Kỷ niệm 4 năm triều đại ĐGH Phanxicô: sự đồng hành làm nên một vị mục tử nhân lành
Thứ Hai, 13-03-2017 | 17:52:11
Trong các bài trước, tôi đã nói đến vai trò trung tâm của lòng thương xót trong công cuộc cải cách giáo hội mà ĐGH Phanxicô thực hiện cũng như mối liên hệ sâu sắc giữa công việc mục vụ người nghèo với các cuộc cải cách cũng như bước tiến của Đức Phanxicô trong công cuộc tân phúc âm hóa. Trong bài này, tôi đi đến chủ đề quan trọng thứ ba mà ĐGH Phanxicô đưa ra trong thời điểm bắt đầu năm thứ năm triều đại giáo hoàng của ngài: đó là sự đồng hành.
Nói chuyện với các giám mục Brazil khi đến Rio de Janerio trong dịp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2013, ĐGH Phanxicô nói rằng:
“Chúng ta cần một giáo hội có khả năng đi cùng với nhân loại, làm điều gì đó nhiều hơn là chỉ lắng nghe họ; một giáo hội đồng hành với họ trên hành trình của họ; một giáo hội có khả năng hiểu cái “đêm tối” trong những cuộc trốn chạy khỏi Jerusalem mà nhiều anh chị em của chúng ta đang trải qua; một giáo hội nhận ra rằng trong số những lý do khiến mọi người ra đi cũng có cả những lý do khiến họ dần dần quay trở lại. Nhưng chúng ta cần phải biết cách nắm bắt được bối cảnh rộng lớn hơn, với sự can đảm của mình. Chính Đức Giêsu đã sưởi ấm trái tim của các môn đệ trên đường về Emmaus”.
ĐGH Phanxicô đã nhiều lần nói đến chủ đề về một giáo hội đồng hành với nhân loại trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng ngài nói một cách đặc biệt với các vị mục tử. Đó cũng là cách ngài nhìn nhận về một vị mục tử – một người đồng hành với mọi người.
Trong một bài nói chuyện với các giám mục Mỹ tại Nhà thờ Chính tòa thánh Matthew trong chuyến viếng thăm nước này năm 2015, ngài đã có cách dùng từ với nội dung tương đương – “văn hóa gặp gỡ”, để miêu tả về một hình mẫu giáo hội mà ngài hướng đến:
“Tôi biết rằng các bạn gặp phải nhiều thách thức, cánh đồng các bạn gieo vãi không sinh hoa kết quả, và luôn luôn có cám dỗ bỏ mình trong sự lo sợ, gặm nhấm vết thương, hồi tưởng lại quá khứ đã qua và đưa ra những phản ứng cứng rắn với những xu hướng đối lập.
Tuy nhiên chúng ta là những người cổ vũ một văn hóa gặp gỡ. Chúng ta sống các bí tích là nơi sự phong phú của Thiên Chúa và sự nghèo nàn của chúng ta đón nhận nhau. Chúng ta là những chứng nhân cho sự nhục nhã và hạ mình của Thiên Chúa – đấng đã nhìn thấy mọi phản ứng của chúng ta, trong tình yêu của Người.
Con đường của chúng ta là đối thoại, không phải như một chiến lược tinh xảo nhưng là điều xuất phát từ niềm tin vào một đấng không bao giờ ngần ngại viếng thăm những nơi chợ búa, ngay cả vào buổi chiều muộn, để mang đến cho người ta món quà tình yêu (Mt 20:1-16).
Do đó, con đường phía trước là đối thoại, trong nội bộ các bạn, trong hàng ngũ giáo sĩ, đối thoại với giáo dân, đối thoại với các gia đình, đối thoại với xã hội. Tôi sẽ không ngừng khuyến khích các bạn đối thoại một cách không sợ hãi. Gia sản mà các bạn được kêu gọi chia sẻ một cách tự do (parrhesia), gia sản đó càng giàu có thì các bạn càng phải khiêm nhường. Đừng sợ phải thực hiện một cuộc “xuất hành” nếu nó cần thiết cho một sự đối thoại đích thực. Nếu không, chúng ta sẽ thất bại trong việc hiểu được suy nghĩ của người khác, hoặc nhận ra một cách sâu xa rằng những anh chị em mà chúng ta mong muốn tiếp cận và công bố ơn cứu chuộc, với sức mạnh và sự gần gũi của tình yêu, họ lại nghĩ đến lập trường của họ nhiều hơn, và trở nên xa cách với những giá trị mà chúng ta biết rõ là những giá trị thực sự và chắc chắn. Ngôn ngữ chia rẽ và cứng rắn không có lợi cho một vị mục tử, nó không có chỗ trong trái tim của ngài; mặc dù ngay trong chốc lát nó dường như mang lại chiến thắng, nhưng thực sự chỉ có sức hút của sự nhân lành và tình yêu với thực sự có tính thuyết phục”.
Có một điều vừa được nói đến: “không phải một chiến lược tinh xảo”. Quá nhiều lần, chúng ta nghe nói về “tân phúc âm hóa” hay xây dựng một “văn hóa gặp gỡ” như thể chỉ cần nói như thế là có thể đạt đến đích. Theo cách nhìn méo mó này, vẫn còn có sự lầm tưởng rằng giới giáo sĩ có mọi câu trả lời và giáo dân ngồi phía dưới chỉ cần lắng nghe và vâng lời. Trái lại, theo cách nhìn của ĐGH Phanxicô, sự đồng hành và nền văn hóa gặp gỡ giả thiết rằng cả hai bên cùng đồng hành với nhau đều có điều gì đó để học hỏi lẫn nhau, cũng như học hỏi từ Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta trong những cộng đoàn, không phải qua những cá nhân.
Vì sao sự phân biệt này lại quan trọng như vậy? Bởi vì cách tiếp cận của ĐGH Phanxicô mang lại cho chúng ta một nền giáo hội học khác biệt. Đã quá lâu, là một người Công giáo có nghĩa là đồng ý với một hệ thống những lập trường, một kinh nghiệm hão huyền rằng giới giáo sĩ nói với chúng ta những gì cần thiết để đạt đến ơn cứu độ. Đối với Đức Phanxicô, là một người Công giáo, trước tiên và trên hết, là thành viên của một cộng đồng những người có kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa sống động trong cuộc đời của mình, một sự gặp gỡ với Thiên Chúa sống lại từ cõi chết. Các mục tử cần khởi đi từ đó, với thực tế rằng những người mà họ gặp gỡ đã có kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa sống động trong cuộc đời của họ. Tôi ước rằng mình có thể làm chứng cho tầm nhìn như thế. Trong một cuộc họp báo tuyên bố việc bổ nhiệm Tổng Giám mục Chicago, Đức Hồng y Blase Cupich đã nói về vấn đề nóng bỏng này.
Khi theo dõi cuộc họp báo này, tôi nghĩ về tất cả những vị mục tử đã giúp hình hành nên đời sống đức tin của tôi, và tất cả họ, theo những cách khác nhau, xuất phát từ nhận thức rằng Thiên Chúa đã hiện diện sống động trong cuộc đời tôi từ trước khi họ đến với tôi. Mọi người mang đến điều gì đó thêm vào. Giống như ĐGH đã “nói không với một nền kinh tế loại trừ”, ngài cũng đã, với những điều chỉnh cần thiết (mutatis mutandi), nói không với “một giáo hội học của sự loại trừ”
Vị mục tử đến với đàn chiên trong tư thế cho rằng mình có mọi câu trả lời, biết những gì là tốt nhất cho người khác, đã có cách giải quyết mọi phức tạp của đời sống, nghĩ rằng việc mang đến sự loại trừ cho người dân là một sự thương xót, coi tôn giáo chỉ còn là những quy định luân lý và luật lệ, đó là một vị mục tử tồi tệ. Trái lại, vị mục tử nào xuất phát với nhận thức rằng Thiên Chúa đã hiện diện sống động trong cuộc sống của những người đang đến đặt tin tưởng nơi sự chăm sóc của vị mục tử đó, lưu ý đến những trải nghiệm của họ, đặc biệt là những trải nghiệm đau khổ, đó là một vị mục tử nhân lành. Không chỉ là việc thu hút nhiều giáo dân đến nhà thờ hay là nhận được nhiều tiền quyên góp, nhưng đó là một vị mục tử thực hành nghệ thuật của sự đồng hành, xây dựng một văn hóa gặp gỡ, đó là một vị mục tử đi sát bước chân của Thầy mình. Việc lắng nghe và đồng hành thể hiện lòng tin mạnh mẽ hơn chứ không phải là ít lòng tin hơn, so với việc trích dẫn chính xác từng khoản mục trong cuốn giáo lý.
Tôi cũng muốn lưu ý rằng điều đó không liên quan gì đến chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa bảo thủ. Những người theo chủ nghĩa tự do cũng chỉ như những người bảo thủ trong việc xử lý một vấn đề theo một hệ thống những quy tắc, với một kết quả có sẵn và được mong đợi về sự gặp gỡ. Đó là chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Đồng nghiệp của tôi là Josh McElwee khi khảo sát bốn năm triều đại của ĐGH Phanxicô, anh đã bắt đầu với câu chuyện về sự can thiệp bí mật của ĐGH để cho các nữ tu được mời đến tham dự một cuộc họp của tòa án liên quan đến trường hợp của các nữ tu đó, điều này là điều chưa từng có tiền lệ. Khi một nhóm các nữ tu hỏi ngài rằng tại sao họ không được mời đến tham dự những cuộc họp đó, ngài nói rằng ngài sẽ quan tâm để giúp đỡ họ được tham dự nó. ĐGH nói rằng: “Nói về người vắng mặt là một điều không đúng với Tin Mừng”. “Các bạn phải hiện diện ở đó”. Và họ đã đến tham dự buổi họp tiếp theo của tòa án đó.
Không khó để nhận ra ba chủ đề tôi đã đề cập đến có liên hệ với nhau: Lòng thương xót, mục vụ cho người nghèo và sự đồng hành, cả ba là trọng tâm của “cuộc cách mạng của sự nhân từ” mà ĐTC đã nhiều lần kêu gọi thực hiện. Cả ba hòa quyện với nhau như những con nước trong một dòng sông. Chúng sẽ hơn cả cuộc cách mạng mà chúng ta cần đến, một cuộc cách mạng do Đức Giêsu khởi sự khi ngài đi trên các đường phụ cận Galilee và đường phố Jerusalem. Đó là đức tin tinh tuyền đối với Tin Mừng và là điểm nổi bật của triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.
Michael Sean Winters
P.B. chuyển ngữ
[Michael Sean Winters là một nhà bình luận thuộc báo National Catholic Register tại Washington và là một nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Nghiên cứu Công giáo thuộc Đại học Công giáo Mỹ (Catholic University of America’s Institute for Policy Research and Catholic Studies)]