Suy niệm Tin Mừng - Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng (20.12.2017): Ngôi Lời đã hóa thánh nhục thể

Thứ Ba, 19-12-2017 | 17:00:02

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1,26-38)

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét,đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽnên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.


Suy niệm:

Gabriel trong tiếng Do Thái có nghĩa là: “Thiên Chúa là sức mạnh”. Bởi thế, khi lãnh sứ mạng truyền tin cho Mẹ Maria, hình ảnh sức mạnh nổi bật nơi người mang sứ điệp và chính tại nội dung của sứ điệp. Mẹ Maria phân vân thắc mắc bằng những suy nghĩ thường tình của con người: “Việc ấy thành sự sao được? Vì tôi không biết đến người Nam”. Tuy nhiên, thắc mắc này không làm nao núng vị sứ giả biểu tượng cho sức mạnh Thiên Chúa. Sứ giả đã trấn an Mẹ với lời khẳng định: Chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được”. Dù cho tuổi già như Elisabeth thì Ngài vẫn cho sinh hạ một con trai để góp phần gia truyền ơn cứu độ. Ngài đã tạo dựng vũ trụ cho con người, Ngài đã gầy dựng một dân tộc từ một đôi vợ chồng son sẻ mà tuổi đã xế chiều, thế mà tại sao Ngài lại không thể tạo cho mình một thân xác từ trong cung lòng người Nữ được?

Thiên Chúa Quyền Năng làm được mọi sự, nhưng dù cho quyền năng thế nào đi nữa thì khi đứng trước tự do của con người Ngài cũng phải đành bó tay, vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Quả thật tự do là một món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Với lý trí và tự do con người đã vẽ lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân phận thụ tạo của mình. Có tự do mới có tình yêu, vắng bóng tự do thì chỉ còn là những áp đặt, trói buộc hoặc lợi dụng. Không gì làm đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng khi con người biết dùng tự do để đáp lại tình yêu của Ngài, và cũng không gì làm đau lòng Ngài cho bằng khi con người sử dụng tự do để phản bội Ngài. Dù Ngài Quyền Năng tuyệt đối thì Ngài vẫn không dùng Quyền Năng để ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế mà thảm cảnh đã đến với nhân loại khi nguyên tổ đã cản ngăn chương trình tốt lành của Thiên Chúa dành cho mọi thụ tạo.

Thế nhưng, Thiên Chúa lại không bỏ mặc con người nhưng Ngài đã hứa ban ơn cứu độ ấy được thể hiện qua dòng lịch sử. Khung cảnh được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là điểm cuối của hằng bao thế kỷ chuẩn bị ấy. Và dù phải bỏ công chuẩn bị suốt một thời gian dài như vậy, Thiên Chúa cũng không dùng quyền năng của mình để ép buộc Mẹ Maria chấp nhận chương trình của Ngài. Ngài đợi chờ hai tiếng “Xin Vâng” thốt ra từ môi miệng của Mẹ, Ngài tôn trong tự do nơi Mẹ. Về phần Mẹ Maria, Mẹ cũng dùng lý trí của Mẹ để tìm hiểu, thắc mắc. Tuy nhiên, khi dùng lý trí thì Mẹ vẫn không bước ra ngoài sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Câu hỏi của Mẹ là một thắc mắc chính đáng trong cái suy nghĩ thường tình của con người: “Làm sao một người nữ lại có thể sinh con khi không có sự tiếp tay của người nam”. Sứ thần đã hướng dẫn lý trí của Mẹ suy nghĩ đến quyền năng của Thiên Chúa. Lúc này tâm trí của Mẹ không chỉ qui về sự việc bà chị họ mang thai nhưng bao gồm tất cả chiều dài của chương trình lịch sử cứu độ.

Nhờ thế mà hôm nay Giáo Hội mới có được lời kinh Magnificat để chúc tụng trong giờ kinh Phụng Vụ. Và rồi chẳng ngần ngại Mẹ đã thưa “Xin Vâng”. Hai tiếng “Xin Vâng” tuy vắn gọn nhưng không mất tính chất quan trọng của một chiếc chìa khóa mở cửa cho nguồn ơn cứu độ đến với nhân loại. Chẳng gì là quá đáng khi chúng ta lập lại lời thơ của Hàn Mặc Tử:

“Lạy Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel!

Khi người xuống trần gian truyền tin cho Thánh Nữ.

Người có nghe xôn xao muôn vị tinh tú?

Người có nghe náo động cả phương trời?”

Vì do sự sử dụng tự do của nguyên tổ mà chương trình tốt lành của Thiên Chúa bị cản ngăn, thì lúc này với sự sử dụng tự do của Mẹ Maria chương trình cứu độ tình thương của Ngài được thiết lập.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta bắt chước ở nơi Mẹ Maria thái độ lắng nghe, tìm hiểu và rồi sẽ đáp trả trong tự do và tin tưởng. Vì mỗi ngày Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố của cuộc sống. Ngài chờ đợi một lời đáp trả trong “tin yêu”, vì Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của ta. Nếu chúng ta biết thưa hai tiếng “Xin Vâng” như Mẹ Maria đã thưa thì chắc chắn Ngài sẽ đến và sẽ hành động trong chúng ta. Nhưng nếu một khi đã có Thiên Chúa đến ở với thì tôi tớ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng một khi được Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ chỉ là chi thể, là bạn hữu và là anh em của Ngài.

(Veritas Asia)

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm