Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 32, Chúa Nhật Lễ Lá - 09/04/2017
Thứ Tư, 29-03-2017 | 20:12:34
Chủ đề: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49)
Các bạn trẻ thân mến,
Giờ đây chúng ta lại tái lên đường sau khi chúng ta đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời tại Cracow, mà tại đó chúng ta đã cùng cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 và Ngày Hồng Ân dành cho giới trẻ trong khuôn khổ của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta đã để cho mình được dẫn dắt bởi Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và bởi Thánh Faustyna Kowalska, những Tông Đồ của Lòng Chúa Xót Thương, để đưa ra một câu trả lời cụ thể cho những thách đố của thời đại chúng ta. Chúng ta đã trải qua một kinh nghiệm to lớn về tình liên đới và về niềm vui, và chúng ta đã trao cho thế giới một dấu chỉ của niềm hy vọng. Những lá cờ và những ngôn ngữ khác nhau đã không phải là lý do để tranh cãi và chia rẽ, nhưng đã giới thiệu một cơ hội để mở ra những cánh cửa lòng cũng như để kiến tạo những cây cầu.
Khi bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracow, Cha đã đưa ra mục đích tiếp theo cho con đường lữ hành của chúng ta, mà với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, con đường ấy sẽ dẫn chúng ta tới Panama vào năm 2019. Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được muôn thế hệ ca ngợi là diễm phúc (xc. Lc 1,48), sẽ luôn đồng hành với chúng ta trên con đường này. Chặng đường mới trong cuộc hành trình của chúng ta sẽ tiếp nối chặng đường đã đi qua, mà đứng trong trung tâm điểm của đoạn đường ấy chính là các Mối Phúc, nhưng chúng ta được thúc giục hãy đi tiếp. Thực ra, điều đau đáu nơi cõi lòng Cha là làm sao để trong lúc lên đường, các con không chỉ giữ lại quá khứ trong ký ức, nhưng cũng còn có được niềm can đảm trong hiện tại và có được niềm hy vọng cho tương lai. Những phong thái đó luôn luôn sống động trong con người của Đức Trinh Nữ làng Nazareth, và diễn tả cách rõ ràng trong các đề tài của ba ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới. Trong năm nay (2017), chúng ta sẽ suy tư về Đức Tin của Đức Maria, Mẹ đã nói trong lời Kinh Magnificat rằng: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49). Đề tài của năm tới (2018) sẽ là: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa!” (Lc 1,30), nó sẽ cho phép chúng ta suy niệm về Tình Yêu can đảm mà với nó, Đức Trinh Nữ đã đón nhận sứ điệp của Thiên Thần. Trái lại, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2019 sẽ liên quan đến câu trả lời tràn đầy hy vọng mà Đức Maria đã trao cho Thiên Thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói!” (Lc 1,38).
Vào tháng 10 năm 2018, Giáo hội sẽ tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục với đề tài: Giới trẻ, Đức Tin và Việc Phát Hiện Ơn Gọi. Chúng tôi sẽ trao đổi với nhau về việc những người trẻ các con đang sống kinh nghiệm Đức Tin như thế nào giữa những thách đố trong thời đại chúng ta. Chúng tôi cũng sẽ bận tâm tới câu hỏi, các con có thể để cho một dự tính về cuộc đời các con đạt tới được sự chín mùi như thế nào, và ở đây, các con có thể nhận ra những ơn gọi của mình như thế nào trong một ý nghĩa rộng lớn, tức là ơn gọi kết hôn, ơn gọi trong lãnh vực thế tục và nghề nghiệp, hay ơn gọi sống đời Thánh Hiến và trở thành Linh mục. Cha ước mong rằng, con đường dẫn tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Panama và con đường của Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ thích ứng với nhau cách tốt đẹp!
Thế giới của chúng ta không cần tới “những người trẻ sa-lông”
Theo Tin Mừng của Thánh Lu-ca, sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Thần và sau khi nói lời Xin Vâng để trở thành Thân Mẫu của Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã lên đường và mau chóng đến thăm người chị họ là bà Elisabeth đang mang thai được sáu tháng (xc. Lc 1,36.39). Lúc ấy Đức Maria còn rất trẻ. Điều được công bố cho Mẹ chính là một quà tặng vĩ đại, nhưng quà tặng đó cũng mang theo mình những thách đố rất lớn. Thiên Chúa đã hứa với Mẹ rằng, sẽ luôn gần gũi và trợ giúp Mẹ, nhưng trong trí tuệ và trong con tim của Mẹ, vẫn còn rất nhiều điều chưa được rõ ràng. Dẫu vậy, Mẹ đã không tự nhốt mình lại trong nhà, Mẹ không để cho mình bị gây tê liệt bởi nỗi sợ hãi hay bởi sự kênh kiệu. Đức Maria không thuộc týp người cần tới một chiếc ghế bành hay một bộ sa-lông để mình được thoải mái, bởi khi ngồi trên chiếc ghế sa-lông, người ta sẽ cảm thấy mình dễ chịu và khoan khoái. Mẹ không phải là một người trẻ ưa ngồi trên ghế sa-lông! (xc. Bài suy niệm trong buổi canh thức cầu nguyện, Cracow, 30.07.2016). Khi người chị họ luống tuổi của Mẹ cần tới sự giúp đỡ, Mẹ đã không mất thì giờ với những chuyện không đâu, nhưng ngay lập tức lên đường.
Quãng đường đi đến nhà bà Elisabeth khà dài, khoảng 150km. Nhưng được thúc giục bởi Chúa Thánh Thần, cô gái làng Nazareth đã không biết tới bất cứ rào cản nào. Những ngày trên đường chắc chắn đã giúp Mẹ suy tư về biến cố nhiệm mầu mà nó có liên quan tới Mẹ. Cũng xảy ra với chúng ta như thế nếu chúng ta lên đường để thực hiện cuộc lữ hành. Trên đường đi, chúng ta sẽ nhớ tới nhiều biến cố trong cuộc đời chúng ta, chúng ta có thể để cho tầm quan trọng và ý nghĩa của những biến cố đó trở nên chín muồi, và có thể đào sâu ơn gọi của chúng ta, mà ơn gọi ấy biểu lộ trong sự gặp gỡ với Thiên Chúa trong sự phục vụ người khác.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại
Cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ – một cô gái trẻ và một cụ bà luống tuổi – được chất đầy bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và tràn ngập niềm vui và sự ngỡ ngàng (xc. Lc 1,40-45). Như hai đứa con trong dạ mình, cả hai người mẹ đều nhảy mừng trước niềm hạnh phúc. Được gây xúc động bởi Đức Tin của Đức Maria, bà Elisabeth đã thốt lên: “Em thật có phúc vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Vâng, một trong những đại hồng ân mà Đức Maria đã lãnh nhận, chính là Đức Tin. Việc tin vào Thiên Chúa là một hồng ân vô giá, nhưng nó cũng phải được đón nhận; và bà Elisabeth đã ca ngợi Đức Maria về điều đó. Về phía mình, Mẹ đã trả lời bằng lời kinh ngợi khen Magnificat (xc. Lc 1,46-55), trong đó chúng ta tìm thấy lời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49).
Lời cầu nguyện này của Đức Maria là một lời cầu nguyện có tính cách mạng, lời ca của một cô gái đầy Đức Tin, một cô gái ý thức về những giới hạn của mình, nhưng đầy lòng tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Người trinh nữ can đảm này đã tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã đoái thương nhìn tới sự thấp hèn của mình, Mẹ tạ ơn Chúa vì công trình cứu độ của Ngài, tức công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Ngài, cho những kẻ nghèo túng và hèn hạ. Đức Tin chính là trung tâm điểm của toàn bộ lịch sử đời sống Đức Maria. Bài ca của Mẹ giúp chúng ta hiểu được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như là động lực của lịch sử, cả nơi lịch sử cá nhân của từng người một trong chúng ta lẫn nơi lịch sử của toàn nhân loại.
Khi Thiên Chúa đụng chạm tới con tim của một chàng trai hay của một cô gái, thì những con người ấy sẽ thực sự có khả năng để thực hiện những điều trọng đại. “Sự trọng đại” mà Đấng Toàn Năng đã thực hiện trong đời sống Đức Maria, cũng nói với chúng ta về cuộc hành trình mà chúng ta thực hiện xuyên qua cuộc sống, và cuộc hành trình ấy không phải là một sự lang thang vô bổ, nhưng là một chuyến hành hương, mà chuyến hành hương này có thể tìm thấy sự thành toàn của nó trong Thiên Chúa, bất chấp tất cả những điều thiếu chắc chắn và những nỗi khổ đau (xc. Kinh Truyền Tin, 15.08.2015). Các con sẽ nói với Cha: “Thưa Cha, nhưng con có rất nhiều giới hạn, con là một tội nhân, vậy con có thể làm gì?” Khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thì Ngài sẽ không đứng im bên cạnh những điều mà chúng ta là hay những điều mà chúng ta đã làm. Đúng hơn, trong khoảnh khắc Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài sẽ nhìn vào điều mà chúng ta có thể thực hiện, nhìn vào tất cả Tình Yêu mà chúng ta có khả năng trao đi. Như Đức Maria hồi còn trẻ, các con cũng có thể để cho cuộc sống của mình trở thành một khí cụ để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Chúa Giê-su đang kêu gọi các con hãy để lại dấu vết của mình trong đời sống, một dấu vết mà nó đánh dấu lịch sử – lịch sử của các con và lịch sử của nhiều người khác (xc. Bài Suy Niệm trong buổi Canh thức Cầu Nguyện, Cracow, 30.07.2016).
Trẻ trung không có nghĩa là không có sự liên kết với quá khứ
Chưa hẳn Đức Mari đã vượt qua tuổi trẻ như nhiều người trong các con. Nhưng trong bài ca Magnificat của mình, Mẹ đã cất lên lời ca của Dân Mẹ cũng như lịch sử của Dân ấy. Điều này chỉ cho chúng ta thấy rằng: Trẻ trung không có nghĩa là không có sự liên kết với quá khứ. Lịch sử cá nhân của chúng ta sẽ thích ứng với một hàng dài, với một con đường chung mà nó đã đi trước chúng ta trong nhiều thế kỷ. Như Đức Maria, chúng ta cũng thuộc về một Dân Tộc. Và lịch sử của Giáo hội dậy chúng ta rằng, ngay cả khi Giáo hội phải băng qua vùng biển đầy sóng gió, thì bàn tay của Thiên Chúa cũng vẫn luôn dẫn dắt Giáo hội và làm cho Giáo hội vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Kinh nghiệm đích thực của Giáo hội không giống như một đám đông bị kích động bởi ánh đèn flash, mà người ta thỏa thuận với đám đông ấy để thực hiện một cuộc biểu diễn, và rồi sau đó lại tái trở về với con đường của mình. Giáo hội mang trong mình một truyền thống lâu dài, mà truyền thống ấy được tiếp tục chuyển giao từ thế hệ này tới thế hệ kia, và ở đây, được phong phú hóa nhờ vào kinh nghiệm của từng cá nhân. Lịch sử của các con cũng tìm thấy chỗ của nó trong lịch sử Giáo hội.
Việc lưu giữ quá khứ trong ký ức cũng sẽ giúp người ta đón nhận sự can thiệp đầy mới mẻ của Thiên Chúa, Đấng muốn hiện thực hóa nó trong chúng ta và nhờ chúng ta. Và điều này giúp chúng ta mở ra để được tuyển chọn với tư cách là những khí cụ của Ngài, cũng như với tư cách là những cộng tác viên cho nhiệm cục cứu độ của Ngài. Ngay cả những người trẻ các con cũng có thể thực hiện được những việc vĩ đại, cũng có thể đảm nhận được những trách vụ quan trọng, nếu các con nhận ra hành động đầy quyền năng và thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời các con.
Cha muốn đặt ra cho các con một số câu hỏi: Các con “lưu” vào ký ức của mình những biến cố và những kinh nghiệm trong cuộc đời các con bằng cách nào? Các con làm gì với những sự kiện và với những hình ảnh mà chúng đã khắc sâu vào trong ký ức các con? Một số người – đặc biệt là những người đã bị gây tổn thương bởi những hoàn cảnh sống – thường thích thực hiện một sự “reset – lùi lại” quá khứ riêng, và sử dụng quyền được quên. Nhưng Cha muốn nhắc nhớ các con rằng, không có vị Thánh nào mà không có quá khứ, và cũng không có tội nhân nào mà không có tương lai. Viên ngọc phát sinh từ vết thương của một con hàu! Với Tình Yêu của mình, Chúa Giê-su luôn luôn có thể chữa lành những con tim của chúng ta và biến những vết thương của chúng ta thành những viên ngọc đích thực. Như Thánh Phao-lô đã từng nói, Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng của Ngài trong sự yếu đuối của chúng ta (xc. 2Cor 12,9).
Nhưng những ký ức của chúng ta không được phép tích cóp tất cả giống như trong bộ nhớ của ổ đĩa cứng. Và cũng không thể thực hiện tất cả trong một “đám mây” hư ảo. Người ta phải học để làm sao cho những biến cố trong quá khứ trở thành một thực tại năng động mà người ta có thể suy tư về chúng, cũng như có thể rút ra từ chúng những bài học và ý nghĩa cho hiện tại và tương lai của chúng ta. Việc khám phá ra sợi chỉ đỏ của Tình Yêu Thiên Chúa, mà sợi chỉ ấy xuyên qua toàn bộ cuộc sống chúng ta, là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất cần thiết.
Nhiều người nói rằng, những người trẻ các con toàn là những kẻ thiếu suy nghĩ và hời hợt. Nói chung, Cha không đồng ý như vậy! Nhưng người ta phải bổ sung thêm rằng, trong thời đại chúng ta, cần phải tái lấy lại khả năng suy tư về cuộc sống của mình và hướng nó về tương lai. Có một quá khứ không đồng nghĩa với việc có một lịch sử. Trong cuộc sống của mình, có thể chúng ta có nhiều sự kiện, nhưng có bao nhiêu sự kiện trong đó đã thực sự hình thành nên ký ức của chúng ta? Có bao nhiêu sự kiện có tầm quan trọng đối với tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta trao cho cuộc sống mình một ý nghĩa? Những khuôn mặt của người trẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện trên nhiều bức hình mà chúng diễn tả ít nhiều về những sự kiện thực tế. Trái lại, chúng ta không biết có bao nhiêu “câu chuyện” ở đó, kinh nghiệm cho biết, điều đáng kể cũng giống như mục tiêu và ý nghĩa, được cất giấu trong chính mình. Những chương trình truyền hình thường tràn ngập những show được gọi là thực tế, nhưng chúng không có những câu chuyện đích thực, mà chỉ là những khoảnh khắc mà chúng xảy ra trước một camera truyền hình, và trong những khoảnh khắc ấy, nhiều người bước vào ngày sống mà không hề có bất cứ dự định gì. Các con đừng để cho mình bị đánh lạc hướng bởi những hình ảnh sai lạc ấy về thực tế! Các con hãy trở thành những nhân vật chính của lịch sử các con, và hãy xác định tương lai của các con!
Lưu lại trong sự liên kết với cái nhìn hướng về mẫu gương Đức Maria
Người ta nói về Đức Maria rằng, Mẹ đã ghi nhớ tất cả mọi Lời và suy đi nghĩ lại trong lòng (xc. Lc 2,19.51). Cô gái mộc mạc thành Nazareth này dậy chúng ta biết cách bảo vệ ký ức về những biến cố khác nhau trong cuộc sống, nhưng cũng lồng ghép những biết cố ấy để hình thành nên một toàn thể hiệp nhất từ những mảnh vụn, giống như một bức tranh khảm. Chúng ta có thể rèn luyện mình cách cụ thể thế nào trong ý nghĩa này? Cha trao cho các con một số đề nghị.
Đến cuối mỗi ngày, chúng ta có thể dành ra một ít phút để hồi tưởng lại những khoảnh khắc đẹp, những thách đố, và tất cả những gì, cả tốt lẫn xấu, đã diễn ra. Chúng ta có thể bày tỏ trước mặt Thiên Chúa và trước chính mình những cảm nghĩ biết ơn, thống hối và tín thác. Nếu các con muốn, các con cũng có thể viết điều đó vào một cuốn vở, trong một loại nhật ký thiêng liêng. Đó chính là việc cầu nguyện trong cuộc sống, với cuộc sống và về cuộc sống, và chắc chắn nó sẽ giúp các con hiểu rõ hơn về những điều trọng đại mà Thiên Chúa đang thực hiện cho từng người một trong các con. Như Thánh Au-gus-ti-nô đã từng nói, chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong những cánh đồng bao la của ký ức chúng ta (xc. Lời xưng thú, cuốn X,8,12).
Khi chúng ta đọc Kinh Magnificat, chúng ta sẽ ý thức được việc Đức Maria rất thông thạo Lời Chúa như thế nào. Bất cứ câu nào trong ca khúc này cũng đều có một đoạn song song trong Cựu Ước. Người Mẹ trẻ của Chúa Giê-su thuộc rất nhiều những Lời Kinh của Dân Tộc mình. Chắc chắn Cha Mẹ và ông bà của Đức Mẹ đã dậy cho Mẹ cầu nguyện với những Lời Kinh đó. Vì thế, việc tiếp tục chuyển giao Đức Tin từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều quan trọng biết chừng nào! Một kho tàng kín đáo nằm trong những Lời Kinh mà các bậc tiền nhân của chúng ta đã dậy cho chúng ta, trong linh đạo được sống giữa nền văn hóa của những con người mộc mạc mà chúng ta gọi là lòng đạo đức bình dân. Đức Maria đã tập hợp di sản Đức Tin của dân tộc mình, và biến di sản Đức Tin ấy thành một Bài Ca hoàn toàn của riêng Mẹ, nhưng đồng thời, Bài ca đó cũng là bài ca của toàn thể Giáo hội. Và toàn thể Giáo hội cùng hát với Mẹ. Vì thế, những người trẻ các con cũng có thể hát lên một bài ca Magnificat, mà nó hoàn toàn đến từ chính các con, và có thể biến cuộc sống các con thành một quà tặng cho toàn thể nhân loại, nhưng điều căn bản là các con hãy tiếp nối truyền thống thiêng liêng và lời cầu nguyện của những con người đã sống trước các con. Vì thế, việc hiểu rõ Kinh Thánh, hiểu rõ Lời Chúa, đọc Lời Chúa mỗi ngày và đặt Lời Chúa vào trong mối tương quan với cuộc sống của các con, nghĩa là đọc biết tất cả những sự kiện hàng ngày trong ánh sáng của điều mà Thiên Chúa muốn nói với các con trong Kinh Thánh, cũng là điều rất quan trọng. Trong cầu nguyện và trong lúc đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện (được gọi là Lectio divina), Chúa Giê-se sẽ sưởi ấm con tim của các con, và sẽ ban ánh sáng cho những bước đi của các con, ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời các con (xc. Lc 24,13-35).
Đức Maria cũng sẽ dậy chúng ta sống trong một phong thái Thánh Thể, nghĩa là nói lời Tạ Ơn, thường xuyên ngợi khen Thiên Chúa, và kiên định không chỉ trong những vấn đề và trong những khó khăn. Những lời cầu xin của ngày hôm nay sẽ trở thành lý do để tạ ơn của ngày mai, trong sự năng động của cuộc sống. Do đó, sự tham dự của các con trong các Thánh Lễ và những giây phút cử hành Bí Tích Giao Hòa chính là cao điểm và đồng thời cũng là điểm xuất phát: Cuộc sống của các con sẽ được canh tân mỗi ngày trong sự tha thứ, và trở thành một lời ngợi khen liên lỷ dâng lên Đấng Toàn Năng: “Hãy tín thác vào sự tưởng nhớ của Thiên Chúa: […] sự tưởng nhớ của Ngài chính là con tim, mà con tim đó luôn dịu hiền trước niềm cảm thông, và luôn vui mừng về việc xóa sạch mọi dấu vết sự ác trong chúng ta” (Bài Giảng Lễ trong lúc diễn ra Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Cracow, 31.07.2016).
Chúng ta đã thấy rằng, lời Kinh Magnificat phát xuất từ con tim của Đức Maria trong khoảnh khắc Mẹ gặp gỡ bà Elisabeth, người chị họ luống tuổi của Mẹ. Với Đức Tin, với cái nhìn sắc bén và với những lời của mình, bà Elisabeth đã giúp Đức Trinh Nữ Maria nhận thức tốt hơn những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Mẹ, cũng như hiểu rõ hơn sứ mạng được ủy thác cho Mẹ. Còn các con, các con có ý thức về nguồn mạch đặc biệt của sự phong phú mà cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người luống tuổi diễn tả không? Những cụ già, những bậc ông bà có tầm quan trọng thế nào đối với các con? Thực ra, các con đang khát khao được bay cao và đang mang những giấc mơ lớn trong lòng. Nhưng các con cũng cần tới sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của những cụ già. Trong khi các con xòe cánh ra trong gió, thì điều quan trọng là các con khám phá ra nguồn cội của mình và tiếp nhận chiếc gậy tiếp sức từ những người mà họ đi trước các con. Để kiến tạo nên một tương lai đầy ý nghĩa, người ta phải biết được những sự kiện của quá khứ và thể hiện thái độ đối với chúng (Tông Huấn Amoris laetitia, 191.193). Nếu như những người trẻ các con có sức lực thì các bậc cao niên lại có ký ức và sự khôn ngoan. Giống như Đức Maria đối với bà Elisabeth, cái nhìn của các con cũng hãy hướng về các cụ già, hướng về những bậc ông bà của các con. Họ sẽ kể cho các con nghe những điều mà chúng sẽ làm cho trí tuệ các con được thêm phấn chấn, cũng như sẽ đụng chạm tới con tim của các con.
Niềm trung tín sáng tạo để kiến tạo một thời đại mới
Thực sự thì các con chưa đủ lớn tuổi để “trải qua nhiều những công việc”, và vì thế, việc gán cho truyền thống những giá trị thích đáng, có thể là điều khó khăn đối với các con. Các con hãy lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là trở thành một người duy truyền thống. Không! Trong Tin Mừng, khi Đức Maria nói, “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49), thì Mẹ cũng nghĩ rằng, “sự trọng đại” đó chưa chấm dứt, đúng hơn, nó sẽ còn được tiếp tục hiện thực hóa trong hiện tại. Nó không phải là một quá khứ xa xưa. Để có thể giữ lại quá khứ trong ký ức không có nghĩa là luyến tiếc quá khứ, hay bám vào một thời điểm nào đó trong lịch sử, nhưng là có thể nhận ra nguồn cội riêng của mình để càng ngày càng trở về lại với những điều chính yếu, và hăng hái bắt tay vào việc kiến tạo nên một thời đại mới với sự trung tín đầy sáng tạo. Sẽ gây phẫn nộ và chẳng giúp ích gì cho ai, nếu chúng ta bênh vực một ký ức gây tê liệt, mà ký ức đó luôn luôn cho phép thực hiện những sự việc với một cách thức giống hệt như nhau. Trái lại, việc thấy được rằng, với những tìm tòi, với những ước mơ và với những vấn nạn của mình, nhiều người trong các con đang chống lại óc tưởng tượng cho rằng, mọi điều đều không thể khác đi, đó là một hồng ân từ trời.
Một xã hội mà nó chỉ công nhận hiện tại, sẽ có xu hướng coi tất cả những gì người ta thừa kế từ quá khứ, đều bé bỏng hết, chẳng hạn như việc lập gia đình, đời sống Thánh Hiến và ơn gọi Linh mục. Và sau cùng, những điều ấy sẽ được coi là vô nghĩa, là mặt hàng lỗi thời. Người ta nghĩ rằng, tốt nhất là sống trong những điều được gọi là những trạng huống “mở” và cư xử trong cuộc sống như trong một chương trình truyền hình thực tế mà không hề có mục tiêu hay mục đích gì hết. Các con đừng để cho mình bị phỉnh lừa! Thiên Chúa đã đến để mở rộng những đường chân trời của cuộc sống chúng ta trong cách nhìn ấy. Ngài giúp chúng ta trao cho quá khứ những giá trị thích đáng để có thể trình bày một tương lai hạnh phúc tốt hơn: Nhưng điều đó chỉ có thể nếu như người ta sống Đức Ái cách đích thực – trong những kinh nghiệm mà chúng được hiện thực hóa qua việc chúng ta nhận ra được tiếng gọi mời của Thiên Chúa và đi theo Ngài. Và đó là điều duy nhất làm cho chúng ta được hạnh phúc thực sự.
Các bạn trẻ thân mến, Cha xin trao phó con đường dẫn tới Panama của các con, cũng như xin trao phó quá trình chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới cho lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria. Cha mời gọi các con, trong năm 2017 này, hãy suy nghĩ về hai sự kiện quan trọng: kỷ niệm ba trăm năm cuộc tái tìm thấy bức ảnh Đức Mẹ Ban Ơn tại Aparecida, Bra-xin, và kỷ niệm một trăm năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ-đào-nha, mà nếu Chúa muốn thì vào tháng 05 này, Cha sẽ lên đường để đến đó với tư cách là một người hành hương. Trong sự phục vụ khiêm nhượng hằng ngày của mình, Thánh Martin de Porres, một trong những vị Thánh Bổn Mạng của Mỹ Châu La-tinh và của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2019, đã có thói quen dâng lên Đức Mẹ những bông hoa đẹp nhất như là dấu chỉ Tình Yêu con thảo của Ngài. Giống như Ngài, các con cũng hãy duy trì mối tương quan đầy tín thác và bằng hữu với Mẹ Thiên Chúa. Các con hãy trao phó cho Mẹ niềm vui, những thắc mắc mà những mối lo lắng của các con. Cha bảo đảm với các con rằng, các con sẽ không phải hối tiếc về điều đó!
Ước gì Đức Trinh Nữ làng Nazareth, Đấng đã đón nhận hằng ngàn khuôn mặt và danh xưng trên toàn thế giới để gần gũi với những người con trai và con gái của mình, cầu bầu cho mỗi người trong chúng ta và giúp chúng ta biết ngợi khen những công trình vĩ đại mà Thiên Chúa đang thực hiện trong chúng ta và qua chúng ta.
Từ Vatican, ngày 27 tháng 02 năm 2017
Nhân dịp Lễ kính Thánh Gabriel Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ
Đức Thánh Cha Phanxicô
Lm. Đaminh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
Tags: Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, Văn kiện Giáo Hội