Bài phát biểu của ĐHY Parolin tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế

Thứ Bảy, 10-03-2018 | 23:39:37

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc Phiên họp toàn thể của Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế (ICMC), diễn ra tại Rome từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3 năm 2018. Dưới đây là bài phát biểu của ĐHY Parolin do Vatican cung cấp:


Bài phát biểu của ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh:

Thưa toàn thể quý vị,
Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng khi được tận dụng cơ hội này để chào đón toàn thể quý vị và đưa ra một vài suy nghĩ của mình. Đây chính là một thời điểm quan trọng mà trong đó Uỷ ban Di dân Công giáo Quốc tế được mời gọi để cung cấp cho Giáo hội cũng như toàn thể thế giới, cũng như cho chính bản thân của tổ chức, những câu trả lời xác thực đối với những vấn đề mới và đồng thời xem xét phương cách đương đại phù hợp nhất nhằm thực hiện những cam kết của mình trongnhững tình huống của vấn đề di dân.

Tất cả quý vị ở đây đều biết rằng ICMC đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập sau những biến động gây ra bởi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngài muốn có một cơ quan công giáo quốc tế về việc điều tra, phối hợp và đại diện cho di dân, để đối phó với tình trạng di cư hàng loạt của những người tị nạn.

Từ khi bắt đầu, các Giám mục của các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng di cư đã tham gia, thông qua các vị đại diện của mình, vào việc soạn thảo quy chế của họ, vốn đã được chính thức chấp thuận bởi Đức Thánh Cha với một lá thư được ban hành vào ngày 12 tháng 4 năm 1951 và được ký bởi Người đại diện Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức TGM Giovanni Battista Montini. Mục tiêu chính của Ủy ban đó là thúc đẩy việc áp dụng các nguyên tắc của Kitô giáo đối với vấn đề di dân và các chính sách liên quan đến dân chúng, và đồng thời tìm kiếm việc chấp thuận các nguyên tắc như vậy bởi các tổ chức quốc tế, bởi cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi của các gia đình.

Trong những năm dài hoạt động của nó với tư cách là một tổ chức Công giáo ở cấp độ quốc tế, ICMC, trung thành với mục đích mà nó được thành lập, đã tự làm nổi bật về những hành động cụ thể cũng như năng lực chuyên môn của các nhân viên của mình, đồng thời thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức khác nhau và các thể chế ở các cấp độ khác nhau. Điều này đã được thể hiện bởi sự tôn trọng mà ICMC đã giành được từ cộng đồng quốc tế thông qua việc hợp tác, phù hợp với bản sắc Công giáo, với các cơ quan quốc tế và các tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ khác ở các cấp và ở các quốc gia khác nhau. Về vấn đề này, tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh đến khả năng của ICMC trong quá trình hoạt động của nó, nhằm thiết lập việc đối thoại giữa các đối tượng khác nhau: các chính phủ và xã hội dân sự; các cơ quan nhân đạo và an ninh; các tổ chức Công giáo và những tổ chức thuộc các giáo phái Kitô giáo khác hoặc những tổ chức không xác định với bất kỳ tôn giáo nào, nhưng có ý định nỗ lực làm việc vì lợi ích của những người di cư. Trong nhiều năm, ICMC đã phối hợp, thay mặt các chính phủ của các quốc gia chủ nhà, toàn bộ quá trình tham gia, ở cấp độ toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự trong các cuộc họp của Diễn đàn toàn cầu về Di cư và Phát triển, bao gồm việc tổ chức thành công sự kiện Civil Society Days.

Cũng cần lưu ý rằng ICMC đã công bố nghiên cứu và hướng dẫn về vấn đề di dân kết hợp với các tổ chức quốc tế quan trọng (EU và Hội đồng Châu Âu, IOM, UNHCR) và xã hội dân sự.

Tôi hy vọng rằng nó sẽ có thể tiến hành và mở rộng kinh nghiệm chuyên môn của việc đối thoại nhằm tạo ra và duy trì mạng lưới của sự liên đới đó, vốn chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay và cùng nhau đảm bảo việc thực hiện các hiệp định đó vốn hết sức thiết ở cấp độ quốc tế.

Về phạm vi và mục đích của nó, ICMC hiện đang cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Di dân và Tị nạn thuộc Thánh Bộ Cổ võ việc phát triển con người toàn diện. Mặc dù sự hợp tác này đã bắt đầu hơn một năm trước nhưng nó đã mang lại những kết quả tích cực và đồng thời đã cung cấp cho tổ chức một sự phong phú từ việc học hỏi cũng như những kinh nghiệm mà ICMC có được.

Tương tự như vậy, do hoạt động liên tục của nó với các tổ chức quốc tế, ICMC đã làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao thuộc Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và với các Phái đoàn thường trực của Toà Thánh. Đặc biệt trong năm nay, và trong hai năm vừa qua, quý vị đã cam kết một cách cụ thể đối với việc cung cấp, cùng phối hợp với các phái đoàn thường trực tại New York và Geneva, sự đóng góp quý báu của quý vị cho việc chuẩn bị cho Hiệp định Tòa cầu về Di cư an toàn, trật tự và ổn định, và Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn.

Chúng tôi thực sự hy vọng rằng hai văn kiện này, hiện đang trong giai đoạn đàm phán và tham vấn, sẽ thực sự đáp ứng nhu cầu bảo vệ và bảo vệ tốt hơn vấn đề nhân quyền, khi phải đối mặt với sự dè dặt và thiếu quyết đoán của nhiều quốc gia khác nhau, và họ sẽ hướng dẫn, ở cấp độ quốc tế, một sự hợp tác thực sự và công bằng và đồng thời chia sẻ trách nhiệm cũng như những gánh nặng liên quan đến việc tiếp nhận những người nhập cư.

Trong những ngày này, quý vị sẽ có cơ hội để rà soát lại lộ trình mà quý vị đã đi qua và đồng thời xem xét việc làm thế nào để ICMC có thể tiếp tục công việc mà nó đã được thành lập, một công việc mà chúng ta đã được làm vẻ vang bởi một cam kết hiệu quả, và ngày nay đòi hỏi chúng ta phải mở ra với những chân trời mới của việc phục vụ cho những người nhập cư và những người tị nạn. Như ĐTC Phanxicô vẫn luôn nhắc nhở chúng ta, họ không phải là những con số: họ chính là những con người, những phụ nữ và nam giới, cũng như những trẻ em, những con người có một diện mạo, những người thường bị đau khổ và bị bỏ rơi. Một diện mạo nhân loại mà trong đó chúng ta nhận ra đó chính là khuôn mặt của Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta muốn phục vụ cách đặc biệt nơi những người nhỏ bé nhất và những người thiếu thốn nhất.

Một trong những mục đích mà ICMC đã được tạo ra đó chính là nhằm hỗ trợ các gia đình nhập cư, những người thường di cư để tìm kiếm sự an toàn cũng như cuộc sống xứng hợp với phẩm giá con người, đặc biệt là đối với con cái của họ. Tuy nhiên, rất nhiều trong số họ đã đến được với những điểm đến của họ khi phải trải qua tình trạng bạo lực và lạm dụng trong suốt cuộc hành trình của mình, đối mặt với những trải nghiệm mới về những khổ sở và những khó khăn không thể tưởng tượng được. Sự gần gũi của cộng đồng Kitô hữu cũng như sự trợ giúp hữu hình và chyên môn hóa của các tổ chức như của quý vị có thể giúp đỡ cho việc giữ những gia đình này được ở gần bên nhau và vì vậy có thể ngăn chặn trẻ em tìm kiếm câu trả lời cho sự thất vọng của họ qua các mạng lưới khác.

Hơn nữa, trong khi sự tiến bộ của người di dân gắn liền với sự đóng góp kinh tế ở cấp xã hội và gia đình, trong phạm vi quốc gia xuất xứcủa họ cũng có một khía cạnh mà Giáo hội không thể bỏ qua. Đó là những thành viên trong gia đình đã ở lại quê hương, nơi mà một trong hai vợ chồng, hoặc cả hai, đã di cư, do đó để lại người phối ngẫu của mình hoặc các ông bà lớn tuổi, chịu trách nhiệm quán xuyến nhà cửa, nhưng lại luôn luôn phải sống trong cảnh nghèo khổ khi các khoản tiền được chuyển không phải lúc nào cũng được chyển kịp thời hoặc không đủ. Đôi khi người phối ngẫu của họ thậm chí còn chẳng trở về quê hương. Đây chính là một nét đặc trưng tế nhị của vấn đề di dân, chẳng may đã lan rộng, vốn đòi hỏi một sự quan tâm cũng như một sự hỗ trợ lớn hơn.

Một khía cạnh khác đối với chính ICMC ở cấp độ toàn cầu đó chính là thái độ từ chối chào đón. Mặc dù các quốc gia, đặc biệt là những nước tiên tiến nhất về kinh tế, không thể phủ nhận việc mắc nợ phần lớn sự phát triển của họ đối với những người nhập cư, và mặc dù đôi khi là những kinh nghiệm khủng khiếp vốn dẫn đến tình trạng di cư, hoặc đang gặp phải trong cuộc hành trình, được phổ biến rộng rãi, vấn đề di dân ngày nay chỉ được xem như là một tình huống khẩn cấp, hoặc nguy hiểm, thậm chí mặc dù nó đã trở thành một yếu tố đặc trưng của các xã hội của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng “một sự thay đổi thái độ đối với những người nhập cư và những người tị nạn là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người, tránh xa thái độ phòng thủ và sợ hãi, sự thờ ơ và cho người khác là không quan trọng – tất cả đều là điển hình của nền văn hoá thải loại – hướng tới những thái độ được dựa trên nền văn hoá của sự gặp gỡ, một thứ văn hoá duy nhất có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và giàu tình huynh đệ hơn” (Sứ điệp nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới, năm 2014).

Một trong những nhiệm vụ khó khăn và cấp bách nhất hiện nay đó chính là chính là việc nỗ lực làm việc để mang lại một sự thay đổi đối với thái độ này, từ bỏ thứ văn hoá có tính chi phối của việc loại trừ và từ chối người khác. Việc cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức chính là những cách thức mà Ủy ban của quý vị có thể giúp Giáo Hội Công Giáo dẹp tan những định kiến cũng như những sự sợ hãi vô căn cứ liên quan đến việc tiếp nhận những ng ười ngoại kiều. Không có biểu hiện của việc bỏ qua những cam kết mà việc chào đón như vậy đòi hỏi, quý vị cũng sẽ giúp đỡ cho việc thúc đẩy một nhận thức cân bằng và tích cực về vấn đề di dân.

Đây chính là một đóng góp quan trọng trong việc chuẩn bị cho Hiệp định Toàn cầu về Di cư, cũng như trong giai đoạn giữa việc kết thúc các cuộc đàm phán liên chính phủ và Hội nghị Marrakech (10-11 tháng 12 năm 2018), nơi mà nó cần phải được thông qua. Thời điểm nhạy cảm này đòi hỏi phải có một hướng dẫn quả quyết để các quốc gia thành viên của LHQ có thể chia sẻ lời kêu gọi với một sự nhận thức và quyết tâm.

Tuy nhiên, trái ngược với những thái độ kép kín, chúng ta nhận thấy cách tiếp cận tích cực của nhiều thanh thiếu niên xem vấn đề di dân như là một khía cạnh rất đỗi bình thường của xã hội, vốn đã được tạo ra bởi sự liên kết nhanh chóng, bởi việc trao đổi thông tin và bởi nhu cầu đối với các mối tương quan trên phạm vi toàn cầu. Đây chính là những chiều kích mà trong đó chúng ta chắc chắn có thể nhìn thấy “những dấu chỉ của thời đại” vốn thúc đẩy tinh thần liên đới trên quy mô toàn cầu.

Từ những kinh nghiệm khác nhau của quý vị trong lĩnh vực này, có một sự đóng góp đặc biệt khác đối với việc tạo ra những hướng đi thay thế và an toàn đối với vấn đề di cư, đặc biệt là nơi chúng được gây ra bởi các sự kiện bạo lực hoặc các thảm họa thiên nhiên. Tôi khuyến khích quý vị hãy tiếp tục công việc này, vốn được dựa trên khả năng, năng lực đối với việc đối thoại cũng như sự suy xét khôn ngoan của quý vị, là một trong những phương cách tốt nhất để cứu sống người: tránh những cuộc hành trình nguy hiểm và việc sử dụng các nạn nhân của nạn buôn người; giữ cho các gia đình được ở bên nhau; bảo vệ trẻ vị thành niên đang cần được giúp đỡ; tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong lĩnh vực này, nhằm ngăn ngừa những mối bận tâm xã hội vốn cũng có những ảnh hưởng của vấn đề chính trị.

Tôi nhận thức được rằng mặc dù các yếu tố chỉ được lựa chọn là cấp bách, nhưng đó chỉ là một vài mối quan tâm lớn hơn trong công việc của quý vị. Hiện nay, vấn đề di dân đều nằm trong chương trình nghị sự của mỗi cuộc họp mà tôi đã tham gia cùng với các nhà chức trách chính phủ đến thăm Vatican, hoặc quốc gia mà tôi đến thăm. Tôi thường nhận được sự đánh giá cao và lòng biết ơn đối với sự đóng góp mà Giáo hội Công giáo đã tạo ra ở các quốc gia của họ, cũng như thông qua các tổ chức được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc của Giáo hội, để có thể giúp chúng ta “chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập” như ĐTC Phanxicô đã mời gọi chúng ta, với một ý thức về tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức của toàn thể nhân loại, những người di dân và tị nạn này đều là anh chị em của chúng ta. Liên tục với nguồn gốc của nó, ICMC hiện đang được mời gọi để đổi mới. Điều này xảy ra, một cách tự nhiên, khi các khuôn khổ về sự quản lý thay đổi. Trên thực tế, trong phiên họp toàn thể này, các thành viên của Ban chỉ đạo sẽ thay đổi và một người sẽ được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch, mà chúng ta nên nhớ, cũng chính là một công phục vụ. Hơn nữa, “được củng cố với tinh thần của một sự liên đới tiên tri”, quý vị cũng sẽ thảo luận về sự cấp bách đối với một cam kết mạnh mẽ đối với người nhập cư, không chỉ trong các dự án bên ngoài, mà còn trong cả các dự án nội bộ. Với chiều kích của sự hiệp thông này, quý vị cũng được kêu gọi để củng cố các cấu trúc cũng như sự thống nhất của những người làm việc cho ICMC dựa trên các nguyên tắc, những cách tiếp cận cũng như những mục tiêu được hướng dẫn bởi Học thuyết Xã hội của Giáo hội, để phạm vi công việc của quý vị không chỉ đơn thuần mang tính chất nhân đạo. Với cách thức này, những người mà quý vị giúp đỡ sẽ đánh giá cao ảnh hưởng của “chứng từ” mà chỉ có kinh nghiệm cá nhân về đức tin mới có thể cung cấp.

Chúng ta hy vọng rằng sự hiệp nhất và tinh thần hiệp thông này sẽ thu hút tất cả mọi thành viên của Ủy ban trong công việc phục vụ này của Giáo hội cũng như những người cam kết đạt được các mục tiêu của mình. Về vấn đề này, tôi tin tưởng rằng các anh em Giám mục của tôi sẽ ngày càng đánh giá cao công việc phục vụ của ICMC, và đồng thời thúc đẩy nó và giúp nó phát triển theo những đặc điểm của nó như là một thể chế “của Giáo Hội” và “vì Giáo Hội”.

Để đảm bảo quý vị có được một hồi ức đặc biệt trong việc cầu nguyện cho công việc của quý vị cũng như cho Ủy ban Di dân Công giáo Quốc tế sẽ ngày càng trở thành một dấu chỉ cụ thể của tình huynh đệ trên thế giới và trong Giáo hội, tôi muốn nhắc lại những điều mà ĐTC Phanxicô đã chia sẻ trong phần bế mạc những buổi tính tâm vào ngày 23 tháng 2 vừa qua: “Giáo Hội không phải là một chiếc lồng để nhốt Chúa Thánh Thần, […] Chúa Thánh Thần cũng bay đi và hoạt động bên ngoài Giáo hội (…) hoạt động nơi những người không tin, hoạt động nơi “những người ngoại giáo”, nơi những người thuộc những niềm tin tôn giáo khác: đó là một Giáo hội phổ quát, đó chính là Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng dành cho tất cả mọi người”. Chúng ta mang đến cho tất cả mọi người, thông qua tình yêu cụ thể của chúng ta, lời công bố về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng chào đón, bảo vệ, và biết cách làm thế nào để quý trọng và làm cho anh chị em luôn cảm thấy mình là một phần trong đại gia đình của Người. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng luôn nhận biết việc làm thế nào để tưởng thưởng cho tất cả mọi nỗ lực, mọi cử chỉ thiện chí, giúp chúng ta tự mở mình ra mà không sợ hãi và biết dành riêng cho những lời mời gọi mới của Chúa Thánh Thần, vì lợi ích của tất cả mọi anh chị em của chúng ta. Do đó, tôi hy vọng rằng công việc của quý vị sẽ luôn thành công và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm