Tông huấn Gaudete et Exsultate - Chương II: Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện

Thứ Năm, 19-04-2018 | 19:07:50

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.


CHƯƠNG HAI
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

  1. Ở đây tôi muốn đề cập tới hai hình thức sai lầm của sự thánh thiện có thể làm ta trệch đường: ngộ giáo và lạc thuyết pelagio. Đó là hai lạc giáo có từ khi mới có Kitô giáo, nhưng chúng vẫn tiếp tục quấy rầy ta. Vào thời của ta, có lẽ nhiều Kitô hữu, vì không nhận ra chúng, có thể bị mê hoặc bởi các ý tưởng lừa đảo này, các ý tưởng ấy phản ánh một thuyết tự tại qui nhân được ngụy trang là chân lý Công giáo[1]. Ta hãy nhìn qua hai hình thức an toàn về đạo lý hay kỷ luật tạo nên “một thứ chủ nghĩa ưu tú độc đoán và tập trung vào mình, một chủ nghĩa mà thay vì Tin mừng hóa lại phân tích và phân loại tha nhân, và thay vì mở cửa ra cho ân sủng lại dốc cạn sức lực vào việc thanh tra và dò xét. Trong cả hai trường hợp ấy, người ta đều không thực sự quan tâm tới Chúa Giêsu và tha nhân”[2].

NGỘ GIÁO ĐƯƠNG THỜI

  1. Ngộ giáo presunes cho là “một đức tin thuần tùy chủ quan, quan tâm duy nhất của đức tin ấy là một kinh nghiệm nào đó hay một loạt các ý tưởng và một chút thông tin được coi là an ủi và soi sáng, nhưng cuối cùng ra lại kìm hãm con người trong các suy nghĩ và tình cảm riêng của họ”[3].

Một người trí thức không có Thiên Chúa và không có xác thịt

  1. Nhờ Thiên Chúa, suốt dòng lịch sử Hội thánh, điều cho đến nay lúc nào cũng rõ là sự hoàn thiện của con người không được đo lường bằng thông tin hay sự hiểu biết mình sở hữu, nhưng nhờ chiều sâu của đức ái của mình. “Những người theo ngộ giáo” không hiểu điều này, vì họ xét đoán tha nhân dựa trên khả năng hiểu biết sự phức tạp của một số đạo lý nào đó của người ấy. Họ nghĩ về người trí thức ấy như tách khỏi xác thịt và như thế cũng không còn khả năng đụng chạm được xác thịt khổ đau của Đức Kitô nơi tha nhân, người ấy như bị khóa lại như họ đang ở trong quyển bách khoa tự điển trừu tượng vậy. Cuối cùng, do đưa mầu nhiệm ra khỏi thân xác, họ chuộng “một Thiên Chúa không có Đức Kitô, một Đức Kitô không có Hội thánh và một Hội thánh không có dân mình”[4].
  2. Chắc chắn, đây là một ý nghĩ kỳ lạ bên ngoài: bề mặt vẫn còn cử động, nhưng tâm trí thì không bị đánh động cũng không ảnh hưởng sâu. Tuy thế, ngộ giáo vẫn đánh lừa được một số người, vì lối xử trí của ngộ giáo rất nghiêm túc và được coi là tinh tuyền, và có thể có vẻ như có được một sự hòa hợp hay trật tự nào đó hoàn thiện mọi sự.
  3. Ở đây ta phải thận trọng. Tôi không ám chỉ tới chủ nghĩa duy lý trái nghịch với đức tin Kitô giáo. Chủ nghĩa ấy có thể vẫn đang hiện diện trong Hội thánh, cả nơi giáo dân trong các giáo xứ lẫn các giáo sư triết, thần trong các trung tâm đào tạo. Những người theo ngộ giáo nghĩ rằng các giải thích của họ có thể làm nên sự toàn diện của đức tin và làm cho Tin mừng có thể hiểu được cách hoàn hảo. Họ tuyệt đối hóa các lý thuyết của họ và áp lực người khác phải tuân theo lối suy nghĩ của họ. Việc sử dụng lý trí cách lành mạnh và khiêm tốn để suy nghĩ về giáo huấn thần học và luân lý của Tin mừng là một chuyện. Hạ thấp giáo huấn của Chúa Giêsu xuống chỉ còn là một lập luận khó nghe và nhạt nhẽo để tìm cách thống trị mọi sự lại là chuyện khác[5].

Một đạo lý không có mầu nhiệm

  1. Ngộ giáo là một trong những ý thức hệ nham hiểm nhất vì, trong khi ca tụng tri thức hay một kinh nghiệm đặc biệt nào đó cách quá đáng, nó còn coi cái nhìn của nó về thực tại là hoàn hảo. Như thế, có lẽ ngay cả không nhận ra nó, ý thức hệ này vẫn tự tự mãn và thậm chí còn trở thành thiển cận hơn. Nó có thể trở thành ảo tưởng hơn khi tự gán cho mình là một nền linh đạo không thân xác. Vì “ngộ giáo do bản chất của nó luôn tìm cách kiểm soát mầu nhiệm[6], bất kể mầu nhiệm của Thiên Chúa và ân sủng Ngài hay mầu nhiệm của các cuộc sống khác.
  2. Khi một ai đó có được giải đáp cho mọi thắc mắc, đó là dấu cho thấy người ấy không còn đi trên đường ngay chính. Rất có thể họ là các ngôn sứ giả, sử dụng tôn giáo vì các mục đích riêng, sử dụng tôn giáo để đề cao các thuyết về tâm lý và trí tuệ của kình. Thiên Chúa vượt quá chúng ta vô cùng; Ngài ắp đầy những thứ bất ngờ. Ta không phải là người quyết định ta sẽ gặp Ngài khi nào và cách nào; thời gian và không gian chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không tùy thuộc ta. Ai muốn mọi sự phải rõ ràng và chắc chắn đều muốn kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa.
  3. Ta cũng không thể tuyên bố chỗ nào không có Thiên Chúa, vì Thiên Chúa hiện diện cách nhiệm mầu trong cuộc sống mọi người, theo cách thức chính Ngài chọn, và ta không thể loại trừ điều ấy chỉ vì sự không biết chắc của ta. Cả khi cuộc sống của một người nào đó có vẻ như bị đổ vỡ hoàn toàn, cả khi ta thấy cuộc đời ấy bị tội lỗi hay sự nghiện ngập tàn phá đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu ta để Thần khí chứ không để các định kiến hướng dẫn mình, ta có thể và phải cố tìm cho ra Chúa trong cuộc sống mọi người. Đây là một phần mầu nhiệm mà một não trạng ngộ giáo không thể chấp nhận, vì vượt quá sự kiểm soát của nó.

Những giới hạn của lý trí

  1. Hiểu được sự thật ta lãnh nhận được từ nơi Chúa không dễ. Và diễn tả sự thật ấy ra còn khó hơn nữa. Vì thế, ta không thể khẳng định rằng cách ta hiểu sự thật ấy cho phép ta giám sát chặt chẽ cuộc sống của người khác. Ở đây, tôi xin lưu ý rằng trong Hội thánh vẫn có sự cùng hiện hữu của các cách giải thích khác nhau về nhiều khía cạnh của đạo lý và đời sống Kitô hữu; trong sự khác nhau ấy, chúng “giúp diễn tả rõ hơn sự phong phú mênh mông của thế giới của Thiên Chúa”. Đúng là “đối với những ai mong ước có được một bộ phận đạo lý vững như đá khối được mọi người canh giữ và không còn để chỗ cho những khác biệt, thì đây chắc chắn là điều không đáng mong ước và sẽ đưa tới hoang mang”[7]. Thật vậy, một số dòng ngộ giáo khinh thường sự đơn sơ cụ thể của Tin mừng và đã cố thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập thể bằng một sự Hợp Nhất siêu việt, nơi sự đa dạng phong phú của lịch sử của ta sẽ tan biến.
  2. Thật vậy, đạo lý, hay đúng hơn, sự hiểu biết và cách diễn tả của ta về đạo lý, “không phải là một hệ thống khép kín, không thể khơi lên thắc mắc, nghi ngờ hay tìm kiếm cách sôi nổi… Những vấn đề của con người, những đau khổ, các cuộc đấu tranh, các ước mơ, các thử thách và âu lo của họ, tất cả đều có một giá trị không thể giải thích được, một giá trị ta không thể làm ngơ nếu ta muốn coi trọng nguyên tắc của việc nhập thể. Thắc mắc của họ luôn giúp ta tự hỏi, vấn đề của họ bao giờ cũng đòi ta phải nghi vấn[8].
  3. Một sự hoang mang nguy hiểm có thể bật lên. Ta có thể nghĩ rằng vì ta biết một cái gì đó, hay có thể diễn tả cái ấy bằng những thuật ngữ chắc chắn, ta đã là thánh rồi, hoàn hảo và tốt lành hơn “đám dân mê muội” rồi. Thánh Gioan Phaolô II cảnh báo về cơn cám dỗ ấy về phía những người trong Hội thánh, những người có được nền giáo dục cao hơn, “thường cảm thấy vượt hơn các tín hữu khác”[9]. Về điểm này, những gì ta nghĩ là ta biết bao giờ cũng phải động viên ta đáp trả tình yêu Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn. Quả vậy, “các con học để sống: tha và sự thánh thiện không thể tách rời được”[10].
  4. Khi Thánh Phanxicô Assisi thấy rằng một số các môn đệ ngài tham gia vào việc giảng dạy, ngài muốn tránh cơn cám dỗ hướng về ngộ giáo. Ngài viết cho thánh Antôn Padua: “Tôi vui vì cha dạy thần học cho anh em, miễn là … cha đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và lòng đạo đức suốt thời gian học kiểu này”[11]. Thánh Phanxicô nhận ra cơn cám dỗ muốn biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một bộ các thực hành trí thức khiến ta xa cách sự mới mẻ của Tin mừng. Trái lại, Thánh Bonaventura đã cho thấy rằng sự ngôn đích thật của Kitô giáo không bao giờ có thể bị tách khỏi lòng xót thương ta dành cho đồng loại; “Sự khôn ngoan vĩ đại nhất có thể có là chia sẻ cách hiệu quả những gì ta phải cho đi… Cả khi lòng xót thương là bạn đường của sự khôn ngoan, thì lòng tham lam vẫn là kẻ thù của lòng xót thương”[12]. “Có các hoạt động, đã gắn với chiêm niệm, không cản trở việc chiêm niệm, nhưng làm cho việc ấy được dễ dàng, như các việc của lòng xót thương và đạo đức”[13].

LẠC THUYẾT PELAGIO HIỆN NAY

  1. Ngộ giáo mở đường cho một lạc giáo khác, hệt như ngày hôm nay của ta vậy. Khi thời gian trôi qua, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng không phải sự hiểu biết làm cho ta tốt hơn hay làm cho ta thành thánh, mà là một nếp sống nào đó ta sống. Nhưng nhận thức này đã đưa ta trở về lại với sai lầm xưa của những người theo ngộ giáo cách tinh tế, một sai lẫm mới chỉ được thay đổi chứ chưa xóa bỏ được.
  2. Cũng sức mạnh ngày xưa những người theo ngộ giáo gán cho tri thức, thì nay những người khác lại bắt đầu gán cho ý chí, cho nỗ lực của con người. Đây chính là trường hợp của những người theo lạc thuyết pelagio và bán pelegio. Nay không còn là sự thông minh thay thế mầu nhiệm và ân sủng nhưng là ý chí của con người. Lạc thuyết ấy đã quên mất rằng mọi sự “không lệ thuộc ý chí hay cố gắng của con người mà lệ thuộc Thiên Chúa Đấng luôn bày tỏ lòng xót thương” (Rm 9, 16) và “Ngài đã yêu thương ta trước” (1 Ga 4, 19).

Một ý chí thiếu khiêm tốn

  1. Những ai đầu hàng não trạng pelagio hay bán pelagio này, dù họ vẫn nói cách nhiệt thành về ân sủng Thiên Chúa, nhưng “cuối cùng họ chỉ tin tưởng vào các sức mạnh của họ và cảm thấy mình vượt hơn người khác vì họ tuân giữ một số qui luật hay đã trung thánh cách cứng nhắc với cung cách Công giáo đặc biệt”[14]. Khi một số người trong họ nói với những người yếu đuối rằng mọi sự đều có thể hoàn tất với ơn Thiên Chúa, thì tận trọng cõi lòng mình họ luôn có khuynh hướng nghĩ rằng mọi sự đều có thể nhờ ý chí con người, như thể ý chí ấy là một cái gì đó tinh tuyền, hoàn hảo, toàn năng, ân sủng chỉ được thêm vào cho ý chí ấy thôi. Họ không nhận ra rằng “không phải mọi người đều có thể làm hết mọi sự”[15], và trong cuộc sống này, ân sủng không thể chữa lành được những yếu hèn cách hoàn toàn và chỉ một lần thay cho tất cả[16]. Trong mọi trường hợp, như Thánh Augustinô dạy, Thiên Chúa luôn đòi các con làm những gì các con có thể và cầu xin những gì các con không thể[17] và thật vậy, khiêm tốn cầu nguyện với Ngài: “xin ban những gì Chúa đòi và đòi những gì Chúa muốn”[18].
  2. Cuối cùng, việc thiếu lòng biết ơn chân thành và cầu nguyện về những giới hạn của mình cũng ngăn cản ân sủng hoạt động cách hiệu quả hơn trong ta, vì không để chỗ cho tiềm năng tốt lành là một phần của cuộc hành trình đích thật của sự phát triển[19]. Ân sủng, chính vì được xây dựng trên tự nhiên, nên không làm cho ta thành siêu nhân ngay được. Kiểu suy nghĩ như thế thường tỏ ra quá tin tưởng vào các khả năng của mình. Dưới sự chính thống của mình, thái độ của ta có lẽ đã không ăn khớp với những gì ta nói về nhu cầu cần đến ân sủng, và trong những hoàn cảnh đặc biệt ta có thể chẳng tin tưởng gì mấy vào ân sủng. Trừ phi ta biết nhìn nhận hoàn cảnh giới hạn cụ thể của mình, ta mới không thể thấy được những bước thật sự có thể Chúa đòi hỏi nơi ta mọi lúc, khi ân sủng của Ngài hấp dẫn và ban sức mạnh cho ta. Ân sủng luôn hoạt động trong lịch sử; cách thông thường ân sủng vẫn không ngừng nắm lấy và biến đổi ta[20]. Nếu ta chối bỏ thực tại lịch sử và tiến triển này, ta cũng thực sự có thể khước từ và ngăn chặn ân sủng, kể cả khi ngoài miệng ta vẫn tán dương.
  3. Khi nói với Abraham, Thiên Chúa bảo ông: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, hãy bước đi trước nhan ta và hãy tinh tuyền” (St 17, 1). Để được vô tỳ tích, như Ngài đòi hỏi ta, ta cần sống khiêm tốn trong sự hiện diện của Ngài, mặc lấy vinh quang của Ngài; ta cần bước đi trong sự hiệp thông với Ngài, nhìn nhận tình yêu chung thủy của Ngài trong đời ta. Ta cần dẹp bỏ sợ hãi trước sự hiện diện ấy, một sự hiện diện chỉ vì lợi ích của ta. Thiên Chúa là Cha, Đấng đã ban cho ta sự sống và đã hết mực yêu thương ta. Một khi đã chấp nhận Ngài, và không cố sống thiếu vắng Ngài, thì nỗi đớn đau do cô đơn sẽ tan biến (x. Tv 139, 23 – 24). Theo cách này, ta sẽ biết được ý định tốt lành và hoàn hảo của Chúa (x. Rm 12, 1 – 2) và để cho Ngài nắn đúc nên ta như một thợ gốm (x. Is 29, 16). Vì thế, ta thường nói rằng Thiên Chúa ở trong ta, nhưng tốt hơn ta nên nói rằng ta ở trong Ngài, Ngài làm cho ta có thể ở lại trong ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài là đền thờ của ta; ta xin được ở lại trong nhà Chúa mọi ngày suốt đời ta (x. Tv 27, 4). Ở trong Ngài là sự thánh thiện của ta.

Một giáo huấn của Hội thánh thường bị bỏ qua

  1. Hội thánh đã không ngừng dạy rằng ta được công chính hóa không phải do các công việc hay những nỗ lực của riêng ta, nhưng nhờ ân sủng của Chúa, Đấng luôn có sáng kiến. Các Giáo phụ, cả các vị trước Thánh Augustinô, đã diễn tả rõ ràng niềm tin căn bản này. Thánh Gioan Chrysostom nói rằng Thiên Chúa đổ vào lòng ta chính nguồn mọi ân sủng của Ngài trước cả khi ta đi vào chiến trận[21]. Thánh Basiliô Cả nhận xét rằng các tín hữu chỉ có được vinh quang nơi một mình Thiên Chúa thôi, vì “họ nhận ra rằng họ thiếu sự công chính thật và họ được công chính hóa chỉ nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô”[22].
  2. Thượng Hội Dồng Giám mục Orange lần thứ hai đã dạy với một căn cứ vững chắc rằng không gì nơi con người có thể đòi hỏi, xứng đáng hay mua được ân sủng của Thiên Chúa, và mọi sự cộng tác với ân sủng ấy chỉ là việc ơn ấy được ban trước thôi: “Cả khát vọng muốn được nên trong sạch cũng xảy ra nơi ta nhờ việc đổ tràn và hoạt động của Chúa Thánh Thần”[23]. Sau đó, Công đồng Trento, trong khi vẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cộng tác của ta trong việc phát triển tâm linh, đã tái khẳng định giáo huấn tín lý này: “ta được công chính hóa cách nhưng không vì chẳng có gì đi trước sự công chính hóa cả, cả đức tin lẫn việc làm đều không đáng nhận được ơn công chính hóa; vì nếu chính nhờ ân sủng, thì không còn dựa vào công việc nữa; nếu không, ân sủng sẽ không còn là ân sủng” (Rm 11, 6)[24].
  3. Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng nhắc ta nhớ rằng việc ban ân sủng “vượt quá sức mạnh của lý trí và ý chí con người”[25] và “liên quan tới Thiên Chúa, công nghiệp của con người không có một quyền tuyệt đối nào cả. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có một sự khác biệt vô biên”[26]. Tình bằng hữu của Ngài vượt quá chúng ta nghìn trùng; ta không thể mua được tình bằng hữu ấy bằng các công việc của ta, đó chỉ có thể là một ân ban phát sinh từ sáng kiến yêu thương của Ngài. Điều này mời gọi ta sống trong lòng hân hoan biết ơn vì ân huệ ta chẳng xứng đáng chút nào ấy, vì “sau khi người ta có được ân sủng, thì ân sủng đã được sở hữu ấy, không thể lại do công nghiệp được”[27]. Các thánh luôn tránh đặt tin tưởng vào các công việc của mình: “Vào lúc đời đã xế, con sẽ lại ra trước mặt Chúa tay không, vì lạy Chúa, con không xin Chúa kể đến các công việc của con. Mọi sự công chính của chúng con đều hoen ố trước mắt Ngài”[28]
  4. Đây là một trong những xác tín mạnh mẽ Hội thánh vẫn luôn nắm giữ cách vững chắc. Xác tín ấy được diễn tả cách rõ ràng trong lời Chúa đến độ không ai còn có thể thắc mắc gì nữa. Hệt như điều răn yêu thương quan trọng nhất, chân lý này cũng phải tác động trên cách ta sống, vì sự thật này xuất phát từ trọng tâm của Tin mừng và đòi ta không chỉ chấp nhận cách trí thức mà còn phải làm cho nó thành nguồn vui lan tỏa nữa. Nhưng ta không thể ăn mừng sự tự do ban tặng tình bằng hữu này của Chúa trừ phi ta nhìn nhận rằng cuộc sống trần thế và các khả năng tự nhiên của ta là quà tặng của Ngài. Ta cần “hân hoan nhìn nhận rằng cuộc sống của ta chủ yếu là một quà tặng, một ân ban, và sự tự do của ta là một ân huệ. Nhìn nhận thế hôm nay không dễ, nhất là trong một thế giới luôn nghĩ rằng nó có thể giữ lấy một cái gì đó, những kết quả của sự sáng tạo hay tự do của nó, cho riêng mình”[29].
  5. Chỉ trên nền tảng ân sủng của Thiên Chúa, được tự do chấp nhận và khiêm tốn đón nhận, ta mới có thể cộng tác bằng các nỗ lực của ta trong sự biến đổi không ngừng của ta[30]. Ta phải thuộc về Thiên Chúa trước, bằng cách dâng chính bản thân cho Ngài, là Đấng đã ở đó trước và ký thác cho Ngài các khả năng, nỗ lực, cuộc chiến chống sự dữ và sáng kiến của ta, để ân nan tự do của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong ta: “Vì thế, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi nài xin anh em hiến dâng thân xác anh em làm của lễ sống động, thánh thiện và tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa” (Rm 12, 1). Vì vấn đề này, Hội thánh luôn dạy rằng chỉ mình đức ái mới làm cho việc lớn lên trong đời sống ân sủng có thể có được, vì “Nếu tôi không có lòng mến, thôi chỉ là không” (1 Cr 13, 2).

Những người theo pelegio mới.

  1. Nhưng, một số Kitô hữu lại nhấn mạnh đến việc đi theo một con đường khác, con đường của sự công chính hóa bằng các nỗ lực riêng, tôn thờ ý chí và các khả năng của con người. Kết quả là việc qui về mình và sự hài lòng của người theo chủ nghĩa ưu tú, tước mất tình yêu đích thật. Điều này được diễn tả bằng những cách suy nghĩ và hành động rời rạc khác nhau: một sự ám ảnh về luật, việc hấp thụ các đặc quyền, đặc lợi về mặt xã hội, một mối bận tâm quá câu nệ về phụng vụ, đạo lý và danh dự của Hội thánh, lòng tự phụ về khả năng kiểm soát các vấn đề thực tiễn và sự bận tâm quá đáng về các chương trình tự lực và việc hoàn tất bản thân. Một số Kitô hữu đã dành thời gian và công sức vào những việc ấy, hơn là để mình được Thần khí hướng dẫn theo con đường tình yêu, hơn là say mê truyền rao vẻ đẹp và niềm vui của Tin mừng và tìm kiếm những người lạc mất trong những đám đông đang khao khát Đức Kitô[31].
  2. Không phải hiếm, đi ngược với những thúc đẩy của Thần khí, đời sống Hội thánh có thể trở thành một đồ cổ trong viện bảo tàng hay chỉ là sở hữu của một thiểu số được chọn. Điều này có thể xảy ra khi một số nhóm Kitô hữu quá coi trọng một số luật, thói quen hay cách hành động nào đó. Khi ấy Tin mừng có khuynh hướng bị hạ thấp và bị giới hạn lại, bị tước mất tính mộc mạc, sự quyến rũ và hương vị của nó. Đây rất có thể là một hình thức tinh tế của thuyết pelagio, vì dường như nó đang đẩy cuộc sống ân sủng vào trong một số cấu trúc của con người. Việc ấy cũng có thể có ảnh hưởng trên các nhóm, các phong trào và các cộng đoàn và luôn giải thích vì sao các nhóm ấy thường bắt đầu với cuộc sống mạnh mẽ trong Thần khí, chỉ để kết thúc cách cứng nhắc… hay suy đồi.
  3. Một khi ta tin rằng mọi sự đều tùy thuộc nỗ lực của con người như đã được các luật và cấu trúc của Hội thánh hình thành, ta vô tình làm cho Tin mừng thành phức tạp và trở thành nô lệ cho một kế hoạch chỉ dành rất ít chỗ hoạt động của ân sủng. Thánh Tôma Aquinô nhắc ta nhớ rằng các qui tắc được Hội thánh thêm vào cho Tin mừng phải được áp đặt cách điều độ “để việc hướng dẫn các Kitô hữu khỏi trở thành một gánh nặng”, vì khi ấy tôn giáo của ta sẽ trở thành một hình thức nô dịch[32].

Việc hoàn tất lề luật

  1. Để tránh điều này, ta làm đúng khi luôn nhớ rằng có một trật tự các nhân đức, trật tự ấy đòi ta phải tìm kiếm cái gì là quan trọng nhất. Đứng đầu bao giờ cũng là các nhân đức đối thần, coi Thiên Chúa là đối tượng và động cơ của chúng. Trung tâm là đức mến. Thánh Phaolô nói rằng điều thật sự đáng kể là “đức tin hoạt động nhờ đức mến” (Gal 5, 6). Ta được mời gọi để dành mọi nỗ lực duy trì đức mến: “Ai yêu tha nhân, người ấy chu toàn lề luật… vì yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13, 8, 10). “Vì toàn bộ lề luật được tóm lại trong điều răn duy nhất này là: “ngươi hãy yêu đồng loại như chính mình” (Gal 5, 14).
  2. Nói cách khác, giữa đám lề luật và qui định, Chúa Giêsu luôn dọn sạch một con đường đề thấy được hai khuôn mặt, một mặt của Chúa Cha và một mặt của người anh em ta. Ngài không đưa ra cho ta hai công thức hay hai mệnh lệnh. Ngài đưa ra hai khuôn mặt, hay đúng hơn, chỉ một khuôn mặt thôi: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản ánh trong nhiều khuôn mặt khác. Vì trong mọi người trong số các anh chị em ta, nhất là những người bé mọn, mỏng dòn nhất, những người không được bảo vệ và những người thiếu thốn, ta tìm được hình ảnh của chính Thiên Chúa. Thật vậy, với những vụn vỡ của nhân loại mong manh này, Chúa sẽ hình thành nên tác phẩm nghệ thuật sau cùng của Ngài. Vì “Cái gì tồn tại, cái gì có giá trị trong cuộc sống, cái gì lộng lẫy mà sẽ không biến mất? Chắc chắn là hai cái này: Chúa và đồng loại ta. Hai cái lộng lẫy này sẽ không biến mất”[33].
  3. Xin Chúa giải thoát Hội thánh khỏi những hình thức ngộ giáo, còn thuyết pelagio xin Ngài đập tan và ngăn chặn đà tiến của nó trên con đường tiến tới sự thánh thiện. Những sai lầm của hai thuyết này có nhiều dạng thức khác nhau, tùy theo tính chất và đặc tính của mỗi người. Vì thế, tôi khuyến khích mọi người suy nghĩ và phân định trước Thiên Chúa xem chúng có hiện diện trong đời ta chăng.


Chú thích:

[1] Cf. CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Letter Placuit Deo on Certain Aspects of Christian Salvation (22 February 2018), 4, in L’Osservatore Romano, 2 March 2018, pp. 4-5: “Cả chủ nghĩa cá nhân theo pelagio mới và Ngộ giáo mới đều coi thường thân xác, làm mất uy tín của việc tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, là Đấng Cứu độ duy nhất của toàn vũ trụ”. Tài liệu này cung cấp các nền tảng đạo lý cho sự hiểu biết ơn cứu độ Kitô giáo liên quan tới các khuynh hướng Ngộ giáo và pelegio mới hiện nay.

[2] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.

[3] Ibid.: AAS 105 (2013), 1059.

[4] Bài giảng Lễ tại Casa Santa Marta, 11 November 2016: L’Osservatore Romano, 12 November 2016, p. 8.

[5] Như thánh Bonaventura dạy: “Chúng ta phải đình chỉ mọi hoạt động của tâm trí và phải biến đổi chóp đỉnh của các tình cảm của ta, hướng chúng về một mình Thiên Chúa thôi… Vì tự nhiên chẳng có thể đạt được gì và nỗ lực bản thân chỉ đạt được một chút thôi, điều cần thiết là phải coi việc điều tra là ít quan trọng, và xức đầu quan trọng hơn, nói không quan trọng và niềm vui nội tâm quan trọng hơn, lời nói hay viết lách không quan trọng nhưng ơn Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Thánh Thần là quan trọng hơn tất cả, thụ tạo ít hoặc không quan trọng nhưng quan trọng nhất là Tạo hóa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” : BONAVENTURA, Itinerarium Mentis in Deum. VII, 4 – 5.

[6] Cf. Letter to the Grand Chancellor of the Pontifical Catholic University of Argentina for the Centenary of the Founding of the Faculty of Theology (3 March 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 March 2015, p. 6.

[7] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.

[8] Video Message to Participants in an International Theological Congress held at the Pontifical Catholic University of Argentina (1-3 September 2015): AAS 107 (2015), 980.

[9] Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata (25 March 1996), 38: AAS 88 (1996), 412.

[10] Letter to the Grand Chancellor of the Pontifical Catholic University of Argentina for the Centenary of the Founding of the Faculty of Theology (3 March 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 March 2015, p. 6.

[11] Letter to Brother Anthony, 2: FF 251.

[12] De septem donis, 9, 15.

[13] In IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.

[14] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.

[15] Cf. Bonaventure, De sex alis Seraphim, 3, 8: “Non omnes omnia possunt”. The phrase is to be understood along the lines of the Catechism of the Catholic Church, 1735.

[16] Cf. THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae II-II, q. 109, a. 9, ad 1: “But here grace is to some extent imperfect, inasmuch as it does not completely heal man, as we have said”.

[17] Cf. De natura et gratia, 43, 50: PL 44, 271.

[18] Confessiones, X, 29, 40: PL 32, 796.

[19] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.

[20] In the understanding of Christian faith, grace precedes, accompanies and follows all our actions (cf. ECUMENICAL COUNCIL OF TRENT, Session VI, Decree on Justification, ch. 5: DH 1525).

[21] Cf. In Ep. ad Romanos, 9, 11: PG 60, 470.

[22] Homilia de Humilitate: PG 31, 530.

[23] Canon 4: DH 374.

[24] Session VI, Decree on Justification, ch. 8: DH 1532.

[25] No. 1998.

[26] Ibid., 2007.

[27] Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, q. 114, a. 5.

[28] Thérése of the Child Jesus, “Act of Offering to Merciful Love” (Prayers, 6).

[29] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, in P. GRELOT-L. GERA-A. DUMAS, El Pobre, Buenos Aires, 1962, 103.

[30] Tóm lại, đây là đạo lý Công giáo về “công nghiệp” theo sau sự công chính hóa: đạo lý ấy có liên quan tới sự cộng tác của những người được công chính hóa để lớn lên trong cuộc đời ân sủng (x. Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2010). Nhưng sự cộng tác này không làm nên chính sự công chính hóa hay tình bẳng hữu với Thiên Chúa thành đối tượng của công nghiệp của con người.

[31] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.

[32] Summa Theologiae I-II, q. 107, art. 4.

[33] FRANCIS, Homily at Mass for the Jubilee of Socially Excluded People (13 November 2016): L’Osservatore Romano, 14-15 November 2016, p. 8.

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm