Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Chile gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh

Thứ Tư, 17-01-2018 | 19:09:20

Theo tin Zenit, ngày 16 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ, các người tận hiến và chủng sinh Chile tại nhà thờ chính tòa Santiago. Ngài nói tới 3 giờ phút quan trọng trong kinh nghiệm của Thánh Phêrô và của cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi: ngã lòng, được tỏ lòng thương xót, được hiển dung. 

Sau đây là bài nói chuyện của Đức Giáo Hoàng:

Anh chị em thân mến

Tôi vui mừng được gặp anh chị em. Tôi thích lối Đức Hồng Y Ezzati giới thiệu anh chị em: Đây họ là… các người nam nữ tận hiến, các linh mục, các phó tế vĩnh viễn, và các chủng sinh. Lối này làm tôi nghĩ đến ngày chúng ta chịu chức hay tận hiến, lúc, sau khi được giới thiệu, mỗi người chúng ta thưa: “Lạy Chúa, đây con đây để làm theo ý Chúa”. Trong cuộc gặp mặt này, chúng ta muốn thưa với Chúa: “đây chúng con đây”, và lặp lại tiếng “xin vâng” của chúng ta cho Người nghe. Chúng ta muốn cùng nhau lặp lại lời đáp lại ơn gọi mà một ngày nào đó đã chiếm hữu tâm hồn ta một cách bất ngờ. 

Tôi nghĩ điều có ích cho ta là bắt đầu với đoạn Tin Mừng ta vừa nghe và chia sẻ 3 giờ phút quan trọng từng được Thánh Phêrô và cộng đồng đầu tiên cảm nghiệm: Thánh Phêrô và cộng đồng ngã lòng, Thánh Phêrô và cộng đồng được tỏ lòng thương xót, và Thánh Phêrô và cộng đồng được hiển dung. Tôi chơi chữ khi cặp đôi Thánh Phêrô và cộng đồng vì quả đời sống các tông đồ có hai chiều kích sau đây, chiều kích bản thân và chiều kích cộng đồng. Hai chiều kích này đi đôi với nhau và ta không thể tách rời chúng được. Chúng ta được kêu gọi từng cá nhân nhưng luôn là thành phần của một nhóm lớn hơn. Nói về ơn gọi, không có gì có thể gọi là tự xướng (selfie)! Ơn gọi đòi hỏi một ai khác lấy hình của anh chị em, và đó là điều chúng ta sắp sửa làm! 

1. Thánh Phêrô ngã lòng 

Tôi luôn thích cách các sách Tin Mừng không tô điểm hay làm nhẹ sự việc hay sơn phết chúng bằng những mầu sắc ưa nhìn. Các sách này cho ta thấy đời sống y như nó là chứ không như nó nên là. Tin Mừng vốn không sợ cho chúng ta thấy những giờ phút khó khăn, và thậm chí căng thẳng, mà các môn đệ từng trải nghiệm.

Chúng ta hãy dựng lại cảnh tượng. Chúa Giêsu đã bị giết, nhưng một số phụ nữ cho hay Người vẫn đang sống (Lc 24:22-24). Mà ngay cả sau khi đã được nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại, biến cố này có tác động mạnh mẽ đến độ phải có thì giờ họ mới có thể hiểu hết những gì đã xẩy ra. Cái hiểu này sẽ đến với các ông vào ngày Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần được sai đến. Việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh cần có thời gian mới tìm được chỗ đứng trong tâm hồn các môn đệ. 

Các môn đệ về nhà. Họ trở lại làm những gì họ biết cách làm: đánh cá. Không phải tất cả, nhưng chỉ một số người. Họ có chia rẽ không? Có bị phân mảnh hay không? Chúng ta không biết. Thánh Kinh cho chúng ta hay: những người đi đánh cá chẳng bắt được chi. Lưới của họ trống không. 

Thế nhưng một thứ trống rỗng khác vốn đè nặng tâm hồn họ một cách vô thức: nỗi thất vọng và rối bời trước cái chết của Thầy. Người không còn nữa; Người đã bị đóng đinh. Nhưng không phải chỉ có Người bị đóng đinh, cả họ cũng bị đóng đinh, vì cái chết của Chúa Giêsu làm nổi lên cả một cơn gió lốc tranh chấp trong tâm hồn các bằng hữu của Người. Thánh Phêrô vốn bác bỏ Người; Giuđa thì phản bội Người; các môn đệ khác thì trốn chạy và đi ẩn núp. Chỉ một nhúm phụ nữ và người đầy tớ yêu qúy ở lại mà thôi. Còn ai cũng trốn cả. Trong ít ngày, mọi chuyện đều tan vỡ. Đó là những giờ phút thất vọng và rối bời trong đời sống người môn đệ. Có những lúc “khi bão tố bách hại, khổ não, nghi ngại, và vân vân, nổi lên bởi các biến cố văn hóa và lịch sử, khó mà tìm ra đường phải theo. Những lúc ấy có các cơn cám dỗ riêng của chúng: cám dỗ tranh biện các ý tưởng, tránh các vấn đề hiện có, quá quan tâm đến kẻ thù của chúng ta… Và tôi tin rằng cơn cám dỗ tệ nhất là cứ loay hoay mãi trong nỗi bất hạnh của chính ta”. [1] Đúng vậy, cứ loay hoay trong nỗi bất hạnh của mình.

Như Đức Hồng Y Ezzati đã nói với chúng ta, “chức linh mục và đời sống tận hiến ở Chile đã chịu đựng và còn tiếp tục chịu đựng nhiều thời kỳ khó khăn gồm đủ rối loạn và thách thức quan trọng. Bên cạnh lòng trung thành của đại đa số, đả nẩy sinh nhiều thứ cỏ dại sự ác và những hậu quả tai tiếng cũng như đào ngũ của chúng”. 

Thời kỳ rối loạn. Tôi biết nỗi đau do các vụ lạm dụng vị thành niên gây ra và tôi lưu ý tới những gì anh chị em đang làm để giải quyết sự ác lớn lao và gây đau đớn này. Gây đau đớn vì sự tai hại và đau khổ của các nạn nhân và gia đình họ, những người thấy niềm tin họ đặt nơi các thừa tác viên của Giáo Hội đã bị phản bội. Gây đau đớn cũng vì sự đau khổ của các cộng đồng giáo hội, nhưng cũng gây đau đớn cho anh chị em, các anh chị em của tôi đây, những người, sau khi vất vả như thế, chỉ để thấy sự tai hại dẫn đến nghi ngờ và tra vấn; nơi một số hay nhiều anh chị em, điều này trờ thành nguồn nghi ngại, sợ sệt và thiếu tin tưởng. Tôi biết có lúc anh chị em còn bị nhục mạ ngay trong đường xe điện ngầm hay khi đang đi ở ngoài phố và đi quanh quẩn với chiếc áo giáo sĩ ở nhiều nơi, anh em còn phải trả một giá rất đắt. Vì thế, tôi đề nghị chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta sự sáng suốt để gọi thực tại bằng chính tên của nó, sức mạnh để xin tha thứ và khả năng lắng nghe điều Người muốn nói với chúng ta. 

Có một điều khác tôi muốn nhắc tới. Các xã hội chúng ta đang thay đổi. Chile ngày nay rất khác với điều tôi biết lúc còn trẻ, khi tôi còn đi học. Các phát biểu văn hóa mới và khác đang phát sinh không hẳn thích hợp với các khuôn mẫu quen thuộc. Chúng ta phải hiểu ra rằng nhiều lúc, chúng ta không biết phải đương đầu ra sao với những tình huống mới này. Đôi khi chúng ta mơ có “những nồi thịt Ai Cập” mà quên mất rằng đất hứa đang nằm trước mặt ta, lời hứa có phải về hôm qua đâu mà là về tương lai. Chúng ta có thể sa vào cơn cám dỗ tự khép kín, tự cô lập mình và bảo vệ lối nhìn sự vật của mình, một lối nhìn sau đó trở thành không hơn không kém những cuộc độc thoại tinh tế. Chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng mọi chuyện đều sai lầm, và thay vì “tin mừng”, chuyện duy nhất chúng ta tuyên xưng lại là lãnh cảm và thất vọng. Kết quả, chúng ta nhắm mắt trước các thách thức mục vụ, nghĩ rằng Thần Trí chẳng có gì để nói về chúng. Bằng cách này, ta đã quên rằng Tin Mừng là một cuộc hành trình hồi tâm, không phải chỉ cho người khác mà còn cho cả chúng ta nữa.

Bất kể thích hay không, chúng ta đã được kêu gọi trực diện với thực tại như nó là, thực tại của bản thân ta và thực tại của các cộng đồng và xã hội ta. Các môn đệ bảo lưới trống rỗng, và chúng ta có thể hiểu tâm tư của họ. Họ về nhà mà chẳng có chi lớn lao đáng kể lại; họ trở về tay không; họ trở về não lòng thất vọng. 

Điều gì đã xẩy ra cho những môn đệ mạnh mẽ, hăng hái và cao thượng này, những người thấy mình được chọn lựa và đã để lại mọi sự cho chúng ta bước chân theo Chúa Giêsu (xem Mt 1:16-20)? Điều gì đã xẩy ra cho các môn đệ vốn rất tin ở chính mình này đến nỗi đã sẵn sàng vào tù và thậm chí hy sinh tính mạng vì Thầy (xem Lc 22:33), những người để bênh vực Người, họ đã muốn sai lửa tới thiêu rụi trần gian (xem Lc 9:54). Vì Người họ đã rút gươm khỏi vỏ và chiến đấu (xem Lc 22:49-51)? Điều gì đã xẩy ra cho Thánh Phêrô người đã trách Thầy về cách phải sống đời mình ra sao (xem Mc 8:31-33)?

2. Thánh Phêrô được tỏ lòng thương xót 

Đây là giờ phút sự thật trong đời sống cộng đồng tiên khởi. Đây là lúc để Thánh Phêrô phải trực diện với một phần con người của ngài. Phần mà nhiều lúc ngài không muốn nhìn. Ngài từng cảm nhận sự giới hạn của mình, sự yếu đuối của mình và cả tính tội lệ của mình nữa. Thánh Phêrô, người nóng nẩy, một lãnh tụ và người cứu vớt đầy xung động, tự mãn và quá ư tự tin vào chính mình và các khả năng của mình, đã phải thú nhận điểm yếu và tội lỗi của mình. Ngài là người có tội y như mọi người khác, cũng thiếu thốn như nhiều người khác, cũng mỏng manh như bất cứ ai khác. Thánh Phêrô đã thất hứa với Đấng ngài hứa sẽ bảo vệ. Đây là giây phút chủ chốt trong đời Thánh Phêrô. Là các môn đệ, là Giáo Hội, ta có thể có cùng một cảm nghiệm: có những thời điểm ta phải đối diện không những với các thành công mà cả các yếu đuối của ta nữa. Các thời điểm chủ chốt trong đời sống người môn đệ, nhưng cũng là các thời điểm một tông đồ được sinh ra. Ta hãy để bản văn hướng dẫn ta.

“Khi họ ăn xong bữa sáng, Chúa Giêsu nói với Simon Phêrô, ‘Này Simon, con Gioan, con có yêu Thầy hơn các người này không?’” (Ga 21:15). 

Sau khi họ ăn uống, Chúa Giêsu nói riêng với Thánh Phêrô và lời lẽ duy nhất của Người là một câu hỏi, một câu hỏi về tình yêu: Con có yêu Thầy không? Chúa Giêsu không trách cứ cũng không lên án. Điều duy nhất Người muốn làm là cứu Phêrô. Người muốn cứu ngài khỏi nguy cơ cứ mãi khép kín trong tội lỗi của ngài, không ngừng loay hoay với hối hận vì sự mỏng manh của ngài, nguy cơ đầu hàng, vì sự mỏng manh kia, vì mọi sự tốt lành ngài từng có với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn cứu ngài khỏi việc tự lấy mình làm trung tâm và tự cô lập. Người muốn cứu ngài khỏi thái độ tự hủy biến mình thành nạn nhân hay nghĩ “đâu có quan hệ gì”, một thái độ làm nhụt bất cứ cam kết nào và kết cục sẽ rơi vào thứ chủ nghĩa tương đối tồi tệ nhất. Chúa Giêsu muốn giải thoát ngài khỏi nhìn người đối lập như kẻ thù và buồn lòng vì bị chống đối và chỉ trích. Người muốn giải thoát ngài khỏi bị nản lòng thất vọng, và trên hết, khỏi bị tiêu cực. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô lắng nghe lòng mình và học cách biện phân. Vì “Đường lối của Thiên Chúa không phải là bênh vực sự thật mà hại tới đức ái, hay bênh vực đức ái mà hại tới sự thật, hay làm xuôi chẩy sự việc mà hại tới cả hai. Chúa Giêsu muốn tránh biến Phêrô thành một người làm mếch lòng người khác bằng cách nói sự thật hay tử tế với người khác bằng cach nói dối hay chỉ là một người bị tê liệt bởi chính sự không biết chắc của mình”, [2] như có thể xẩy ra với chúng ta trong cùng một hoàn cảnh. 

Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô về tình yêu và tiếp tục hỏi ngài cho tới khi ngài trình Người một câu đáp có tính thực tiễn: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu Thầy” (Ga 21:17). Nhờ cách này, Chúa Giêsu đã xác nhận ngài trong sứ vụ của ngài. Bằng cách này, Người biến ngài vĩnh viễn thành tông đồ của Người. Điều gì xác nhận Thánh Phêrô là một tông đồ? Điều gì nâng đỡ chúng ta như những tông đồ? Chỉ một điều này mà thôi: là chúng ta “nhận được lòng thương xót” (1Tm 1:12-16). “Vì mọi tội lỗi của ta, mọi giới hạn của ta, mọi sai phạm của ta, mọi giây phút ta sa ngã, Chúa Giêsu đã đoái nhìn ta và lại gần ta. Người đã chìa bàn tay Người cho ta và biểu lộ lòng thương xót với ta. Mọi người chúng ta có thể nghĩ lại và nhớ lại nhiều lần Chúa đã đoái nhìn ta, tiến lại gần và tỏ lòng thương xót với ta”. [3] Chúng ta không ở đây vì chúng ta tốt hơn những người khác; chúng ta không phải là những siêu anh hùng từ trên cao cúi xuống gặp gỡ những người chỉ là tử sinh. Đúng hơn, chúng ta được sai đi như những người nam nữ biết mình được tha thứ. Đó chính là nguồn vui của chúng ta. Chúng ta là người thánh hiến, là các mục tử lấy khuôn mẫu là Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại. Người đàn ông hay người đàn bà thánh hiến coi các vết thương của mình như những dấu chỉ phục sinh; thấy sức mạnh phục sinh trong các thương tích của thế giới này; giống Chúa Giêsu, họ không gặp gỡ anh chị em mình để trách móc và lên án. 

Chúa Giêsu Kitô không hiện ra với các môn đệ mà lại không có các thương tích; những thương tích này giúp Thánh Tôma tuyên xưng đức tin của ngài. Chúng ta không bị yêu cầu phải làm ngơ hay che dấu các vết thương của mình. Một giáo hội có các vết thương có thể hiểu các vết thương của thế giới hôm nay và biến chúng thành các vết thương của mình, chịu đau khổ với họ, đồng hành với họ và tìm cách chữa lành cho họ. Một Giáo Hội bị thương sẽ không lấy mình làm tâm điểm mọi sự, không tin là mình hoàn hảo, nhưng đặt vào tâm điểm mình Đấng có thể chữa lành các vết thương này, Đấng có tên là Giêsu Kitô.

Biết mình bị thương sẽ giải thoát ta. Đúng thế, nó giải thoát ta khỏi trở thành tự qui chiếu và nghĩ mình hay hơn người khác. Nó giải thoát ta khỏi khuynh hướng Prômêthê của “những người tối hậu chỉ tin tưởng vào các năng lực của riêng mình và cảm thấy cao hơn những người khác vì mình giữ các luật lệ nào đó hoặc tuyệt đối trung thành với một phong thái Công Giáo nào đó của quá khứ”. [4] 

Nơi Chúa Giêsu, các vết thương của ta sẽ chỗi dậy. Chúng gợi hứng cho tình liên đới; chúng giúp chúng ta giật sập các bức tường vốn giam hãm chúng ta trong chủ nghĩa ưu tuyển và chúng kích thích ta xây dựng những cây cầu và gặp gỡ tất cả những ai mong ước thứ tình yêu thương xót mà chỉ Chúa Kitô mới có thể ban. “Chúng ta thường mơ ước xiết bao các dự án tông đồ lớn lao, được lên kế hoạch tỉ mỉ, giống hệt mấy ông tướng bại trận! Nhưng như thế là bác bỏ lịch sử chúng ta như một Giáo Hội, một Giáo Hội vinh quang chỉ là vì có một lịch sử hy sinh, hy vọng và chiến đấu hàng ngày, lịch sử các đời sống tận tụy phục vụ và trung thành làm việc, dù mệt mỏi, vì mọi công việc ‘đều phải toát mồ hôi trán’”. [5] Tôi lo ngại khi thấy các cộng đồng lo lắng về hình ảnh, về việc chiếm không gian, về vẻ bề ngoài và tiếng tăm nhiều hơn là ra ngoài tiếp xúc với sự đau khổ của các tín hữu chúng ta. Lời cảnh cáo do một vị thánh Chile nói ra sao sâu sắc và thông sáng quá: “Mọi phương pháp ấy sẽ thất bại khi được áp đặt một cách nhất thể, khi đem chúng ta tới với Thiên Chúa bằng cách làm ta quên khuấy anh chị em chúng ta, khiến chúng ta nhắm mắt trước vũ trụ thay vì dạy chúng ta mở chúng ra và nâng mọi sự lên cùng Đấng Tạo Dựng ra tất cả, khiến chúng ta vị kỷ và tự khép kín vào chính mình”.[6]

Dân Thiên Chúa không mong chờ cũng không cần chúng ta trở thành các siêu anh hùng. Họ mong chờ các mục tử, những người thánh hiến, biết thế nào là cảm thương, có thể chìa bàn tay giúp đỡ, có thể dành thì giờ với những người sa ngã và, giống Chúa Giêsu, giúp họ vùng ra khỏi sự hối tiếc khôn nguôi vốn chuốc độc linh hồn. 

3. Thánh Phêrô được hiển dung 

Chúa Giêsu yêu cầu Thánh Phêrô biện phân, và rồi các biến cố trong đời Thánh Phêrô tự nhiên ăn khớp với nhau, như cử chỉ rửa chân đầy tính tiên tri. Thánh Phêrô, người phản đối để chân mình được rửa ráy, nay bắt đầu hiểu rằng sự cao cả đích thực phát xuất từ việc sống thấp hèn và làm tôi tớ. [7] Chúa chúng ta là một ông thầy tốt lành xiết bao! Cử chỉ tiên tri của Chúa Giêsu hướng về một Giáo Hội tiên tri, một Giáo Hội, khi đã được rửa sạch tội lỗi của mình, chẳng sợ hãi gì mà không ra ngoài để phục vụ một nhân loại bị thương tích. Thánh Phêrô cảm nghiệm trong thân xác ngài vết thương tội lỗi, nhưng cả vết thương các giới hạn và yếu đuối của mình. Thế nhưng, ngài học được nơi Chúa Giêsu rằng các thương tích của ngài là đường dẫn đến phục sinh. Biết cả Phêrô thất vọng lẫn Phêrô hiển dung là một lời mời từ một Giáo Hội bất hạnh và thất vọng bước qua một Giáo Hội phục vụ tất cả những ai bất hạnh và thất vọng giữa chúng ta. Một Giáo Hội có khả năng phục vụ Chúa mình nơi những người đói ăn, bị cầm tù, khát uống, không nhà, trần truồng và yếu đau…(Mt 25:35). Một phục vụ không hề liên quan gì tới não trạng an sinh (welfare) hay thái độ cha chú (paternalism), nhưng đúng hơn liên quan với việc hồi hướng các tâm hồn. Vấn đề không phải là nuôi ăn người nghèo, mặc quần áo cho người trần truồng và thăm viếng bệnh nhân, nhưng đúng hơn là nhìn nhận người nghèo, người trần truồng, người yếu đau, tù nhân và người không nhà cũng có phẩm giá ngồi chung bàn với ta, cảm thấy “như ở nhà” với chúng ta, cảm thấy là thành phần của một gia đình. Đây là một dấu hiệu chỉ ra rằng nước trời đang ở giữa chúng ta. Đây là dấu chỉ một Giáo Hội bị thương bởi tội, được Chúa tỏ lòng thương xót, nay trở thành tiên tri nhờ ơn gọi của Người.

Làm mới lại việc tiên tri trên là làm mới lại cam kết của ta không mong chờ một thế giới lý tưởng, một cộng đồng lý tưởng hay một môn đệ lý tưởng để có thể sống và truyền giảng Tin Mừng, nhưng đúng hơn làm mọi người thất vọng gặp gỡ Chúa Giêsu. Người ta không yêu các tình huống lý tưởng hay các cộng đồng lý tưởng; người ta yêu những con người. Việc nhìn nhận một cách thành thực, đầy hối hận và đầy cầu nguyện các giới hạn của ta, thay vì làm chúng ta ra xa Chúa, thì thực ra giúp ta khả năng trở về với Chua Giêsu vì biết rằng “với tính mới mẻ của Người, Người luôn có khả năng đổi mới đời ta và các cộng đồng ta, và cho dù sứ điệp Kitô có những thời kỳ đen tối và yếu ớt trong Giáo Hội, nó sẽ không bao giờ bị già cũ… Bất cứ lúc nào ta cố gắng trở về nguồn cội và tái khám phá ra sự tươi mát nguyên thủy của Tin Mừng, đều xuất hiện những đại lộ mới, những ngả đường mới đầy sáng tạo sẽ mở ra, với nhiều hình thức phát biểu khác nhau, nhiều dấu chỉ hùng hồn hơn và nhiều lời lẽ với ý nghĩa mới cho thế giới ngày nay”. [8] Sẽ tốt dường bao nếu mọi người chúng ta để cho Chúa Giêsu đổi mới cõi lòng ta. Lúc buổi gặp gỡ này mới bắt đầu, tôi nói với anh chị em rằng chúng ta đến đây để đổi mới lời “xin vâng” của chúng ta, một cách hào hứng, say sưa. Chúng ta muốn đổi mới lời “xin vâng” của mình, nhưng phải là lời “xin vâng” thực tiễn, được nâng đỡ bởi ánh mắt Chúa Giêsu. Khi anh chị em trở về nhà, tôi xin anh chị em soạn trong tâm hồn anh chị em một chúc thư thiêng liêng, theo đường hướng của Đức Hồng Y Raúl Silva Henríquez và lời cầu nguyện rất đẹp đẽ của ngài, lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Giáo Hội mà con yêu mến là Giáo Hội thánh thiện hàng ngày… Của Chúa, của con, Giáo Hội thánh thiện của mỗi ngày… “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng, bánh ăn, Thánh Thể, nhiệm thể khiêm nhường của Chúa Kitô mỗi ngày. Với các gương mặt người nghèo, các gương mặt các người nam nữ ca hát, chiến đấu, chịu đau khổ. Giáo Hội thánh thiện mỗi ngày.”

Anh chị em muốn thứ Giáo Hội nào? Anh chị em có yêu Giáo Hội bị thương tích đang gặp gỡ sự sống trong thương tích của Chúa Giêsu không? Cám ơn anh chị em vì buổi gặp gỡ này. Cám ơn anh chị em vì cơ hội được nói lời “xin vâng” một lần nữa với anh chị em. Xin Đức Mẹ Núi Cát Minh che chở anh chị em dưới tà áo ngài. Xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi.

_______________________
[1] Jorge M. Bergoglio, Las Cartas de la tribulación, xuất bản lần 9. Diego de Torres, Buenos Aires, 1987.
[2] Ibid.
[3] Sứ Điệp Video gửi CELAM dịp Năm Thánh Đặc biệt về Lòng Thương Xót ở Lục Địa Mỹ Châu, 27 tháng Tám 2016.
[4] Tông Huấn Evangelii Gaudium, 94.
[5] Ibid., 96.
[6] Thánh ALBERTO HURTADO, Diễn Từ với Giới Trẻ của Công Giáo Tiến Hành, 1943.
[7] “Ai muốn là người trước hết phải là người chót hết và phục vụ mọi người” (Mc 9:35). BOLLETTINO N. 0033 – 16.01.2018 18
[8] Tông huấn Evangelii Gaudium, 11.
[00055-EN.01] [Nguyên bản: tiếng Tây Ban Nha]

© Libreria Editrice Vatican

Vũ Văn An chuyển ngữ

 

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm