La Paz, Bolivia – Hội đồng Giám mục Bolivia phản đối lại dự luật của Quốc hội, đưa ra những nguyên nhân khác nhau để cho phép phá thai. Trong số các lý do, có lý do nghèo khổ cùng cực.
Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, các Giám mục Bolivia nói: “Đề xuất này đã bóp méo hệ thống tư pháp hình sự, xem sự nghèo khổ như một lý do để không bị trừng phạt đối với các tội phạm như giết trẻ sơ sinh và làm cho chết êm dịu, như thể nghèo khổ là một biện minh đầy đủ để vi phạm bất kỳ luật pháp nào.
Cuộc cải cách nằm trong dự án Bộ luật mới về Hệ thống Hình sự của nước này. Khoản 157 dự kiến việc phá thai trong 8 tuần đầu của thai kỳ, chỉ một lần, nếu thai phụ sống trên đường phố hay ở trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực không có đủ nguồn lực để chu cấp cho mình và cho gia đình. Điều luật này cũng quy định là phụ nữ có thể phá thai nếu đã là mẹ của 3 đứa con hay hơn nữa và không thể nuôi nấng chúng, hoặc nếu thai phụ là một sinh viên.
Dự án cũng quy định sự gián đoạn mang thai có thể xảy đến bất cứ thời gian nào của thai kỳ, nếu cần thiết để ngăn chặn một nguy hiểm hiện tại hoặc tương lai đối với sự sống hay sức khỏe của người phụ nữ và khi các thai nhi được xác định có những dị tật không thích hợp với sự sống.
Hiện nay, việc phá thai đòi phải có quyền hợp pháp cho tất cả các trường hợp, trừ khi mang thai vì bị bạo lực, hiếp dâm hay loạn luân và khi cuộc sống và sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm.
Các tổ chức bênh vực quyền phụ nữ ở Bolivia, một trong những quốc gia có nhiều bạo lực tính dục trong vùng, tính rằng mỗi ngày có 185 vụ phá thai bất hợp pháp.
Giáo hội Công giáo khẳng định rằng việc phá thai “là bạo lực đối với thân thể phụ nữ, để lại những hậu quả nặng nề trong tâm lý nữ giới, thường là không thể chữa trị.”
Các Giám mục tuyên bố rằng: “Nhà nước có trách nhiệm tạo ra các chính sách công nhằm cải thiện cuộc sống của người dân cũng như các chính sách giáo dục ủng hộ phụ nữ mang thai và phòng chống bạo lực.” (Agenzia Fides 15/3/2017)