Trước hết ĐTC cho biết có một nhóm trẻ em bị bệnh ở trong đại thính đường Phaolô VI. Các em trông thấy chúng ta ở quảng trường và chúng ta trông thấy các em. ĐTC cùng mọi người chào các em, và ngài nói như thế tốt hơn để tránh cho các em khỏi bị lạnh. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay chào hai dân tộc Chile và Perù mà ngài vừa viếng thăm về. Hai dân tộc này rất giỏi, rất giỏi!
ĐTC đã cám ơn Chúa và chính quyền đạo đời hai nước, cũng như mọi cộng sự viên và thiện nguyên viên vì đã cho ngài dịp gặp gỡ dân Thiên Chúa tại đây, đã được tiếp đón nồng hậu và chuyến viếng thăm đã diễn ra tốt đẹp. Ngài nói anh chị em hãy nghĩ coi tại cả hai nước đã có hơn 20.000 thiện nguyện viên: hơn 20.000 tại Chilê và 20.000 tại Perù. Đa số họ là người trẻ rât giỏi.
Ngài cho biết trước khi ngài đến Chile đã có nhiều vụ biểu tình phản đối, vì nhiều lý do khác nhau, như mọi người có thể đọc trên báo chí. Nhưng sự kiện này lại khiến cho chuyến viếng thăm thời sự hơn nữa, vì khẩu hiệu của chuyến công du là “Ta ban cho các con sự bình an”, là lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, được lập lại trong mỗi Thánh Lễ: ơn bình an mà chỉ có Chúa Giêsu chết và sống lại mới có thể ban cho ai tín thác nơi Ngài. Không phải chỉ mỗi ngưòi trong chúng ta cần đến hoà bình nhưng cả toàn giới nữa, ngày nay trong thế chiến thứ ba từng mảnh nhỏ này… Tôi xin anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình!
Đề cập tới cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị xã hội dân sự của Chile ĐTC nói:
Trong cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị và dân sự của quốc gia này tôi đã khích lệ con đường dân chủ Chile như không gian của cuộc gặp gỡ liên đới, có khả năng bao gồm các khác biệt. Cho mục đích này tôi đã chỉ ra phương pháp của con đường lắng nghe: đặc biệt lắng nghe dân nghèo, giới trẻ và người già, người di cư, và cả lắng nghe trái đất nữa.
Trong buổi cử hành Thánh Thể đầu tiên cầu nguyện cho hoà bình và công lý đã vang lên các Mối Phúc Thật, đặc biệt là “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Đây là một Mối Phúc cần làm chứng với kiểu sống gần gũi, chia sẻ, và như thế củng cố cơ cấu cộng đoàn giáo hội và toàn xã hội nhờ ơn thánh của Chúa Kitô.
** Trong kiểu gần gũi này quan trọng là các cử chỉ của lời nói, và một cử chỉ quan trọng mà tôi đã có thể hoàn thành là viếng thăm nhà tù phụ nữ tại Santiago: gương mặt của các phụ nữ ấy, nhiều người trong các bà mẹ trẻ đó bế con thơ trên tay, nhưng diễn tả biết bao hy vọng. Tôi đã khích lệ họ đòi hỏi từ chính mình và các tổ chức một lộ trình chuẩn bị cho việc hội nhập xã hội một cách nghiêm chỉnh, như chân trời trao ban ý nghĩa cho nỗi vất vả thường ngày.
Chúng ta không thể nghĩ tới một nhà tù, bất cứ nhà tù nào, mà không có chiều kích của việc hội nhập này, vì nếu không có niềm hy vọng của sự hội nhập xã hội, thì nhà tù là một tra tấn bất tận. Trái lại, khi hoạt động cho việc hội nhập, thì cả những người bị tù chung thân cũng có thể được hội nhập với xã hội qua công việc làm từ trong nhà tù, bước vào trong cuộc đối thoại. Nhà tù phải luôn luôn có chiều kích này của việc hội nhập. Luôn luôn.
Với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, và với các Giám Mục Chile tôi đã sống hai cuộc gặp gỡ sâu đậm, được phong phú hơn vì việc chia sẻ nỗi khổ đau của vài vết thương gây đớn đau cho Giáo Hội nước này. Tôi đã đặc biệt củng cố các anh em mình trong việc khước từ mọi giàn xếp với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, đồng thời tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng canh tân các thừa tác viên của Ngài qua thử thách thanh tẩy đớn đau này.
Hai Thánh Lễ khác tại Chile đã được cử hành, một tại miền nam và một tại miền bắc. Thánh lễ cử hành tại miền nam trong vùng Araucania, là nơi các thổ dân Mapuche sinh sống, đã biến các thảm cảnh và mệt nhọc của dân tộc này thành niềm vui, bằng cách gióng lên lời kêu gọi cho hoà bình, hoà hợp giữa các khác biệt, và cho việc khước từ mọi bạo lực. Thánh lễ cử hành tại miền bắc ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, đã là một thánh ca gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả ra một cách đặc biệt trong lòng đạo đức bình dân.
Các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và Đại học công giáo của Chile đã trả lời cho thách đố định đoạt cống hiến một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của các thế hệ mới. Tôi đã để lại cho các bạn trẻ lời nói diễn tả chương trình của thánh Alberto Hurtado: “Ở vào chỗ của tôi Chúa Kitô sẽ làm gì?”. Và với đại học tôi đã đề nghị một mô thức đào tạo toàn vẹn, diễn tả căn tính công giáo, có khả năng tham dự vào việc xây dựng một xã hội hiệp nhất và đa dạng, nơi các xung đột không bị che đậy nhưng được quản trị trong đối thoại.
Luôn luôn có các xung đột: cả trong gia đình nữa cũng luôn luôn có các xung đột. Nhưng đối xử xấu với các xung đột thì còn tệ hại hơn. Không dấu diếm các xung đột dưới giường: các xung đột được đem ra ánh sáng thì phải nói chuyện, lý luận và giải quyết với việc đối thoại. Anh chị em hãy nghĩ tới các cuộc xung đột nho nhỏ chắc chắn xảy ra trong gia đình anh chị em: không được che dấu chúng, nhưng hãy thảo luận. Hãy tìm lúc thuận tiện để thảo luận. Như thế xung đột được giải quyết bằng sự đối thoại.
** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC kể lại các kinh nghiệm đã sống bên Perù. Ngài nói: tại Perù khẩu hiệu chuyến viếng thăm đã là: “Hiệp nhất cho hy vọng”. Hiệp nhất không phải cho một sự đồng nhất khô cằn, mọi người đều như nhau: đây không phải là hiệp nhất; nhưng hiệp nhất trong tất cả sự phong phú của các khác biệt, mà các dân tộc đã thừa hưởng được từ lịch sử và nền văn hoá. Cuộc gặp gỡ với các dân tộc vùng Araucania bên Perù đã chứng tỏ điều này một cách biểu tượng, và đã khai mào cho lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Toàn Amazzonia được triệu tập vào tháng 10 năm 2019. Cũng làm chứng cho điều này là các cuộc gặp gỡ với các dân tộc tại Puerto Maldonado và với các trẻ em của nhà tiếp đón “Hoàng tử nhỏ”. Chúng tôi đã cùng nhau nói không với sự thực dân kinh tế và thực dân ý thức hệ.
Nói chuyện với các giới chức chính trị và dân sự Perù tôi đã đánh giá cao gia tài môi sinh, văn hoá và tinh thần của đất nước này, và tôi đã nêu bật hai thực tại đe dọa nó nhất: đó là sự đồi tệ môi sinh xã hội và nạn gian tham hối lộ. Tôi không biết anh chị em có nghe nói về gian tham hối lộ ở đây chưa… tôi không biết… Không phải chỉ có ở các phần đất ấy, mà ở đây cũng có… Nó nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó trộn lẫn và làm hư hỏng con tim. Gian tham hối lộ làm hư hỏng trái tim. Vì thế xin làm ơn, đừng gian tham hối lộ.
Tôi đã nhấn mạnh rằng không có ai được miễn trừ khỏi trách nhiệm của mình trước hai vết thương này, và việc dấn thân chống lại chúng liên quan tới tất cả mọi người. Tiếp đến ĐTC cho biết Thánh Lễ đầu tiên cử hành tại Perù là trên bờ biển gần thành phố Trujillo, nơi trận bão “Ninho duyên hải” năm ngoái đã gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng. ĐTC nói:
** Vì thế tôi đã khích lệ họ phản ứng chống lại trận bão đó, nhưng cũng phản ứng chống lại các trận bão khác như cuộc sống xấu xa, việc thiếu giáo dục, thiếu công ăn việc làm và nhà ở chắc chắn. Tại Trujillo tôi cũng đã gặp gỡ các linh mục và người sống đời thánh hiến ở mạn bắc Perù, và chia sẻ với họ niềm vui của ơn gọi và sứ mệnh, cũng như trách nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Tôi đã khích lệ các vị giầu ký ức và trung thành với các cội rễ của mình. Và trong các cội rễ đó có lòng đạo đức bình dân đối với Đức Trinh Nữ Maria. Cũng tại Trujillo đã có cuộc cử hành kính Đức Mẹ, trong đó tôi đã đội triều thiên cho Đức Trinh Nữ Porta và tuyên bố Mẹ là “Mẹ của lòng Thương xót và niềm Hy vọng”.
Ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm là Chúa Nhật vừa qua đã diễn ra tại Lima với một dấu nhấn tinh thần và giáo hội mạnh mẽ. Tại đền thánh nổi tiếng nhất của Perù trong đó có ảnh Thánh Giá gọi là “Chúa làm phép lạ”, tôi đã gặp gỡ khoảng 500 nữ tu dòng kín của đời chiêm niệm: một lá phổi đích thực của đức tin và lời cầu nguyện cho Giáo Hội và toàn xã hội. Trong nhà thờ chính toà tôi đã chu toàn một cử chỉ cầu nguyện xin sự bầu cử của các Thánh nước Perù, sau đó là cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, và tôi đã đề nghị với các vị gương mặt của thánh Toribio di Mogrovejo. Cả với các người trẻ Perù tôi cũng đã chỉ cho thấy các Thánh như những người nam nữ đã không mất thời giờ để trang điểm hình ảnh của mình, nhưng đã theo Chúa Kitô là Đấng đã nhìn họ với niềm hy vọng. Như luôn luôn là thế, lời của Chúa Giêsu trao ban ý nghĩa tràn đầy cho tất cả, và như vậy cả bài Phúc Âm của buổi cử hành Thánh Thể cuối cùng đã tóm tắt sứ điệp Thiên Chúa gửi cho dân Ngài tại Chile và Perù: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Như vậy xem ra Chúa đã nói – anh em sẽ nhận được sự bình an mà Thầy ban cho anh em và anh em sẽ hiệp nhất trong niềm hy vọng của Thầy. Đây đã ít nhiều là tóm tắt chuyến công du này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia anh em là Chile và Perù để Chúa chúc lành cho hai nước.
ĐTC Phanxicô chụp hình vớí các trẻ em Brasil trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng 24-1-2018 – ANSA
** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp và nói: trong khi chúng ta kết thúc tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô tôi xin mời anh chị em hãy là những người đi tiên phong của hoà bình và sự hiệp nhất trong các nơi anh chị em sinh sống. Với tín hữu đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh quốc, Bosni Erzegonive và Hoa Kỳ, ĐTC đặc biệt chào các sinh viên Học viện đại kết Bossey, cũng như các linh mục của học viện đào tạo thần học thường huấn của trường bắc Mỹ Roma. Ngài xin Chúa Kitô đổ tràn đầy bình an và ơn thánh trên họ và gia đình họ.
Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp mọi người trao đổi tình yêu mà Chúa ban cho mỗi ngày với các anh em khác.
Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu đến từ vùng Brangança, Paulista và Maringá, ngài cầu chúc họ mạnh mẽ trong niềm tin nơi Chúa Kitô, và rộng mở trái tim cho các anh chị em túng thiếu cần được trợ giúp.
ĐTC đặc biệt cám ơn các tín hữu Ba Lan đã đồng hành với ngài trong chuyến viếng thăm Chile và Perù trong lời cầu nguyện. Chuyến viếng thăm đã là dịp sống kinh nghiệm sự hiệp nhất, việc trân quý và thăng tiến các giá trị tinh thần đâm rễ sâu trong Tin Mừng và truyền thống của các dân tộc hai nước này.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người
Linh Tiến Khải