Tưởng nhớ Cha Đaminh Phạm Mạnh Niệm C.Ss.R.

Thứ Ba, 11-07-2017 | 12:05:35

Người Jrai cả 3 vùng Plei Kly, Cheoreo, Plei Ku đều tiếc thương Anh, vì sự hy sinh, dấn thân, quý mến dân và nặng tình văn hoá Jrai.

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24 ).

Anh ra đi cũng không phải là trẻ lắm, nhưng vào cái độ sung mãn của trí tuệ đang đà cống hiến. Có vẻ như các tế bào trong Anh “cảm” được sự vắn vỏi, nên chúng cũng sục sạo ngày đêm.

Hai năm phó tế, Anh lang thang vào các làng từ Cheoreo đến Krong Pa, say mê các akhan Jrai (truyền thuyết Jrai) bên bếp lửa với các già làng, tìm kiếm những di sản (cồng chiêng, trống) của một nền văn hoá đang mai một mà Jacques Dournes đã phải cất tiếng kêu thống thiết, được tiếp nối bởi một lớp tu sĩ DCCT những năm 1970 một thời đã bùng lên, rồi lại quạt lên những đốm lửa lập loè bởi những bước chân tiếp nối muộn màng đầu thế kỷ 21.

Chẳng biết các akhan có quyến rũ như tiếng hát các mỹ nhân ngư chăng mà Anh không muốn làm linh mục, vì “vướng vào mục vụ không còn gần với dân được nữa”. Nhưng Chúa có dự liệu của Người.

Anh lãnh sứ vụ linh mục, gia đình và giáo xứ hơi phiền vì Anh không chịu cho mở tiệc ăn mừng, chỉ tạ ơn đơn giản.

Làm linh mục, Anh chia sẻ gánh nặng mục vụ với anh em phụ trách ở miền truyền giáo Cheoreo, từ Phú Thiện đến Krong Pa, Phú Túc, ngót 100 km dọc quốc lộ 25, và ngóc ngách xương cá lội suối băng rừng.

Cơn bệnh vẩy nến phát tác từ hồi còn ở Học viện khiến Anh đau nhức đi lại khó khăn, nhưng không vì thế mà Anh từ chối việc dâng lễ tại các làng, và nâng đỡ đời sống đức tin còn nhiều thử thách của cộng đồng Jrai. Cha Chiến, bề trên và cũng là bạn cùng lớp với Anh, kể rằng có khi Anh chạy xe máy cả trăm cây số chỉ để dâng thánh lễ cho vài làng hay dòng tu nào đó.

Bệnh tật, gánh nặng mục vụ vẫn không làm nhụt bước chân lang thang hoà mình với buôn làng Jrai. Cũng như các thừa sai trong nhóm Sứ vụ Jrai, Anh thu thập các bộ chiêng trống, giúp dân dệt, may và mặc trang phục Jrai để lưu truyền cho các buôn làng có đạo giữ truyền thống văn hóa mình. Giáo điểm Krong Pa còn giữ được 2 bộ cồng – chiêng – trống Anh sưu tìm, và dàn cồng – chiêng – trống cho lớp ơn gọi Jrai ở Plei Chuet. Đó là đường hướng ‘rao giảng Tin Mừng trong văn hoá Jrai’ của nhóm thừa sai DCCT tiên khởi, mà các anh em trẻ tiếp bước, trong hành trình hội nhập đức tin Kitô giáo giữa môi trường giao thoa văn hoá hiện nay.

12 năm linh mục không phải là nhiều lắm để thực hiện bao ước mơ, và thực sự cũng chẳng nhiều nhặn to tát chi. Nhưng có thể nói Anh đã hoàn thành sứ vụ trong lòng yêu mến với nỗ lực không ngơi cùng thân xác tuột dốc theo năm tháng.

Không hiểu cơn bệnh hành hạ bên trong ra sao, nhưng ngay trước những tháng ngày cuối, Anh vẫn giúp dâng lễ ở các điểm được giao và ở các dòng nữ.

Có khả năng về ngôn ngữ, có những suy nghĩ sâu xa, và luôn làm việc nghiêm túc, nên dù cho sức khoẻ kém, Anh vẫn “bị” anh em trong cộng đoàn tín nhiệm giao trách nhiệm chính trong việc soạn sách giáo lý sơ đẳng cho người Jrai thời gian gần đây. Được giao việc, Anh không chối từ, mặc dù mấy năm qua Anh đã xin nghỉ dưỡng tại Plei Chuet. Anh tận tâm và say mê công việc cho đến những ngày cuối đời. Chắc là cha Sĩ Tín bây giờ hơi buồn vì không còn “đối thủ” tranh cãi gay gắt với mình trong vấn đề ngôn ngữ Jrai liên quan đến thần học. Ngay trong phòng hồi sức, khi cha Ngọc Thanh nêu ý kiến về một điểm trong ngôn ngữ Jrai, Anh tỏ ra phấn khởi.

Khoảng nửa năm sau này, Anh đã không còn cơm nước chung với cộng đoàn tại Plei Chuet, nhưng nấu riêng – gạo lứt, mè, đậu, bột, hay tuyệt thực? Tuy vậy, Anh luôn nở nụ cười mỗi khi gặp anh em, và bàn chuyện tích cực củng cố đời sống cộng đoàn. Bản tính cương trực, ý kiến của Anh hầu như luôn được lắng nghe mỗi khi cộng đoàn họp, dù đôi khi gay gắt, hay có người cho là gàn, vì Anh biểu lộ với niềm xác tín chứng thực bằng đời sống của mình. Trên giường bệnh, sau khi mổ khối u lần đầu, Anh hỏi thăm thầy Phúc Lộc về cộng đoàn và sinh hoạt vùng.

Sống chung với bệnh đã quen nên Anh cũng không quan tâm lắm đến bệnh tình. Có lần thầy Lộc thấy vết máu dọc cầu thang ở Plei Chuet, lên phòng thấy Anh đang lau máu từ bàn chân do bệnh vẩy nến chảy xuống thau cả vũng, mà Anh vẫn thản nhiên. Cha Chiến phải lấy quyền bề trên buộc Anh đi Sài Gòn khám chữa.

Những ngày đầu tháng 5 năm nay, mưa gió mịt mù hơn chục ngày. Chiếc xe hai bánh nhỏ chở chủ nhân ọp ẹp lội trong mưa gió đi dâng lễ. Ngoài lúc đó ra thì không thấy Anh xuất hiện.

Hẳn là có gì đó bất thường lắm Anh mới chịu đi Sài Gòn vào thứ Sáu 12/5, vì thứ Bảy và Chúa nhật Anh phải dâng lễ mấy nơi.

Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ quyết định phải mổ gấp vì khối u trong gan quá lớn. Hai khối u, mới cắt có một. Khối u thứ hai không cần giải quyết nữa. Anh đón nhận mọi sự trong bình an như thể đã chuẩn bị từ rất lâu, ngoại trừ nỗi đau làm cho lòng mẹ tê tái, vì vậy Anh nhất quyết không để mẹ vào thăm. Mẹ đã gặp Cha Phúc, và Cha Phúc dẫn Bà Cố vào bệnh viện gặp con. Chiều Canvê buông xuống.

Chúa đã gọi Anh về lúc 5:30 sáng thứ Bảy 17/6 tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Chiều 18/6, sau thánh lễ tiễn đưa, Anh được đưa về Tu viện DCCT Plei Chuet, như chương trình đã bàn định trong cộng đoàn và giáo dân xứ Plei Chuet. Đón linh cữu từ Sài Gòn có Cha Chiến, Cha Quang (Mang Yang), thầy Lộc, và thầy Thông. Thầy Lộc ngồi trên xe tang chở quan tài, tâm sự suốt đêm với Anh.

Trên đường về, đoàn xe ghé vào nhà Anh ở Hà Lan – Buôn Hồ, để gia đình tưởng niệm và cha xứ dâng thánh lễ tiễn đưa.

Đoàn giáo dân Plei Chuet, Plei Kly hơn 40 người, cùng với Cha Cao, Cha Tài (Mang Yang), Cha Thịnh (Măng Đen), Cha Thuật, Cha Trường, đến Hà Lan lúc 1:00 sáng để đón Anh.

Sau thánh lễ, vào lúc 4:30, đoàn lên đường về Plei Chuet. 70 người thân của Anh đi theo, có cả Bà Cố đã 82 tuổi.

Qua khỏi cầu 110 vào đất Gia Lai, trời âm u nhỏ lệ. Đến Plei Kly, mưa nặng hạt. Qua Chư Sê, mưa gió lớn. Chiếc xe tang bất ngờ bị hư cần gạt nước, nên chạy rề rề, mãi mới tìm được chỗ trú để sửa, như một chút luyến lưu. Vào Plei Ku, bớt mưa. Đến Plei Chuet, mưa chỉ còn lất phất nhẹ trong tiếng cồng chiêng chào đón người con buôn làng đã trở về lại. Sau đó, mưa lại nỉ non kéo đến. Gần trưa, trời càng thêm mát. Chiều nắng đẹp.

Chương trình dự kiến lúc đầu là sáng thứ Tư hay cùng lắm sáng thứ Ba mới an táng, để đêm thứ Hai bà con Jrai từ khắp nơi (Phú Nhơn, Phú Quang, Phú Thiện, Ayun Pa, Krong Pa) kịp về dự và cử hành các nghi thức than khóc theo phong tục Jrai – vì hơn 14 năm qua Anh lặn lội dấn thân hết mình với người Jrai ở cả 3 vùng. Nhưng vì thứ Ba bắt đầu tuần thường huấn các linh mục giáo phận, nên Đức Giám mục quyết định lễ an táng sẽ được cử hành vào chiều thứ Hai. Vậy là bà con Jrai nhiều người ở xa không kịp đến, và các nghi thức truyền thống Jrai cũng không có dịp thể hiện.

Thánh lễ của Cộng đoàn anh em DCCT Tây Nguyên được cử hành lúc 9:00, có một số Cha ở Sài Gòn, Hà Nội, mấy anh em cùng lớp, Cha Quản hạt và vài Cha ở Plei Ku. Lúc ấy giáo dân các nơi đã quy tụ khá đông. Sau lễ, các vùng tiễn biệt Anh theo nghi thức Jrai vùng mình, cùng bà con Bana Mang Yang, xen vào là những nhóm người Kinh ở các giáo xứ.

Thánh lễ an táng được cử hành lúc 15:00, do ĐGM Kontum Aloisio Nguyễn Hùng Vị chủ sự, đoàn đồng tế hơn 110 linh mục. Lúc 15:00 nắng còn hơi nóng, nhưng sau dịu dần, trời mát đẹp. Di quan ra an táng tại nghĩa trang giáo xứ Plei Chuet có các anh em DCCT cùng bà con giáo dân, đứng kín cả khu nghĩa trang.

Người Jrai cả 3 vùng Plei Kly, Cheoreo, Plei Ku đều tiếc thương Anh, vì sự hy sinh, dấn thân, quý mến dân và nặng tình văn hoá Jrai.

Khi sống Anh đã không màng chức tước, danh vọng, quyền lực, bạc tiền. Anh không muốn làm linh mục, để được la cà với dân; không tìm quen với những người có địa vị tiền bạc; sống đơn giản, quần áo xuềnh xoàng, hơi luộm thuộm nhếch nhác, có thể do căn bệnh vẩy nến.

Khi chết, Anh chỉ muốn hoả táng rồi thả tro cốt trôi sông, như đã có lần chia sẻ với anh Chiến. Phần huyệt mộ của Anh đã được làng Plei Chuet ưu ái dành cho bên cạnh Cha Antôn Vương Đình Tài – nhà thừa sai tiên khởi của sứ vụ Jrai. Một cây thánh giá được dựng lên: Đaminh Phạm Mạnh Niệm.

Một triết gia đã khuyên con mình : Ngày chào đời con khóc, những người chung quanh cười. Hãy sống sao khi từ giã cõi đời, con mỉm cười còn mọi người tiếc thương. Ít nhất lễ tang anh là hình ảnh sống động cho điều đó.

Cộng đoàn DCCT Tây Nguyên

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết