Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc được ĐGH Biển Đức 16 thiết lập trong thư gửi các tín hữu Công Giáo tại nước này hồi năm 2007 và ấn định vào ngày 24-5 hàng năm.
Giảng trong Thánh lễ, dựa trên bài đọc thứ nhất trích từ thư thánh Giacôbê, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu xa tránh những của cải giàu sang quyến rũ và làm cho chúng ta trở thành nô lệ; của cải được Thiên Chúa ban cho chúng ta để trao tặng cho tha nhân.
Khó nghèo là tâm điểm của Tin mừng
Đoạn thư thánh Giacôbê cho thấy rằng những người lao động không được trả lương đã than khóc và những lời phản kháng của họ đã đến tai Thiên Chúa. Thánh Tông đồ Giacôbê đã nói với những người giàu, không bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhưng bằng những lời mạnh mẽ. Ngài nhắc đến sự giàu có hư hoại, cách thiếu đạo đức. Chúa Giêsu cũng nói mạnh mẽ như thế:
“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”. Trong Tin mừng thánh Luca, ngay sau các Mối Phúc thật, Chúa Giêsu đã nói đến mối họa đầu tiên là “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Nếu hôm nay một linh mục giảng như thế, trên báo chí, ngày hôm sau người ta sẽ nói: ông cha đó là cộng sản!” Nhưng nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng. Giảng dạy về nghèo khó là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Phúc cho những người nghèo” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và nó là thẻ căn cước, tấm thẻ căn cước mà Chúa Giêsu tự giới thiệu khi trở về làng của Người, ở Nazareth, trong hội đường Do thái: “Thần Khí ngự trên tôi, tôi được sai đi rao giảng Tin Mừng, Tin Tốt lành, cho người nghèo, tin vui cho người nghèo.” Nhưng trong lịch sử, chúng ta luôn có điểm yếu này khi cố gắng loại bỏ lời giảng dạy về nghèo khó này, bằng cách tin rằng đó là một vấn đề chính trị, xã hội. Không! Đó là Tin mừng thuần khiết, là Phúc âm tinh tuyền.
Kính yêu Chúa với cả trái tim
Tại sao lời giảng của Chúa Giêsu cứng cỏi như thế. Lý do chính là vì của cải là ngẫu tượng, chúng có thể cám dỗ. Chính Chúa Giêsu nói rằng “người ta không thể làm tôi hai chủ: hoặc là bạn phục vụ Chúa hoặc là bạn phục vụ của cải”: do đó nếu bạn xem của cải là chủ của mình thì của cải sẽ nắm lấy bạn, không buông bạn ra và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ kính Thiên Chúa, yêu Chúa hết lòng. Của cải cũng làm cho chúng ta đi ngược lại với giới răn thứ hai, vì nó phá hủy mối liên hệ hòa hợp giữa con người chúng ta với nhau, hủy hoại cuộc sống, hủy hoại linh hồn. Dụ ngôn người giàu có, người nghĩ về cuộc sống sung sướng, nghĩ đến yến tiệc hội hè, đến quần áo nhung lụa sang trọng, nhưng không hề nghĩ đến người ăn mày Ladarô tí nào. Của cải giàu sang đưa chúng ta ra khỏi sự hòa hợp với anh em, xa với tình yêu thương dành cho người lân cận, làm cho chúng ta trở nên ích kỷ.
Thánh Giacôbê tuyên bố tiền lương của những người lao động làm việc trên những vùng đất của người giàu và họ không được trả tiền. Có thể có người nào đó so sánh thánh tông đồ Giacôbê với “một thành viên công đoàn.” Tuy nhiên, ngài chính là “người nói theo sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Ngay cả ở Ý này, để cứu những thủ đô lớn, người ta để cho dân chúng thất nghiệp. Điều này đi ngược lại điều răn thứ hai và ai làm điều này thì: “Khốn cho các bạn!” Không phải tôi nói, nhưng chính Chúa Giêsu: Khốn cho các bạn, những kẻ khai thác bóc lột người, thuê người làm lậu, không đóng tiền nghỉ hưu, không cho ngày nghỉ. Khốn cho các bạn! Làm “phá giá”, lừa đảo về những việc các bạn phải trả tiền, về tiền lương. Đó là tội, thật sự là tội. Có người nói: “Không, thưa cha, con đi lễ mỗi Chúa Nhật và tham dự Hội đoàn Công giáo đó và con rất là Công giáo và con làm tuần chín ngày …” Nhưng mà các bạn không trả tiền lương? Sự bất công này là tội nặng. Tôi không nói điều đó, Chúa Giêsu đã phán như vậy, thánh tông đồ Giacôbê đã nói như thế. Đây là lý do tại sao của cải giàu có làm bạn xa cách điều răn thứ hai, xa cách tình yêu với người xung quanh.
Cầu nguyện và đền tội cho người giàu
Của cải có khả năng làm cho chúng ta trở thành những nô lệ. Bạn không tự do trước của cải. Để được tự do đối với của cải bạn phải xa lánh chúng và cầu nguyện với Chúa. Nếu Chúa ban cho bạn của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Chúng ta hãy cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)
Hồng Thủy(vi.radiovaticana.va)