Đức Thánh Cha gặp các linh mục, tu sĩ Bangladesh

Chúa Nhật, 03-12-2017 | 15:58:23

DHAKA. Trong cuộc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tập sinh Bangladesh, ĐTC tái kêu gọi bài trừ tật xấu nói hành nói xấu, gây hại cho cộng đoàn. Cuộc gặp gỡ của ĐTC diễn ra lúc gần 11 giờ trưa tại Nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Chittagong, gần thủ đô Dhara. Tại giáo phận này có 30 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 20 triệu dân cư, với 11 giáo xứ và 12 linh mục.

Đức Thánh Cha gặp các linh mục, tu sĩ Bangladesh


 Khi ĐTC tiến vào nhà thờ, 1.500 người gồm các LM, tu sĩ và chủng sinh đã nồng nhiệt đón vị chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, cũng với Đức TGM sở tại Moses Costa, dòng Thánh Giá.

 Lời chào mừng của Đức TGM Costa

 Đức Cha TGM Costa cho biết các LM, tu sĩ ở Bangladesh rất được dân chúng kính trọng và họ có một uy tín tinh thần lớn trong xã hội. Tuy là thiểu số, nhưng các LM, tu sĩ hoạt động giúp đỡ mọi người, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, màu da và chủng tộc. Tuy nhiên, ưu tiên vẫn được dành cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Ngoài việc mục vụ, các LM, tu sĩ còn dấn thân giúp đỡ người nhập cư, những người di tản, các bệnh nhân và người khuyết tật, trẻ em cũng như ngươi lớn, các nạn nhân thiên tai thường xảy ra tại nước này.

 Đức cha Costa cũng nói đến những thách đố và khó khăn lớn các LM, tu sĩ thường gặp phải trong việc mục vụ, đó là thách đố nghèo đói, phải di chuyển quá xa, những giới hạn đối với các dân thiểu số và các hoạt động thừa sai.

 Chứng từ

 Tiếp lời Đức Cha Costa, ĐTC và mọi người đã lần lượt nghe chứng từ của 1 LM, một vị thừa sai, một nữ tu, một tu huynh và sau cùng là một chủng sinh.

 – Ví dụ, Cha Abel Rozario, làm LM từ hơn 50 năm nay, cho biết vẫn quyết tâm rao giảng Lời Chúa trọn đời, và luôn cảm thấy khát khao phát triển mối liên hệ mật thiết với Chúa. Cha nói: ”Đời sống thiêng liêng của con trở thành nguồn sức mạnh cho công việc mục vụ của con, và việc phục vụ ấy cũng giúp con tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và mối liên hệ với Thiên Chúa”. Cha Rozario cũng thú nhận rằng nhiều khi ”con cũng cảm thấy tinh thần lên xuống, nỗi cô đơn và trống rỗng, nhưng con tín thác nơi Chúa, vì Chúa gọi con và đặt con dưới bàn tay che chở của Ngài”.

 – Nữ tu Mary Chandra, thuộc dòng Nữ Vương các tông đồ (SMRA) cho biết đoàn sủng dòng của chị là mang ơn cứu độ cho dân chúng bằng cách phục vụ người nghèo, các trẻ em và phụ nữ, trong vui tươi và không chút dè dặt. Chị thi hành công tác dạy học cho các em, giúp các em tăng trưởng trong đời sống luân lý và tinh thần. Chị cũng thường viếng thăm gia đình các học sinh, cầu nguyện với họ, lắng nghe các cha mẹ già, nhất là dành thời giờ ở với họ, giúp họ cảm thấy tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

 – Tu Huynh Lawrence Dias, dòng Thánh Giá, ở trong dòng từ hơn 63 năm nay, cho biết đã cố gắng hết sức phục vụ Giáo Hội qua nhiều sứ vụ của dòng. Thầy từng làm giáo viên, quản trị, huynh trưởng hướng đạo, nhân viên xã hội, đảm trách nhà huấn luyện, làm bề trên dòng, và từ 17 năm nay thầy sống trong một đền Đức Mẹ, được tuyên bố là Đền Thánh Mẫu quốc gia đầu tiên ở Bangladesh. Nhiều LM, tu sĩ và giáo dân đến Đền Thánh này để bồi dưỡng đời sống thiêng liêng và thầy giúp đỡ họ. Tại Đền thánh, có kinh nguyện đều đặn, suy niệm, chầu Minh Thánh Chúa, kinh Mân Côi và các kinh nguyện khác.

 Bài huấn dụ ứng khẩu

 ĐTC đã trao bài huấn dụ dọn sẵn để phổ biến và mọi người đọc sau. Và ngài ứng khẩu nói về sự hòa họp liên tôn ở Bangladesh, và từ đó ngài nói về sự hòa hợp cần có trong các cộng đồng tu trì và hàng giáo sĩ. Ngài nói:

 ”Anh chị em thân mến, cám ơn Đức TGM Costa vì lời giới thiệu và cám ơn những chứng từ của anh chị em.. Tôi đã dọn bài diễn văn dài 8 trang cho anh chị em… nhưng chúng ta đến đây để nghe ĐGH chứ không phải để buồn chán. Vì thế, để khỏi buồn chán, tôi giao diễn văn nà cho ĐHY, ngài sẽ cho dịch ra tiếng Bengali, trong khi tôi nói với anh chị em điều mà tôi vẫn quan tâm.”

 ĐTC tái lên án tật nói hành nói xấu và nói rằng ”Có những người phê bình là tôi cứ lập đi lập lại, nhưng tôi phải nói kẻ thù của sự hòa hợp là tật nói hành nói xấu. Đây không phải là một ý tưởng của tôi. Cách đây 2 ngàn năm, thánh Giacôbê tông đồ đã viết trong một thư. Miệng lưỡi phá hủy cộng đoàn. Không nói những lời phê bình trực tiếp với ngừơi liên hệ, nhưng với người khác, tạo nên một bầu không khí nghi kỵ, ghen tương, chia rẽ. Đó là một thứ bom, đó là nạn khủng bố. Ai có một quả bom, ai là kẻ khủng bố. Ai nói xấu người thác, thì họ là kẻ ném bom và ra đi yên hàn!”..

 ĐTC khuyên rằng ”khi anh chị em muốn nói xấu người khác, thì hãy cắn lưỡi mình, điều này có nguy cơ làm cho anh chị em bị đau, nhưng nhờ đó anh chị em không ném bom.”

 ĐTC nhận xét, có thể có ngừơi nêu vấn nạn: ”Nhưng thưa cha, khi con thấy một điều không ổn, chẳng lẽ con không được ném bom hay sao? Bạn hãy nói thẳng điều đó với người bạn muốn phê bình. Chúa Giêsu cũng đã làm như vậy. Chắc chắn có người sẽ nói với tôi: thưa cha, không thể được. Đó là một người phức tạp. Đúng vậy, nhưng nếu anh chị em không thể nói điều đó với người ấy, thì hãy nói với người nào có thể chữa lành sự ấy. Vậy, một là bạn nói thẳng mặt, hai là nói với người nào có thể can thiệp chứ đừng nói với ai khác. Bao nhiêu cộng đoàn tôi thấy đã bị phá hủy vì những lời nói hành nói xấu nhau.

 ĐTC cũng nhắn nhủ các LM, tu sĩ nam nữ Bangladesh về sự đơn sơ, có tình người đối với nọi người, và nghĩa vụ phải chăm sóc ơn gọi của mình, như khi chăm sóc một bệnh nhân, một trẻ em, một người già. Nếu thiếu sự chăm sóc này, thì hạt lúa nhỏ sẽ không tăng trưởng được, nó sẽ bị khô đi. Hãy dịu dàng chăm sóc ơn gọi, vì mỗi anh em trong hàng linh mục, trong cộng đoàn tu trì, mỗi chủng sinh, đều là một hạt giống của Thiên Chúa và Chúa nhìn hạt giống ấy với sự dịu dàng của một người Cha”.

 Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy vui tươi và nói: ”Thật là đau lòng khi gặp một linh mục, tu sĩ, chủng sinh và cả GM cay đắng, với bộ mặt sầu thảm, đến độ người ta bị cám dỗ hỏi người ấy: Anh hoặc chị ăn gì sáng nay vậy? Có phải ăn giấm không?”

 Bài huấn dụ trên giấy

 Trong bài huấn dụ trên giấy được phổ biến và dặn dò các LM, tu sĩ chăm chú đọc và suy gẫm, ĐTC viết:

 Cộng đoàn Công Giáo tại Bangladesh bé nhỏ, nhưng anh chị em như hạt cải mà Thiên Chúa làm cho trưởng thành với thời gian. Tôi vui mừng vì thấy hạt cải này đang tăng trưởng và được trực tiếp chứng kiến đức tin sâu xa mà Thiên Chúa ban cho anh chị em (Xc Mt 13,31-32). Tôi nghĩ đến các thừa sai nhiệt thành và trung tín đã trồng và chăm sóc hạt cải đức tin qua gần 5 thế kỷ… Tôi thấy anh chị em ở đây như những thừa sai đang tiếp nối công trình thánh thiện ấy. Tôi cũng thấy nhiều ơn gọi nảy sinh từ miền đất này: đó là một dấu chỉ ân phúc Chúa đang ban cho đất nước này. Tôi đặc biệt vui mừng vì tại đây cũng có sự hiện diện của các nữ tu chiêm niệm và vì lời cầu nguyện của các chị.

 Sau lời khích lệ trên đây, ĐTC lần lượt dựa vào 3 mầu nhiệm Mân Côi để rút ra những bài học thực tiễn.

 – Trước tiên là thái độ mau mắn ân cần của Mẹ Maria trong biến cố truyền tin. Thiên Chúa đã chuẩn bị Mẹ cho giờ phút ấy và Mẹ đã đáp lại với lòng yêu mến và tín thác. ĐTC nói: ”Chúa cũng chuẩn bị như vậy đối với mỗi người chúng ta và gọi đích danh chúng ta. Đáp lại lời mời gọi ấy là một tiến trình kéo dài trọn đời. Mỗi ngày chúng ta được kêu gọi học thái độ mau mắn hơn đối với Chúa trong kinh nguyện, suy niệm Lời Chúa và tìm cách nhận ra thánh ý Ngài. .. Chúng ta không thể mang danh Chúa Kitô hoặc tham gia vào sứ mạng của Chúa mà không phải là những người được ăn rễ sâu trong tình yêu, được tình yêu đốt cháy, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu trong Thánh Thể và qua lời Kinh Thánh.

 ”Sự ân cần, mau mắn đối với Chúa, giúp chúng ta nhìn thế giới qua đôi mắt của Chúa, và nhờ đó chúng ta nhạy cảm hơn đối với nhu cầu cấp thiết của những người chúng ta phục vụ. Chúng ta bắt đầu hiểu những hy vọng và vui mừng, những sợ hãi và gánh nặng của họ, chúng ta sẽ thấy rõ hơn nhiều tài năng, đoàn sủng và năng khiếu của họ để xây dựng Giáo Hội trong đức tin và sự thánh thiện.

 – Bước qua mầu nhiệm mùa thương trong kinh Mân Côi, ĐTC nhận xét rằng: ”Khi đi sâu vào các mầu nhiệm mùa thương, chúng ta biết được sức mạnh cứu độ của các mầu nhiệm ấy, và được củng cố trong ơn gọi tham dự vào các mầu nhiệm thương khó trong đời sống chúng ta, qua sự cảm thương và hiến thân. Chức linh mục và đời sống tu trì không phải là con đường công danh sự nghiệp, không phải là những phương thế để tiến thân, nhưng là một sự phục vụ, một sự tham gia vào tình yêu của Chúa Kitô, Đấng hy sinh bản thân vì đoàn chiên.

 ”Chúng ta thể hiện sự cảm thương ấy khi chúng ta đồng hành với con người, nhất là trong những lúc đau khổ và thử thách của họ, chúng ta giúp đỡ họ tìm thấy Chúa Giêsu.”

 ĐTC cũng nói: ”Tôi đặc biệt biết ơn vì, bằng những cách thức khác nhau, người trong anh chị em đang dấn thân trong lãnh vực xã hội, y tế và giáo dục, phục vụ những nhu cầu của các cộng đoàn địa phương và bao nhiêu người di dân và tị nạn đến đất nước này. Việc phục vụ của anh chị em cho cộng đoàn nhân loại rộng lớn hơn, đặc biệt cho những ngừơi đang ở trong tình cảnh túng thiếu nhiều, thật là điều quí giá để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới.

 – Sang đến các mầu nhiệm mùa mừng trong kinh Mân Côi, ĐTC khẳng định rằng ”Toàn thể sứ vụ của chúng ta nhắm công bố niềm vui Phúc Âm. Trong cuộc sống và hoạt động tông đồ, tất cả chúng ta đều ý thức những vấn đề của thế giới và những đau khổ của nhân loại, nhưng chúng ta không bao giờ đánh mất niềm tín thác nơi sự kiện sức mạnh tình yêu của Chúa Kitô trổi vượt trên sự ác và trên tên đầu sỏ gian dối, hắn tìm cách đánh lừa chúng ta. Anh chị em đừng để mình bị nản chí vì những thiếu sót hoặc vì những thách đố trong sứ vụ. Nếu anh em tiếp tục tỏ ra mau mắn ân cần đối với Chúa trong kinh nguyện và kiên trì trong việc trao tặng sự cảm thương của Thiên Chúa cho các anh chị em khác, thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho tâm hồn anh chị em được tràn đầy niềm vui an ủi của Chúa Thánh Linh”.

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì lòng trung thành phụng sự Chúa Kitô và Giáo hội của Chúa qua việc dâng hiến cuộc sống. Tôi hứa cầu nguyện cho anh em chị và tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.”

 Sau Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho mọi người, ĐTC còn viếng thăm nghĩa trang giáo xứ và cầu nguyện trong thinh lặng trước mộ của nhiều tu sĩ được an táng tại đây, rồi thắp lên một ngọn nến.

 Ngài cũng tiến vào ngôi thánh đường cổ kính cạnh đó, là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi do các thừa sai người Bồ Đào Nha xây cất cách đây 340 năm (1677) và nay được dùng làm nhà nguyện chầu Mình Thánh Chúa liên tục. Tại nhà thờ, ĐTC được Đức Cha Sebastian Tudu, GM giáo phận Dinapur sở tại và Nữ tu Bề trên tu viện thừa sai bác ái ở địa phương đón tiếp. Trong dịp này cũng có 200 cô nhi được các nữ tu săn sóc. ĐTC thăm hỏi và chúc lành cho các em. Bấy giờ là 12 giờ trưa. ĐTC về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 8 cây số để dùng bữa trưa cuối cùng.

 G. Trần Đức Anh OP

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm