“Tôi mơ ước một Giáo hội là mẹ và là mục tử” - Bài phỏng vấn Ðức cha Ðaminh Nguyễn Văn Mạnh, tân Giám mục phó giáo phận Ðà Lạt

Chúa Nhật, 16-04-2017 | 12:17:33

CGvDT: Xin chúc mừng Đức cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Đà Lạt. Đức cha có thể chia sẻ với độc giả CGvDT về khẩu hiệu giám mục được chọn cũng như ý nghĩa của khẩu hiệu này?

ĐGM NVM: Xin chân thành cám ơn tòa soạn báo Công giáo và Dân tộc. Trong những ngày qua tôi đã được nhiều người chúc mừng, hoặc trực tiếp, hoặc qua điện thư và điện thoại. Qua báo Công giáo và Dân tộc, tôi muốn nói lên lời cám ơn với tất cả mọi người.

Tân Giám mục tâm tình với cộng đoàn phụng vụ trong thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt


Theo truyền thống, khẩu hiệu Giám mục nói lên phần nào châm ngôn cuộc sốngđịnh hướng mục vụ của Giám mục. Tôi ý thức rằng mình được Thiên Chúa cho sinh ra và lớn lên trong một Giáo hội mà Chúa Giêsu muốn trao phó đoàn chiên của Người cho các tông đồ và các đấng kế vị chăm sóc, thường được gọi là các mục tử. Tuy nhiên, các mục tử được cộng tác mật thiết với Thánh Thần của Chúa Kitô để sinh sản và nuôi dưỡng đoàn chiên như một người mẹ. Do đó, tôi đã chọn khẩu hiệu “MẸ VÀ MỤC TỬ” để nhắc nhở tôi thi hành sứ vụ Giám mục theo ý thức đó, với ước mong những người muốn đến với mình thì gặp được một mục tử có tấm lòng của một người mẹ chứ không phải một quan chức hành chánh. Tất nhiên, ở đây tôi không thể nói hết được ý nghĩa phong phú của từ MẸ và MỤC TỬ trong Thánh Kinh và trong Giáo huấn của Giáo hội.

Về nguồn gốc, khẩu hiệu này được gợi hứng từ ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô mà ngài nhiều lần nhắc đến trong các cuộc nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn: “Tôi mơ ước một Giáo hội là mẹ và là mục tử”.

Người mục tử thì gần gũi với đoàn chiên của mình, không sống xa cách tách biệt, mà gần gũi đến mức mang vào mình mùi chiên, để rồi có thể trao ban cho họ hương thơm của Đức Kitô, thấm đượm nơi bản thân mình. Hương thơm ấy như cô đọng nơi những lời tâm sự và lời nguyện tha thiết của Chúa Giêsu: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14); “Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10); “Lạy Cha, vì chúng, con xin hiến thánh mình con” (Ga 17,19).

Hiến tế mạng sống mình, trao ban sự sống mình cho người khác, điều đó đối với người mục tử có nghĩa là trở thành một người cha, người mẹ thiêng liêng. Và một khi đã trao ban sự sống, đã sinh hạ con cái, sẽ thấm thía sợi dây thiêng liêng bền chặt nối kết mẹ-con khiến người mẹ có thể sống chết vì con mình: “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay cạn tình thương với đứa con mình đã mang nặng đẻ đau” (Is 49,15).

Chính ở điểm sinh hạ nhờ quyền năng Thánh Thần mà Giáo hội và người mục tử có tương quan rất gần gũi với Đức Maria, và đó cũng là lý do tôi ước mơ được truyền chức giám mục vào ngày 31 tháng 5, lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.


Thưa Đức cha, những kỷ niệm đáng nhớ trong chặng đường tu học cũng như thi hành sứ vụ linh mục thời gian qua chắc hẳn vẫn luôn ẩn hiện trong tâm trí?

Xin chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong chặng đường tu học. Khi đang xúc tiến hồ sơ để đi tu học Rôma, tôi đã trình Đức cha Phêrô lúc đó (nay là Đức Hồng y Phêrô, Tổng giám mục Hà Nội) về nỗi e ngại của mình vì chứng mắt “lóa ánh sáng”. Mỗi khi tập trung vào một trang sách, thì chỉ vài phút là hai con mắt lóa hết, trang sách phía trước như cả một vùng sáng khiến không thể đọc được. Thế nhưng, Đức cha Phêrô nhẹ nhàng hỏi thăm căn bệnh rồi nói tôi cứ đi khám chữa và khích lệ tôi. Tôi vâng lời lên đường, và không hiểu vì điều kiện môi trường hay vì lý do gì mà từ ngày sang học Rôma tôi không thấy lại triệu chứng lóa mắt ấy nữa.

Khi hoàn tất luận án tiến sĩ vào năm 2009, tôi trình bày ước nguyện của mình với vị giáo sư “đồng hành” muốn được bảo vệ luận án đúng vào ngày kỷ niệm chịu chức linh mục của tôi, ngày 29 tháng 5. Không những được ngài chấp thuận, mà tôi còn như cảm nhận một sợi dây vô hình giữa ngài và tôi vượt lên trên tương quan trí thức. Ngày tôi học xong trở về Việt Nam, ngài không chịu để tôi đến đại học chào từ biệt ngài, trái lại chính ngài lái xe đến tận học viện Phaolô của Bộ Truyền giáo, nơi tôi trọ học để chào từ biệt tôi. Tháng 11 năm ngoái, có dịp gặp lại ngài khi tôi qua Rôma dự khóa “Canh tân thủ tục cứu xét hôn nhân”, chính ngài niềm nở đón tiếp tôi tại đại học xưa và tặng tôi bất cứ cuốn sách nào tôi muốn. Và ngay sau khi Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm, lập tức tôi nhận được email của ngài xin tôi xác nhận có phải đúng là tôi không để ngài viết email chúc mừng. Trong điện thư chúc mừng, ngài chia sẻ rằng những trải nghiệm đời tu trôi nổi sau 1975 và tuổi tác của tôi khi sang Rôma tu nghiệp là ơn ban của Chúa để tôi thêm hành trang thi hành sứ vụ. Tạ ơn Chúa.

Trong sứ vụ linh mục, 14 năm “giúp xứ” với tư cách một Đại chủng sinh tại giáo xứ Tân Thanh – Bảo Lộc – Lâm Đồng, trong bối cảnh “tương lai mù mịt” từ 1980 đến 1994 cho tôi một lòng trân trọng và tri ân những người giáo dân chất phác, chỉ vì chính họ đã bảo vệ ơn gọi của tôi thật tuyệt vời suốt thời gian dài.

Rồi sau khi chịu chức linh mục, may mắn của tôi là được bổ nhiệm về làm phó xứ Tân Hóa, Bảo Lộc, một giáo xứ toàn tòng với ba họ lẻ: một họ gồm toàn người dân tộc bản địa, một họ đa số là những người gốc Bắc di cư vào sau 1975, và một họ khác lại ở mặt lộ với số người làm ăn buôn bán nhiều hơn. Tất cả làm nên một bức tranh phong phú giúp tôi thêm nhiều kinh nghiệm mục vụ và truyền giáo thật tuyệt vời. Tôi vẫn nhớ những con đường đất trơn trượt với những chiếc cầu treo vặn vẹo và những lần “đo đường”, những lần cùng sánh bước dưới cơn mưa tầm tã với bà con giáo dân. Một lần trời mưa, bà con giáo dân thấy cha xứ và tôi che chung một cái dù đã ấn tượng nói với nhau: “thật tuyệt vời”.

Đúng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Một Giáo hội hay một Kitô hữu không thể quên quá khứ của mình”.


Giáo phận Đà Lạt nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích 9.764,79 km2, dân số 1.385.000 người. Theo thống kê năm 2016, Giáo phận có 379.122 giáo dân, trong đó 137.493 giáo dân người dân tộc, 98 giáo xứ, 174 linh mục triều và 128 linh mục dòng, 76 Đại chủng sinh, trên 1.000 tu sĩ nam nữ thuộc 50 dòng tu hoặc tu hội. Đức cha chánh Antôn thường nhắc đến định hướng mục vụ nhằm xây dựng giáo phận, giáo xứ “trở nên một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở thành một cộng đoàn truyền giáo”. Là một giáo phận trên vùng cao nguyên, Đà Lạt thường được biết đến là vùng truyền giáo có nhiều nét đặc sắc về tôn giáo và dân tộc, thưa Đức cha, đâu là những dấu ấn mục vụ đáng ghi nhận trong thời gian qua?

Một nét truyền giáo đặc biệt của giáo phận Đà Lạt là việc truyền giáo cho anh chị em dân tộc bản địa. Kể từ khi thừa sai Jean Cassaigne được cử lên “Thí điểm truyền giáo” Di Linh vào năm 1927, rồi đến các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris tới Đà Lạt vào thập niên 1940, các cha dòng Chúa Cứu Thế tại Phú Sơn vào thập niên 1950, rồi các cha thuộc Tu đoàn Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, thì tiếp sau đó liên tục có các linh mục giáo phận, các nữ tu thuộc nhiều hội dòng dấn thân vào hoạt động này.

Theo thống kê năm 2016, số giáo dân người dân tộc là 137.493, chiếm hơn một phần ba tổng số giáo dân trong giáo phận, và đã có trên 10 linh mục và khoảng trên 30 nữ tu người dân tộc.

Trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hóa người dân tộc, phải kể đến hai công trình dịch thuật và bảo tồn chứng tích văn minh. Dịch thuật : dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng dân tộc (Kơho), biên soạn từ điển, đặc biệt bản dịch Sách lễ Rôma tiếng Kơho đã được Tòa Thánh phê chuẩn để dùng trong phụng vụ. Công trình bảo tồn chứng tích văn minh : thu góp các sinh hoạt đủ loại, sưu tầm sử thi, truyện cổ dân gian, những sách vở và hình ảnh về đồng bào dân tộc.

Một tòa nhà tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận đã được dành riêng làm phòng Truyền thống đón nhận các chứng tích văn minh liên hệ đến nếp sống của các dân tộc bản địa. Phòng Truyền thống đã mở cửa vào tháng 10.2011 với phần về dân tộc ở tầng trệt và phần trình bày lịch sử truyền giáo của Giáo phận ở tầng trên, hoàn tất vào năm 2016.


Trong cương vị Giám mục phó, Đức cha sẽ thể hiện trách nhiệm như thế nào bên cạnh Đức cha chánh?

Chắc chắn tôi sẽ phải thể hiện trách nhiệm của mình theo Giáo luật, điều 405 § 2 : “Giám mục phó và Giám mục phụ tá giúp đỡ Giám mục giáo phận lãnh đạo toàn giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hoặc bị ngăn trở”. Căn cứ Giáo luật điều 406, Đức cha chánh Antôn cũng đã thông báo: Giám mục phó “phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại diện; hơn nữa, Giám mục giáo phận phải ưu tiên ủy thác cho vị Tổng Đại diện hơn những người khác các công việc mà luật đòi hỏi phải có sự ủy nhiệm đặc biệt”.

Phụ trách Đại diện tư pháp 8 năm qua, Đức cha thường gặp những vấn đề gì trong lãnh vực này ? Và đó là những tín hiệu vui hay là những thách đố trong đời sống tôn giáo?

Con số các trường hợp đến xin tư vấn hôn nhân, cứu xét hôn nhân và xin tuyên bố hôn nhân bất thành ngày một gia tăng, từ một hai chục trường hợp trong một năm khi tôi mới nhận nhiệm vụ vào năm 2010, nay đã lên tới trên bảy tám chục. Thiết tưởng đó là một thách đố cho Giáo hội trong mục vụ hôn nhân, thúc đẩy mọi người quan tâm hơn nữa đến việc đồng hành với các đôi bạn ở mọi giai đoạn: chuẩn bị cho những người sắp đính hôn, chuẩn bị việc cử hành hôn lễ; đồng hành trong những năm đầu đời hôn nhân, trong những cuộc khủng hoảng, sau đổ vỡ và ly dị, thậm chí đồng hành cả với những người ly dị tái hôn như được đề cập đến trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”. Thái độ của các mục tử tiên vàn cần biết lắng nghe, kiên nhẫn dành thời giờ lắng nghe…

Dâng lễ tại giáo họ B’Dơr khi còn làm phó xứ Tân Hóa


Thưa Đức cha, trong bối cảnh hiện nay, người Công giáo nên dấn thân như thế nào để xây dựng Nước Chúa và Quê hương?

Người Công giáo sống trong một dân tộc nhất định, giống như Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-Làm-Người thuộc một dân tộc nhất định là dân Do Thái. Nơi Chúa Giêsu, hai bản tính (Thiên Chúa và con người) kết hợp với nhau trong một Ngôi vị duy nhất. Đó cũng là định hướng căn bản cho người Công giáo tại quê hương mình. Người Công giáo vừa xây dựng Nước Chúa vừa xây dựng Quê hương, có thể nói “tuy hai mà một, tuy một mà hai”.

Chúng con xin cám ơn và kính chúc Đức cha an nhiên trong bóng dáng người mẹ và mục tử trên chặng đường dấn thân phục vụ sắp tới.

PHẠM NGỌCthực hiện (cgvdt.vn)

Tags: , , ,

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết