Giải Đáp Thắc Mắc: Bản Tính Thiên Chúa và Ơn Cứu Độ

Thứ Bảy, 23-03-2019 | 11:12:02

 Hỏi: Thưa Cha, con có hai câu hỏi như sau:

  1. Có người nói: Chúa Giêsu có hai bản tính, “Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người”. Chúng ta cũng có hai bản tính: “Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người”. Kính thưa Cha, câu sau có đúng không?
  2. Chúa Giêsu nói: “Không ai đến với Cha mà không qua Thầy”. Câu nói trên theo con hiểu như sau: Một người muốn được rỗi linh hồn về Nước Trời hưởng Nhan Thánh Chúa thì phải theo Đức Kitô. Vì trước khi Chúa về Trời, Người đã truyền cho các thánh Tông đồ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa cho họ “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Như vậy muốn vào Thiên Đàng, phải nhận Phép Rửa là điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên con nghe có người lại nói: Nếu một người cứ ăn ngay ở lành, thì họ cũng được vào Nước Trời. Như vậy họ vào đạo Công giáo làm chi cho mất thời giờ đi lễ hay đọc kinh.

Nhưng con nghĩ câu sau thì không đúng. Có người lương ở sát bên nhà thờ, sách báo về đạo Công giáo họ có rất nhiều, họ biết nhưng họ không muốn theo chứ không phải là họ không được biết. Kính xin Cha giải thích. Con xin đa tạ.

(Nguyễn Lăng)

Trả lời:

Nguyễn Lăng thân mến,

  1. Chúa Giêsu có hai bản tính, “Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người”. Đó là giáo huấn của Hội Thánh Công giáo chứ không chỉ là có người nói như vậy. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật như Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 464 đã trình bày:

“Con Thiên Chúa nhập thể, là biến cố độc nhất vô nhị, sự kiện này không có nghĩa là Đức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Người thật sự đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết”.

Công đồng Canxêđônia còn tuyên xưng:

Trong cùng một Đức Kitô duy nhất, là Đức Chúa, là Chúa Con duy nhất, chúng ta phải tin nhận có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt.

Còn loài người chúng ta chỉ có một bản tính thôi: bản tính loài người. Nói rằng chúng ta cũng có hai bản tính: “Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người” là hoàn toàn sai lạc. Vì con người là thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa nên không có bản tính Thiên Chúa (x. Sách GLHTCG số 355). Con người được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Trong con người, tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất (GLHTCG số 365).

  1. Bí tích Thánh tẩy cần thiết cho ơn Cứu Độ như Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền cho các môn đệ khi sai họ đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Tuy nhiên, có những người chưa được rửa tội nhưng vẫn ăn ngay ở lành vẫn sống theo lương tâm, luôn hướng về sự thiện thì số phận của những người này sẽ ra sao? Họ chưa được rửa tội vì họ không có cơ hội được đón nhận Tin Mừng chứ không phải cố tình từ chối. Chẳng lẽ họ cũng phải chịu hình phạt trong Hỏa Ngục hay sao?

Về điểm này Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo và Công đồng Vatican II trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đã xác định:

Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.

Chúng ta cũng phải giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này.

Nói thế không có nghĩa là “Nếu một người cứ ăn ngay ở lành, thì họ cũng được vào Nước Trời. Như vậy họ vào đạo Công giáo làm chi cho mất thì giờ đi lễ hay đọc kinh” như bạn vừa nêu lên. Vì, thường con người bị ma quỷ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Đấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ, họ còn phải đương đầu với những sự cám dỗ nặng nề đến nỗi họ khó lòng vượt thắng được. Vì thế, phép Rửa Tội là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh, giải thoát họ khỏi tội lỗi, cho họ được tái sinh và được làm con Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được hưởng muôn vàn sự trợ giúp trong Hội Thánh như các bí tích, các ơn ích thiêng liêng, các lời cầu nguyện, sự hiệp thông nâng đỡ của cộng đoàn… để họ dễ dàng đạt được ơn Cứu Độ là sự sống đời đời.

Còn ai từ chối đón nhận Tin Mừng thì họ phải chịu trách nhiệm trước sự phán xét của Thiên Chúa.

Về điểm này Công đồng Vatican II trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đã khẳng định:

“Những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi” (LG 14).

Phần chúng ta, chúng ta không phán xét ai cả vì ta không thể biết được việc loan báo Tin Mừng đã đến với tâm hồn người khác như thế nào và ơn sủng của Chúa soi sáng họ đến đâu nên tránh những phê phán sai lạc không đúng với giáo huấn của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT

Tags: