Phút suy tư: Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng
Thứ Ba, 30-05-2017 | 21:14:44
Chuyện kể rằng: một thiếu nữ hôm mừng sinh nhật tuổi 17, đã xin Mẹ cô một chiếc gương soi cỡ lớn, nhưng người mẹ đạo hạnh lại cho cô một gói quà nhỏ. Mở ra, cô thấy một bức ảnh Đức Mẹ với lời đề tặng: “Đây là chiếc gương lớn nhất mà mọi người cần soi bóng.” Bấy giờ thiếu nữ mới hiểu và hằng ngày cô đã soi bóng mình trong tấm gương Maria. Sau đó cô đã đi tu, sống một cuộc sống thánh thiện, và trở thành một vị thánh.
Người thiếu nữ trong câu chuyện trên đây nhờ người mẹ đạo hạnh nên biết soi chiếu đời mình nơi tấm gương Đức Maria. Thật vậy, Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức cho mỗi người chúng ta noi theo. Hôm nay, chúng ta cùng nhau noi theo gương thăm viếng của Mẹ.
Bài Tin mừng thánh Luca tường thuật lại biến cố Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth. Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ vừa chấp nhận lời Thiên thần truyền tin để cưu mang Đấng Cứu Thế. Lúc đó, Thiên thần Gabriel báo cho Mẹ biết bà Êlizabeth đã cưu mang Thánh Gioan Tẩy Giả được sáu tháng. Mẹ liền chỗi dậy, vội vã đi lên miền núi. Không phải Mẹ “vội vã” tới nơi bà Êlizabéth để kiểm chứng lời của Thiên thần loan báo, cũng không phải để khoe khoang với Bà Êlizabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Nhưng sự “vội vã” nói lên tâm tình của Mẹ: tâm tình muốn chia sẻ; tâm tình muốn giúp đỡ. Vì muốn chia sẻ niềm vui có Chúa trong mình, vì muốn giúp đỡ bà chị họ trong lúc khó khăn, nên Mẹ đã chấp nhận hy sinh lên đường. Mẹ “đi lên miền núi.” Đường miền núi chắc chắn sẽ khó khăn vất vả: bụi bặm trong những ngày nắng, trơn trượt trong những ngày mưa. Nhưng dù khó khăn vất vả đến mấy cũng không ngăn cản được tình yêu của Mẹ. Mẹ đã lên đường. Mẹ đã vượt qua được quãng đường dài đầy gian nan vất vả, cuối cùng Mẹ đã đến.
Giờ phút hai bà mẹ gặp nhau. Người thăm viếng và người được viếng thăm tay bắt mặt mừng. Niềm vui trong giờ phút đó không bút mực nào tả xiết. Đối với Bà Êlizabéth, được “Chúa cất đi nỗi tủi nhục,” cho bà mang thai trong tuổi già, đã là niềm vui vô cùng to lớn. Giờ đây, niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi được “Mẹ Chúa đến viếng thăm.” Còn Mẹ Maria, Mẹ vui vì có Chúa trong mình. Mẹ vui vì thấy được những sự lạ lùng đang diễn ra trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ vui hơn khi được chia sẻ niềm vui đó cho bà chị họ. Khi nghe bà Êlizabéth ca tụng, Mẹ quy hướng tất cả những gì Mẹ được về cho Thiên Chúa “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.” Chính vì vậy, Mẹ đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi.”
Niềm vui giữa hai bà Mẹ được lan tỏa sang hai người con đang còn trong bụng. Bà Êlizabéth đã xác nhận: “Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.”
Chính niềm vui hôm nay đã được tiên tri Sôphônia tiên báo, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.” Vị tiên tri đã báo trước về ngày này. Ngày vua Israel thực hiện lời hứa. Ngày Ngài viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Hiệu quả của cuộc thăm viếng này vô cùng lớn lao: bà Êlizabeth được Mẹ lưu lại giúp đỡ trong những ngày thai nghén, sinh nở: “Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.” Thánh Gioan Tẩy giả được khỏi tội Tổ Tông Truyền ngay từ trong lòng Mẹ. Như vậy, cả nhà ông Giacaria đều tận hưởng niềm vui hoàn hảo vì có Chúa và Mẹ ở cùng.
Biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth không những mang tính lịch sử mà còn là mẫu mực cho các cuộc thăm viếng của con người qua mọi thời đại.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách thế khác nhau: có thể bằng một tin nhắn, bằng một cú điện thoại, bằng một lá thư điện tử, bằng một lá thư viết tay, bằng một gói quà đặt trọn tất cả tấm lòng trong đó…, nhưng tất cả những cách thức đó không thể thay thế cho sự thăm viếng cách trực tiếp. Bởi vì, thăm viếng không chỉ là chuyện thường tình giữa con người với nhau: giữa anh chị ruột thịt với nhau, giữa bạn bè với nhau, giữa làng xóm láng giềng với nhau, giữa người khoẻ với người đau yếu… Nhưng có khi sự thăm viếng lại là một bổn phận: bổn phận giữa bề dưới với bề trên, bổn phận giữa người khoẻ với người ốm đau bệnh tật, bổn phận giữa con cái cháu chắt với ông bà cha mẹ. Con cái có bổn phận thường xuyên thăm viếng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ gặp sự khốn khó, bệnh tật, như người xưa dạy rằng:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.”
Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta thường hay vịn lý do công việc để miễn trừ cho bổn phận thăm viếng ông bà, cha mẹ. Nhưng thử hỏi, công việc, tiền bạc quan trọng hơn hay là bổn phận thăm viếng, lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ quan trọng hơn? Cần dành thời gian nhiều để thăm viếng. Thăm viếng khi vui, thăm viếng khi buồn, thăm viếng khi ốm đau bệnh tật. Người ta thường nói: “Vui chia vui thành hai vui khác, buồn chia buồn chỉ còn một nửa.”
Để các cuộc thăm viếng mang lại niềm vui và hiệu quả tốt đẹp, cần phải noi gương Mẹ Maria luôn phải mang Chúa trong mình. Có Chúa là có tình thương, niềm vui và bình an. Khi đó cuộc thăm viếng của chúng ta mới đem tình yêu đến cho mọi người.
Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta, luôn bắt chước gương thăm viếng của Mẹ Maria. Hãy thăm viếng nhau và đem lại cho nhau những niềm vui và sự bình an. Hãy thăm viếng những người yếu đau và có thể mang theo những món quà với tình thương mến. Bề trên hãy thăm viếng những người bề dưới với sự đồng cảm và sẻ chia. Bề dưới hãy thăm viếng bề trên với lòng hiếu kính. Đặc biệt, trong các cuộc thăm viếng hãy mang Chúa đến cho tha nhân, như Đức Mẹ đem Chúa đến cho cả gia đình ông Giacaria ngày xưa.
Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn biết siêng năng thăm viếng tha nhân. Xin Chúa đồng hành với chúng con trong các cuộc thăm viếng, để các cuộc thăm viếng của chúng con mang lại niềm vui và sự bình an cho tha nhân. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Tags: phút suy tư, Thăm viếng, Đức Mẹ
Có thể bạn quan tâm
- Phút suy tư: Sứ điệp Fatima - Tĩnh Tâm Tháng 5
- Phút suy tư: Fatima - suối nguồn ơn phúc
- Phút suy tư: Ông Giuđa bán Chúa
- Phút suy tư: Đừng xanh như lá!
- Phút suy tư: Người tín hữu vô thần
- Phút suy tư: Một trái tim mới
- Phút suy tư: Vì sao bút chì có cục tẩy?
- Phút suy tư: Xin thương xót con
- Phút suy tư: Quyền lực
- Phút suy tư: Sám hối + Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
- Phút suy tư: Hãy xé lòng