Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần II Mùa Phục Sinh (23.04.2017): Chúa hiện ra với các môn đệ.
Thứ Bảy, 22-04-2017 | 17:09:22
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20,19-31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy niệm:
Tại một nhà thờ nọ, người ta có ghi một hàng chữ lớn trước cửa vào nhà thờ: “Hãy nhớ rằng, bạn không phải là nô lệ, nhưng là con Thiên Chúa”. Phải! Chúa Kitô Phục Sinh đã giải thoát chúng ta khỏi mọi nô lệ tội lỗi và cái chết để ban cho chúng ta cuộc sống mới của những người con tự do. Nhưng thật đáng buồn vì trong lịch sử Cận Ðại, con người đã thường quên đi sự kiện này của lòng tin để chạy theo các chủ thuyết khiến họ lại bước vào ngục tù tha hóa.
Vào thế kỷ XVIII, các tín hữu tại các quốc gia Châu Âu chạy theo chủ thuyết “Thiên Quang Luật”, hay đúng hơn họ dịch là “Trí Quang Luật”. Theo đó, chỉ có ánh sáng của lý trí con người mới có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề của họ mà không cần đến mạc khải hay truyền thống gì cả.
Sang đến tiền bán thế kỷ XIX, họ lại chạy theo chủ thuyết “Duy Thực Nghiệm”. Thuyết này cho rằng lý trí con người sẽ tìm ra lời giải thích tối hậu cho mọi hiện tượng khi đưa ra các luật lệ cắt nghĩa được sự liên kết tiếp nối của chúng. Khi hoàn thành được hệ thống các khoa học đó, thì nhân loại cũng đạt được hạnh phúc của mình. Cũng theo thuyết này thì những gì không thể kiểm chứng được bằng các luật lệ khoa học thì không hiện hữu.
Chủ thuyết thứ ba biến con người thành nô lệ là chủ thuyết “Duy Vật”. Chủ thuyết này dùng nhân tố kinh tế để giải thích lịch sử loài người. Theo đó, tôn giáo cũng là một nhân tố kinh tế được dùng như phương thế thống trị các tầng lớp lao động.
Từ những chủ thuyết trên, thì mẫu số chung của mọi chủ thuyết này là cột buộc con người vào thế giới vật chất với các luật lệ vật lý và loại bỏ chiều kích thiêng liêng siêu việt ra khỏi cuộc sống con người.
Tuy nhiên, tâm thức duy vật thực nghiệm trên đây đã luôn luôn hiện hữu trong lịch sử nhân loại. Ðiển hình là phản ứng của các tông đồ và của Tôma, những người đã sống cách đây 2,000 năm. Và qua bài trình thuật của thánh Gioan hôm nay, ngài muốn nêu bật một vài mấu điểm thần học sau đây:
1. Thái độ sợ hãi của đoàn tông đồ: họ sợ hãi bên ngoài và sợ hãi cả bên trong. Sau khi vội vã tống táng Ðức Kitô, đoàn tông đồ rút lui về nhà Tiệc Ly đóng kín cửa lại, vì sợ người Do Thái đang truy lùng và tàn sát các ông. Nhưng nhất là họ sợ hãi trong tận cùng thẳm sâu tâm hồn, vì họ cho rằng mọi mộng ước giờ đây đã tan vỡ không còn trông mong gì được nữa. Họ không tin hay tin quá ít vào sự sống lại của Chúa Giêsu như Ngài đã báo cho họ biết trước khi tử nạn.
2. Ðiểm thần học thứ hai thánh Gioan muốn nêu bật ở đây là thực tại cuộc sống và thân xác Phục Sinh của Chúa Kitô. Thân xác Phục Sinh của Ngài là một thân xác thần thiêng đã được biến đổi, vì thế nên không còn lệ thuộc vào các luật lệ vật lý của thế giới này nữa. Chúa Kitô Phục Sinh vào nhà Tiệc Ly khi cửa khóa kín mà không cần ai mở cửa cho Ngài.
Ðối với thánh Gioan, lễ Vượt Qua là ngày lễ Phục Sinh, Lên Trời và trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ. Ðó là ngày diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh một cách trọn vẹn. Ðây là lý do giải thích tại sao thánh sử Gioan lại không theo kiểu trình bày của thánh Luca, phân chia lịch sử cứu độ ra từng giai đoạn đều đặn mà lại coi lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu như là điểm kết tinh tràn đầy hoa trái của ơn cứu độ. Trong số các hoa trái mà Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cho đoàn tông đồ có sự bình an, niềm vui tươi tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và ơn tha tội. Niềm an bình đánh tan sự sợ hãi của các tông đồ. Niềm vui tươi chiếu tỏa ánh sáng hạnh phúc rạng ngời trên những khuôn mặt đau khổ buồn thương, chán nản, thất vọng của các tông đồ. Và Chúa Thánh Thần từ nay sẽ đặc biệt dạy dỗ, hướng dẫn và trợ lực cho các ông trong sứ mệnh tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu.
Thái độ duy vật thực nghiệm của tông đồ Tôma đã khiến cho ông được sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và tuyên xưng lòng tin của mình. Tôma đã thấy và đã tin, nhưng phúc cho những ai không cần đến các dấu chỉ bế ngoài mà vẫn tin, vì chỉ khi đó lòng tin mới thật tinh tuyền.
Nói khác đi, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh mời gọi Kitô hữu hoàn toàn xác tín vào Ngài và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Sống với Ngài bằng một niềm tin xác tín, vô điều kiện, không yêu sách, hay tùy hứng tình cảm nhất thời và thói quen nhàm chán uể oải, thay vì đòi được xem các điều lạ và các dấu chỉ, thì hãy biết trở thành dấu của cuộc sống Phục Sinh.
Sự an bình, niềm vui tươi và các ơn của Chúa Thánh Thần phải hiển hiện và giải tỏa ánh sáng Phục Sinh trên gương mặt của Kitô hữu. Thay vì khép nép, sợ sệt thì phải can đảm hiên ngang sống lòng tin của mình. Nói cách khác, ơn gọi của Kitô hữu là sống cuộc sống Phục Sinh và trở thành dấu chỉ sống động của sự sống mới ấy.
Chỉ với lòng tin tinh tuyền xác tín ấy, Kitô hữu mới có thể đứng vững trong các gian lao thử thách và bắt bớ như Chúa Giêsu Kitô. Tác giả sách Khải Huyền nhắn nhủ: “Các bắt bớ hành hạ và thiệt thòi mà Kitô hữu làm sao có thể đánh ngã quỵ lòng tin của họ”. Trong bảy lá thư gởi cho bảy giáo đoàn ở vùng Tiểu Á đang chịu mọi thử thách khổ đau dưới thời các hoàng đế Roma bắt đạo xưa kia, tác giả sách Khải Huyền cho thấy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh không ngừng kêu mời khuyến khích hay cảnh cáo thức tỉnh các tín hữu.
Sứ điệp Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh gởi cho các tín hữu thuộc bảy giáo đoàn cũng là sứ điệp Ngài gởi cho Kitô hữu của toàn thể Giáo Hội sống trong mọi thời đại ở khắp nơi trên thế giới này. “Cách nao núng” soạn giả nói ở đây ám chỉ tình trạng sống nội bộ của cộng đoàn Kitô nó thường mang dấu vết của thái độ thụ động, máy móc, bề ngoài, nhàm chán, chiếu lệ, không hăng say, không xác tín, đặc biệt trong các buổi cử hành Phụng vụ ngày Chúa nhật là ngày của Chúa. Vì các tín hữu này đã quên đi ý nghĩa và các hoa trái của mầu nhiệm cuộc sống Phục Sinh. Ðây không phải là trường hợp của thánh Phêrô và đoàn tông đồ như tình thuật trong Tông Ðồ Công Vụ 5.
Sau ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô đã công khai loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho dân thành Giêrusalem và tất cả mọi người, kể cả giới lãnh đạo Do Thái. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh, các tông đồ hiểu rằng Tin Mừng Chúa Giêsu loan báo trước đây cũng tiếp tục đem lại hoa trái phong phú trong lòng cộng đoàn Giáo Hội và giữa lòng thế giới như vậy. Ngày trước, Chúa Giêsu đã hoạt động và được dân chúng quí mến thán phục như thế nào, thì giờ đây các tông đồ tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu cũng làm được các phép lạ như Ngài và được dân chúng mến yêu thán phục như vậy. Tất cả đều là hoa trái sự sống lại của Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.
(Trích trong ‘suy niệm hằng ngày Radio Veritas Asia)
Tags: Chúa Nhật Tuần II Mùa Phục Sinh, suy niệm Tin Mừng, Tin Mừng thánh Gioan
Có thể bạn quan tâm
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh (19.04.2017): Chúa đã sống lại.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh (18.04.2017): Tôi đã xem thấy Chúa Phục Sinh.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh (17.04.2017): Hãy về báo tin cho các anh em Ta.
- Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, Năm A (16.04.2017): Chúa đã sống lại, Ngài đã sống lại thật.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Bảy Tuần Thánh - Vọng Chúa Phục Sinh (15.04.2017): Chờ đón Chúa Phục Sinh