Giáo lý Giáo Hội Công Giáo về vấn đề tránh thai (phần 3/4)

Thứ Bảy, 03-06-2017 | 12:33:22

III. LƯƠNG TÂM CẦN ĐƯỢC GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG DẪN BỞI GIÁO HUẤN

17. Tại sao có một số người hiểu biết nhiều, xem ra tốt Đạo, ngay cả một vài Linh Mục, cho rằng tránh thai là đươc?

Đến một mức độ nào mà những Kitô hữu đó không đi theo giáo huấn trong sáng của Giáo Hội, họ không trở nên một Kitô hữu tốt lành. Và nếu một Linh Mục không giảng dạy học thuyết của Giáo Hội, đơn giản là khi đó Ông không làm nhiệm vụ một Linh Mục. Rất có khả năng, họ hiểu sai tầm quan trọng của Giáo Huấn Giáo Hội, và hầu như chắc chắn, họ đã lúng túng trong khái niệm Kitô giáo về luân lý và lương tâm.

18. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có thể sai lầm khi kết án việc tránh thai trong Thông điệp HUMANAE VITAE không? Đã có người nói rằng ngài có thể sai lầm, vì Thông điệp đã không dùng đến “quyền vô ngộ”?

Khi Giáo Huấn dạy tránh thai là phi đạo đức và chống lại ý muốn của Thiên Chúa, đó là lời dạy bảo kiên định của Giáo Hội, không hề do chọn lựa tùy tiện của một vị Giáo Hoàng cô độc. Hơn nữa, vấn đề quan trọng cho mỗi người trong chúng ta, cho hành vi luân lý của chúng ta, không ở chỗ có điều gì không thể sai, mà là có điều gì đúng hoặc sai. Khi dạy bảo việc giết người và cướp đoạt là phi luân lý, thì không cần dùng quyền vô ngộ, mà cũng không cần đưa ra yếu tố không thể sai lầm để quy kết là phi luân lý. Thẩm quyền thông thường của Giáo Hội luôn tôn trọng lời tuyên dạy có tính chân thành tôn giáo.

Mọi người phải lấy ý chí và lý trí kính cẩn tuân phục cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Rôma, dù khi Ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng, và chân thành chấp nhận các phán quyết của Ngài, theo đúng tư tưởng và ý muốn Ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc Ngài nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của Ngài (LG 25).

Bên cạnh lời dạy không ngớt trong giáo huấn thường xuyên của Giáo Hội, tất cả các vị Giáo Hoàng cận đại phải giải quyết vấn đề này đều lên án tránh thai. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã duy trì bằng lập đi lập lại giáo huấn của thông điệp Humanae Vitae trong nhiều thể loại văn kiện giáo hoàng, nhắc lại mối liên kết các lời giáo huấn mạnh mẽ này trên hết, về nền tảng tự nhiên của giáo huấn và luật của Thiên Chúa. Do đó, đây là yếu tố rất mạnh để xác định rằng giáo huấn về bản chất phi luân lý của tránh thai không thể sai lầm, đặt nền tảng trên ơn vô ngộ mà thẩm quyền giáo huấn thông thường và phổ quát có thể có được (x. LG 25).

19. Giáo huấn này có thể sẽ được điều chỉnh như luật Ăn chay, kiêng cữ, cho vay nặng lãi… đã từng thay đổi trong quá khứ không?

Khi nói giáo huấn của Giáo Hội về sự phi luân lý của tránh thai được đặt nền tảng trên luật tự nhiên, điều này sẽ không thay đổi trong cốt lõi, nhưng chỉ có thể khai triển mà không đi ngược lại chính bản chất của giáo huấn. Các luật lệ đặc trưng về ăn chay, kiêng cữ không phải là những nguyên lý của luật tự nhiên, nhưng được đặt nền tảng trên sự rèn luyện kỷ luật trong Giáo Hội. Giáo huấn của Giáo Hội về sự phi luân lý của cho vay lãi đã không thay đổi trong cốt yếu, nhưng được phát triển theo khái niệm về tiền tệ tùy thuộc đặc tính của tiền vốn. Cho vay nặng lãi vẫn là phi đạo đức, tuy nhiên tìm kiếm lợi tức không phải là hành vi cho vay nặng lãi, nếu được xét là hợp lý và phù hợp với luật.

“Qua việc định rõ bản chất hành vi tránh thai là bất hợp pháp, Đức Phao-lô 6 muốn dạy rằng tiêu chuẩn đạo đức dành cho vấn đề này không cho phép được hưởng luật trừ. Không một ai hay một hoàn cảnh xã hội nào, từ trước đến giờ hoặc mãi mãi về sau, có thể đưa ra một hành vi hợp pháp trong chính bản chất hơn thế” (Gioan Phaolô II, Hội Nghị Quốc Tế về Thần Học Luân Lý, tháng 12 năm 1988).

20. Tôi được khuyên rằng có thể nghe theo lương tâm thay thế cho Giáo huấn này của Giáo Hội, vì xét cho cùng, lương tâm là thước đo luân lý gần sát tôi nhất?

Lương tâm là sự phán xét về đạo đức mà chúng ta dành cho từng hành vi riêng biệt, đặt nền tảng trên luật luân lý. Lương tâm không thể đưa ra những phán xét có tính tự trị hay tự đặt ra những luật lệ riêng. Người Kitô hữu cần được giáo huấn của Giáo Hội hướng dẫn, mỗi khi họ vận dụng tiếng lương tâm, nếu không, bản thân họ bị lầm lẫn hoặc lương tâm họ sai lạc. Do đó không bao giờ lương tâm có thể là quy luật hoàn chỉnh so với luật luân lý. Vì thế, mỗi người Kitô hữu có bổn phận rèn luyện lương tâm của mình, để có được sự hướng dẫn chính xác và bảo đảm trong những hành vi luân lý. Nếu họ thờ ơ việc giáo dục này, sự sai lầm và không hiểu biết có thể gây nên tội đáng khiển trách.

Tuyên bố rằng lương tâm đã chuẩn xác, khi đặt nghi ngờ trên sự thật dạy bởi thẩm quyền Giáo Hội, là hàm ý từ chối khái niệm Kitô giáo trong cả hai lãnh vực: thẩm quyền giáo huấn và đạo đức lương tâm (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, như trên).

Đôi khi, với chỉ một ý tưởng mơ hồ rằng lương tâm là gì, chúng ta có thể nghĩ về nó như “một tiếng nói nhỏ” dạy chúng ta làm điều gì, mà không nghĩ đến việc tham khảo luật luân lý. Theo cách này, chúng ta lẫn lộn lương tâm với ước muốn riêng hay cảm tưởng chủ quan, chúng ta còn có thể lầm lẫn giữa cám dỗ của ma quỷ với tiếng nói của lương tâm.

21. Ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, có tình trạng đa số Kitô hữu không tuân theo lời dạy của Đức Giáo Hoàng về vấn đề này. Viện lẽ Giáo Hội cũng là “Dân Chúa”, ta có thể xem những lời dạy này, cũng chỉ là cách diễn tả “cảm thức đức tin” không?

Những nguyên tắc căn bản và những vấn đề thuộc phạm vi luân lý không thể được quyết định bằng bầu phiếu, bởi lẽ ý nghĩa bó buộc của nó đến từ Thiên Chúa, theo luật tự nhiên. Nhiệm vụ cai quản trong Giáo Hội, được thiết lập bởi Chúa Kitô, không như một chế độ dân chủ. Đúng hơn, Ngài đã thiết lập một phẩm trật để phục vụ Dân Chúa bằng việc thực thi cùng một lúc ba nhiệm vụ: giáo huấn, thánh hóa và cai quản. Cảm thức đức tin là sự diễn tả đức tin chân thật của Giáo Hội khi tin tưởng điều gì mà Giáo Hội nhận được: đây là điều kiện cần; trong khi thẩm quyền giáo huấn là sự diễn tả đức tin của Giáo Hội khi Giáo Hội giảng dạy: đây là điều kiện đủ. Tình trạng nói trên cho thấy rất cần trợ giúp những người này thực hành đức tin Kitô giáo. Không cần dấu giếm về rất nhiều quốc gia Tây phương đang ở trong tình trạng phải cấp bách có một nỗ lực tái rao giảng Tin Mừng.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: Catechesis on Contraception

Tác giả : Roberto Latorre

Chuyển ngữ: Nguyễn Quốc Đoạt

Nguồn: catechesis.net

Tags: , ,