Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng thăm Ad Limina: Diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô 

Thứ Ba, 06-03-2018 | 18:33:11

DIỄN TỪ
TRIỀU YẾT ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

DO ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH,
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

PHÁT BIỂU NGÀY 05/03/2018 TẠI ĐIỆN VATICAN
NHÂN DỊP CHUYẾN VIẾNG MỘ CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ

(AD LIMINA APOSTOLORUM)
TỪ 02 đến 11/03/2018 TẠI RÔMA

WHĐ (06.03.2018) – Trong cuộc viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại buổi triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 05 tháng Ba 2018, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã thay mặt các Đức giám mục phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha. Vì Đức Thánh Cha muốn buổi tiếp kiến diễn ra trong bầu khí gần gũi thân mật nên ngài đề nghị các Đức cha chia sẻ tự do và gửi lại bài diễn từ cho ngài đọc sau và lưu văn khố của Toà thánh.

Sau đây là bài diễn từ soạn sẵn của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh:

***

Kính lạy Đức Thánh Cha,

Hiện diện trước mặt Đức Thánh Cha sáng hôm nay là Hội đồng Giám mục Việt Nam. Toàn bộ ba mươi ba vị Giám mục đương nhiệm tại chức đang có mặt đông đủ tại đây. Điều đó chứng tỏ tất cả và từng người chúng con rất quý trọng Đức Thánh Cha. Từ khi được Toà Thánh thông báo về thời điểm cuộc viếng thăm Ad Limina cách nay sáu tháng, ai nấy trong chúng con đều tràn ngập niềm vui, “ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” và nóng lòng mong đợi cuộc gặp gỡ này.

Vâng, kính lạy Đức Thánh Cha, có được cơ hội để thể hiện tình hiệp thông Giám mục đoàn cách cụ thể bên cạnh ngai toà Thánh Phêrô, đối với chúng con là cả một hồng ân lớn lao. Càng hạnh phúc hơn nữa khi chúng con được trực tiếp diện kiến Đức Thánh Cha bằng xương bằng thịt, điều mà biết bao Kitô hữu khắp nơi trên thế giới ước ao suốt mà không được.

Trong giây phút lịch sử này, nhân danh cộng đồng công giáo Việt Nam, chúng con xin kính cẩn bái chào Đức Thánh Cha với tất cả tình con thảo đối với vị cha chung Giáo Hội hoàn vũ và vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập trên mặt đất này. Chúng con xin thân thưa với Đức Thánh Cha rằng cho đến nay, nét đặc trưng nhất của Giáo Hội công giáo Việt Nam là lòng yêu mến Đức Thánh Cha và lòng trung thành đối với Toà Thánh. Lịch sử của Giáo Hội và dân tộc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bão tố, nhưng những tình cảm tốt đẹp đó đã không bao giờ lay chuyển và phai mờ.

Các vị thừa sai Âu Châu đã đem Tin Mừng đến Việt Nam từ thế kỷ XVI. Mãi đến hơn hai thế kỷ sau đó, các thế lực thực dân mới xâm lăng Việt Nam, nhưng chính quyền dân sự thời bấy giờ đã chắp ghép truyền giáo với thực dân và tố cáo người công giáo làm tay sai cho các thế lực nước ngoài. Hậu quả là suốt gần hai trăm năm liên tiếp, Kitô hữu Việt Nam đã không ngừng bị bách hại. Lịch sử của dân tộc Việt Nam là một lịch sử đau thương, với những cuộc chiến tranh đẫm máu, hận thù và liên lỉ. Điều mà sử gia nào cũng phải nhìn nhận, đó là trong tất cả những cuộc chiến đó, người công giáo luôn luôn là nạn nhân của phân biệt, kỳ thị và ngược đãi.

Tuy nhiên, chúng con rất vui mừng và cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã biến tất cả những khó khăn thử thách đó thành những kho tàng quý giá: hàng trăm ngàn Kitô hữu đã được phúc tử đạo. Trong số đó, 117 vị đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19/06/1998. Biến cố đó đã trở thành một trong những kỷ niệm đẹp nhất và là niềm kiêu hãnh đậm nét nhất trong lịch sử cận đại của Giáo Hội chúng con. Năm 2018 này là năm chúng con long trọng cử hành ngày hồng phúc ấy một cách cụ thể trong mọi sinh hoạt và ở mọi cấp cộng đoàn. Quả thật, giữa khốn khó gian truân, Kitô hữu Việt Nam chúng con đã khám phá được phần nào “Niềm vui Tin Mừng” như Đức Thánh Cha đã diễn tả trong tông huấn này.

Nói như thế không có nghĩa là chúng con đã được an thân trong thời đương đại này. Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của cuộc chiến tranh ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.

Trong bối cảnh đó, giáo huấn của Đức Thánh Cha là một nhắc nhở vô cùng quý giá cho Giáo Hội Việt Nam. Giáo huấn đó đã được Đức Thánh Cha phát biểu trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Phải ra khỏi thế giới tiện nghi và phải can đảm tiếp cận tất cả các vùng ngoại vi đang cần đến ánh sáng Tin Mừng” (số 20 ). Chúng con rất cảm kích khi nhận ra rằng chúng con cần phải dứt khoát ra khỏi thói quen cũ kỹ và những lối sống sợ hãi, cầu an. Từ khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha luôn luôn lặp đi lặp lai lời kêu gọi hãy xây dựng một Giáo Hội sẵn sàng “lên đường”, một Giáo Hội hoạt động như một “bệnh viện lưu động”. Trong chốc lát nữa đây, chúng con sẽ rất phấn khởi nếu Đức Thánh Cha chia sẻ cho chúng con cảm hứng, kinh nghiệm và bí quyết của Đức Thánh Cha để chúng con thấm nhuần hơn nữa nguyện ước của người cho một Giáo Hội mỗi lúc một sống đúng sứ mệnh của mình hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, chúng con cũng đang phải đối phó với hiện tượng suy đồi những giá trị nền tảng của gia đình. Trong một xã hội càng ngày càng có xu hướng tiêu thụ và hưởng lạc, trong một thế giới trào lưu di dân mỗi lúc một gia tăng, cuộc sống hôn nhân đang bị đe doạ cách nghiêm trọng. Trong ba năm trước mắt, chúng con đang phấn đấu tối đa để đưa tinh thần của tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha soi chiếu đường đời của những cặp vợ chồng trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này.

Kính lạy Đức Thánh Cha,

Như những con nai mong đợi dòng suối mát, chúng con muốn trình bày rất nhiều vấn đề và thách đố chúng con đang gặp, để chúng con được uống tận nguồn nước phát ra từ đấng thay mặt Chúa Kitô, nhưng chúng con cũng biết thời gian dù quý báu này cũng chỉ giới hạn vì là thời gian của một vị lãnh đạo toàn cầu là thời gian đếm từng giây từng phút. Chúng con nghe nói Đức Thánh Cha chỉ điểm tâm có hai phút… Chỉ phục vụ một giáo phận thôi mà nhiều khi chúng con có cảm tưởng gánh nặng không thể vác nổi. Chúng con tự hỏi làm sao tuổi già sức yếu như Đức Thánh Cha có thể gánh vác được công việc của cả một hành tinh, nhất là một hành tinh càng ngày càng nhiều vấn đề đầy thách đố. Chúng con xin hứa hằng ngày sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, điều mà chúng con thường xuyên thực hiện mỗi khi có cộng đoàn chầu Thánh Thể.

Chúng con phải dừng lại ở đây và phó thác hiện tại cũng như tương lai của hai mươi sáu giáo phận, với bốn ngàn ba trăm giáo xứ, hơn bốn ngàn linh mục, trên dưới hai chục ngàn nam nữ tu sĩ của hai trăm bốn mươi hội dòng chúng con cho Đức Thánh Cha. Xin Đức Thánh Cha chúc lành và cầu nguyện cho Giáo Hội nhỏ bé của chúng con.

Kính lạy Đức Thánh Cha.

Một trong những món quà đẹp và đẳng cấp nhất chúng con nhận được trong cuộc hành hương Ad Limina này, đó là cuộc gặp gỡ thân mật Đức Thánh Cha đã dành cho chúng con hôm nay. Chỉ trong chốc lát nữa chúng con sẽ trở về mang theo và ấp ủ trong lòng kỷ niệm không bao giờ phai này. Nhưng chúng con cũng đành phải xa cách về thể lý đối với người Cha khả kính nhất của chúng con. Chúng con chạnh nghĩ, nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đa số không công giáo, đã được Đức Thánh Cha viếng thăm. Chúng con tự hỏi không biết đến bao giờ mới đến lượt quê hương đất nước Việt Nam của chúng con được cái diễm phúc tuyệt vời ấy.

Điều chắc chắn là trong khi chờ đợi, một lần nữa chúng con xin đoan hứa với Đức Thánh Cha rằng chúng con, mọi thành phần Dân Chúa Giáo hội Việt Nam sẽ tiếp tục yêu mến và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Ad multos annos!

Chúng con xin hết lòng bái tạ Đức Thánh Cha.

Giuse Nguyễn Chí Linh

Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế
Giám quản Tông toà Giáo phận Thanh Hoá
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

WHĐ

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm