Suy Niệm Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay
Thứ Hai, 01-04-2019 | 17:02:08
Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh ‘Vác chõng mà đi’?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.
Suy Niệm
Chúng ta hãy xem xét một trong những ý nghĩa biểu tượng của đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã chữa lành người đàn ông đã bị tê liệt, không thể đi lại và chăm sóc cho mình. Những người khác đã bỏ bê ông ta khi ông ta ngồi bên bờ hồ với hy vọng lòng tốt và sự chú ý của mọi người. Chúa Giêsu nhìn thấy ông ta và quan tâm ông ta. Sau một cuộc đối thoại ngắn, Chúa Giêsu chữa cho ông ta và bảo ông ta đứng dậy và bước đi.
Một biểu tượng rõ ràng là sự tê liệt về thể xác của ông ta là một hình ảnh về kết quả tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta “làm tê liệt” chính mình. Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của chúng ta và hậu quả rõ ràng nhất là chúng ta không thể trỗi dậy và bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Nhất là tội trọng khiến chúng ta bất lực để yêu thương và sống trong tự do thực sự. Nó khiến chúng ta bị mắc kẹt và không thể chăm sóc cho đời sống tinh thần của chính mình hoặc cho người khác bằng mọi hoàn cảnh. Thật quan trọng để nhận ra hậu quả của tội lỗi. Ngay cả những tội nhẹ cũng cản trở khả năng của chúng ta, tước đoạt năng lực của chúng ta và khiến chúng ta bị tê liệt về mặt tinh thần ở mức độ này hay mức độ khác.
Hy vọng chúng ta nhận biết điều này và nó không phải là một tiết lộ gì mới cho chúng ta. Tuy nhiên, những gì mới đối với chúng ta là sự thừa nhận trung thực về tội lỗi hiện tại của mình. Chúng ta phải nhìn thấy chính mình trong câu chuyện này. Chúa Giêsu đã không chữa lành người đàn ông này chỉ vì lợi ích của người đàn ông này. Chúa đã chữa lành ông ta, một phần để nói với chúng ta rằng Ngài nhìn thấy chúng ta trong tình trạng tan vỡ khi chúng ta trải nghiệm hậu quả của tội lỗi chúng ta. Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta trong những lúc hoạn nạn. Chúa nhìn chúng ta và kêu gọi chúng ta đứng dậy và bước đi. Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc để cho Chúa thực hiện sự chữa lành trong cuộc sống chúng ta. Đừng thờ ơ để xác định ngay cả tội nhỏ nhất đang gây hậu quả cho chúng ta. Hãy nhìn vào tội lỗi chúng ta, hãy để cho Chúa Giê-su thấy tội lỗi chúng ta và hãy lắng nghe Chúa nói những lời chữa lành.
Hôm nay chúng ta hãy suy ngẫm về cuộc gặp gỡ giữa người bại liệt và Chúa Giêsu. Hãy đặt mình vào trong câu chuyện này và hãy biết rằng sự chữa lành này cũng được thực hiện cho chúng ta. Nếu chúng ta chưa làm như vậy trong Mùa Chay này, thì hãy đi xưng tội và khám phá sự chữa lành của Chúa Giêsu nơi Bí tích Hòa Giải. Việc xưng tội là câu trả lời cho sự tự do đang chờ đợi chúng ta, nhất là khi nó được thực hiện một cách trung thực và kỹ lưỡng.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho tội lỗi chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tội lỗi của mình và những hậu quả mà chúng đang đè nặng trên con người chúng con. Chúng con biết rằng Chúa mong muốn giải thoát chúng con khỏi những gánh nặng này và chữa lành tâm hồn chúng con. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng can đảm để thú nhận tội lỗi với Chúa, nhất là trong Bí tích Hòa giải. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.
TTMV-DCCT chuyển dịch
Nguồn: http://mycatholic.life