Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 1. Một cái nhìn cụ thể về các gia đình ngày nay.

Thứ Năm, 05-07-2018 | 19:09:55


Chúng ta biết là vào những ngày 22-26/8 tới đây sẽ có Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ IX với chủ đề “Tin Mừng của Gia đình: Niềm Vui cho Thế giới” được tổ chức tại Dublin, thủ đô Ái nhĩ lan. Đại hội Gia đình Thế giới (ĐHGĐTG hay WMOF trong tiếng Anh) là sáng kiến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, được tổ chức 3 năm một lần như một sự tập hợp đại quy mô các gia đình để cầu nguyện, học hỏi và tôn vinh, thu hút sự tham gia của đông đảo Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới nhằm:

  • Khẳng định tầm quan trọng của  hôn nhân và gia đình đối với mọi xã hội;
  • Tăng cường mối liên kết giữa các gia đình;
  • Hướng dẫn, cổ vũ sự đồng hành với các gia đình trong việc thực hiện sứ mệnh của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa
  • Cổ vũ tình liên đới và đoàn kết của các gia đình trước những khó khăn thử thách.

Đã có tất cả 8 kỳ Đại Hội Gia Đình Thế Giới như sau:

  • ĐHGĐTG I tại Roma với chủ đề “Gia đình: Trái tim của nền Văn minh sự Sống”(1994)
  • ĐHGĐTG II tại Rio de Janerio (Argentina) với chủ đề “Gia đình: Quà tặng, sự Gắn kết và niềm Hy vọng cho Nhân loại” (1997).
  • ĐHGĐTG III tại Roma với chủ đề “Trẻ em: mùa Xuân của Gia đình và Hội thánh” (2000).
  • ĐHGĐTG IV tại Manila (Philippines) với chủ đề “Gia đình kitô giáo: Tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ ba” (2003).
  • ĐHGĐTG V tại Valencia (Tây ban nha) với chủ đề “ Truyền thụ đức tin trong Gia đình” (2006).
  • ĐHGĐTG VI tại Mexico city (Mexico) với chủ đề “ Gia đình: Thày dạy các giá trị nhân bản và kitô giáo” (2009).
  • ĐHGĐTG VII tại Milano (Ý) với chủ đề “Gia đình, Lao động và Mừng lễ” (2012).
  • ĐHGĐTG VIII tại Phildelphia (Hoa kỳ) với chủ đề : “Tình yêu là Sứ mệnh của chúng ta – để gia đình sống dồi dào” (2015).

Mỗi ĐHGĐTG đều có 3 phần:

1/ Hội nghị thần học và mục vụ với các bài thuyết trình, các cuộc hội thảo, đàm luận, chứng từ…  xoay quanh bảy bài giáo lý của chủ đề Đại Hội.

2/ Lễ Hội các gia đình (ngày thứ tư của Đại hội) với sự hiện diện của Đức Thánh Cha  – có các chứng từ của các gia đình, trình diễn ca vũ nhạc.

3/ Thánh lễ đại triều do Đức Thánh Cha chủ sự.


BÀI GIÁO LÝ 1: MỘT CÁI NHÌN CỤ THỂ VỀ CÁC GIA ĐÌNH NGÀY NAY

“CON ƠI, SAO CON LẠI XỬ VỚI CHA MẸ NHƯ VẬY? CON THẤY KHÔNG, CHA CON VÀ MẸ ĐÂY ĐÃ PHẢI CỰC NHỌC TÌM CON! ” (Lc 2, 48)

Lạy Mẹ Maria, là người phụ nữ lắng nghe,
xin mở tai chúng con:
cho chúng con biết lắng nghe Lời  Chúa Giêsu, Con của Mẹ,
giữa muôn ngàn tiếng nói của thế giới này.
Xin cho chúng con biết lắng nghe thực tại đời sống chúng con,
từng con người chúng con gặp gỡ,
cách riêng những người nghèo nhất, trắng tay, đang gặp khó khăn.

Lạy Mẹ Maria, là người phụ nữ quyết định,
xin soi sáng tâm trí chúng con,
để chúng con biết vâng nghe Lời Chúa Giêsu, Con của Mẹ, không do dự.
Xin  cho chúng con sự can đảm khi quyết định,
không để bị lôi kéo,
hay phó mặc cho kẻ  khác định hướng đời mình.
Lạy Mẹ Maria, là người phụ nữ hành động,
xin  cho đôi tay và đôi chân chúng con biết “vội vã” đến với người khác,
đem cho họ lòng bác ái và tình yêu của Chúa Giêsu, Con Mẹ,
và giống như Mẹ,
đem ánh sáng Tin Mừng cho thế giới. Amen.

(ĐTC Phanxicô, Quảng trường Thánh Phêrô 31.5.2013)

Các sách Tin Mừng tường thuật rất ít biến cố liên quan đến Thánh Gia Nadarét. Nhiều chuyện được để mặc cho chúng ta tưởng tượng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống với cha mẹ ở Nadarét gần ba mươi năm. Do đó các mẫu chuyện ít ỏi được kể lại trở nên then chốt để chúng ta thoáng hiểu được mầu nhiệm của Gia Đình này.

Tin Mừng theo thánh Luca kể lại câu chuyện duy nhất liên quan đến Chúa Giêsu khi lên mười hai tuổi, (thời đó tuổi này không phải là tuổi của một thiếu niên mà thôi, song là tuổi của một con người vừa đạt tới mức trưởng thành), là lúc Ngài đã có một tương tác với cha mẹ. Đây là câu chuyện nổi tiếng về “tìm lại được Chúa Giêsu trong Đền Thờ đang ngồi giữa các thầy thông Luật“.

 Chắc hẳn chúng ta chờ đợi ở câu chuyện này một bức tranh tuyệt mỹ về Thánh Gia thất, tương tự một trong những đoạn quảng cáo ngắn cho thấy mọi thành viên gia đình ai cũng đẹp, lúc nào cũng mỉm cười rạng rỡ, trong một sự thuận hòa  hoàn hảo và tuyệt đối. Trái lại, trước sự kinh ngạc sững sờ của chúng ta, Tin Mừng lại kể cho chúng ta một câu chuyện khác. Như kiểu nói rất thời thượng hiện nay, đó là Thánh Gia thất đang gặp “khủng hoảng“. Đức Maria và thánh Giuse là những con người rất sùng đạo, hằng năm đều lên đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua, như thánh Luca tường thuật. Các ngài dẫn theo cậu bé Giêsu để giáo dục cậu theo các nhịp sống tôn giáo này. Nhưng trên đường từ Giêrusalem trở về,  sau một ngày tìm kiếm con, các ngài đã không tìm thấy cậu trong đoàn hành hương. Gia đình này ra đi để cầu nguyện, nhưng nhìn bên ngoài, hình như lời kinh của họ, việc làm đạo đức của họ không tránh được cho họ khỏi những khốn khó trong gia đình. Chúng ta mường tượng sau đó Mẹ Maria và Thánh Giuse có thể cảm nghiệm điều gì trước biến cố hoàn toàn bất ngờ này. Một người cha, và nhất là một người mẹ, có thể hiểu được nỗi sầu lo ghê gớm thế nào bao trùm lên bậc cha mẹ khi bỗng nhiên bị mất đứa con của mình mà không biết đi tìm ở đâu. Tóm lại, Gia Đình thánh này không cho chúng ta được một hình ảnh đẹp, không cho chúng ta một chứng từ tốt lành và không thể là một mẫu gương.

Tại sao thánh sử Luca quyết tâm kể lại cho chúng ta câu chuyện này và để lại trong lịch sử chúng ta biến cố bi đát như thế? Tất cả những điều ấy phá vỡ cách suy nghĩ của chúng ta về gia đình này, và chắc hẳn đẩy chúng ta tới nơi khác, tới những chuyện khác, tới một mầu nhiệm cao cả hơn, vượt quá khỏi tầm hiểu biết của chúng ta.

Như thế, trong Tông huấn “Niềm Vui của Tình Yêu“, Đức Thánh Cha Phanxicô mở mắt chúng ta về mầu nhiệm này. “Thánh Kinh nói nhiều về các gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình và những khủng hoảng gia đình, từ trang đầu, ngay khi bước vào khung cảnh gia đình của Ađam và Eva, cùng với gánh nặng của bạo lực, có cả sức mạnh của sự sống vẫn tiếp diễn (x. St 4)” (AL 8). Lời Chúa không hề trình bày cho chúng ta một hình ảnh lý tưởng và trừu tượng về gia đình, như chúng ta có thể chờ đợi, nhưng cho chúng ta thấy trước mắt những câu chuyện của những gia đình thật, với nét đặc thù và duy nhất của các vấn đề của chúng, những khó khăn và thách đố. Lời Chúa thật sự thúc đẩy chúng ta vào trong thực tại với “sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu” (AL 19). Cũng thế, “Trước mỗi gia đình, hình ảnh Gia đình thánh Nadarét vẫn xuất hiện, với những nỗi vất vả thường ngày thậm chí với cả những cơn ác mộng, như khi thánh gia phải chịu đựng hành vi bạo lực phi lí của Vua Hêrôđê, đó cũng là kinh nghiệm bi thương mà ngày nay vẫn tiếp tục tái diễn trong nhiều gia đình tị nạn bị bỏ rơi không được bảo vệ“.

Thế nên, điểm cốt yếu không phải là sự thiếu vắng khủng hoảng trong các gia đình (chẳng có gia đình nào, ngay cả Thánh Gia thất, được miễn trừ), nhưng là làm sao  phản ứng trước bất kỳ cơn khủng hoảng nào.

Tường thuật của thánh Luca, với cái nhìn sáng suốt và thực tế, cống hiến cho tất cả các gia đình những qui chiếu cơ bản, trở thành một trường học đời sống cho mọi người. Thoạt nhìn, chúng ta, bậc làm cha mẹ hiện nay, vốn đều dành cả ngàn sự chăm sóc yêu thương cho con cái, hẳn chúng ta đã nhận ra ngay sự thiếu khôn ngoan của thánh Giuse và Mẹ Maria khi để con  đi một mình và không theo dõi  suốt một ngày trời trên đường về nhà.

Thực ra, theo văn hóa thời ấy, trẻ Giêsu khi đó không còn được coi là vị thành niên nữa, đó là lý do cậu được đối xử theo tuổi của mình. Ngoài ra, chúng ta có thể nêu lên một cách hành xử khác mang ý nghĩa sâu xa hơn và cho nó một sự đánh giá rất được áp dụng trong lãnh vực xã hội cũng như Hội thánh: “thách đố giáo dục“.

Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho tất cả chúng ta một hướng dẫn mang tính tiên tri. “Lo lắng quá đến mức bị ám ảnh thì không phải là giáo dục, và chúng ta không thể kiểm soát hết mọi tình huống mà con mình có thể trải qua. […] Vậy câu hỏi quan trọng đặt ra không phải  là biết con mình hiện đang ở đâu, lúc này nó đang ở với ai, theo nghĩa thể lý, nhưng là hiện giờ nó đang ở đâu theo nghĩa hiện sinh, nghĩa là nó đang đặt những xác tín, mục tiêu, ước muốn, dự tính cuộc đời mình ở đâu. Thế nên, những câu hỏi mà tôi muốn nêu lên với các bậc cha mẹ là: “Chúng ta có tìm hiểu con mình đang thật sự “ở đâu” trong hành trình đời sống của chúng không? Tâm hồn chúng đang thật sự ở đâu, chúng ta có biết không? Và nhất là, chúng ta có muốn biết điều đó không?” (AL 261).

Chúng ta thường thấy nhiều  cha mẹ bận tâm nhìn thấy  con cái tham gia thật nhiều sinh hoạt, học tập, thể thao, nghệ thuật, có lẽ bằng cách  thúc đẩy chúng làm những gì  mà  chính mình hồi còn trẻ đã muốn. Tuy nhiên, họ lại chẳng bao giờ  dành thởi gian dừng lại với con để lắng nghe, dù chỉ trong giây lát, tiếng nói  của trái tim con mình.

Thánh Giuse và Mẹ Maria đã gặp nguy cơ đó, với tất cả sự khắc khoải kèm theo, và chỉ sau ba ngày, ba ngày dài vô tận, hai ngài tìm thấy cậu Giêsu trong Đền Thờ. Phản ứng đầu tiên của các ngài thật sự là ngạc nhiên vì, như chúng ta đọc trong Niềm Vui của Tình Yêu, “Hẳn nhiên, mỗi đứa con sẽ làm ta ngạc nhiên với các dự tính của chúng xuất phát từ tự do ấy, chúng phá vỡ cả những khuôn mẫu của cha mẹ, và nếu điều đó có xảy đến thì cũng tốt. Giáo dục gồm cả nhiệm vụ giúp phát triển sự tự do có trách nhiệm, để tại các giao điểm của cuộc đời chúng biết lựa chọn với ý ngay lành và thông minh; đào tạo những con người hiểu rõ được rằng cuộc sống của mình và của cộng đoàn mình là do mình định đoạt và sự tự do này là quà tặng vô cùng lớn lao.” (AL 262).

Con cái luôn là một sự ngạc nhiên, mãi mãi là một mầu nhiệm cho cha mẹ ngay từ khi được thụ thai. “Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay người ta có thể biết trước màu tóc của em bé và những bệnh tật có thể có của nó trong tương lai, bởi vì tất cả các đặc tính thể lý của con người đã ghi trong giai đoạn phôi thai. Nhưng chỉ Chúa Cha, Đấng tạo thành con người ấy mới biết họ một cách đầy đủ. Chỉ một mình Ngài mới biết điều gì là quý nhất, điều gì là quan trọng nhất, bởi vì Ngài biết đứa trẻ đó là ai, đâu là căn tính sâu xa nhất của nó.” (AL 170).

Vì thế, đứng trước mầu nhiệm của đứa con, thái độ chân thật nhất không bao giờ   là phê phán, thất vọng, tố cáo, kết án. Biết bao lần người ta nghe thốt ra từ miêng  cha mẹ những lời thật sự làm tổn thương con cái họ : “mày thật không phải là đứa con mà tao mong chờ!“. Trước “đứa con, phản ảnh sống động tình yêu của họ, dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ” (AL 165), thái độ thánh thiện nhất là mở lòng cho sự ngạc nhiên Thiên Chúa gây ra. Tất cả các điều này không thể làm theo kiểu lên đồng hay bằng phương thức lạ thường nào cả. Chắc chắn điều bất ngờ làm xáo trộn, bối rối và gây nên khoắc khoải, như trường hợp của thánh Giuse và Mẹ Maria. Thật vậy, người ta đã nói các ngài tìm cậu Giêsu với lòng khoắc khoải. Tin Mừng không làm con tim mất đi tính người, nhưng tôn trọng và mở lời cho tình cảm, vốn không tốt mà cũng không xấu; đồng thời Tin Mừng cũng dạy cho chúng ta biết quan tâm đến tình cảm của mình, luôn luôn đặt cho mình những câu hỏi và biết hỏi.

Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng đặt một câu hỏi cho cậu Giêsu. Thật ra chính Mẹ Maria đặt câu hỏi, nhân danh cả hai người. Chính Mẹ hỏi cậu Giêsu. Những lời Mẹ dùng cách lạ lùng, qua vài lời đối đáp, mở ra cho chúng ta mầu nhiệm đích thật của việc làm cha mẹ. “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48).

Một đứa con vẫn luôn luôn là con, và là con, nó phải luôn luôn được gọi, được nhìn nhận và yêu thương. Phải luôn hỏi và đặt câu hỏi đứa con và không bao giờ được tố cáo hay kết án nó. Nhiều cha mẹ không bao giờ sợ liên lụy trong tương quan với con cái: “Sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” Vấn đề ở đây không  phải là quy luật đạo đức, hay bổn phận, hay cái đúng/sai, điều quan hệ nhất chính  là mối tương quan, và trong trường hợp này, là mối tương quan cơ bản giữa cha mẹ và con cái. Mẹ Maria còn đi xa hơn nữa. Mẹ làm sáng tỏ không những mối tương quan giữa cha mẹ và con cái, nhưng còn là mối tương quan giữa người cha, người mẹ và đứa con trong sự viên mãn và toàn vẹn của nó. Chính ngài, người mẹ, lên tiếng không chỉ nhân danh mình, nhưng trước hết là nhân danh người cha rồi sau đó nhân danh chính mình. Đàng sau cảnh này ẩn dấu một trật tự lạ thường của chức vị làm cha và chức vị làm mẹ trong tương quan với việc làm con.

Đức Thánh Cha xác định rất đúng rằng: “cả hai người đóng góp, mỗi người một cách khác nhau, vào sự giáo dục đứa con. Tôn trọng phẩm giá của đứa con có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó được có một người mẹ và một người cha. Vấn đề không chỉ là tình yêu của người cha và của người mẹ xét cách riêng rẽ, mà còn tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và như nền tảng của gia đình. Nếu không, đứa trẻ xem ra chỉ còn là con vật sở hữu được dùng tùy tiện. Cả người nam và người nữ, người cha và người mẹ đều là “những người cộng tác với Tình Yêu Thiên Chúa Tạo Hóa và như thể họ là những thông dịch viên của Ngài. Họ tỏ lộ cho con cái họ dung mạo người mẹ và dung mạo người cha của Chúa.” (AL 172).

Tại sao mẹ Maria lên tiếng chớ không phải là thánh Giuse? Tại sao mẹ nêu tên người chồng đầu tiên? Vì từ khi thế giới là thế giới, chúng ta không thể chối bỏ bằng bất cứ cách nào tính độc nhất vô nhị của tương quan giữa mẹ và con mình cưu mang trong dạ. Chính người mẹ “hợp tác với Thiên Chúa để sinh ra phép lạ là một sự sống mới“. (AL 168). Cưu mang đứa con trong lòng, trong dạ mình, không phải chỉ là một chuyện của thể xác hay sinh lý hay  nhất thời của người mẹ, nhưng cho thấy một chiều kích thường trực làm nên đặc tính là mẹ nơi người phụ nữ. Mẹ Maria ngỏ lời với cậu Giêsu vì ngài có một tương quan gần gũi và thân mật cao nhất với con mình, nhưng đồng thời (và đây là một điều mà các bà mẹ ngày nay luôn cần phải học tập), mẹ được dùng làm gạch nối với thánh Giuse và khẳng định vị thế ưu tiên của tư cách làm cha đối với tư cách làm mẹ. Ở đây chúng ta ở thật xa thứ ngôn ngữ văn hóa hay xã hội hay đạo đức, hay xa hơn nữa, giới tính, là  nơi người ta khẳng định vị thế ưu tiên của người cha trên người mẹ. Trình thuật của Tin Mừng đưa cái nhìn của chúng ta đi xa hơn nhiều, cao hơn, sâu xa hơn: người cha là dấu chỉ của tư cách làm Cha của Thiên Chúa. Tuy vậy, ngày nay chúng ta chứng kiến sự gì? – “Một xã hội không có người cha“. “Trong nền văn hóa tây phương, có lẽ khuôn mặt của người cha một cáh biểu trưng đang thiếu vắng, hoặc bị loại bỏ, hay đã biến mất.” (AL 176). Khi ấy, Tin Mừng soi chiếu cho chúng ta một sự thật căn bản, “con cái cần tìm gặp một người cha đang chờ đợi chúng khi chúng trở về sau những lỗi lầm của chúng. Chúng sẽ làm mọi cách để không thừa nhận điều đó, để không cho thấy điều đó, nhưng chúng cần điều đó.” (AL 177).

  Mẹ Maria và thánh Giuse đã thành công trong việc thông đạt như người mẹ và người cha đối với trẻ Giêsu, là bởi vì tại nền tảng sự hiệp đồng giữa vợ chồng của các ngài thật sâu xa. Biết bao lần chúng ta quên rằng nền tảng của việc làm cha mẹ không chỉ là mối liên hệ làm con (người ta không trở nên cha mẹ chỉ vì đã sinh ra tự nhiên một đứa con, và thánh Giuse là một chứng tá cụ thể), nhưng còn bởi mối tương quan phu phụ của đôi bạn. Thật vậy, cuộc khủng hoảng cơ bản mà hiện nay các gia đình gặp phải hơn bao giờ hết liên quan chủ yếu ở chỗ hai người phối ngẫu thất học về mặt tình cảm vốn phát sinh từ mối tương quan căn bản giữa hai người phối ngẫu và vang âm trong mọi lãnh vực khác, từ đó tạo nên thứ “văn hóa tạm bợ“. “Tôi nghỉ đến, chẳng hạn, lối sống tốc độ trong đó người ta thay đổi từ quan hệ tình cảm này sang quan hệ tình cảm khác. Người ta tưởng rằng tình yêu, cũng giống như các mạng xã hội, có thể kết nối hay ngưng kết nối tùy theo sở thích của người tiêu dùng, và cũng có thể nhanh chóng “bị chặn”. Tôi cũng nghĩ tới nỗi sợ mà người ta cảm thấy bởi viễn cảnh của một sự dấn thân vĩnh viễn khơi lên, nghĩ tới nỗi sợ không còn thời gian tự do, nghĩ tới những mối tương quan tính toán thiệt hơn, người ta băn khoăn liệu chúng có bù đắp được sự cô đơn, có được một sự bao bọc chở che, hay được phục vụ thế nào đó hay không. Người ta chuyển đổi cách sống các quan hệ tình cảm giữa con người  thành thái độ sống như khi ứng xử với các đồ vật và môi trường, đó là xem mọi sự đều có thể vứt bỏ, mỗi người dùng xong rồi bỏ, mua và hủy, khai thác và vắt kiệt. Rồi thì chia tay!” (AL 39).

Hiển nhiên, tất cả các điều trên làm cho giới trẻ chán ngán trước việc lập gia đình, họ sợ thất bại như các người đã chọn kết hôn trước mình. Theo nghĩa này, Gia đình Nadarét là một ngọn đèn pha, không phải chỉ là lý tưởng nhưng có thật, bởi vì Gia đình này cũng thế, trải qua những mâu thuẫn và những chuyện phi lý của những thăng trầm của cuộc sống, chỉ cho mọi thế hệ thấy “niềm vui của tình yêu” (AL 1) sống giữa tổ ấm gia đình.

Vì lẽ ấy Đức Thánh Cha quả quyết mạnh mẽ: “Giao ước tình yêu và trung thành được Thánh Gia Nadarét sống, soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình, và giúp gia đình có thể đương đầu tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và của lịch sử. Trên nền tàng này, mỗi gia đình, dù trong yếu đuối, có thể trở thành một ánh sáng giữa đêm tối của thế giới. Nơi đây chúng ta hiểu cách sống trong ngia đình. Ước gì Nadarét dạy cho chúng ta biết thế nào là gia đình, sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; chúng ta hãy học đòi nơi Nadarét để biết cách thức đào tạo ngọt ngào và không gì thay thế được; hãy học cho biết thế nào là vai trò tiên quyết của gia đình trên bình diện xã hội“. (AL 66)

Chúng ta muốn học tập để trở nên một gia đình? Vậy hãy bỏ đi mẫu gia đình lý tưởng trong đầuchúng ta mà nhìn vào Thánh Gia thất đang chỉ cho mọi người thấy các biến cố gay cấn trong cuộc sống là một nguồn suối bất tận của ân sủng và thánh hóa cho toàn thế giới.

  • Trong gia đình

Hãy suy nghĩ

1. Nói “Khủng hoảng gia đình có thể trở thành nguồn mạch bất tận của ân sủng” nghĩa là gì?

2. Theo anh chị, tính độc nhất vô nhị của thiên chức làm mẹ hay làm cha là gì ?

Hãy sống

1. Hiển nhiên cuộc sống hôn nhân và gia đình của anh chị không thiếu những khó khăn, những vấn đề, những cái được gọi là “khủng hoảng”.  Vậy anh chị đã đương đầu với chúng như thế nào? Ngược lại, dưới ánh sáng của bài giáo lý anh chị đã suy niệm trên đây, lẽ ra anh chị phải đương đầu như thế nào?

2. Anh/Chị đã sống thiên chức làm cha hay làm mẹ trong tương quan với người bạn đời Chúa đặt bên cạnh mình như thế nào? Làm sao cho con cái của anh/chị cảm nghiệm được quan hệ tương liên giữa người cha và người mẹ?

  • Trong Hội thánh

Hãy suy nghĩ :

1. Tại sao trước nền văn hóa chủ trương tạm bợ, vẻ đẹp của nền văn hóa tình yêu “mãi mãi” khó lôi cuốn?

2. Làm sao tính cách là Cha của Thiên Chúa là nền tảng của mọi thiên chức làm cha làm mẹ  dưới đất này?

Hãy sống

1.Đối diện với vô số khủng hoảng thường xảy ra, một cộng đoàn Hội thánh phải tương tác như thế nào? Cộng đoàn được kêu gọi cống hiến theo cung cách nào, những phương pháp nào, những phương tiện nào, những không gian hay những khả thể nào khác?

2. Làm cha và làm mẹ là sứ mạng khó khăn và phức tạp nhất. Hội thánh được kêu gọi đóng góp cho sứ vụ đặc thù và duy nhất này như thế nào?


 Tin Vui chuyển ngữ (ubmvgiadinh.org)

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm