Vấn Đề Nhân Quyền Của Người Di Cư

Thứ Bảy, 10-06-2017 | 20:13:29

I. CÔNG ƯỚC THUỘC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO)

1. Những công ước liên quan đến người lao động di cư

Là người lao động, những người di cư có thể nại đến các luật lao động được áp dụng tại quốc gia họ làm việc. Có những nguyên tắc chung do Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) thiết lập, chẳng hạn những điều liên quan đến lương bổng, giờ làm, đòi hỏi tuổi tối thiểu, an toàn lao động và sức khỏe là những điều phổ quát cho toàn cầu. Thêm vào đó, một vài điều như tự do và nhân quyền được xem như quyền căn bản của con người. Nguyên tắc tự do liên kết và quyền mua bán chung chiếm một vị trí đặc biệt. Đó là điều phải được tôn trọng, và là điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, ngay cả khi công ước liên quan (Công ước số 87) chưa được phê chuẩn.

Cũng vậy, ngoài quyền tự do khỏi lao động ép buộc hay cưỡng bức (Công ước số 29 và 105), và lao động trẻ em (Công ước số 138), thì quyền có cơ hội và đối xử ngang nhau trong công việc là rất quan trọng đối với người di cư (Công ước số 100 và 111). Tiếc thay, Công ước số 111 lại cho phép việc đối xử phân biệt giữa những người di cư, bởi vì sự phân biệt căn cứ theo quốc tịch không bị cấm. Dầu vậy, có một tập hợp các tiêu chuẩn chính thức được áp dụng đối với người di cư; những điều này đã được một số lượng đáng kể các quốc gia châu Á phê chuẩn (Cholewinski, 1999). Điều đáng tiếc là những người lao động di cư thường bị sử dụng cho những nghề hay trong những điều kiện mà những Công ước nền tảng của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế không đề cập hoặc không khuyến khích (chẳng hạn: trường hợp người lao động giúp việc nhà, những người được thuê làm trong lãnh vực xuất khẩu, hay những người di cư làm việc trong những công ty có chưa tới năm người). Việc nhận phúc lợi xã hội và khả năng chuyển chúng về khi hồi hương cũng là một điều quan trọng đối với người di cư. Mặc dù có một vài thoả thuận giữa các quốc gia xuất khẩu lao động và quốc gia thuê lao động (như giữa Philippines và vài nước châu Âu) nhưng điều này không phổ biến ở châu Á.

2. Công ước 97

Bản chất nền tảng của việc di cư ở châu Âu quyết định rõ những đặc tính của Công Ước Về Việc Di Cư Tìm Việc Làm của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (bản sửa) (97) và Khuyến Cáo kèm theo (bản sửa) (86). Công ước này được chấp nhận năm 1949 và có hiệu lực năm 1952. Như đã đề cập ở trên, từ ‘bản sửa’ được giữ lại trong tựa đề của cả hai, vì thực ra bản văn đó là bản sửa lại của Công ước năm 1939, mà trước đó đã không có hiệu lực. Công ước này bao gồm 23 mục và ba phụ lục. Khi phê chuẩn có thể bỏ các phụ lục này. Trong số các điều khoản liên quan gồm:

– cung cấp miễn phí thông tin và sự trợ giúp cho người di cư (mục 2)

– trừng phạt những quảng cáo sai sự thật (mục 3)

– phải tạo thuận lợi cho người di cư khởi hành, di chuyển, đến nơi (mục 4).

– cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ (mục 5); đối xử công bằng giữa các quốc gia trong điều kiện làm việc, trong việc tham gia vào liên đoàn lao động, ích lợi từ việc mua bán chung và phúc lợi xã hội, tuân theo một vài điều kiện (mục 6); và

– quyền chuyển tiền và tiết kiệm phải được bảo đảm (mục 9).

Trong phần phụ lục có những điều khoản chi tiết hơn: đầu tiên là việc tuyển người, sắp xếp công việc và điều kiện lao động cho người di cư không thuộc các chương trình của nhà nước; phần tiếp theo cũng nói về vấn đề này, nhưng nói đến các chương trình của nhà nước; phần phụ lục 3 bàn về tầm quan trọng của tác động của cá nhân và về dụng cụ lao động. Việc có thể loại bỏ các phần này khi phê chuẩn đã cho phép các chính phủ linh động trong việc hoạch định chính sách di dân.

Công ước 97, được 42 quốc gia phê chuẩn có phạm vi rất giới hạn. Nó chỉ liên quan đến những lao động di cư được thuê cách hợp pháp, và loại ra những lao động vượt biên, những người chuyên nghiệp và họa sỹ được phép ở ngắn hạn và cả những lao động trên biển. Nó đáp ứng cho triết lý căn bản thời đó, coi di cư là một hiện tượng xã hội tích cực. Thế nên, mục 4 của bản Khuyến Cáo (số 86) còn khuyến khích việc di chuyển công nhân từ những nước thừa lao động đến những nước khan hiếm lao động. Vào thời điểm tái thiết Âu châu sau cuộc chiến tàn khốc, để duy trì sự tăng trưởng kinh tế kéo dài gần 30 năm (tiếng pháp gọi là ‘30 năm vẻ vang’) thì chọn giải pháp đó hoàn toàn dễ hiểu. Những sự phê chuẩn đã chứng minh điều đó. Cuối những năm 50, Công ước đã được 13 quốc gia chấp nhận, 7 trong số đó thuộc Tây Âu. Trong thập niên 60, có thêm 17 nước phê chuẩn; trong đó có Malaysia nhưng chỉ giới hạn trong biên giới Sabah và lại gạt ra ngoài 3 phụ lục. Chỉ có 4 nước đón nhận trong hai thập niên 70 và 80. Và 4 quốc gia còn lại đến từ các nền cộng hòa mới thành lập thuộc Nam Tư cũ. Sau những năm 1960, sự phê chuẩn hầu hết đến từ các nước Trung và Nam Mỹ. Do đó, mức độ phê chuẩn cho thấy công ước đặc biệt quan trọng với vấn đề di dân tại châu Âu thời hậu chiến.

Là một phụ lục thực sự trong bản Khuyến cáo, khía cạnh nổi bật của Công ước là công thức cho một hiệp ước song phương chuẩn mực. Đối với di dân lao động mà hầu hết do các chương trình của nhà nước sắp đặt, thì các hiệp định song phương là một sự hòa hợp tự nhiên giữa những điều khoản chung và giới hạn hơn thuộc Công ước. Sách lược tham gia vào những hiệp định song phương được hầu hết các quốc gia châu Âu theo đuổi. Đó là những nước quan tâm đến cả làn sóng di cư trong nội bộ châu Âu cũng như di cư từ những nước ngoài châu Âu. Đây là sách lược hiệu quả nhất vì các hiệp định này đều dựa trên nền tảng hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiệp định chỉ đạt được khi những khía cạnh khó khăn và bùng phát của việc di dân đã lắng xuống.

3. Công ước 143

Công ước 143 Về Lao Động Di Cư 143 (những khoản phụ) của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được chấp nhận năm 1975. Công ước gồm hai phần: phần đầu áp dụng cho tất cả mọi người di cư, nhưng đã được hoạch định cụ thể để bảo vệ người di cư bất hợp pháp. Các chính quyền được kêu gọi trấn áp những tổ chức bí mật thuê và buôn người di cư bất hợp pháp. Luật pháp quốc gia phải bao gồm những khoản trừng phạt dành cho những người chủ thuê người di cư bất hợp pháp cũng như những kẻ môi giới ngầm trong việc buôn bán lao động. Phần hai của công ước chỉ áp dụng cho những người di cư hợp pháp. Mục đích nhắm tới không chỉ công bằng trong đối xử nhưng còn có cơ hội đồng đều (như trong việc tiếp cận việc làm, quyền tham gia công đoàn, quyền về văn hóa, quyền tự do). Điều này gợi lại câu hỏi đối xử công bằng nghĩa là gì, nếu xét đến việc người lao động bị đối xử khác nhau như thế nào ở các quốc gia khác nhau (Bohning, 1989:59).

Khuyến cáo số 151 về việc Lưu Tâm Đến Lao Động Di Cư bàn chi tiết hơn trong những khoản được đề nghị như đối xử công bằng, tái đoàn tụ gia đình, dịch vụ y tế và xã hội. Nó cũng đánh dấu một sự thay đổi triết lý của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, khi di cư không còn được khuyến khích như trong Công ước 97. Tiếp theo sự khủng hoảng kinh tế và thay đổi chính sách nhập cư, nay lại xuất hiện mối bận tâm là làm sao bảo vệ người di cư đã mất việc và làm thế nào cải thiện điều kiện kinh tế ở những quốc gia xuất phát di cư. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Khuyến cáo 169 về Chính Sách Lao Động Việc Làm năm 1984, mời gọi các nước xuất phát di cư “tạo thêm nhiều cơ hội làm việc và điều kiện lao động tốt hơn tại nước mình nhằm giảm bớt nhu cầu di cư tìm việc làm” (mục 39, đoạn a).

II. CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ VIỆC BẢO VỆ NGƯỜI DI CƯ

Cùng mối bận tâm dành cho người di cư bất hợp pháp, – vốn dẫn tới việc phát triển Công ước 143 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế – đã thúc đẩy việc soạn thảo Công ước về việc “Bảo Vệ Quyền Của Tất Cả Lao Động Di Cư và Thành Viên Trong Gia Đình Họ” của Liên Hiệp Quốc (MWC=Migrnat Workers and Members of Their Families Convention). Tuy nhiên, con đường đưa đến Công ước cũng lưu tâm đến việc bảo vệ người di cư, điều đã được trình bày bởi Công ước phụ về việc “Chống Phân Biệt Đối Xử và Bảo Vệ Các Nhóm Thiểu Số”; đồng thời quan tâm đến vấn đề phân biệt chủng tộc chống lại người di cư, như đã bàn tới ở Hội nghị Thế giới lần thứ nhất chống chủ nghĩa Phân biệt chủng tộc được tổ chức tại Geneva năm 1978. Sự đan xen những chiều kích khác nhau, cũng như những vấn đề được trải nghiệm qua Công ước 143 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế dẫn tới một Công ước mới của Liên Hiệp Quốc. Thật ra, trong suốt quá trình chuẩn bị Công ước 143, rõ ràng có một vài quốc gia, như Mexico và Morocco, đã chẳng thiết tha gì với ý kiến là phải mạnh tay trấn áp di dân bất hợp lệ. Thậm chí, đối với Hoa Kỳ, di dân bất hợp pháp lại tiện lợi vì nước này phải linh hoạt giải quyết những công việc nông nghiệp mang tính thời vụ (Bohning, 1991, 699).

Nỗ lực nhiều tham vọng và gần đây nhất của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ người lao động di cư là Công Ước Quốc Tế Về Bảo Vệ Quyền Của Người Lao Động Di Cư Và Thành Viên Trong Gia Đình được Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào tháng 12 năm 1990. Công ước bắt nguồn từ ba mối quan tâm ngày càng gia tăng vào những năm 1970: di dân bất hợp pháp tràn lan, phân biệt chủng tộc gia tăng và thiếu tôn trọng nhân quyền. Khởi sự từ năm 1980, quá trình soạn thảo được hoàn tất năm 1990, Công ước bao gồm lời ngỏ và 93 mục, được phân chia thành 9 phần. Từ mối quan tâm đầu tiên dành cho những người di cư bất hợp pháp, Công ước đã mở rộng phạm vi đến mọi người di cư, trong tình trạng hợp pháp hay không, bất kể thực chất việc di cư đó là tạm thời hay lâu dài. Nó cũng bao gồm những phạm trù đặc biệt mà vẫn thường bị loại ra trong những tài liệu trước đó. Nhờ có phạm vi rộng lớn, các điều khoản của Công ước được phân chia thành những phần, giới hạn dần loại người mà Công ước đề cập đến.

Người di cư bất hợp pháp được Công ước bảo vệ trong mức độ nó tái khẳng định rằng nhân quyền áp dụng cho mọi người. Những người di cư bất hợp pháp thực ra là những người sống trong một cộng đồng mà không được cộng đồng đó cho phép; do đó, họ không thể được hưởng sự bảo vệ hợp pháp mà cộng đồng đó thiết lập. Việc bảo vệ của người di cư không phải đến từ những quyền mà tình trạng hợp pháp ban cho nhưng vì họ là những con người. Nhân quyền chính là những quyền được nại đến khi không thể đòi những quyền do luật ấn định. Thông thường, đó là những giải pháp sau cùng (Donnelly, 1989) nhưng với người di cư thì đó lại là giải pháp duy nhất.

Các Quyền con người được liệt kê trong 28 mục thuộc phần III của Công ước, căn bản được lấy từ Hiệp Ước Về Quyền Chính Trị Và Dân Sự, thường lấy lại nguyên văn. Một vài quyền không có trong Hiệp ước hay đóng vai trò nhân quyền đã được thêm vào trong khi những điều khác lại không có hoặc chỉ có một phần. Hơn nữa, trong đó bao gồm cả quyền được có một bản chất văn hóa, xã hội và kinh tế. Để thuận tiện, chúng ta có thể chia nhân quyền được liệt kê trong Công ước thành bốn nhóm: quyền cá nhân; sự bảo đảm hợp pháp; tự do dân sự; và quyền về xã hội, văn hóa và kinh tế. Những quyền về chính trị không nằm trong phần này bởi vì chúng thuộc về người công dân, chứ không dành cho lao động di cư, đó là chưa kể người trong tình trạng bất hợp pháp.

Trong vài trường hợp, Công ước thích ứng những quyền đối với điều kiện đặc biệt của người lao động di cư, miễn là việc xác minh lý lịch được thi hành phù hợp với tiến trình đã được thiết lập hoặc với điều kiện người di cư được thông báo về quyền liên lạc với cơ quan lãnh sự hay ngoại giao và được hỗ trợ bởi một phiên dịch viên trong tiến trình trước tòa, có thể miễn phí nếu cần (mục 16). Hơn nữa, một người di cư bị giam giữ vì vi phạm các điều liên quan đến việc di dân phải được giam riêng biệt với người bị buộc tội hay những người bị giam chờ ngày xử. Cũng vậy, việc không chu toàn một bổn phận phát sinh từ hợp đồng lao động không thể là lý do xác đáng để tước giấy phép lao động và cư trú hoặc trục xuất họ (mục 17). Công ước không đưa ra điều mới nào về quyền rời bỏ một quốc gia. Nó nhấn mạnh quyền hồi hương bằng cách định rõ rằng có thể thực hiện ‘bất cứ lúc nào’ và bằng cách nói rõ đó là quyền ‘gia nhập và ở lại’. Nói cách khác, không được xem việc di dân như là tiến trình lưu đày cách ngấm ngầm. Bổn phận của một quốc gia là phải đón nhận lại người dân của mình. Công ước đề nghị một sự cải thiện thực sự trong việc bảo vệ chống lại việc trục xuất. Luật nhân đạo đã bao hàm việc cấm trục xuất hàng loạt. Công ước nói rõ hơn rằng việc trục xuất phải xét từng trường hợp. Và theo cách thức soạn thảo bản văn, người ta có thể kết luận là thậm chí cả việc trục xuất tự nguyện nhiều cá nhân cũng bị cấm. Các Công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cũng đòi phải có sự công bằng trong đối xử giữa những người di cư và giữa các quốc gia về vấn đề thù lao, điều kiện làm việc và công việc. Tuy nhiên, Công ước của Liên Hiệp Quốc lại mở rộng sự công bằng này đến cả những người di cư không có giấy phép lao động và cư trú.

Những người di cư hợp pháp còn có thêm những quyền khác. Họ được quyền tiếp cận thông tin về điều kiện nhập cư, nơi ở và những hoạt động có thù lao, không quá lâu sau khi đã được phép nhập cư (mục 37). Họ có quyền được đối xử công bằng dựa theo quốc tịch, trong việc bảo vệ chống sa thải, được nhận trợ cấp thất nghiệp, được tiếp cận các chương trình hành động của cộng đồng (mục 54) và trong việc tham gia những công tác có trả lương (mục 55). Họ cũng được đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận nền giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp, nhà cửa, dịch vụ y tế xã hội; có cơ hội tham gia vào đời sống văn hóa (mục 43). Các thành viên trong gia đình cũng có các quyền tương tự, trừ dịch vụ xếp đặt việc làm, nhà cửa và tham gia vào hợp tác xã. Đối xử công bằng xét về mặt phúc lợi xã hội chính là một khoản nhân quyền; vậy mà, luật pháp quốc gia được dành nhiều linh động trong việc quyết định áp dụng quyền đó. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những đòi hỏi phúc lợi xã hội cho những người lao động không có giấy tờ chẳng được các người chủ đáp ứng. Và những người di cư bất hợp pháp cũng chẳng nhận được chút phúc lợi xã hội nào. Về mặt này, các Công ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế tiến bộ hơn so với các lĩnh vực khác, như quyền tự do của người di cư khi tham gia các hoạt động có trả lương (không giới hạn 2 hay 5 năm) và tự do thành lập các tổ chức hay liên đoàn (chỉ người nhập cư hợp pháp mới được phép).

Công ước đã không thể đạt được một bước tiến mang tính quyết định đối với quyền tái đoàn tụ gia đình (mục 44). Tái đoàn tụ không được xác định là quyền của người di cư, nhưng là một khuyến cáo cho các quốc gia. Cũng vậy, chỉ những cặp vợ chồng và những người con vị thành niên còn sống lệ thuộc, chưa kết hôn mới thuộc diện tái đoàn tụ này; những thành viên khác có thể xin xét hưởng đặc ân cho tái đoàn tụ vì lý do nhân đạo. Về vấn đề phức tạp là giáo dục dành cho con cái người di cư, công ước không tỏ một lập trường nào mà để ngỏ mọi khả năng có thể. Quyền hưởng một nền giáo dục trên nền tảng công bằng giữa các quốc gia là một khoản nhân quyền (mục 29), áp dụng cho cả con cái của những người di cư bất hợp pháp. Chúng không thể bị ngăn không được học hành chỉ vì việc cư trú bất hợp pháp đó. Công ước cũng đề cập những biện pháp để hòa nhập con cái của người di cư vào hệ thống giáo dục của quốc gia thuê lao động, làm sao giúp chúng nắm được ngôn ngữ và văn hóa của quê hương và có một chương trình giáo dục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Các quyền chính trị đến từ quyền công dân. Lao động di cư có thể thực hành quyền chính trị nơi nước mình, và những nước thuê họ phải tạo thuận lợi để họ làm điều đó. Tuy nhiên, những khó khăn thực tiễn nếu tham gia hoàn toàn vào đời sống của quốc gia mình thường không thể vượt qua. Vì lý do này, và đa phần vì người di cư đóng góp vào đời sống của quốc gia nơi họ làm việc, nên ý niệm cho phép họ tham gia vào chính trị ở mức độ nào đó là điều xác đáng, cả lý thuyết và thực tiễn (Miller, 1989). Công ước cũng phác họa ba mức độ tham gia này (mục 42): tham gia vào các tổ chức phù hợp dành cho lao động di cư; tham gia vào những quyết định liên quan đến đời sống và việc điều hành cộng đồng địa phương; có những quyền chính trị, nếu chính quyền nơi đó cho phép. Ở một xã hội theo thể chế chính quyền bang tự trị, nơi mà việc tham gia đầy đủ đến từ tư cách công dân, thì tiến trình để có được tư cách công dân phải mở ra cho mọi lao động di cư, vì họ cũng sống trong cùng lãnh thổ, làm việc trong cộng đồng và tuân thủ các luật địa phương (Walzer, 1983). Tuy nhiên, đây vẫn còn là mục tiêu xa vời, còn bị quốc gia xuất phát di cư ngăn cản. Vì họ xem di dân là một sự tái phân phối lực lượng lao động vượt ra ngoài biên giới quốc gia chứ không phải là mất công dân.

III. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI DI CƯ

Đường hướng của Giáo Hội về vấn đề di dân ngày càng nhấn mạnh nền tảng Giáo Hội học của mình: người di cư được nhìn nhận là hình ảnh của Hội thánh, đó là dân Thiên Chúa và cộng đoàn các người môn đệ phục vụ nước Thiên Chúa, tham gia vào cuộc xuất hành để vượt qua những kế hoạch ngẫu nhiên. Và một khi đón nhận người khác chính là chúng ta nhận ra một Đấng khác, Đấng ấy luôn mời gọi chúng ta hiệp thông trong những dị biệt. Đường hướng dựa trên Giáo Hội học đã thắng thế những đường hướng khác, chỉ coi người di cư là những kẻ túng thiếu, cả trong xã hội và Giáo Hội, thay vì thừa nhận những đóng góp của họ cho cả hai. Ý nghĩa thiết thực hệ tại việc ủng hộ quyền của người di cư, cả trong Giáo Hội và xã hội. “Chăm lo cho người di cư nghĩa là nỗ lực bảo đảm cho anh chị em mình, những người đến từ nơi xa xôi nào đó một chỗ trong cộng đoàn; và hoạt động để mọi quyền cá nhân của mỗi con người đều được chân nhận” (WMD, 1998). Nền tảng các quyền của người di cư chính là nhân phẩm của họ. “Không được xem người di cư chỉ như là những công cụ sản xuất, nhưng là một chủ thể được trao ban đầy đủ nhân phẩm” (WMD, 1991). Phải hiểu nhân phẩm theo nghĩa Kitô học. “Sự hiểu biết về con người, nắm bắt từ chính Đức Kitô, thúc bách Giáo Hội công bố các quyền căn bản của con người” (WMD, 2001). Do đó, Giáo Hội “xác nhận và bảo vệ nhân phẩm của con người cách không mệt mỏi, làm nổi bật các quyền không thể tước đoạt nảy sinh từ con người” (nt). Trái lại, việc bảo vệ quyền của người di cư được coi như điều bất di bất dịch trong lịch sử hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Mối bận tâm này như là sự biểu hiện lòng trắc ẩn của đức Giêsu, được Thánh Thần khơi lên dưới nhiều hình thức và trong lòng nhiều người (EMCC, 3).

– 1. Quyền di cư

Nhân quyền cũng nảy sinh từ khái niệm về lợi ích chung toàn cầu, trong bối cảnh mà quyền di cư được hiểu. Thật ra, trong khi cộng đồng quốc tế chân nhận quyền rời bỏ đất nước và quay trở về thì Giáo Hội bày tỏ quyền tương tự bằng cách tuyên bố rõ ràng về quyền được di cư. Điều này được diễn đạt trong thông điệp Pacem in Terris, số 25 “Khi có những lý do chính đáng, người dân phải được phép di cư đến những quốc gia khác và định cư tại đó,” và lặp lại bởi Đức Phaolô VI, một người ủng hộ việc “phải có một hiến chương đảm bảo quyền di cư của người dân” (OA, 17). Đức Gioan Phaolô II đã đặt vấn đề rõ ràng hơn, trước hết bằng cách đặt câu hỏi “nếu không có quyền nhập cư tương ứng thì quyền được di cư có ích gì” (WMD, 1995) và rồi, ngài nói rõ ràng hàm ý kép. “Giáo Hội chân nhận quyền di cư của mỗi người, trong cả hai mặt: có thể rời quốc gia mình và khả năng gia nhập vào một quốc gia khác để tìm điều kiện sống tốt hơn”. Cùng với quyền kiểm soát di cư của chính phủ, quyền di cư được huấn thị Erga Migrantes xác nhận (EMCC, 29), nhưng không được kiểm soát cách vô trách nhiệm. Thực ra, “theo mức có thể, những quốc gia đầy đủ hơn về phương diện vật chất có bổn phận đón nhận những người ngoại quốc đi tìm nơi an ninh và những nguồn sinh hoạt mà họ không thể có nơi quê hương họ” (CCC, 2241).

– 2. Quyền từ chối di cư

Trong khi xác nhận quyền di cư, Giáo Hội cũng cảnh giác chống lại việc dùng di cư như là thay đổi duy nhất đối với những hoàn cảnh bất công và mâu thuẫn. “Tôi nhận thấy trong bối cảnh này, thật phù hợp để nói lại lần nữa rằng quyền căn bản của một con người là sống trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, quyền này chỉ được thực thi cách hữu hiệu khi những nguyên nhân tạo ra di cư phải thường xuyên được đặt dưới sự kiểm soát” (IVWC, 1998). Những nguyên nhân này thường có bản chất khác nhau và Đức Thánh Cha đề nghị có những biện pháp đối phó, trong đó có sự phát triển quân bình về kinh tế. Sự kết hợp với quyền phát triển, phải là phát triển con người toàn diện và phát triển không chỉ cá nhân mà còn của nhiều dân tộc (CA, 35) đặt vấn đề di cư trong bối cảnh riêng của nó. Vì hiện tượng này là kết quả của việc phát triển bất cân xứng cũng như là một triệu chứng cho thấy hậu quả tai hại của phát triển. Cần có một cái nhìn vĩ mô hầu vạch ra rằng: “chính vì chênh lệch gia tăng, dân nghèo hơn bị đẩy vào cuộc lưu đày trong tuyệt vọng, trong khi những nước giàu có coi người di cư như những tù nhân, không bao giờ thoả mãn lòng thèm khát của họ là muốn thu gom tài nguyên sẵn có vào tay mình” (WMD, 2000). Khi lặp lại quyền từ chối di cư của người dân, huấn thị Erga Migrantes cũng kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới: “di dân làm nảy sinh một vấn nạn thực sự về đạo lý: phải tìm một trật tự kinh tế quốc tế mới hầu có được sự phân phối tài nguyên trái đất đồng đều hơn” (EMCC, 8).

– 3. Quyền của người di cư bất hợp pháp

Dưới góc độ nhân quyền, mối bận tâm của Giáo Hội không gạt ra ngoài những người di cư bất hợp pháp. “Tình trạng bất hợp pháp không thể tước mất nhân phẩm của người di cư, bởi lẽ họ đã được trao ban những quyền bất khả tước đoạt, không thể bị xâm phạm hay phớt lờ” (WMD, 1995). Giáo Hội tán thành việc ngăn chặn di dân không được cấp phép, mạnh mẽ chống lại những hành động tội ác và nại đến hợp tác quốc tế để giải quyết những hậu quả lâu dài. Phải dành sự quan tâm đặc biệt đến những trường hợp xấu nhất trong di dân bất hợp pháp. Đó là nạn buôn người (EMCC, 29).

– 4. Quyền được sống trong gia đình

Giáo Hội luôn quan tâm cách đặc biệt đến gia đình của những người di cư, cách riêng với quyền tái đoàn tụ gia đình. Điều này được xác định trong những văn kiện quan trọng, như De Pastorali Migratorum Cura (7) và Hiến Chương Về Các Quyền Gia Đình (1983). Và còn được lặp lại nhiều trong các bản văn khác nhau, nhấn mạnh một thực tế là: “việc chân nhận quyền này thường bị cản trở bởi nhiều chướng ngại khác nhau, đôi khi ngăn cản việc thực thi chúng” (WMD, 1993). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố cách cụ thể rằng: “chúng ta phải từ bỏ thái độ của những kẻ từ chối quyền sống trong gia đình, những kẻ chỉ xem đó như là một yêu sách không có cơ sở pháp lý” (WMD, 1994). Thực ra, mặc dù Tuyên ngôn nhân quyền có nói về việc bảo vệ gia đình, nhưng điều này lại chưa bao giờ được hiểu như là ám chỉ về quyền tái đoàn tụ gia đình. Các văn kiện quốc tế chưa hề đặt ra quyền tái đoàn tụ gia đình, mà chỉ đề nghị các quốc gia tạo thuận lợi cho việc tái đoàn tụ. Hiển nhiên là Giáo Hội đã tiến xa hơn trong vấn đề này khi ý thức về những điều đã được Vatican II đặt nền tảng: “khi hoạch định các chính sách có ảnh hưởng đến người di cư, phải bảo đảm quyền được chung sống của họ” (AA, 11). Quyền đoàn tụ gia đình cũng được lặp lại trong Erga Migrantes (30).

– 5. Quyền về văn hóa

Trong đường hướng của Giáo Hội đối với việc di dân, bảo vệ nền văn hóa và người di cư luôn chiếm một vị trí nổi bật. Chính vì lý do văn hóa và ngôn ngữ mà người di cư cần được chăm sóc mục vụ riêng biệt (DPMC, 11). Giáo Hội nhận thấy những đóng góp mà việc di cư mang lại qua việc tạo ra những xã hội giàu có và đa dạng về văn hóa. Tuy nhiên, đối lại cũng có những mối nguy cơ như loại trừ và đồng hóa mà xã hội nhập cư cần phải tránh. Trong khi người di cư cũng nên tránh tự khép mình trong những khu vực riêng, từ chối hòa nhập vào cộng đồng địa phương. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho mối liên hệ với các cộng đồng Kitô giáo. Hiện nay, ngày càng nhiều xã hội đang có kinh nghiệm về sự đa diện văn hóa, đôi khi được chấp nhận như trong một chương trình của chính phủ, có khi lại để cho những nhóm thiểu số ít nhiều tự nguyện giao thoa với nhau. Giáo Hội không xem sự đa diện về văn hóa chỉ là đặt những thực thể khép kín lại gần nhau, nhưng là tham gia tìm kiếm những giá trị nền tảng của nhân loại (Tassello, 2000).

– 6. Quyền được hưởng chăm sóc mục vụ đặc biệt

Đây không phải là quyền đã đề cập trong bản nhân quyền truyền thống. Nó là một quyền nền tảng trong Giáo Hội. “Phải dành sự quan tâm đặc biệt cho những người trong cộng đoàn tín hữu, vì kế mưu sinh, không thể có được đầy đủ chăm sóc mục vụ bình thường của linh mục chánh xứ (hay bị tách rời khỏi mục vụ). Trong số này, những người di cư chiếm phần lớn” (CD, 18). Tiếc thay, bộ Giáo luật, mặc dù có đề cập rải rác đây đó rằng cần phải có những quan tâm riêng biệt đến những người không thể có được sự chăm sóc mục vụ bình thường (Giáo luật số 383.1, 771.1) và chuẩn bị các tổ chức đặc biệt, như giáo xứ, truyền giáo, có vị linh hướng cho người di cư (Giáo luật số 568). Nhưng trong phần nói về quyền của những người tín hữu lại không dành một phần riêng để bàn về quyền của người di cư. Điều này được sửa chữa trong huấn thị Erga Migrantes. Mục đầu tiên được dành để nói về quyền của người di cư là phải được hưởng sự chăm sóc mục vụ riêng biệt. Giáo Hội Công Giáo Đông phương dành một sự quan tâm đặc biệt về quyền của người di cư (EMCC, 64). Nói chung, trong tương quan với các tôn giáo khác, huấn thị đề nghị một thái độ nhân nhượng, cho thấy sự quan tâm đến quyền của những nhóm thiểu số ở những nơi Kitô giáo chiếm đa số; và cũng kêu gọi tự do tôn giáo, khi bị hạn chế nghiêm trọng trong những trường hợp mà Kitô giáo chỉ là thiểu số. Quan tâm đến những mối liên hệ đặc biệt với Hồi giáo, văn kiện đề cao một ý thức đang phát triển về phía người Hồi giáo đối với vấn đề nhân quyền, xem đó như nguyên tắc không thể từ bỏ (EMCC, 66). Phải có sự bảo vệ đặc quyền của người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân dị giáo với người theo đạo Hồi. Vì phụ nữ là thành viên ít được bảo vệ nhất trong gia đình Hồi giáo (67).

A. QUAN ĐIỂM CỦA CÁC GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU

Có thể lượm lặt quan điểm của các Giáo Hội tại Á châu về vấn đề di cư trong một vài văn kiện, hầu hết được ban bố dưới hình thức những lá thư mục vụ và trong những dịp đặc biệt. Do đó, những ghi chú dưới đây chỉ là một nỗ lực tóm lược những khía cạnh đặc biệt, đã gây được ít nhiều chú ý. Biết rằng không phải tất cả các Giáo Hội Á châu đều nói đến chuyện này hay có ý định bàn đến cách thấu đáo. Nếu có thể đưa ra một cái nhìn chung về đường hướng của các Giáo Hội tại Á châu về vấn đề di cư thì đó chính là: chẳng có mấy giám mục cảm thấy di dân là một thách đố trực tiếp, mặc dù đây là hiện tượng lan tràn. Nếu là ở trong những quốc gia xuất phát di cư, các ngài cảm thấy mình đã có quá nhiều vấn đề bức bách cần giải quyết; thêm nữa, người di cư lại không phải là những người nghèo nhất. Nếu là ở trong những quốc gia nhập cư, các ngài không cảm thấy mình trực tiếp có trách nhiệm, vì nhiều di dân đâu phải là người Công Giáo.[1]

Di dân được xem như là một hiện tượng xã hội tác động bởi lý do kinh tế. “Nghèo đói là nguyên nhân chính của di dân Philippines” (CBCP, 1995). “Tìm kiếm việc làm và một mức sống tốt hơn, hay thậm chí chỉ đề tồn tại, lôi kéo những người trẻ và các cặp vợ chồng rời bỏ nơi họ sinh sống” (CBCP, 1998). Cũng cần phải thêm vào sự bất ổn quốc gia và xã hội, những thảm họa tự nhiên và do con người (CBCP, 1998). Tuy nhiên, nguyên nhân không phải chỉ đơn giản là do nhu cầu của những quốc gia xuất phát di cư, nhưng cũng còn do “sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng” tại các nước nhập cư (CBC, 1989). Những suy tư thêm về lý do tại sao có sự khác nhau về điều kiện kinh tế tại những quốc gia di cư và quốc gia nhập cư lại không được nêu lên, nhưng đã được bàn chi tiết trong các văn kiện khác.

Di cư kéo theo “những vấn đề nghiêm trọng về luân lý, nghèo đói và bất công ảnh hưởng đến con người, đặc biệt là phụ nữ” (CBCP, 1988). Phải loại bỏ quan niệm cho rằng người lao động nhập cư giành mất việc làm của những công dân trong nước. Bởi vì điều này đã phớt lờ “máu và nước mắt của nhiều con người, thảm kịch của nhiều gia đình và những tác động xã hội và quốc tế đầy khó khăn tiềm ẩn phía sau” (CBCP, 1989). Trái lại, “những người nước ngoài đã góp phần to lớn trong sự phát triển kinh tế cho quốc gia nhập cư” (CBC, 1998). Những trường hợp bóc lột và lạm dụng người di cư ngày càng tăng. Điều này không chỉ xảy ra ở những nước nhập cư mà ngay cả ở những nước xuất phát di cư, đặc biệt trong các tổ chức tuyển người bất hợp pháp.

Di dân bất hợp pháp là một vấn đề lớn, vì người di cư bất hợp pháp phải chịu “lương thấp, điều kiện làm việc không hợp lý và bị áp bức, một sự xúc phạm đến nhân phẩm họ” (CBC, 1998). Hình thức di cư bất hợp pháp thường là cư trú quá hạn cho phép, nhưng đó là do chính những chính sách nhập cư cứng rắn tạo ra.

Hơn nữa, “di cư là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc sâu xa trong việc tỏ bày lịch sử cứu độ và sự phát triển của nước Thiên Chúa” (CBCJ, 1992). “Việc di cư của các dân tộc, dù dưới hình thức nào hày vì bất cứ lý do gì, đều tiên báo sự tỏ bày kế hoạch lớn lao hơn của Thiên Chúa” (CBCP, 1988). Di cư làm nảy sinh những vấn đề về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, lề luật và những khác biệt về tôn giáo mà xã hội nhập cư xem như là một mối đe dọa. Tuy nhiên chúng ta, tất cả những người Kitô hữu đều được mời gọi, cùng với những người khác trở nên một trong Đức Kitô. Có thể hiểu câu nói của người Trung Quốc cũng có nghĩa giống như vậy: “Tứ hải giai huynh đệ” (CBC, 1989). “Nỗ lực vượt qua những khác biệt giữa các dân tộc không có nghĩa là cố gắng đồng hóa người khác bằng cách áp đặt lên họ lối sống của mình, nhưng phải được xem là khai sinh một nền văn hóa và xã hội mới, trong đó tất cả chúng ta có thể sống hòa hợp” (CBCJ, 1992).

Bàn về nguyên nhân di cư, các Giáo Hội đề nghị tìm kiếm phương hướng phát triển kinh tế, nhưng là phát triển hướng đến “phân phối các tài nguyên kinh tế, lương bổng, lợi lộc cách công bằng và chính đáng, đồng thời tạo sự tiếp cận phát triển cách đồng đều” (CBCP, 1995). Về mặt này, phải tạo ra sự hợp tác “nhằm đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau về bối cảnh kinh tế, chính trị và những mối tương quan khác ảnh hưởng đến quốc gia xuất phát di cư, quốc gia nhập cư và những quốc gia mà người di cư quá cảnh” (CBCJ, 1992). Trong bất cứ trường hợp nào, “chính quyền không được xúc tiến chuyện ra nước ngoài làm việc như là phương tiện để duy trì sự tăng trưởng kinh tế và giúp phát triển quốc gia” (CBCP, 1995).

Các Giáo Hội cũng phải “đi tiên phong trong việc bảo vệ quyền con người” (CBCJ, 1992). Về mặt này, đó là đấu tranh cho việc phê chuẩn Công Ước Quốc Tế Về Việc Bảo Vệ Quyền Của Người Lao Động Di Cư Và Các Thành Viên Trong Gia Đình Họ. Người di cư trong tình trạng bất hợp pháp phải được hợp thức hóa và cũng cần nhớ rằng: “người lao động di cư bất hợp pháp vẫn có quyền con người căn bản của họ” (CBCP, 1995). Cụ thể hơn, không được xem người lao động di cư “như là những phương tiện sản xuất hay những công cụ đem lại lợi ích kinh tế” (JPC, 1993) nhưng phải xem họ là những người cộng sự đích thực trong quá trình sản xuất.

Phải dành cho gia đình những di dân và các “gia đình do hôn nhân xuyên quốc gia” một sự quan tâm riêng biệt (CBCJ, 1992); tương tự, phải có những chương trình nhạy cảm về giới tính dành cho những di dân là phụ nữ.

Nhận thức việc di cư quốc tế là một “dấu chỉ thời đại”, các Giáo Hội phải chấp nhận những khả năng “mở ra một dạng thức mới để loan báo Tin mừng” (CBCJ, 1992). Dĩ nhiên là Giáo Hội không “thúc đẩy ra nước ngoài làm việc vì mục đích loan báo Tin mừng” (CBCP, 1995) nhưng khuyến khích người di cư sống như những Kitô hữu thực thụ. Cách cụ thể, “Giáo Hội phải đồng hành với con người dù họ đi đến đâu chăng nữa” (CBCP, 1995) “nuôi dưỡng và củng cố đức tin, thăng tiến các quyền của họ và bảo vệ họ tránh bị lạm dụng” (CBCP, 1995), “hỗ trợ về mặt xã hội” (CBCP, 1995) và hướng dẫn họ trong tiến trình hòa nhập. Các giáo xứ phải đón nhận những người di cư cũng như thảo những công việc mục vụ và tông đồ, tôn trọng và đón nhận những cách thức khác biệt trong việc diễn tả đức tin.

B. BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DI CƯ: MỘT THÁCH ĐỐ MỤC VỤ

Người ta có thể cho rằng, với việc quan tâm đến quyền con người trong Hội thánh, cách riêng với Đức Gioan Phaolô II, các cộng đồng Kitô giáo địa phương hẳn sẽ chú ý đến nhiều hơn. Điều này có lẽ đúng với các hoạt động trên thực tế mà nhiều tổ chức về phúc lợi, bảo vệ và thăng tiến con người dành cho người di cư. Nhưng vẫn chưa rõ ràng qua những khởi sự cụ thể dành cho người di cư, cả trong việc nâng cao ý thức về quyền của họ và những vi phạm họ phải chịu, cũng như có những thể chế thích hợp để thay thế, hay trong những chương trình ủng hộ. Huấn thị Erga Migrantes chỉ ra rằng việc thăng tiến quyền con người không chỉ giới hạn ở những trợ giúp tức thời, thuộc số những bổn phận của người Kitô hữu trong công tác mục vụ như đón nhận và sống hòa hợp (EMCC, 43). Mối bận tâm về quyền của người di cư cũng phải là một nhiệm vụ đặc thù của mọi người giáo dân (EMCC, 87) (mục 2.1)

Chính trong đường hướng tổ chức hoạt động mục vụ thực tế và cụ thể mà việc quan tâm về quyền của người di cư trở thành một thách đố. Thách đố nằm ở thực tế là những hành động như vậy khác biệt với đường lối mục vụ truyền thống, chỉ tập trung đến việc truyền bá Phúc âm và ban các bí tích.

Những khởi sự cụ thể có thể gồm:

– Mở rộng thông tin

Mặc dầu có sẵn nhiều văn kiện khác nhau về việc bảo vệ người di cư nhưng vẫn còn đó những kẽ hở trong việc thông tin tất cả mọi dạng người di cư. Chẳng hạn, MWC (mục 16) quy định sự bảo vệ chống lại bạo hành. Tuy nhiên điều này lại không nói đến những tổn thương dựa trên giới tính. Việc thiếu những điều khoản cụ thể theo giới cũng được ghi nhận, xét về mặt tránh phân biệt giữa công việc của người nam và người nữ. Cũng vậy, những chương trình dành cho người tập sự thường được sử dụng như một sự thay thế cho chương trình di cư. Tuy nhiên, thực tế là những người thực tập làm việc giống như người di cư thường không được bảo vệ. Dựa trên những trường hợp cụ thể, cần phải lôi kéo sự chú ý đến những người đại diện, để đảm bảo là những kẽ hở phải được sửa chữa.

– Mở rộng thành viên

Như đã đề cập trước đây, những văn bản liên quan tới người di cư (cả văn kiện của Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Lao Động Quốc Tế) không nhận được nhiều sự phê chuẩn. Thông thường, Công ước chỉ buộc những quốc gia thành viên nên vấn đề quan trọng là bảo đảm sao cho càng nhiều quốc gia phê chuẩn càng tốt (trừ khi các quyền này đã được cấp cao hơn phê chuẩn trong các văn kiện khác – như là công ước về nhân quyền – hay khi đã được coi như luật phổ thông quốc tế). Về mặt này, có thể tổ chức ở địa phương những bước khởi đầu cụ thể, cùng với những chiến dịch quốc gia và quốc tế. Điều cần phải thực thi chính là vạch trần kế hoạch duy trì lao động di cư, xem họ là dụng cụ chỉ dùng một lần rồi bỏ; và do đó, không cần được bảo vệ. Thúc đẩy việc phê chuẩn những văn kiện quốc tế, cụ thể là WMC chính là đẩy mạnh yêu cầu phải chấp nhận nhân quyền trong viễn cảnh di cư.

– Luật pháp quốc gia

Các văn kiện quốc tế sẽ đánh mất phần lớn tính pháp lý của chúng nếu những điều khoản đó không có sự tương ứng với pháp luật của các quốc gia. Thật vậy, vẫn còn thiếu những thể chế hữu hiệu đảm bảo việc thi hành các văn kiện về nhân quyền. Cách riêng, chúng ta thiếu một tiến trình tố tụng mang tính cá nhân. Cụ thể, luật pháp quốc gia phải có những điều khoản không phân biệt; vì bằng nhiều hình thức khác nhau, phân biệt là phạm vi chính trong việc lạm dụng mà người di cư phải đối mặt.

– Giáo dục

Giáo dục về nhân quyền của người di cư cần được theo đuổi theo nhiều hướng khác nhau: trước hết là với chính bản thân người di cư, rồi đến những người chủ và cả các viên chức chính quyền. Các văn kiện, chẳng hạn như WMC có thể được sử dụng về mặt này, nhưng cũng đã có những bước khởi sự được thực hiện và cần phải được nhân rộng.[2] Quan tâm đến quyền của người di cư phải là một phần trong chương trình giáo dục học đường nhằm loại trừ thái độ sợ hãi hay thiếu tôn trọng người nước ngoài ngay từ nhỏ.

– Liên kết thành mạng lưới

Rõ ràng là những khởi sự của địa phương thật cần thiết. Tuy nhiên, chúng sẽ hữu hiệu hơn khi các tổ chức của người di cư và NGO liên kết với nhau vì những mục tiêu chung lớn hơn. Chẳng hạn như tổ chức các chiến dịch đòi phê chuẩn các văn kiện quốc tế hay sáng kiến chọn ngày 18/12 là Ngày Di Dân Quốc Tế hoặc chiến dịch hỗ trợ những nạn nhân di cư bị lạm dụng. Một mạng lưới như thế trước hết có thể được xây dựng ở tầm mức quốc gia và địa phương và sau đó mở rộng ra khu vực và quốc tế. Một thuận lợi vô cùng lớn là Internet. Cũng đã có nhiều nhóm khác nhau cung cấp thông tin và dịch vụ về vấn đề này.

– Tham gia vào các cộng đồng Kitô giáo

Lo lắng và tận tâm đối với nhân quyền phải bắt đầu ngay từ trong gia đình của các cộng đồng Kitô giáo. Những vấn đề cụ thể cần chú ý bàn đến là: khả năng mở lòng đón nhận mọi người di cư có nhu cầu; khuyến khích họ tham gia vào các cộng đồng địa phương không phải như những đối tượng mà với tư cách là những chủ thể trong sứ vụ người Kitô hữu; tôn trọng tính dị biệt trong khi xây dựng sự hiệp thông, tạo điều kiện giúp họ cảm nghiệm và nhận ra sự thật là: “Trong lòng Giáo Hội, không ai là kẻ xa lạ; và Giáo Hội không lạ lẫm với bất kỳ ai, ở bất cứ nơi nào” (WMD, 1995).

Tuy nhiên, mối bận tâm về quyền của người di cư còn là một thách đố mục vụ ở một phương diện sâu xa hơn nữa. Đó là một viễn cảnh trong sứ vụ dành cho người di cư. Ở đây, quan niệm về sứ vụ được tái khám phá, vì di cư không hệ tại việc đi lại và sống ở nước ngoài. Có những biên giới rất gần, ngay trong gia đình cần phải vượt qua. “Sứ vụ đích thực chính là rời từ trung tâm ra bên lề: từ chỗ mình là trung tâm đến nơi mình chẳng là gì; từ chỗ bất cứ chốn nào mình hiện diện đến bất cứ nơi đâu có bóng dáng tha nhân” (Gittins, 2002). Việc khái niệm hóa này, biên giới, cũng như bên lề trở thành nơi thi hành sứ vụ. Không được phớt lờ hay dễ dàng xoá bỏ chúng, vì chúng là phương tiện cho sự chuyển dịch cần phải có hầu có thể trở nên thành viên nước trời. Di cư tức là nói về biên giới: những biên giới chặn đứng dòng chảy, những biên giới phải vượt qua, những biên giới khác nữa mà ta phải đối mặt sau khi đã vượt qua. Viễn cảnh về nhân quyền cho phép tồn tại những biên giới nhưng không có dây thép gai và hàng rào. Con người gặp gỡ nhau hơn là giữ khoảng cách, bởi vì nhân quyền biểu lộ nhân phẩm của mọi người đang ở bên lề, như đã được tỏ lộ nơi Đức Kitô, Đấng đã bước ra bên lề để gặp gỡ con người.

Từ lâu Giáo Hội đã tán thành đường hướng này. Trước đây, Thượng hội đồng giám mục thế giới năm 1971 đã tuyên bố: “Sứ vụ của Giáo Hội là bảo vệ và thăng tiến các quyền căn bản của con người” (JW, 1971). Và Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta: “Khi làm chứng trở nên một dấu chỉ biểu lộ sự quan tâm đến nhân vị và quy về sự phát triển con người toàn diện thì việc tận tâm lo cho hòa bình, công lý, nhân quyền và thăng tiến con người cũng là một cách thế sống chứng nhân Tin Mừng” (RM, 42). Điều này không đơn giản. Đây là việc tông đồ đích thực, mà ngài gọi là “tông đồ nhân quyền”. Cần có một sự cảnh giác và giải pháp vượt ra ngoài những quan tâm đặc thù, nhưng điều này sẽ phát sinh niềm tin và hy vọng. “Do đó, điều thiết yếu là phải có một giải pháp mang tính toàn cầu dành cho vấn đề nhân quyền và một sự cam kết nghiêm túc bảo vệ chúng”. Chỉ khi có một nền văn hóa nhân quyền, tôn trọng những truyền thống khác biệt, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong di sản văn hóa nhân loại, thì khi ấy chúng ta mới có thể thanh thản hướng về tương lai với một sự tin tưởng.

Việc quan tâm phải mang tính phê phán. Hệ tư tưởng nhân quyền cho thấy một vài yếu kém. Điểm rõ nhất nảy ra qua phân tích lịch sử, một phân tích chỉ ra sự mâu thuẫn giữa một bên là tuyên ngôn về nhân quyền với bên kia là sự dung thứ đối với những lạm dụng chống lại nhân quyền. Điều này thể hiện rõ ở việc bất bình đẳng trong tiếp cận: sự bảo vệ nhân quyền trong phạm vi quốc gia. Và thậm chí rõ rệt hơn trong những chính sách đa dạng được các nước mạnh ở Tây phương áp dụng đối với những nước bị cáo buộc là thiếu tôn trọng nhân quyền. Chưa nói gì đến việc hùng biện, ai cũng nhận thấy rằng cuối cùng, những lợi ích kinh tế luôn thắng thế trước những quan tâm về nhân quyền, cụ thể là những nước vùng Trung Đông hay Trung Quốc.

Mặc dù sử dụng nhân quyền theo hướng phê phán, nhưng việc tránh hạ thấp quyền tự do công dân để ủng hộ những quyền xã hội và kinh tế cũng thật quan trọng. Một giải pháp như thế chỉ làm suy giảm tính bất khả phân chia của nhân quyền, và có thể góp phần kéo dài sự cai trị của những chế độ độc đoán, chứ chẳng ích gì cho người nghèo, những kẻ hèn kém nhất trong đám người di cư.

Tác giả: Fr. Graziano Battistella, C.S.,

Giám đốc Học Viện Di Dân Quốc Tế Dòng Scalabrini.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Đỗ Bá Hoàng, O.P.

Nguồn: catechesis.net


[1] Trích từ một cuộc trao đổi với tu sỹ Anthony Roger, giám đốc Tổ Chức Phát Triển Con Người, Hội nghị các Giám mục Á châu, Kota Kinabalu, ngày 4 /7/2002.

[2] Một vài điển hình như UN Road Map, cẩm nang huấn luyện lấy từ các cuộc hội thảo tổ chức tại châu Á do Tổ Chức Nhân Quyền Canada (phối hợp với Cơ Quan Hoạch Định Chính Sách Di Cư của Liên Hiệp Quốc) và những tập sách do Tổ Chức Bảo Vệ Quyền Của Người Di Cư Phillippines phát hành.

 

Tags: ,