng hộ sự sống nêu quan điểm ủng hộ quyền của chính phủ trong việc bảo tồn mọi sinh mạng của con người, bất kể mục đích, tính khả thi hay chất lượng cuộc sống tương lai của người đó ra sao. Với lập luận sự sống bắt đầu từ khi tinh trùng gặp trứng, hay tim thai xuất hiện từ tuần thứ ba, thai nhi đã trở thành một con người với chân và tay ở cuối tháng thứ ba khi người ta thường tiến hành phá thai; và rằng khi mang thai, đó không chỉ còn là cơ thể của người mẹ mà còn là của đứa bé. Không ai lại có quyền phá hủy cơ thể của người khác thành nhiều mảnh. Con người ngày nay luôn luôn dùng nguyên nhân và hoàn cảnh để biện minh cho hành động tội ác như giết người. Thiết nghĩ, tội ác tự nó vẫn là tội ác đáng phải tránh xa và trách phạt, còn nguyên nhân và hoàn cảnh của tội ác phải bị tẩy trừ và được thay thế bằng những nguyên nhân và hoàn cảnh khiến con người thi hành việc thiện.

Các quy tắc cụ thể cần, song không đủ để lấy một quyết định có tính cách đạo đức vì mỗi hoàn cảnh đặc biệt, nó có thể có những ngóc ngách làm cho lương tâm sai lầm. Cần phối hiệp ba nguyên tắc sau: lấy con người làm cứu cánh, tuân theo luật xã hội và phải hành động theo lương tâm. Lương tâm cấm thì không được làm, lương tâm dạy thì có thể theo. Nếu chỉ giữ nguyên tắc một thì sẽ rơi vào một thức đạo đức không tưởng quá lý tưởng, trừu tượng, không thực tiễn, không giúp giải quyết các vấn đề cụ thể. Nếu chỉ giữ nguyên tắc hai thì có thể rơi vào một thứ đạo đức vụ luật, sống theo tập tục truyền thống không đếm xỉa tới các thay đổi hay tính phức tạp của hoàn cảnh. Nếu chỉ giữ nguyên tắc ba thì có thể rơi vào một thứ đạo đức cá nhân chủ nghĩa. Một sự kiện chỉ có giá trị quy chiếu nếu nó giúp tôn trọng con người, đề cao các giá trị căn bản của con người. Có luật trừ nào cho phá thai hay không? Theo Kant kiên quyết là không. Nếu với những thai phụ tuổi đời còn quá trẻ khi sinh con sẽ gây tổn hại đến sức khỏe thậm chí tính mạng người mẹ. Trường hợp vì cứu người mẹ mà phải bỏ đi dừa bé thì làm như thế nào. Vậy trừ trường hợp bất khả kháng vì cứu người mẹ mà phải bỏ đứa con mới được chấp nhận ngoài ra thì không.

Như thế, xét trên tất cả các phương diện và soi chiếu vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau, phá thai vẫn là hành vi đáng bị lên án và bảo vệ sự sống vẫn được xem là điều hợp đạo đức và mang lại nhiều lợi ích cho con người và xã hội hơn cả. Bởi lẽ suy cho cùng, dù cho thế nào thì đạo đức học chân chính vẫn phải đẩy con người phải quyết định để dẫn đến một hành động cụ thể trong đời sống, chứ không chỉ dừng lại ở tranh luận. Giáo hội Công giáo không chấp nhận phá thai vì bất kì lý do nào trừ trường hợp thai nhi bị chết là hậu quả của việc chữa trị để cứu sống người mẹ. 

III. Kết Luận

Như thế, xét trên phương diện đạo đức học, không có quan niệm nào, không triết thuyết được coi là giải quyết vấn đề một cách tận căn, khách quan, hoàn toàn đúng đắn khi giải quyết vấn nạn phá thai. Phá thai hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đa dạng khác nhau chứ không chỉ xét trên một vài khía cạnh đơn thuần. Vì đứa trẻ từ khi là thai nhi đã là con người, và phải được bảo vệ như người đã sinh ra. Trừ khi nào có ai đó chứng minh rằng đứa trẻ không phải là con người, thì quan điểm sẽ khác. Giáo hội Công giáo không chấp nhận phái thai vì bất cứ lý do nào ngoại trừ trường hợp thai nhi bị chết do việc điều trị để cứu sống người mẹ. Vấn đề phá thai chưa bao giờ khép lại, nhưng luôn còn đó những tranh luận, những bất đồng qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, dù cho nhìn vấn đề dưới lăng kính nào, người viết luôn nhận thấy còn nhiều thiếu sót và hy vọng sẽ được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này.


[1] Cf. Trần Như Ý Lan, Người Công giáo trước một số vấn đề y sinh học và tính dục, Nhà Xuất Bản Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.34.

[2] Ibid., tr.34-39.

[3] Cf. Các lý thuyết Nữ quyền và hệ quả trong bối cảnh ngày nay, Nguyễn Thị Thùy Dương, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học, 2 (2005), ĐHKHXH&NV Hà Nội, tr. 32.

[4] Cf. J. Tân Nguyễn, Đạo đức học tổng quát, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 117-126.

[5] Cf. Chủ nghĩa vị lợi nhìn từ góc độ đạo đức học, Đỗ Minh Hợp, Tạp chí Khoa học ĐHKHXH&NV 26 (2010), tr. 155.

[6] ABORTION trong WHERE DO YOU STAND ? của GREGORY C. HIGGINS.
NHT dịch Trích từ Ephata Việt Nam số 15, năm 2001.

[7] Cf. Nhân phẩm trong tư trưởng Kant và Gioan Phaolo II, Lm. Nguyễn Hữu Thy, http://catechesis.net, truy cập ngày 07.05.2018.

[8] Cf. Ts Vũ Văn Dũng, Phẩm giá con người trong triết học Kanthttp://www.simonhoadalat.com, truy cập ngày 07.05.2018.

[9] Emmanuel Kant, Nền tảng siêu hình của các tập quán (1785), bản dịch Tiếng Pháp, Tuyển tập các tác phẩm triết học, NXB De La Pleiade, Tập II, 1984, tr. 295.

[10] Siêu hình về các phong tục và xung đột các năng lực (1976), II, Tủ sách Triết học về đức hạnh, Bản dịch Tiếng Pháp của Joelle Masson và Olivier Masson, Tuyển tập tác phẩm, 38, tr. 758-759.

[11] 35 kiểu lý luận của phe ủng hộ phá thai và cách phản bác lại, http://baovesusong-chongphathai.blogspot.com. Bản dịch của ANTHONY LÊ, VietCatholic, Ephata biên tập, truy cập ngày 02.05.2018.

[12] Công ước ICCPR là Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, 1966 (Được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Công ước này có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982).

Tâm Thành 

Tags: , ,

Có thể bạn quan tâm