Tông huấn Gaudete et Exsultate - Chương V: Cuộc chiến đấu, Sự thức tỉnh và phân định thiêng liêng.

Thứ Ba, 01-05-2018 | 08:26:32

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.


CHƯƠNG 5
CUỘC CHIẾN ĐẤU, SỰ TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG

  1. Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến trường kỳ, ta cần sức mạnh và can đảm để chống lại các cám dỗ của ma quỉ và để loan báo Tin mừng. Cuộc chiến này ngọt ngào, vì cho phép ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trên đời ta.

CHIẾN ĐẤU VÀ TỈNH THỨC

  1. Ta không chỉ bàn về cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng thuộc thế gian này thường lừa gạt và bỏ mặc ta thờ thẫn, tầm thường, thiếu nhiệt thành và niềm vui. Cuộc chiến này cũng không thể bị hạ xuống chỉ còn là cuộc đấu tranh chống lại những yếu hèn và những xu hướng của con người (đó là biếng nhác, dâm ô, ghen tỵ, hay bất cứ thứ gì khác). Đó cũng là một cuộc đấu tranh dai dẳng chống lại ma quỉ, tên đầu sỏ xấu xa. Chính Chúa Giêsu luôn ăn mừng chiến thắng của ta. Ngài vui khi các môn đệ Ngài tiến bộ trong việc rao giảng Tin mừng và khuất phục được sự chống đối của ác thần: “Thầy thấy Satan như chớp từ trời sa xuống” (Lc 10, 18).

Hơn hẳn một thần thoại

  1. Ta sẽ không chấp nhận sự hiện hữu của ma quỉ nếu ta cứ nhấn mạnh đến việc nhìn sự sống chỉ bằng một mình các tiêu chuẩn thực tiễn thôi mà không có sự hiểu biết siêu nhiên. Đó là xác tín rằng thế lực độc ác luôn hiện diện giữa ta khiến ta có thể hiểu sự ác đôi khi có sức tàn phá ra sao. Quả thật, các tác giả Kinh thánh đã bị giới hạn trong các cách nhận thức đối với việc diễn tả một số thực tại, và vào thời Chúa Giêsu, động kinh chẳng hạn, có thể dễ dàng bị lẫn lộn với bị quỉ ám. Nhưng ta không nên quá đơn giản quá, dễ dàng kết luận rằng mọi trường hợp liên quan trong Tin mừng đều chỉ là những rối loạn tâm lý, nên cũng kết luận rằng ma quỉ không hiện hữu hay không hoạt động. Chúng có mặt ngay từ những trang đầu của Kinh thánh, một quyển sách kết thúc với chiến thắng của Thiên Chúa trên ma quỉ[1]. Thật vậy, khi để lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn ta kết thúc bằng cách xin Chúa Cha “giải thoát chúng ta khỏi ma quỉ”. Lời kết ấy không ám chỉ tới sự ác cách trừu tượng; bản dịch chính xác hơn là “ác thần”. Từ ấy diễn tả một cá thể luôn tấn công ta. Chúa Giêsu dạy ta cầu xin được giải thoát khỏi tên ấy hằng ngày, kẻo sức mạnh của hắn sẽ đánh bại ta.
  2. Vì thế, ta không nên nghĩ về ma quỉ như một thần thoại, một cách trình bày, một biểu tượng, một phóng đại hay một ý tưởng[2]. Sai lầm này thường đưa ta tới chỗ mất cảnh giác, bất cẩn và đi tới chỗ mong manh hơn. Ma quỉ không cần nhập vào ta. Nó đầu độc ta bằng thứ nọc độc của hận thù, thất vọng, ghen tỵ và xấu xa. Khi ta mất cảnh giác, nó sẽ lợi dụng việc ấy để phá hoại đời ta, gia đình và cộng đoàn ta. “Như sư tử gầm gừ, rảo quanh, tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5, 8).

Tỉnh thức và tin tưởng

  1. Lời Chúa mời gọi ta rõ ràng “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ” (Ep 6, 11) và “dập tắc mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6, 16). Những cách diễn tả này không có tính khuếch đại, vì con đường nên thánh của ta là một trận chiến trường kỳ. Ai không công nhận điều này sẽ làm mồi cho thất bại hay sự tầm thường. Vì trận chiến thiêng liêng này, ta có thể cậy nhờ các vũ khí mạnh Chúa ban: việc cầu nguyện thấm đẫm đức tin, suy niệm lời Chúa, cử hành Thánh lễ, tôn thờ Thánh thể, bí tích Hòa giải, các việc bác ái, đời sống cộng đoàn, tham gia sứ vụ. Nếu ta bất cẩn, những lời hứa giả trá của ma quỉ sẽ dễ dàng quyến rũ ra. Như Thánh Cura Brochero nhận xét: “Có lợi chi khi Lucifer hứa cho bạn tự do và mưa xuống trên bạn mọi phúc lợi của nó, khi các phúc lợi ấy chỉ là giả trá, gạt gẫm và độc hại?[3].
  2. Trên cuộc hành trình này, việc vun xới mọi sự tốt lành, tiến bộ trong đời sống thiêng liêng và lớn lên trong tình yêu là đối trọng tốt nhất đối với sự dữ. Ai chọn trung lập, thỏa mãn với sự tầm thường, ai từ bỏ lý tưởng hiến mình cách quảng đại cho Chúa, sẽ không bao giờ sống sót trong hoản cảnh nguy nan. Thậm chí còn tệ hơn, nếu họ sa vào chủ nghĩa chủ bại, vì “nếu ta bắt đầu cách không tin tưởng, ta đã thất bại một nửa và đã chôn vùi các tài năng của ta rồi… Sự chiến thắng của Kitô hữu bao giờ cũng là thập giá, nhưng thập giá đồng thời cũng là ngọn cờ chiến thắng, nẩy sinh với sự nhạy cảm tích cực chống lại những đợt tấn công của sự dữ”[4].

Sự suy đồi thiêng liêng

  1. Con đường thánh thiện là nguồn bình an và hân hoan, được Thần khí ban cho ta. Đồng thời, con đường ấy cũng đòi hỏi ta phải “giữ cho ngọn đèn luôn cháy sáng” (Lc 12, 35) và phải chú ý. “Tránh mọi hình thức của sự dữ” (1 Thes 5, 22). “Tỉnh thức” (Mt 24, 42; Mc 13, 35). “Đừng mê ngủ” (1 Thes 5, 6). Ai nghĩ mình không phạm tội trọng chống lại luật Thiên Chúa đều có thể rơi vào tình trạng thờ ơ buồn chán. Vì họ thấy mình chẳng có gì đáng trách, nên cũng không nhận ra rằng đời sống thiêng liêng của mình đang bắt đầu nhạt nhẽo. Họ sẽ kết thúc trong yếu đuối và suy đồi.
  2. Sự suy đồi thiêng liêng còn tệ hơn sự sa ngã của tội nhân, vì đó là một hình thức mù quáng thoải mái và tự mãn. Mọi sự khi ấy đều có vẻ có thể chấp nhận được: lừa đảo, nói hành nói xấu, ích kỷ và những hình thức tinh vi khác của sự qui ngã, vì “cả satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr 11, 14). Salomon đã kết thúc ngày tháng của ông như thế, trong khi David, người đã phạm tội nặng, vẫn có thể đền bù tội lỗi. Chúa Giêsu cảnh cáo ta về sự tự lừa dối này, một sự tự lừa dối dễ đưa ta tới chỗ suy đồi. Ngài nói về một ngưởi được giải thoát khỏi ma quỉ, nghĩ rằng nay đời mình đã ổn, nên đã bị bảy thần ô uế khác ám (x. Lc 11, 24 – 26). Một bản văn Kinh thánh khác nói rất thẳng rằng: “Chó mửa ra, nó liền ăn lại” ( 2 Pr 2, 22; x. Cn 26, 11).

PHÂN ĐỊNH

  1. Ta phải làm thế nào có thể biết rằng một cái gì đó xuất phát từ Chúa Thánh Thần hay từ tinh thần của thế gian này hay tinh thần của ma quỉ? Cách duy nhất là nhờ sự phân định, một sự phân định đòi hỏi một cái gì đó hơn hẳn sự thông minh hay lẽ thường tình. Đó là một ân huệ ta phải nài xin. Nếu ta xin với sự tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta ơn này, và rồi ta tìm cách phát triển ơn ấy nhờ cầu nguyện, suy nghĩ, đọc và những lời khuyên tốt lành, thì chắc chắn ta sẽ lớn lên trong tài năng thiêng liêng này.

Một nhu cầu khẩn thiết

  1. Ơn phân định hiện đang trở nên cần thiết hơn, vì đời sống hiện tại luôn đem lại những khả năng hành động và sự xao lãng mênh mông, và thế giới này cũng luôn coi tất cả những thứ ấy là vững chắc, tốt lành. Tất cả chúng ta, nhưng cách riêng các bạn trẻ, đang bị nhận chìm trong một nền văn hóa lao nhanh. Cùng một lúc ta có thể điều hành hai hay hơn màn ảnh và cùng lúc có thể tiếp xúc với hai hay ba trường hợp. Không có sự khôn ngoan của việc phân định, ta có thể dễ trở thành mồi cho mọi xu hướng mau qua.
  2. Điều này càng quan trọng hơn khi có một sự mới mẻ nào đó xuất hiện trong đời ta. Khi ấy ta phải quyết định đó có phải là rượu mới Thiên Chúa đem đến hay chỉ là một ảo tưởng do tinh thần của thế gian này hay tinh thần của ma quỉ tạo nên. Lúc khác, lại xảy ra điều trái ngược, khi các sức mạnh của sự dữ xúi giục ta không thay đổi, sự việc sao cứ để thế, chọn mạnh mẽ chống lại thay đổi. Nhưng đó thường là một trở lực đối với hoạt động của Thần khí. Ta được tự do, với sự tự do của Đức Kitô. Nhưng, Ngài xin ta kiểm lại những gì đang ở trong ta – các khát vọng, âu lo, sợ hãi và vấn đề của ta – và những gì đang xảy ra quanh ta – “các dầu chỉ thời đại” – và như thế để nhận ra những con đường đưa tới tự do hoàn toàn. “Hãy cân nhắc mọi sự, cái gì tốt thì giữ lấy” (1 Thes 5, 21).

Luôn luôn dưới ánh sáng của Chúa

  1. Phân định không chỉ cần thiết vào những lúc khác thường, khi ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và đưa ra những quyết định quan trọng. Đó là một phương thế của cuộc chiến thiêng liêng giúp ta theo Chúa cách trung thành hơn. Lúc nào ta cũng cần đến sự phân định này, để giúp ta nhận ra thời khóa biểu của Thiên Chúa, để ta luôn để ý đến những can thiệp của ân sủng Ngài và để ta khỏi coi thường lời mời gọi lớn lên của Ngài. Người ta thường thực hành việc phân định này trong các sự việc nhỏ và rõ ràng không thích hợp, vì sự vĩ đại của tinh thần thường được thể hiện trong các thực tại nho nhỏ hằng ngày[5]. Sự phân định bao giờ cũng liên quan tới cố gắng không cản trở những gì vĩ đại, tốt đẹp hơn, trong khi đồng thời vẫn quan tâm tới những sự vật nhỏ bé, vì các trách nhiệm và sự dấn thân hằng ngày. Vì lý do đó, cha xin tất cả các Kitô hữu, khi đối thoại với Chúa, đừng bỏ “việc kiểm xét lương tâm hằng ngày”. Sự phân định làm cho ta có thể nhận ra các phương thế cụ thể Chúa cung cấp trong kế hoạch yêu thương, nhiệm mầu của Ngài, khiến ta vượt quá cả những ý định tốt lành.

Một ơn siêu nhiên

  1. Dĩ nhiên, sự phân định thiêng liêng không loại trừ các nhận thức hiện sinh, tâm lý, xã hội học hay luân lý rút ra được từ các khoa học nhân văn. Đồng thời, sự phân định ấy cũng vượt quá các khoa học ấy. Các qui tắc lành mạnh của Hội thánh thôi chưa đủ. Ta phải luôn nhớ rằng việc phân định là một ân sủng. Dù sự phân định ấy bao gồm lý trí và sự khôn ngoan, nhưng lại vượt xa cả hai thư ấy, vì nó luôn tìm một cái nhìn thoáng qua của kế hoạch độc đáo và nhiệm mầu Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta, một kế hoạch hình thành giữa quá nhiều hoàn cảnh và những giới hạn khác nhau. Sự phân định ấy bao hàm nhiều hơn hạnh phúc nhất thời của tôi, hơn cả sự thỏa mãn của tôi vì đã làm được một cái gì đó hữu ích, hay thậm chí hơn hẳn khát vọng muốn có được sự bình an trong tâm trí. Sự phân định ấy liên quan tới ý nghĩa của đời tôi trước Chúa Cha, Đấng biết và yêu thương tôi, liên quan tới mục đích của đời tôi, một mục đích không ai biết rõ hơn Ngài. Cuối cùng, sự phân định đưa tới suối sự sống không hề chết: biết Cha, vị Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha sai đến, là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 17, 3). Sự phân định ấy không đòi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh, học thức. Chúa Cha sẵn sàng mặc khải chính mình cho những ngưởi thấp hèn (x. Mt 11, 25).
  2. Chúa nói với chúng ta bằng những cách thức khác nhau, lúc đang làm việc, qua tha nhân và mọi lúc. Nhưng cách đơn giản ta không thể dập tắt sự thinh lặng của việc cầu nguyện lâu giờ, một việc cầu nguyện giúp ta có thể nhận rõ hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, có thể giải thích ý nghĩa đích thật của những hứng khởi ta tin rằng ta đã nhận được, có thể xoa dịu những âu lo, và thấy được toàn bộ sự sống của ta cách mới mẻ dưới ánh sáng của Ngài. Theo cách này, ta để cho việc khai sinh một sự tổng hợp mới xuất phát từ một cuộc sống được Thần khí linh hứng.

Lạy Chúa, xin hãy nói

  1. Tuy nhiên, có thể là, ngay trong chính việc cầu nguyện, ta cũng có thể khước từ để mình đối diện với sự tự do của Thần khí, Đấng luôn hành động như Ngài muốn. Ta phải nhớ rằng việc biện phân nhờ cầu nguyện phải phát sinh từ việc sẵn sàng lắng nghe: nghe Chúa và tha nhân và nghe chính thực tại, một thực tại bao giờ cũng thách thức ta bằng những cách thức mới mẻ. Chỉ khi ta được chuẩn bị để lắng nghe, ta mới có được sự tự do để dẹp bỏ các ý tưởng rời rạc và khiếm khuyết, những thói quen thông thường của ta và cách ta nhìn sự vật. Theo cách này, ta thực sự mở ra cho việc chấp nhận một tiếng gọi có thể đập nát sự an toàn của ta nhưng lại đưa ta tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Làm cho mọi sự yên bình, thanh thoát thôi chưa đủ. Thiên Chúa có thể ban cho ta một cái gì đó hơn những thứ ấy nhưng nếu ta cứ vô tình không để ý, ta không nhận ra được đâu.
  2. Cách tự nhiên, thái độ lắng nghe này bao hàm việc vâng phục Tin mừng như tiêu chuẩn tối thượng, nhưng cũng còn vâng phục cả Huấn quyền luôn bảo vệ Tin mừng ấy nữa, vì ta đang tìm cách để khám phá ra trong kho tàng của Hội thánh bất cứ thứ gì có kết quả nhất cho ơn cứu độ của ngày “hôm nay”. Đó không phải là việc áp dụng các qui luật hay nhắc lại những gì đã được làm trong quá khứ, vì các giải pháp ấy không hiệu lực trong mọi hoàn cảnh và những gì có ích trong một bối cảnh nào có thể cho thấy không hữu ích trong hoàn cảnh khác. Sự phân định các thần khí giải thoát ta khỏi sự cứng nhắc, một sự cứng nhắc không có chỗ trong “ngày hôm nay” vĩnh cửu của Chúa phục sinh. Chỉ mình Thần khí mới có thể xuyên thấu những gì là trở ngại và bí ẩn trong mọi hoàn cảnh và nắm được mọi khác biệt nho nhỏ của hoàn cảnh ấy, để sự mới mẻ của Tin mừng có thể xuất hiện trong một ánh sáng khác.

Logic của ân huệ và thập giá

  1. Một điều kiện quan trọng cho sự tiến bộ trong việc phân định là một sự hiểu biết không ngừng về sự nhẫn nại và thời khóa biểu của Thiên Chúa, là những thứ không bao giờ là của ta. Thiên Chúa không ném lửa xuống trên những người không trung thành (x. Lc 9, 54), hay cũng không để cho những người nhiệt thành nhổ cỏ dại đang mọc chung với lúa (x. Mt 13, 29). Ngài cũng đòi phải có lòng quảng đại, vì “cho thì có phúc hơn nhận” (CV 20, 35). Việc phân định không phải là khám phá ra xem ta có thể lấy được gì thêm từ cuộc sống này, mà là nhận ra ta có thể làm thế nào để hoàn tất cách tốt hơn sứ vụ đã được ủy thác cho ta khi ta chịu Thánh tẩy. Việc này đòi phải sẵn sàng hy sinh, thậm chí hy sinh hết mọi sự. Vì hạnh phúc là điều nghịch lý. Ta kinh nghiệm được sự nghịch lý này nhiều nhất khi ta chấp nhận logic có tính mầu nhiệm không thuộc thế gian này. Thánh Bonaventura chỉ thập giá, nói: “Đó là loigc của ta”[6]. Một khi bước vào trong sự năng động này, ta sẽ không để cho các lương tâm bị tê cứng và sẽ mở lòng ra cách quảng đại cho sự phân định.
  2. Khi, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ta kiểm xét lại cuộc hành trình của cuộc sống mình, không thể có một lãnh vực nào mà lại không còn hạn chế. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ta đều có thể tiếp tục lớn lên và dâng hiến một cái gì đó lớn hơn cho Thiên Chúa, ngay cả trong các lãnh vực ấy ta cũng thấy khó khăn. Tuy ta cần xin Chúa Thánh Thần giải thoát ta và xua đi nỗi sợ khiến ta xua trừ Ngài khỏi một số lãnh vực của đời ta. Thiên Chúa xin ta mọi sự, nhưng Ngài cũng cho ta mọi sự. Ngài không muốn đi vào trong đời ta để làm cho chúng thành tàn tật hay bị rút ngắn lại, nhưng để đem chúng đến sự hoàn tất. Khi ấy việc phân định không phải là việc lý giải bản thân theo duy ngã luận hay một hình thức kiểm xét nội tâm cách ích kỷ, nhưng là một tiến trình bỏ mình thật để tiến gần mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng luôn giúp ta thực hiện sứ vụ Ngài ủy thác vì lợi ích của anh chị em ta.

***

Tôi muốn các suy tư này được Đức Maria làm cho thành hoàn hảo, vì mẹ đã sống các Mối phúc của Chúa Giêsu cách không ai khác có thể sánh bằng. Mẹ là người phụ nữ ấy, người đã vui mừng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đã gìn giữ mọi sự trong lòng mẹ và đã để cho lòng mình cũng bị đâm thâu. Đức Maria là một vị thánh giữa các thánh, là người diễm phúc hơn mọi người khác. Mẹ luôn dạy ta con đường thánh thiện và luôn bước đi bên cạnh ta. Mẹ không để ta sa ngã và luôn luôn đưa ta vào trong vòng tay mẹ không phán xét ta. Việc ta nói chuyện với mẹ luôn an ủi, giải thoát và thánh hóa ta. Đức Maria, Mẹ ta không cần nói nhiều. Mẹ không cần ta nói cho mẹ biết chuyện gì xảy ra trong đời ta. Tất cả những gì ta cần là luôn thầm thĩ: “|Kính mừng Maria…”

  1. Hy vọng của tôi là những trang này sẽ cho thấy là có ích vì có thể làm cho toàn Hội thánh hiến mình cách mới mẻ cho việc nâng cao khát vọng nên thánh. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ xuống trên ta khát vọng tha thiết muốn được là các thánh để Thiên Chúa được vinh quang hơn và ta hãy khích lệ nhau trong nỗ lực này. Theo cách này, ta sẽ chia sẻ một niềm hạnh phúc thế gian này sẽ không sao có thể lấy mất được của ta.

Làm tại Rôma, tại đền thánh Phêrô, ngày 19. 3. 2018, Lễ trọng kính Thánh Giuse, năm 2018, năm thứ sáu triều đại giáo hoàng của tôi.

Phanxicô


Chú thích:

[1] Cf. Homily at Mass in Casa Santa Marta, 11 October 2013: L’Osservatore Romano, 12 October 2013, p. 2.

[2] ĐỨC PAUL VI, Giáo lý, Cuộc tiếp kiến chung ngày 15.11.1972: Insegnamenti X (1972), pp. 1168-1170: Một trong những nhu cầu lớn nhất là chống lại sự dữ mà ta gọi mà ma quỉ… Sự dữ không chỉ là một sự bất tài, đó là một tài năng, một hữu thể thiêng liêng, hư hỏng và làm cho người ta hư hỏng. Một thực tại ghê gớm, bí nhiệm và đáng sợ. Ai phủ nhận sự hiện hữu của chúng, coi đó chỉ là một nguyên tắc độc lập không có thật, giống như mọi thụ tạo, có nguồn gốc trong Thiên Chúa hay giải thích đó như một thực tại giả, một cách nhân hóa một khái niệm hay tưởng tượng các nguyên nhân bí ẩn về các rủi ro của ta, đều không còn ở trong khuôn khổ của giáo huấn Kinh thánh vá giáo hội nữa”

[3] JOSÉ GABRIEL DEL ROSARIO BROCHERO, “Plática de las banderas”, in CONFERENCIA EPISCOPAL ARGENTINA, El Cura Brochero. Cartas y sermones, Buenos Aires, 1999, 71.

[4] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 .11.2013), 85: AAS 105 (2013), 1056.

[5] Mộ thánh Ignati ô Loyola có khắc hàng chữ đqang cho ta suy nghĩ: Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est(“Not to be confined by the greatest, yet to be contained within the smallest, is truly divine”).

[6] Collationes in Hexaemeron, 1, 30.

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm