Suy niệm Tin Mừng - Thứ Tư Tuần XVIII Mùa Thường Niên (09.08.2017): Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá, nữ tu - tử đạo

Thứ Ba, 08-08-2017 | 17:00:40

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 15,21-28)

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.


Suy niệm:
Edith Stein, một Nữ Triết gia thời danh, người Do Thái, trở lại Ðạo Công giáo, Tu Dòng Kín Carmel lấy tên hiệu là “thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá”, và sau đó bị chế độ Ðức Quốc Xã sát hại như bao triệu người Do Thái khác, bằng khí độc tại Trại Tập trung Auschwitz năm 1942.
Tháng 5-1987, Edith Stein đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn lên bậc Chân phước tại Koeln, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Cộng hoà Liên bang Ðức. 

Chúa Nhật ngày 11-10-1998, Chân phước Edith Stein được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển Thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô. Một năm sau, năm 1999 thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá được tuyên bố là Đấng Bổn mạng của Châu Âu, cùng với  Thánh nữ Brigita của Thụy Điển và Thánh nữ Caterina thành Siena của Ý.

Edith Stein được phong lên bậc Chân phước năm 1987, “per viam martirii” (vì việc tử đạo của ngài đã được Giáo Hội công nhận). Do đó, lúc đó không cần phép lạ nào cả. Nhưng để phong lên bậc Hiển Thánh, thì giờ đây cần một phép lạ. Và phép lạ đã xảy ra cho một em nhỏ tại Boston (Hoa Kỳ). Em nhỏ này mới 2 tuổi, sinh đúng vào ngày tử đạo của Chân phước Edith Stein: 9-8. Em đã nuốt cả một ống thuốc; tác động của thuốc lúc đó rất nguy hiểm cho mạng sống của em. Ðược chở vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ tuyên bố không thể cứu em được nữa, xét về phương diện y khoa. Nhớ lại ngày sinh nhật của em trùng với ngày Chân phước Edith Stein tử đạo, cha mẹ em nhỏ đã khấn xin Chân phước chữa lành con mình. Nhờ lời bầu cử của Chân phước, em đã lành mạnh cách lạ lùng. Các bác sĩ đã phải công nhận đây là một sự kiện không thể xảy ra xét về phương diện loài người và khoa học. [Nên biết thêm: cha của em nhỏ này là một linh mục theo nghi lễ Ðông phương Hylạp Melkite, tên là Emmanuel Charles McCarthy, và vì thế là một linh mục có gia đình. Cha Emmanuel đã dự định cùng với trọn cả gia đình 12 đứa con, đến Roma dự lễ Phong Thánh cho Chân phước Edith Stein. Giáo hội Công giáo Ðông phương hiện vẫn còn giữ truyền thống phong chức linh mục cho người đã lập gia đình. Cha Emmanuel đã được Ðức Thượng phụ Maximos Hakim V, phong chức linh mục tại Damascus, Syria, ngày 9-8-1981, tức trùng vào ngày Edith Stein chịu chết tử đạo ở trại Tập Trung Auschwitz, ngày 9-8-1942].

Việc phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Edith Stein gây nên nhiều chống đối về phía một số người Do Thái quá khích và những người còn nặng mùi chế độ Ðức Quốc Xã. Những phản đối, chỉ trích này không thể ngăn cản quyết định của Toà Thánh.

Ðây là lần thứ nhất, từ đời các thánh Tông đồ, một người Do Thái – “một người con của dân tộc Israel” (lời Ðức Gioan Phaolô II), được tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Tháng 4-1998, ÐTC Gioan Phaolô II đã gọi một cách rất ý nghĩa rằng: “Các người Do Thái là anh, chị cả của chúng ta”. Sau khi Bộ Phong Thánh đã công bố Sắc lệnh liên hệ đến phép lạ vừa kể trên đây do lời bầu cử của Chân phước Edith Stein (tên Dòng là Têrêsa Benedicta Thánh Giá), thì lễ Phong Hiển Thánh đã được ÐTC ấn định vào Chúa Nhật 11-10-1998.

Edith Stein sinh tại Breslau, trước kia thuộc Ðức, nhưng nay đã thuộc về Ba Lan, ngày 12-10-1891, trong một gia đình có đức tin sâu xa và lòng đạo nhiệt thành, do việc đọc và suy ngắm hằng ngày Lời Chúa trong Cựu Ước (người Do Thái không công nhận Tân Ước). Edith Stein là người con út trong gia đình có 11 người con. Thân phụ của Edith Stein qua đời lúc Edith Stein mới được 18 tháng.

Ðến tuổi thành niên, tức 14 tuổi, Edith Stein đã mất đức tin và trở thành vô thần. Nhưng Thiên Chúa đã có chương trình riêng của Ngài về Edith Stein, đang khi thiếu nữ này hăng say tìm chân lý trong môn triết học.

Ðọc hạnh của Edith Stein, người ta nhận thấy rằng Thiên Chúa hoàn toàn tự do hành động nơi các linh hồn và các thụ tạo, như một Vị Chúa và đồng thời như một người Cha nhân từ. Edith Stein đã tìm ra Chân Lý, đã trở lại, đã tu Dòng Kín Carmel và đã tử đạo để minh chứng cho Chân Lý và Thiên Chúa của mình. Edith Stein đã bị sát hại trong Trại Tập trung Auschwitz ngày 9-8-1942, thời Ðức Quốc Xã. Chế độ lên án tử cho Edith Stein không phải chỉ vì Edith Stein là người Do Thái, nhưng còn vì thù ghét Ðạo Công giáo, chống Giáo Hội.

Việc phong Hiển Thánh cho Chân Phước Edith Stein nằm trong chương trình đối thoại của ÐTC Gioan Phaolô II đã được khởi sự một cách táo bạo qua chuyến viếng thăm nguyện Ðường Do Thái ở Roma ngày 13-4-1986. Trong cuộc gặp gỡ lịch sử này, Giáo trưởng Do Thái ở Roma tuyên bố: Giữa Vatican và nguyện Ðường Do Thái ở Roma chỉ cách nhau có 2 cây số, nhưng phải chờ đợi 2000 năm mới có một cuộc tiếp xúc với nhau. Edith Stein là người con của thành phố Breslau, hồi đó là thủ đô bang Slesia thuộc nước Ðức, ngày nay được gọi là Woclaw và thuộc Ba Lan. Tại thành phố này, Edith sinh ra vào đúng ngày lễ Kipur, ngày lễ trọng Ðền Tội của người Do Thái. Edith Stein được giáo dục trong việc tuân giữ Torah và các thực hành tôn giáo của Do Thái giáo. Chiều các ngày thứ Sáu, Edith Stein vẫn theo gia đình đến nguyện đường, cho tới cuộc khủng hoảng Ðức Tin lúc lên 14 tuổi. Edith Stein đã tuyên bố là “cảm thấy mình không thể tin có Thiên Chúa được”. Edith Stein, hồi đó là người phụ nữ duy nhất theo Ban Triết tại Ðại học thành phố Breslau. “Ai tìm chân lý, tức là tìm Thiên Chúa, dù không biết Người”. Ðây là câu Cha Simeon, cáo thỉnh viên vụ phong Thánh Edith Stein, nói lên với Tuần Báo Gia Ðình Kitô (Famiglia Cristiana). Cha nói “tôi tin rằng trong câu này gồm tóm tất cả gia tài thiêng liêng của Edit Stein và bao hàm tất cả con người và đời sống lạ lùng của Chân Phước: người Do Thái, người vô thần, một học giả và một giáo sư đại học, một Nữ tu Dòng Kín, một vị đồng trinh tử đạo”.

Thiên Chúa mầu nhiệm vô cùng. “Ai tìm chân lý, tức là tìm Thiên Chúa”. Edith Stein, một triết gia, một học giả tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa, dù không biết đến Người. Ðúng vậy. Ơn gọi trở lại đã bùng nổ trong tâm hồn Edith Stein, nhờ việc đọc cuốn tiểu sử tự thuật của Thánh nữ Têrêsa thành Avila, Tiến sĩ Hội Thánh. Edith Stein tự thú:””Khi gấp sách lại, tôi phải tự thú với tôi rằng: Ðây là chân lý”. Edith Stein đã tìm ra chân lý, khám phá ra Thiên Chúa. 12 năm sau Edith Stein xin vào tu Dòng Kín Carmel tại thành phố Koeln (Ðức quốc) và bắt đầu tiến trên một lộ trình dài đưa đến phúc tử đạo tinh thần và thể xác và lộ trình này kết thúc bên cạnh Thánh Maximiliano Kolbe (1894-1941), Linh mục Dòng Phanxico, tử đạo tại Auschwitz.

Tháng 6-1979, trong chuyến viếng thăm thứ nhất tại Ba Lan, ÐTC Gioan Phaolô II gọi Auschwitz là “Golgotha của thế giới hiện đại”. Tại đây Giáo hội Công giáo Ba Lan đã cho dựng một Thánh Giá lớn, để ghi nhớ các nạn nhân của chế độ Ðức Quốc Xã và ghi nhớ chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II.

Chính ÐTC trong cuốn sách Giáo Lý mới của Giáo hội Công giáo ban hành năm 1992, đã muốn ghi lại như sau: “Chúa Giêsu sinh ra là người Do Thái, bởi một phụ nữ Do Thái. Mẹ Người, Ðức Maria, người Do Thái, thuộc dòng dõi của những phụ nữ Do Thái thời danh: Anna, Debora, Giudit, Ester…”.  Theo chân các ngài, nay có Edith Stein, vị hiển thánh người Do Thái, tử đạo tại Auschwitz.

 Trích trong Theo Vết Chân Người
(Chân dung các thánh nhân)

Tags: , , , ,

Có thể bạn quan tâm