Kỉ niệm 4 năm Đức Giáo hoàng Phanxicô: một Giáo hội bám rễ trong tình yêu dành cho người nghèo
Thứ Ba, 14-03-2017 | 17:01:24
Trong bài trước, tôi đã bắt đầu nhìn lại những chủ đề chính trong triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân dịp chúng ta tổ chức kỉ niệm 4 năm ngài được bầu làm Giám mục Rôma vào thứ Hai. Bài này, tôi sẽ tập trung nói về những giáo huấn và các thừa tác vụ của Ngài hướng đến người nghèo.
Trong tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudium — Niềm Vui của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết:
Như huấn lệnh “chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị đời sống con người, ngày nay, chúng ta phải cũng phải nói “không với một nền kinh tế khai trừ và bất bình đẳng”. Một nền kinh tế như thế là sát nhân. Thử hỏi khi một người già vô gia cư nằm chết ngoài đường thì không được xem là một bản tin, trong khi thị trường hối đoái trụt xuống hai điểm lại là tin tức? Đó là một trường hợp của sự khai trừ. Làm sao chúng ta có thể khoanh tay đứng nhìn khi mà thức ăn dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người đang chết đói? Đó là trường hợp bất bình đẳng. Ngày nay, mọi thứ đều chịu sự chi phối bởi những luật cạnh tranh và những kẻ biết thích ứng nhất mới có thể tồn tại, theo đó những người mạnh nuốt chửng những người yếu. Hậu quả là một khối lớn dân chúng đang bị khai trừ và bị gạt ra ngoài lề: không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có có lối thoát.
Đức Thánh Cha đã cho thấy sự can đảm của ngài khi nói rằng “Đây là một nền kinh tế sát nhân”. Đó là một thuật ngữ khéo léo mang tính biểu tượng mà trong đó ngài đối chất với các cấu trúc kinh tế hiện thời trên các khía cạnh luân lý và nhân bản. Điều này đã trở thành một nét đặc trưng trong triều đại của ngài nhưng ý nghĩa của nó sâu xa hơn hầu hết những gì mà người ta có thể nhận thấy.
Điều làm cho giới Công giáo cánh tả phấn khởi hơn hết về Đức Thánh Cha Phanxicô chính là những phê bình của ngài về các nền kinh tế hiện đại. Cho đến khi có những sự chấn động đối với tông huấn Amoris Laetitia, thì chính lời phê bình này đã làm cho giới Công giáo cánh hữu bị chi phối nhiều nhất.
Những tranh cãi đối với các giáo huấn của Đức Thánh Cha trong các vấn đề xã hội trong tông huấn Evangelii Gaudium khác với những cuộc thảo luận về các thừa tác vụ hướng đến đối tượng li dị và tái hôn trong Amoris Laetitia. Những điều mà Đức Phanxicô đã nói về nền kinh tế loại trừ này hoàn toàn phù hợp với những gì Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói về công bằng xã hội. Đức Phanxicô chỉ đơn giản là nói về nó cách mạnh mẽ và dễ tiếp cận hơn. Và những điều ngài nói được đặt cách rõ ràng trên nền tảng Thánh Kinh.
Tháng 12 năm trước tôi đã có một loạt bài 3 phần nói về những sự đối lập với Đức Thánh Cha. Trong phần đầu tiên, tôi đã tập trung nói về cách mà các nhà tân bảo thủ Mỹ đã làm co hẹp hoặc thậm chí bóp méo những giáo huấn gần đây của Đức Giáo hoàng thách thức hệ thống kinh tế đang thống trị và các lập luận đưa ra để bảo vệ nền kinh tế đó. Những lời phê bình của Đức Giáo hoàng được diễn tả theo lối ngôn ngữ quen thuộc và dễ hiểu đến mức những sự co hẹp và bóp méo kia trở nên vô nghĩa.
Vào thời điểm diễn ra việc bầu chọn Đức Giáo hoàng, sự sụp đổ và sụp đổ cách nhanh chóng của nền kinh tế chính trị tân tự do vẫn chưa thực sự hiển hiện. Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với học thuyết xã hội Công giáo đang đưa ra lựa chọn thay thế duy nhất đối với chủ nghĩa dân tộc về kinh tế cũng như chủ nghĩa văn hóa vô thần được phát động bởi Tổng thống Donald Trump, Marine Le Pen (lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp) và một số các thành phần khác.
Nhưng viễn kiến đó của Đức Thánh Cha sẽ đối mặt với những phản kháng từ các thế lực kinh tế uy quyền mà viễn kiến này thách thức, những thế lực mà đáng tiếc rằng sẽ sẵn sàng bắt tay hợp tác với Trump. Sự thật này sẽ phơi bày tất cả những gì chúng ta cần biết đối với các nhận định của giới chuyên môn về nghiên cứu thị trường cho rằng các cấu trúc kinh tế hiện thời có thể trở nên phù hợp với luân lý.
Có một chiều kích khác của Giáo hội không tương đồng với sự tập trung của Đức Thánh Cha hướng đến học thuyết xã hội của Giáo hội, tuy nhiên, điều này thường bị bỏ qua. Đã từ rất lâu, “căn tính Công giáo” đã bị đồng hóa với việc phải tuyệt đối tán thành một loạt các quan điểm cụ thể, nhất là đối với các vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính, bởi những người ủng hộ một Công giáo cấp tiến và cứng rắn. Những người có ý nghĩ chỉ trích hay nghi ngờ về các quan điểm này sẽ bị coi là ủng hộ cách tiếp cận của thành phần “Công giáo bất đồng —Catholic lite” đối với đức tin. Từ cuốn sách của George Weigel nhan đề Evangelical Catholicism (theo cách nào đó đã đưa ra ý nghĩ rằng việc biến Tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ dùng trong công việc ở Giáo triều Rôma là một cuộc cải cách có nguồn gốc từ Tin Mừng!?) cho đến cuốn “It’s Dangerous to Believe” của Mary Eberstadt đã tạo ra một danh mục các nỗi lo âu của tầng lớp trung lưu cấp cao (ví dụ như: liệu con cái của các tín hữu có khả năng hòa nhập hay thậm chí là tham dự vào các trường đại học tốt nhất?). Giới Công giáo cánh tả dường như quên mất điều quan trọng hơn cần quan tâm, rằng Tin Mừng là tin mừng cho người nghèo, ít nhất là như Chúa Giêsu đã từng tuyên bố điều này tại hội đường Do Thái trong Luca chương 4. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã đặt một câu hỏi đối với Giáo hội ngày nay: liệu Tin Mừng như chúng vẫn công bố có còn là tin mừng cho những người nghèo?
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã liên tục kêu gọi một cuộc “tân Phúc âm hóa”. Đã có nhiều cuộc thảo luận về ý nghĩa chính xác của hạn từ này. Một vài nhóm tập trung vào các phương cách mới để loan báo Tin Mừng, một số khác tập trung vào các cảm thức về căn tính Công giáo để Phúc âm hóa tốt hơn. Một số nhóm gần gũi nhất với các mong muốn của Công đồng Vatican II tranh luận rằng cuộc tân Phúc âm hóa phải bắt đầu từ Tin Mừng, nơi mà mối quan tâm dành cho người nghèo là điều tối quan trọng còn các vấn đề như ngừa thai và tự do tôn giáo là những bước tiến xa hơn.
Đức Thánh Cha đã đưa ra một vì dụ minh họa hoàn hảo về thứ tự ưu tiên phù hợp nhất đối với các giá trị trên khi ngài được hỏi về việc sử dụng bao cao su để ngăn ngừa HIV/AIDS, trong cuộc họp báo trên chuyến bay đưa ngài từ Phi Châu trở về Rôma. Ngài đã trả lời như sau:
Câu hỏi đặt ra với Cha dường như thuộc phạm vi quá hẹp, hay có thể nói là phiến diện. Đúng, sử dụng bao cao su là một phương cách. Luân lý của Giáo hội về điểm này phải đối diện với một tình huống phức tạp, là điều răn thứ năm hay thứ sáu: bảo vệ sự sống hay duy trì các mối quan hệ tính dục để mở ra sự sống? Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề phải lớn hơn thế.
Câu hỏi này khiến Cha nghĩ về một người từng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa thầy, xin nói cho còn biết, có hợp luật không khi chữa lành vào ngày Sabbath?” Chữa lành trong trường hợp này là một trách nhiệm cấp thiết nhưng câu hỏi người đó đặt ra lại là có hợp luật không? Nạn suy dinh dưỡng, nạn khai thác quá độ, nô lệ lao động, thiếu nước uống: tất cả đều là những vấn đề lớn. Nên đừng lo lắng về việc nên dùng miếng băng nào cho một vết thương nhỏ trong khi đang tồn tại các vết thương lớn là bất công xã hội, bất công về môi trường sống; những bất công gây ra các vấn đề như nạn khai thác và suy dinh dưỡng mà Cha vừa nhắc đến.
Cha không muốn phải suy tư về vấn đề cụ thể như con vừa hỏi trong khi con người đang phải chết dần vì thiếu nước, vì đói hay vì thiếu chỗ ở. Khi tất cả mọi người đã được chữa lành, khi không còn những bi kịch gây ra bởi nhân loại, bởi những bất công xã hội hay bởi lòng tham, thì chúng ta mới đặt câu hỏi “có hợp luật không khi chữa lành trong ngày Sabbath?” Hãy nghĩ về việc buôn bán vũ khí. Tại sao chúng ta lại tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí trong khi chiến tranh chính là nguyên nhân gây ra con số người chết cao hơn gấp nhiều lần. Cha sẽ trả lời rằng đừng suy nghĩ về việc liệu chữa lành vào ngày Sabbath có hợp luật không.
Cha muốn nói với nhân loại: hãy đấu tranh cho công lý, cho đến khi tất cả mọi người được chữa lành, khi không còn bất cứ bất công nào trên toàn thế giới thì chúng ta mới nói đến ngày Sabbath.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô viện dẫn một dụ ngôn trong Kinh Thánh để phơi bày sự thật rằng rất nhiều thành phần trong Giáo hội chỉ thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong mắt mình thì họ lại không để ý tới.
Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng việc Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo hội hướng sự tập trung vào người nghèo và thực sự trở nên khó nghèo còn có một chiều kích khác. Tình yêu dành cho người nghèo không chỉ đơn thuần là môt trách nhiệm luân lý bắt nguồn từ Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Mátthêu chương 25. Khi một người Kitô hữu tiếp xúc với người nghèo thì chính những người nghèo ấy sẽ Phúc âm hóa chúng ta. Chính họ sẽ nhắc cho chúng ta nhớ về những khổ đau thực sự mà con người trên toàn thế giới đang phải gánh chịu. Chính họ là những người không chết vì sự kiêu ngạo. Chính họ là những người bám víu vào Chúa Giêsu bị đóng đinh vì họ không còn gì khác để bám víu. Đức tin của họ không nằm trong danh mục các giới răn luân lý. Đức tin của họ là bản năng thực sự. Tại Buenos Aires, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trực tiếp phục vụ người nghèo và dường như ngài vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi ở cùng họ so với việc tiếp xúc các uy quyền của thế giới. Ngài đã thể hiện một sự lo ngại nhất định đối với những người chỉ quan tâm đến các giáo điều, những người có quyền lực hay bất cứ thứ gì khác trong tay ngăn họ khỏi thực tại về sự đau khổ của con người.
Bằng việc đề cao học thuyết xã hội Công giáo theo những phương cách giúp nó không thể bị xoay chuyển bởi những thành phần bảo vệ chủ nghĩa tự do mới và bằng việc kết nối tình yêu dành cho người nghèo với sự Phúc âm hóa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang cố gắng đưa Giáo hội trở về căn cội. Chúa Giêsu đã đến với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề để chúc lành cho họ, chứ không phải đến với những kẻ quyền thế và giàu có. Một Giáo hội bước đi theo Chúa Giêsu chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần hướng tới, cùng nhau, trong tình yêu tràn đầy của Chúa Kitô, mở rộng vòng tay và trái tim mình đối với những đau khổ của anh chị em chúng ta và đồng hành cùng họ. Đó sẽ là chủ đề cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến trong ngày mai.
Michael Sean Winters
Huỳnh Phi chuyển ngữ
[Michael Sean Winters là nhà bình luận của NCR Washington và là một nghiên cứu sinh thỉnh giảng của viện Nghiên cứu Chính sách và Công giáo thuộc đại học Công giáo Hoa Kỳ.]
Tags: Giáo hội bám rễ trong tình yêu, Kỉ niệm 4 năm, người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô