Hệ quả tệ tại của cuộc thực dân về văn hóa tư tưởng
Bài đọc một trích sách Macabê hôm nay kể về việc vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách dân Chúa chối bỏ Luật Chúa. Điều ấy tiếp tục xảy ra mỗi khi trên trái đất này xuất hiện một chế độ độc tài mới về văn hóa và ý thức hệ, và đó là cuộc thực dân. Chúng ta hãy nghĩ về điều ấy. Điều ấy từng xảy ra với các chế độ độc tài tại châu Âu này vào thế kỷ trước. Trong hoàn cảnh thời ấy, các trường học và giới học đường bị nhồi sọ.
Các kẻ thực dân về văn hóa ấy, các kẻ độc tài ấy đã cướp đi tự do, đã xóa nhòa ký ức của người dân, và áp đặt tư tưởng, nhồi sọ thế hệ trẻ bằng hệ thống giáo dục. Tất cả những điều ấy, ba điều ấy, chính họ đã làm như thế. Họ đeo những đôi găng tay trắng lịch sự, nhưng thực ra là làm điều nhơ bẩn. Trong hoàn cảnh ấy, người giáo viên tỏ ra rất lịch thiệp tế nhị và tôn trọng học sinh nhưng kỳ thực đang nhồi sọ học sinh cách ma mãnh. Và ngược lại, chính giáo viên ấy cũng đang bị nhồi sọ theo kiểu: bạn biết rồi đó, đất nước ta dân tộc ta thế này thế kia, bạn phải dạy thế này này, bạn phải dạy học trò như này này, các sách vở phải viết như thế này này. Và khi ấy, trong sách vở, tất cả những gì ví như Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, tất cả những gì tương tự thế đều bị xóa bỏ. Và cũng thế, họ xóa bỏ những khác biệt, xóa bỏ sự phong phú đa dạng, họ xóa bỏ và xóa nhòa lịch sử. Họ bắt người ta phải nghĩ theo lối này này, phải nghĩ như thế này này, không được phép nghĩ như thế kia. Những ai nghĩ khác đều bị gạt qua một bên, hoặc ngay cả bị bắt bớ bị ngược đãi.
Cách chiến thắng hệ thống giáo dục nhồi sọ
Những điều tệ hại ấy đã từng thành công tại châu Âu. Trong bối cảnh ấy, có những người lên tiếng phản đối chế độ độc tài diệt chủng. Khi lên tiếng, họ bị bách hại, bị giam giữ, bị tra tấn. Không chỉ cướp mất tự do, những kẻ thực dân về văn hóa và ý thức hệ còn cướp đi ký ức. Họ giảm thiểu ký ức và lịch sử vào những truyện ngụ ngôn. Họ thêm thắt bằng những lời dối trá. Họ biến ký ức quan trọng trở thành những điều cũ kỹ. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, người mẹ được nhắc tới trong bài đọc một trích sách Macabê đã khuyên nhủ và khuyến khích các con của bà đứng vững, kiên vững trước cuộc tử đạo. Bà mẹ ấy cho chúng ta thấy vai trò độc đáo của người phụ nữ trong việc gìn giữ ký ức và nuôi dưỡng cội rễ lịch sử.
Cần gìn giữ ký ức, ký ức về ơn cứu độ, ký ức của dân Thiên Chúa. Với ký ức ấy, với đức tin mạnh mẽ ấy, mà người dân bị bắt bớ và bị bách hại bởi những kẻ thực dân tư tưởng và văn hóa. Ký ức về ơn cứu độ, ký ức của dân Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng bất kỳ hệ thống giáo dục nhồi sọ nào. Hãy nhớ điều ấy. Hãy khắc ghi các giá trị, hãy khắc ghi lịch sử, hãy khắc ghi những gì chúng ta đã học. Trong câu chuyện của bài đọc một trích sách Macabê, người mẹ nói tiếp với những đứa con, bà nói với con của bà bằng tiếng mẹ đẻ chứ không phải ngôn ngữ của đế quốc. Không có sự xâm chiếm nào, không có cuộc thực dân văn hóa nào có thể thắng được tiếng mẹ đẻ.
Vai trò độc đáo của người phụ nữ và tiếng mẹ đẻ
Nơi bà mẹ này, có một sự dịu hiền đầy nữ tính và có một sự can đảm đầy nam tính. Những giá trị ấy bén rễ sâu xa nơi ngôn ngữ của cha ông, và từ đó bà bảo vệ những đứa con của mình, bảo vệ những người trong dân Chúa. Trong hoàn cảnh ấy, sức mạnh của một người phụ nữ có thể chiến thắng sức mạnh của cuộc thực dân văn hóa. Các bà mẹ là thế, người phụ nữ là thế. Các bà các chị có sức mạnh gìn giữ ký ức và ngôn ngữ của dân tộc mình. Các bà các mẹ có thể bảo vệ lịch sử của một dân tộc. Các chị em ấy có thể thông truyền đức tin cho các thế hệ bằng tiếng mẹ đẻ.
Dân Thiên Chúa tiếp tục tiến bước nhờ sức mạnh của biết bao phụ nữ tốt lành nhiệt thành. Các bà mẹ có thể thông truyền đức tin cho con cái trong tiếng mẹ đẻ, trong ngôn ngữ của cha ông. Xin Chúa luôn ban ơn cho chúng ta, để trong Giáo hội, chúng ta luôn gìn giữ một ký ức sống động, để chúng ta không quên ngôn ngữ của cha ông, không quên ngôn ngữ bản địa, và để chúng ta luôn có những người phụ nữ can đảm.