Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 6: Hôn nhân thực sự là gì?
Thứ Tư, 02-05-2018 | 20:54:55
Đối với Kitô hữu, đặt câu hỏi như thế tức là muốn hỏi Thiên Chúa ước muốn gì khi tạo dựng hôn nhân, đâu là ý định của Ngài về hôn nhân.
1. “Con người ở một mình không tốt”
Thánh Kinh dẫn vào hôn nhân bằng một nhận xét đơn giản. “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.’” (St 2,18). Khi tạo dựng mọi loài “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,4.10.12.18.21.25) nhưng đến lượt tạo dựng Ađam, Thiên Chúa lại nói “con người ở một mình không tốt”. Phải chăng Ngài đang dựng một kịch bản để nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân, đời sống lứa đôi?
Nhận thấy con người ở một mình không tốt, Chúa đã khiến Ađam bắt đầu cuộc tìm kiếm một người “trợ tá tương xứng”. Ngài cho diễu qua trước mặt Ađam tất cả các loài vật để ông đặt tên. Trong văn hóa Hípri hành động đặt tên có ý nghĩa gì đó còn hơn là phát hiện ra một cái gì hấp dẫn hoặc đáng nhớ. Đặt tên cho một cái gì là công nhận một vai trò nào đó cho sự vật ấy, mô tả chức năng hay nhiệm vụ của ai đó hay vật nào đó. Khi đặt tên cho các loài thọ tạo, Ađam quả thực đang khám phá và miêu tả chúng là ai. Nhưng không có ai trong chúng khả dĩ được gọi tên thực sự là “người trợ tá tương xứng” với Ađam. Sau cùng, Thiên Chúa cho Ađam đi vào một giấc ngủ sâu và tạo dựng Eva:
“Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2,21-22).
Khi cuối cùng Ađam gặp được người ấy, ông bỗng chốc hóa thành thi sĩ reo lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).
Đỉnh điểm của câu chuyện là câu kết sau đây của đoạn Thánh Kinh: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Câu chuyện này giải thích hôn nhân có ý nghĩa gì. Một người nam và một người nữ đến với nhau tạo lập một nhất thể mới (là “ hôn nhân – gia đình”) bởi lẽ người ta không được tiền định để sống đơn độc. Hôn nhân giải quyết vấn đề cô đơn của con người.
Nhưng khi nêu vấn đề và giải đáp cho vấn đề sự cô đơn của Ađam, Thiên Chúa không hề chỉ nói cô đơn là một sự xấu xa, và hôn nhân được tạo nên để chữa lành căn bệnh cô đơn. Thánh Kinh còn dạy điều gì hơn nữa về chuyện hôn nhân.
2. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu trong Đức Kitô
Người ta vẫn hay nói vợ chồng là một nửa của nhau, là “mình” của nhau, để bổ túc cho nhau. Nhưng Chúa Giêsu mới thật là Đấng bổ túc cho ta như một kẻ được tạo dựng để được sống yêu thương.
Chương 5 của Thư gởi tín hữu Êphêsô cho ta hình ảnh của ước mơ của Thiên Chúa về hôn nhân:
“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,25-27).
Nếu bạn muốn biết phải làm người chồng như thế nào, thì tốt nhất hãy nhìn ngắm Đức Giêsu Kitô đẻ xem Người đã yêu thương Hiền thê mình, là Hội Thánh, như thế nào. Lý do và mục đích của Người chỉ là để làm cho nàng thêm đẹp hơn. Người không theo một vẻ đẹp sắc vóc hời hợt bên ngoài, nhưng là vẻ đẹp nội tâm tinh tuyền và thánh thiện, không tỳ ố không vết nhăn. Người muốn Hiền Thê Người đẹp và hoàn toàn thánh thiện, đến tận chân bản thể. Để làm điều đó, Người đã hy sinh mạng sống mình vì nàng; đã chết trên thập giá vì nàng. Được yêu thương bởi một người muốn sống vì bạn, cho bạn điều tốt đẹp nhất, hiến thân để thấy bạn được trở thành một thọ tạo thành toàn, thật là điều tuyệt vời.
“Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1Pr 2,20b-25).
Thánh Phêrô khuyên nhủ: đôi khi chúng ta phải chịu đau khổ vì làm việc tốt, thì hãy vẫn kiên tâm làm việc tốt, vì chính qua đau khổ mà Chúa Giêsu thực hiện mục đích của mình vì chúng ta. Người đau khổ vì làm việc thiện và nhờ kinh nghiệm ấy Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta. Thánh Phêrô áp dụng sự thật này cho các chị:
“Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em” (1Pr 3,1-2).
Và kế đến, cho các anh:
“Cũng vậy, anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Như thế, việc cầu nguyện của anh chị em sẽ không bị ngăn trở” (1Pr 3,7).
Cả người vợ lẫn người chồng đều cần phải nhìn gương của Đức Kitô khi sống với nhau trong hôn nhân. Đức Kitô chịu đau khổ vì yêu thương chúng ta, là tấm gương hướng dẫn đời sống hôn nhân. Từ khi tạo dựng, hôn nhân đã được tiền định để diễn tả tình yêu của Đức Kitô vì chúng ta (x. Ep 5,31-32).
3. Dấn thân với ơn sủng
Một đặc tính của tình yêu sách Sáng thế chương 2 nêu lên là sự dấn thân. St 2,24 nói: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”. Thiên Chúa đã tạo dựng hai con người từ một xương thịt (Eva được tạo dựng từ xương sườn cùa Ađam) và rồi kết hợp hai người lại thành “một xương một thịt” trong hôn nhân. Hình ảnh đó cho thấy sự đồng hành (bạn đời), sự thân mật, thuộc về nhau, và ảnh hưởng nhau. Đó là hình ảnh của một sự dấn thân. Để tách lìa xương khỏi thịt từ “một xương một thịt” thì phải chịu đau đớn vô cùng, thậm chí chết chóc. Hôn nhân kết hợp một người nam và một người nữ thâm sâu đến nỗi không thể tách lìa họ ra mà không đau đớn như thể ta xẻ thịt xương một người. Bạn đã từng mất người bạn đời, bởi ly dị hay chết chóc, bạn cảm thấy nỗi đau đớn lớn tới chừng nào. Để nên một xương một thịt cách an toàn, chúng ta cần biết kết hôn sẽ được kéo dài mãi mãi, chúng ta sẽ không bị róc xé thành hai mảnh. Đó là lý do tại sao hôn nhân đòi hỏi phải có một dấn thân cho nhau vĩnh viễn, phải hứa sống với nhau mãi mãi.
Dấn thân là khó khăn đối với những con người tội lỗi như chúng ta. Tội lỗi xâu xé, hủy diệt mối hiệp nhất với Chúa và với nhau. Tội lỗi và những thiếu sót của chúng ta, lớn hay nhỏ, đều xẻ nát sự hiệp nhất. Chúng ta dù có dấn thân với bạn đời tới mức nào, chúng ta cũng cảm thấy rách nát, hay nứt vỡ. Vậy phải làm sao?
Nhờ ơn sủng của Chúa. Ân sủng là nhận được tình yêu mà chúng ta không xứng đáng và không vất vả tìm chiếm hữu. Chúa Giêsu đã vá lành mối quan hệ rách nát của ta với Chúa bằng cách để cho chính mình bị tươm nát, tách lìa trên thập giá, để chúng ta được không bị xé nát, bị tách lìa khỏi Thiên Chúa.
Khi ta đau khổ ta có thể vẫn có thể hy vọng vì hiểu rằng Thiên Chúa sẽ dùng những đau khổ này giúp ta lớn lên càng nên giống Chúa Kitô.
“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8, 28-29).
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
1. Bạn cảm thấy thế nào khi cô đơn? Bạn cảm thấy có khác đi khi có ai đó ở với bạn, quanh bạn? bạn có nghĩ là hôn nhân và sống các mối quan hệ làm cho ta khá hơn hay tệ hơn không?
2. Trở nên giống như Đức Giêsu có nghĩa gì? Điều đó đối với bạn có vẻ là tốt hay xấu? Bạn có cho là điều đó làm mất nhân cách của bạn không?
3. Bạn chọn thái độ nào: hoặc “tôi muốn hôn nhân của tôi phục vụ cho ý định của Chúa” hoặc “tôi muốn hôn nhân của tôi chỉ phục vụ cho mục đích của tôi”? Nếu bạn tin rằng điều tốt nhất Chúa muốn cho hôn nhân của bạn là làm bạn trở nên giống Đức Kitô, thái độ của bạn sẽ thay đổi thế nào?
Văn phòng HĐGMVN
Tags: Hôn nhân, hôn nhân gia đình, Năm Mục vụ Gia đình 2018, Suy tư
Có thể bạn quan tâm
- Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 5: Cội rễ vì sao hôn nhân không hạnh phúc
- Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 4: Một Hôn Nhân Hạnh Phúc
- Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 3: Khi Hôn Nhân Thất Bại
- Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 2: Lời hứa kết hôn
- Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018 - Đồng hành với các gia đình trẻ - Bài 1: Chuyện một ngày và chuyện một đời