Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa vài câu trong chương 15 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng…Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,1-2-4-5).
ĐTC nói: từ vài tuần qua Tông Đồ Phaolô đang giúp chúng ta hiểu niềm hy vọng kitô một cách rõ ràng hơn. Và chúng ta đã nói rằng đó không phải là một sự lạc quan, không: đó đã là một điều khác. Và thánh tông đồ giúp chúng ta hiểu điều đó là gì. Hôm nay qua bài đọc vừa nghe ngài cũng làm điều ấy bằng cách để gần nhau hai thái độ quan trọng đối với cuộc sống và kinh nghiệm đức tin của chúng ta: đó là lòng kiên nhẫn và sự ủi an. Đâu là ý nghĩa sâu xa đích thật nhất của chúng? Và chúng soi sáng cho thực tại của niềm hy vọng như thế nào? Hai thái độ kiên nhẫn và ủi an. ĐTC giải thích hai thái độ này như sau:
Chúng ta có thể định nghĩa lòng kiên trì như là sự kiên nhẫn: đó là khả năng chịu đựng, mang trên vai, chịu đựng, trung thành, cả khi sức nặng xem ra quá lớn, không thể chịu đựng nổi, và chúng ta sẽ bị cám dỗ bỏ rơi mọi sự và mọi người. Sự ủi an, trái lại, là ơn biết tiếp nhận và cho thấy trong mọi hoàn cảnh, sự hiện diện và hoạt động thương xót của Thiên Chúa, kể cả trong các hoàn cảnh đáng thất vọng và khổ đau nhất. Giờ đây thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng lòng kiên trì và sự ủi an được Thánh Kinh trao ban cho chúng ta một cách đặc biệt.
Thật thế Lời Chúa (c. 4) trước hết đưa chúng ta tới chỗ hướng cái nhìn lên Chúa Giêsu, hiểu biết ngài nhiều hơn và đồng hình đạng với ngài, ngày càng giống Ngài hơn. Thứ hai, Lời Chúa vén mở cho chúng ta rằng Chúa thật là “Thiên Chúa của sự kiên nhẫn và ủi an” (c. 5), nghĩa là kiên trì trong tình yêu đối với chúng ta, Ngài không mệt mỏi yêu thương chúng ta: không! Ngài kiên trì: Ngài luôn luôn yêu thương chúng ta! Và Ngài cũng lo lắng cho chúng ta, bằng cách bao phủ các thương tích của chúng ta với sự vuốt ve của lòng lành và sự thương xót của Ngài, nghĩa là Ngài an ủi chúng ta. Ngài cũng không mệt mỏi an ủi chúng ta.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong viễn tượng ấy chúng ta cũng hiểu khẳng định ban đầu của thánh Phaolô: “Chúng ta là những người mạnh mẽ, chúng ta có bổn phận mang các tật bệnh của những người yếu đuối, mà không chiều theo sở thích của mình” (c. 1). Kiểu nói “chúng ta là những người mạnh mẽ” xem ra có thể là tự phụ, nhưng trong luận lý của Tin Mừng chúng ra biết rằng không phải là như thế, nhưng nó ngược lại, bởi vì sức mạnh của chúng ta không đến từ chúng ta, mà từ Chúa. Ai sống kinh nghiệm trong chính mình tình yêu trung thành của Thiên Chúa và sự ủi an của Ngài, thì có bổn phận gần gũi các anh em yếu đuối hơn và mang lấy sự giòn mỏng của họ. Nếu chúng ta gần gũi Chúa, chúng ta sẽ có sức mạnh để gần gũi những người yếu đuối nhất, những người cần được giúp đỡ nhất, an ủi họ và trao ban sức mạnh cho họ. Đó là ý nghĩa của nó. Điều này chúng ta có thể làm mà không tự phụ, nhưng một cách đơn sơ cảm thấy mình như là một “con kênh” chuyển các ơn của Chúa và như thế một cách cụ thể trở thành một “nguời gieo” vãi hy vọng. Đó là điều Chúa xin nơi chúng ta, với sức manh và khả năng an ủi và là những người gieo vãi niềm hy vọng. Nó không dễ đâu. Rồi ĐTC rút tỉa ra kết luận như sau:
Hoa trái của kiểu sống này không phải là một cộng đoàn trong đó có vài người thuộc hạng A, nghĩa là những người mạmh mẽ, và người khác thuộc hạng B, nghĩa là những người yếu đuối. Trái lại, hoa trái là như thánh Phaolô nói, “có cùng các tâm tình đối với nhau, theo gương Chúa Kitô Giêsu” (c. 5).
Lời Chúa dưỡng nuôi một niềm hy vọng được bầy tỏ ra một cách cụ thể trong việc chia sẻ, trong việc phục vụ lẫn nhau. Bởi vì cả ai là “kẻ mạnh” trước sau gì cũng kinh nghiệm sự giòn mỏng của mình, và cần sự an ủi của những người khác; và ngược lại trong sự yếu đuối ta luôn có thể cống hiến một nụ cười hay một bàn tay cho người anh em gặp khó khăn. Và đó là một cộng đoàn “làm vinh danh Thiên Chúa với cùng một tâm hồn và một tiếng nói” (c. 6).
Nhưng tất cả những điều này chỉ có thể, nếu chúng ta đặt để Chúa Kitô và Lời Ngài vào trung tâm, bởi vì Ngài là Đấng mạnh mẽ, Ngài là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta, ban kiên nhẫn cho chúng ta, ban hy vọng cho chúng ta, ban ủi an cho chúng ta. Ngài là “Người anh mạnh mẽ” lo lắng cho từng người trong chúng ta: thật thế, chúng ta tất cả đều cần được Mục Tử Nhân Lành mang trên vai, và cảm thấy được bao bọc bởi cái nhìn hiền dịu và sốt sắng của Ngài.
Các bạn thân mến, chúng ta sẽ không bao giờ cám ơn Thiên Chúa đủ vì ơn Lời Ngài, hiện diện trong Thánh Kinh. Chính trong đó Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tự mạc khải như là “Thiên Chúa của lòng kiên nhẫn và sự ủi an”. Và chính ở đó chúng ta ý thức được rằng niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các khả năng và sức mạnh của chúng ta, mà dựa trên sự nâng đỡ của Thiên Chúa và trên lòng trung thành của tình yêu Ngài, nghĩa là trên sức mạnh của Thiên Chúa và sự ủi an của Thiên Chúa.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau.
Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào tín hữu giáo phận Pontoise do ĐC Stanislas Lalanne hướng dẫn, cũng như các đoàn hành hương đến từ Bỉ và Congo Brazaville.
Chào các nhóm hành hương đến từ Đan Mạch, Na Uy, và Hoa Kỳ ngài cầu mong Mùa Chay là thời gian ơn thánh giúp canh tân tinh thần cho họ và cho gia đình họ. Ngài đặc biệt chào các tham dự viên hội nghị về “nước và giá trị của nước cho thế giới khát nước” do Hội Đồng Toà Thánh về văn hóa cùng tổ chức với Hiệp hội Argentina Roma. Hôm qua là Ngày quốc tế bảo vệ nước do Liên Hiệp Quốc thành lập cách đây 25 năm, trong khi thứ ba vừa qua là Ngày Quốc Tế bảo vệ Rừng cây. ĐTC bầy tỏ vui mừng vì các cuộc gặp gỡ này ghi dấu một chặng mới trong dấn thân của nhiều tổ chức giúp gây ý thức đối với việc bảo vệ nước uống cho thiện ích của mọi người và đánh giá cao các ý nghĩa văn hoá và tôn giáo của nước. ĐTC khích lệ các nỗ lực của họ trong việc giáo dục trẻ em và người trẻ liên quan tới vấn đề này.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Bồ Đào Nha, Brassil, Tây Ban Nha và Ba Lan. ĐTC nói Giáo Hội mới mừng lễ thánh Giuse cách đây mấy ngày. Thánh nhân là gương mẫu của niềm hy vọng và kiên nhẫn, vì đã biết chịu đựng và thắng vượt biết bao khó khăn với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Thánh nhân đã thông truyền cho Thánh Gia sự ủi an của các lời Thiên Chúa hứa. Chúng ta luôn được mời gọi sẵn sàng trợ giúp tha nhân với nụ cười và đôi bàn tay liên đới.
Chào các nhóm Ba Lan ĐTC khuyến khích họ sống mùa Chay trong tinh thần cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm phúc bố thí, cũng như duyệt xét lương tâm và xưng thú tội lỗi. Và nhất là đừng quên giáo huấn của thánh Gioan Phaolô II: “biết gọi trắng là trắng, đen là đen, sự dữ là sự dữ, sự thiện là sự thiện. Nhất là học gọi tội lỗi là tội lỗi, chứ không gọi nó là giải phóng và tiến bộ.”
Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào các giám đốc văn phòng di dân, và khích lệ các vị tiếp đón người di cư tỵ nạn và giúp họ hội nhập xã hội.
Ngài cũng chào nhóm các trẻ em bị bệnh down của giáo phận Ascoli Piceno, và nhân viên của nghiệp đoàn công nhân bãi biển Italia.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ bẩy tới đây là lễ Truyền Tin cho Trinh Nữ Maria. Ngài cầu mong các bạn trẻ biết noi gương Mẹ vâng theo ý Chúa; người đau yếu không chán nản trong các lúc khó khăn vì biết rằng Chúa luôn trợ lực họ; và các đôi tân hôn biết xây dựng cuộc sống gia đình trên lời Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải (vietvatican.net)