Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 124: Tiết Dục Bảo Vệ Phẩm Giá Của Hành Vi Vợ Chồng.
Thứ Ba, 06-06-2017 | 18:34:22
CXXIV: TIẾT DỤC BẢO VỆ PHẨM GIÁ CỦA HÀNH VI VỢ CHỒNG
(Ngày 24 tháng 10 năm 1984)
***
1. Như đã báo trước, hôm nay chúng ta sẽ phân tích nhân đức tiết dục.
«Tiết dục», thuộc một một nhân đức tổng quát hơn đó là tiết độ, hệ tại ở khả năng làm chủ, kiểm soát và qui hướng các xung năng tính dục (dục vọng xác thịt) và những hệ quả của chúng, vào con người chủ thể tâm-thể-lí. Khả năng ấy, xét như tâm hướng thường xuyên của ý chí ta, xứng đáng được gọi là một nhân đức.
Chúng ta đã biết từ những phân tích trước đây rằng dục vọng xác thịt, và «ước muốn» tính dục liên hệ được khơi dậy từ đó, được biểu lộ bằng một xung động đặc biệt thuộc phản ứng thể xác và hơn nữa bởi một sự kích thích tâm lí – tình cảm của xung năng tình dục.
Con người chủ thể để có thể làm chủ được xung năng và kích động ấy phải dấn mình vào một cuộc tự đào luyện dần dần biết kiểm soát ý chí, tình cảm, cảm xúc của bản thân, những cái đó cần phải được thể hiện ra bắt đầu từ những hành vi đơn sơ nhất, vốn từ đó những quyết định trong lòng rất dễ biến thành hành động. Điều đó, hiển nhiên giả thiết phải có một nhận thức rõ ràng các giá trị biểu lộ ra nơi lề luật, và một sự trưởng thành từ đó trong những xác tín vững chắc, vốn là nguồn gốc phát sinh ra nhân đức tương ứng, nếu có kèm theo một ý chí sẵn sàng hành động phù hợp. Đó chính là nhân đức tiết độ (tự chủ), biểu lộ ra như điều kiện cơ bản, vì để cho ngôn ngữ thân xác hai vợ chồng dùng để trao đổi với nhau được ở mãi trong sự thật, và vì để cho đôi vợ chồng «phục tùng lẫn nhau trong niềm kính sợ Đức Kitô», theo lời Thánh Kinh.[1] «Việc tùng phục lẫn nhau» này có nghĩa là một sự quan tâm chung đến sự thật của «ngôn ngữ thân xác»;trái lại, tùng phục «trong sự kính sợ Đức Kitô» chỉ ơn kính sợ Thiên Chúa (một ơn của Chúa Thánh Thần) đi kèm theo nhân đức tiết độ.
2. Điều này rất quan trọng để hiểu cho đúng nhân đức tiết độ và, cách riêng điều gọi là «sự tiết dục định kì», mà Thông điệp «Humanae Vitae» nói tới. Xác tín rằng nhân đức tiết độ thì «nghịch» cùng dục vọng xác thịt là đúng, nhưng không hoàn toàn đầy đủ. Không đầy đủ, đặc biệt là khi chúng ta xem xét sự kiện nhân đức này không thể hiện cũng không hoạt động một cách trừu tượng và đơn độc, nhưng luôn luôn trong sự kết hợp với các nhân đức khác (nexus virtutum), như khôn ngoan, công bình, dũng cảm, và nhất là vớiđức bác ái.
Dưới ánh sáng của những khảo sát này, dễ hiểu rằng sự tiết dục không giới hạn chỉ ở chỗ chống lại dục vọng xác thịt, nhưng, qua sự chống chọi này ta cũng mở lòng ra với các giá trị sâu xa hơn, chín chắn hơn, những giá trị gắn liền với ý nghĩa hôn phối của thân xác người nam và người nữ, cũng như gắn liền với sự tự do thật sự của tặng phẩm dâng hiến giữa hai ngôi vị cho nhau. Dục vọng xác thịt tự nó, vì tìm kiếm trên hết sự thỏa mãn khoái lạc xác thịt dâm đãng, làm cho con người theo nghĩa nào đó mù quáng và dửng dưng với các giá trị sâu xa hơn, vốn xuất phát tự tình yêu và đồng thời cũng cấu thành tình yêu trong sự thật nội tại của nó.
3. Bằng cách đó, đặc tính cốt yếu của đức khiết tịnh vợ chồng còn được bộc lộ trong mối liên kết của nó với «sức mạnh» của tình yêu được đổ tràn vào lòng đôi vợ chồng nhờ việc «thánh hiến» của bí tích hôn nhân. Hơn nữa, cũng hiển nhiên, lời mời gọi hướng đến đôi vợ chồng hãy «phục tùng lẫn nhau trong niềm kính sợ Chúa Kitô»,[2] dường như mở ra không gian nội tâm trong đó cả hai người mỗi ngày một nhạy cảm hơn với các giá trị sâu xa hơn và chín chắn hơn, những giá trị vốn được nối kết với ý nghĩa hôn phối của thân xác và sự tự do thật của tặng phẩm dâng hiến.
Nếu đức khiết tịnh vợ chồng (và khiết tịnh nói chung) bộc lộ trước hết như là khả năng kháng cự lại dục vọng xác thịt, thì sau đó dần dần tỏ lộ như là một khả năng riêng về nhận thức, yêu mến và thực hiện các ý nghĩa ấy của «ngôn ngữ thân xác», những ý nghĩa ấy dục vọng vẫn còn hoàn toàn chưa biết đến và chúng dần dà làm phong phú thêm cho cuộc đối thoại vợ chồng, bằng cách thanh luyện cuộc đối thoại, làm cho nó đi vào chiều sâu và đồng thời biến nó nên đơn sơ hơn.
Bởi thế, sự khổ chế qua tiết dục, mà Thông điệp[3] nói đến, không làm nghèo nàn đi «những biểu lộ tình cảm», mà đúng hơn làm cho những biểu lộ ấy đậm đà tâm linh hơn, và vì thế mà làm phong phúchúng hơn.
4. Phân tích sự tiết độ theo cách thức đó, trong cái năng động riêng của nhân đức này (về mặt nhân học, đạo đức học và thần học), chúng ta nhận thấy không còn xuất hiện «sự mâu thuẫn» bên ngoài nữa, sự mâu thuẫn mà Thông điệp «Humanae Vitae» và đạo lí của Hội Thánh về luân lí hôn nhân thường hay bị đả kích. Theo những người phản đối thì có «mâu thuẫn» giữa hai ý nghĩa (kết hợp và sinh sản) của hành vi vợ chồng[4], vì nếu tách biệt chúng ra hai vợ chồng sẽ không có quyền giao hợp nữa khi họ không thể sinh sản một cách có trách nhiệm được nữa.
Về vẻ «mâu thuẫn» này, nếu ta nghiên cứu sâu, Thông điệp «Humanae Vitae» có nêu lên câu trả lời.Đức Giáo hoàng Phaolô VI, quả thật, xác nhận không có «mâu thuẫn» mà chỉ có một «khó khăn» gắn liền với toàn thể tình trạng nội tâm của «con người của dục vọng». Ngược lại, chính vì lí do của nỗi«khó khăn» ấy, mà đời sống chung của đôi vợ chồng, với ý chí kiên trì sống tiết độ, có được an ổn là nhờ cậy đến ân sủng của bí tích hôn phối vốn «thêm sức và gần như là thánh hiến»[5] đôi bạn.
5. Hơn nữa hôn nhân an ổn có nghĩa là có một sự hòa hợp chủ quan giữa việc làm cha làm mẹ (có trách nhiệm) và sự hiệp thông các ngôi vị, một hiệp thông được xây dựng bởi đức khiết tịnh hôn nhân. Quả thật, trong đức khiết tịnh hoa quả của sự tiết độ chín muồi dần trong tâm hồn. Nhờ sự chín muồi những hoa quả trong tâm hồn đó mà chính hành vi vợ chồng đạt được tính cách quan trọng và phẩm giá của nó trong ý nghĩa hướng tới sinh sản; đồng thời tất cả «những biểu lộ tình yêu»[6], vốn được dùng để bày tỏ sự hiệp thông nhân vị giữa vợ chồng tương ứng với sự dị biệt phong phú giữa người nam và người nữ của từng đôi bạn, mới có được ý nghĩa thích đáng.
6. Phù hợp với kinh nghiệm và truyền thống, Thông điệp mạc khải hành vi vợ chồng cũng là một «biểu lộ tình yêu»,[7] nhưng là một «biểu lộ tình yêu» đặc biệt, bởi lẽ, nó đồng thời còn có ý nghĩa hướng tới sinh sản. Do đó, hành vi vợ chồng hướng đến biểu lộ sự hợp nhất ngôi vị, nhưng không chỉ duy có như thế. Mà đồng thời Thông điệp còn chỉ, dù cách gián tiếp, nhiều thứ «biểu lộ tình yêu», sinh hiệu quả chỉ để diễn tả sự kết hợp nhân vị của vợ chồng.
Nhiệm vụ của đức khiết tịnh hôn nhân, hay nói chính xác hơn, nhiệm vụ của đức tiết độ không chỉ hệ tại ở việc bảo vệ tính cách quan trọng và phẩm giá của hành vi vợ chồng trong tương quan với ý nghĩa hướng tới sinh sản của nó, mà cònbảo vệ tính cách quan trọng và phẩm giá vốn có của hành vi này xét như là nó diễn tả sự kết hợp liên vị, bằng cách tỏ lộ cho tâm thức và kinh nghiệm của các đôi vợ chồng tất cả những thứ «biểu lộ tình yêu» khác có thể có muốn diễn tả sự hiệp thông sâu xa đó giữa họ.
Thật ra, vấn đề ở đây làkhông làm tổn hại đến sự hiệp thông của vợ chồng cả trong trường hợp khi vì những lí do đúng đắn họ phải kiêng hành vi giao hợp vợ chồng. Và, hơn nữa, sự hiệp thông ấy được xây dựng không ngừng, ngày này qua ngày khác, qua những «biểu lộ tình yêu» thích hợp, phải tạo thành một mảnh đất lớn, trên đó khi có điều kiện phù hợp chín muồi quyết định làm hành vi giao hợp vợ chồng hợp luân lí.
[1] Ep5,21.
[2] Ibid.
[3] Cfr. Pauli VI, Humanae Vitae, 21.
[4] Cfr. ibid. 12.
[5] Cfr. Pauli VI, Humanae Vitae, 25.
[6] Ibid. 21.
[7] Ibid. 16.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
(chuyển dịch)
Tags: Bảo Vệ, Hành Vi, Humanae Vitae, Phẩm Giá, Thần học về Thân xác, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tiết Dục, Vợ chồng
Có thể bạn quan tâm
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 123: Tình Yêu Gắn Liền Với Đức Khiết Tịnh Biểu Lộ Qua Sự Tiết Dục
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 118: Xác nhận lần nữa tính chất bất hợp pháp của việc phá thai, ngừa thai và triệt sản trực tiếp.
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 119: Xác nhận lại đạo lý cốt yếu của Hội Thánh về việc truyền sinh
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 120: "Điều hòa sinh sản" là hoa quả của tình yêu thanh khiết
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 121: "Phương pháp tự nhiên" Không thể tách biệt với phạm vi đạo đức.
- Thần học về Thân xác của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - Bài 122: Làm cha làm mẹ có trách nhiệm là thành phần của toàn thể linh đạo hôn nhân gia đình.