Suy niệm Tin Mừng - Thứ Ba Tuần XXV Mùa Thường Niên (25.09.2018): Để Lời Chúa được lớn lên.
Thứ Hai, 24-09-2018 | 23:00:06
Phúc Âm: Lc 8, 19-21
“Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: “Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy”. Người trả lời với họ rằng: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
SUY NIỆM: Để Lời Chúa được lớn lên.
Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốnn làm Mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:
* Cưu mang Lời Chúa.
Đức Maria chính là hình ảnh của Hội Thánh, cách riêng các Kitô hữu, luôn làm cho Thiên Chúa được sinh ra nơi các tâm hồn, sinh ra cho thế giới mọi nơi và mọi thời, nghĩa là làm cho Thiên Chúa được muôn người nhận biết. Vấn đề này thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4, 19). Đức Maria đã sinh ra cho nhân loại chính Đấng Cứu Độ, Mẹ lại cùng với Đức Giêsu “quặn đau” sinh ra các Kitô hữu dưới chân thập giá và cả cuộc đời xin vâng của Mẹ đã làm cho Nước Chúa được hiển trị trên thế giới và cách riêng trong tâm hồn mọi người. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh theo nghĩa thiêng liêng, vì Người đã cộng tác với Chúa Giêsu, mà sinh hạ những người con trong đức tin cho Hội Thánh. Nếu thiên chức làm mẹ cốt ở việc làm phát sinh những mầm sống mới, thì Đức Maria là Mẹ các tín hữu vì cùng với Chúa Giêsu đem lại sự sống ân sủng cho họ. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh vì Người đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, và vẫn tiếp tục sinh các phần thân thể của Chúa Giêsu trong ân sủng đức ái và đức tin. Hay nói cách khác, Đức Maria vẫn tiếp tục làm cho Chúa Giêsu được sinh ra cho Hội Thánh và trong các tâm hồn.
Thật thế, muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông. Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
* Đem Chúa đến cho tha nhân.
Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn tinh thần đức ái khi hạ mình làm người tôi tớ phục vụ.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trươc đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).
Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.
Lm. Hiền Lâm
Tags: suy niệm Tin Mừng, Tin Mừng thánh Luca, Tuần XXV Mùa Thường Niên
Có thể bạn quan tâm
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên (24.09.2018): Gieo vào giữa lòng đời.
- Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên, Năm B (23.09.2018): Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên (22.09.2018): Để Lời Chúa được lớn lên.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên (21.09.2018): Lễ kính Thánh Matthêu, Tông đồ
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Năm Tuần XXIV Mùa Thường Niên (20.09.2018): Lễ nhớ Thánh Anrê Kim Tegon, Phaolô Chong Hasang và các bạn Tử đạo tại Hàn Quốc.
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên (19.09.2018): Để ý Chúa được thể hiện
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Ba Tuần XXIV Mùa Thường Niên (18.09.2018): Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
- Suy niệm Tin Mừng - Thứ Hai Tuần XXIV Mùa Thường Niên (17.09.2018): Lễ nhớ Thánh Robert Bellarmine, Giám mục - Tiến sĩ Hội Thánh*.
- Suy niệm Tin Mừng - Chúa Nhật Tuần XXIV Mùa Thường Niên, Năm B (16.09.2018): Thầy là ai? trong cuộc đời