Tông huấn Gaudete et Exsultate - Chương III: Dưới ánh sáng của vị tôn sư duy nhất

Thứ Năm, 19-04-2018 | 23:52:50

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.


CHƯƠNG III
DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA VỊ TÔN SƯ DUY NHẤT

  1. Có thể có một số lý thuyết về những gì đã làm nên sự thánh thiện, với những giải thích và những phân biệt khác nhau. Suy tư như thế rất hữu ích, nhưng chẳng có gì có thể soi sáng cho ta bằng việc hướng về những lời của Chúa Giêsu và thấy được cách dạy sự thật của Ngài. Chúa Giêsu giải thích cách rất đơn sơ thánh là gì khi Ngài ban cho ta Tám mối phúc (x. Mt 5, 3 – 12; Lc 6, 20 – 23). Tám mối phúc giống như thẻ căn cước của các Kitô hữu vậy. Nên nếu có ai hỏi: “Họ phải làm gì để là một Kitô hữu tốt lành?” câu trả lời này rất rõ. Ta phải làm, theo cách của ta, những gì Chúa đã bảo ta trong Bài giảng trên Núi[1]. Trong Tám mối phúc, ta thấy được chân dung của vị Tôn sư duy nhất, một chân dung ta được mời gọi phản chiếu trong đời sống hằng ngày của ta.
  2. Từ ngữ “hạnh phúc” hay “phúc thay” như thế trở thành đồng nghĩa với “thánh”. Từ ngữ ấy diễn tả sự kiện này là ai trung thành với Thiên Chúa và lời Ngài, qua việc trao hiến mạng sống, đều đạt được hạnh phúc thật.

ĐI NGƯỢC DÒNG

  1. Tuy những lời của Chúa Giêsu có thể đánh động ta vì rất thị vị, nhưng các lời ấy cũng đi ngược với cách người ta thường làm các sự việc trên trần gian này. Dù ta thấy sứ điệp của Chúa Giêsu hấp dẫn, nhưng thế gian này vẫn luôn đẩy ta tới một cách sống khác. Các Mối phúc không tầm thường hay không phải là đòi hỏi, trái lại là khác. Ta chỉ có thể thực hành các mối phúc ấy nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng ta sức mạnh của Ngài và giải thoát ta khỏi sự yếu hèn, khỏi sự ích kỷ, sự tự mãn và lòng kiêu hãnh của ta.
  2. Ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu lần nữa, với tất cả lòng yêu mến và tôn trọng mà một Tôn sư đáng được. Ta hãy để cho lời Ngài khuấy động, thách thức ta và đòi hỏi một sự thay đổi thật trong cách sống của ta. Nếu không, sự thánh thiện vẫn chẳng hơn gì một từ ngữ rỗng tuếch. Bây giờ ta hãy hướng tới từng mối một trong các Mối phúc trong Tin mừng theo thánh Mathêu (x. Mt 5, 3 – 12)[2].

“Phúc thay những người có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”

  1. Tin mừng mời gọi ta nhìn kỹ vào chiều sâu của tâm hồn mình, để thấy ta tìm được sự an toàn trong cuộc sống ở đâu. Thường, người giàu cảm thấy an toàn trong tài sản của họ, và nghĩ rằng, nếu tài sản ấy bị đe dọa, thì toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống trần gian này của họ có thể sụp đổ. Chính Chúa Giêsu cũng nói với ta điều này trong dụ ngôn anh khờ giàu có: Ngài nói về một người rất tin vào mình, nhưng lại ngu muội, vì anh ta đã không hề nghĩ rằng hôm nay có thể anh sẽ chết (x. Lc 12, 16 – 21).
  2. Tài sản chẳng bảo đảm được gì: quả thế, một khi ta nghĩ rằng ta giàu có, ta có thể trở thành tự mãn đến độ ta không còn để chỗ cho lời Chúa, cho lòng yêu mến anh chị em mình, hay cho niềm vui của những điều quan trọng nhất trong đời. Theo cách này, ta bỏ mất cơ hội đạt được tài sản lớn nhất. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu gọi những người có tình thần nghèo khó, những người có tâm hồn nghèo khó là những người được chúc phúc, vì Chúa có thể đi vào tâm hồn ấy với sự mới mẻ vĩnh cửu của Ngài.
  3. Sự nghèo khó về tinh thần liên kết mật thiết với những gì Thánh Ignatiô Loyola gọi là “sự dửng dưng thánh thiện”, một sự dửng dưng đem lại cho ta sự tự do nội tâm chói ngời: “ta cần huấn luyện mình sao cho có được thái độ dửng dưng với các vật thụ tạo, dửng dưng trong những gì ý chí tự do của ta được phép, chứ không phải với những gì không được phép; đến độ về phần mình, ta không để tâm tới những của cải tốt chứ đừng nói tới của cải xấu, sự giàu có chứ không phải nghèo khó, danh dự chứ không phải những điều sỉ nhục, cuộc sống trường thọ chứ không phải cuộc đời ngắn ngủi, và cứ thế trong tất cả các thứ còn lại”[3].
  4. Thánh Luca không nói về sự nghèo khó “về tinh thần” mà chỉ nói tới những người “nghèo” (x. Lc 6, 20). Theo cách này, ngài cũng mời gọi ta sống một cuộc sống giải dị và đơn sơ. Ngài kêu gọi ta tham dự vào cuộc sống của những người thiếu thốn nhất, cuộc sống các tông đồ đã sống và cuối cùng làm cho mình nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng tuy giàu có, “đã làm cho mình nên nghèo khó” (2 Cr 8, 9).

Nghèo khó trong lòng: đó là sự thánh thiện

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

  1. Đây là những lời rất mạnh trong một thế giới mà ngay từ đầu đã là nơi xung đột, tranh chấp và hận thù từ mọi phía, nơi ta thường xuyên dán nhãn cho người khác dựa trên ý tưởng, tập quán và ngay cả cách nói hay phục sức của họ. Cuối cùng, đó là nơi kêu hãnh và tự ái ngự trị, nơi mỗi người nghĩ rằng họ có quyền thống trị người khác. Dẫu có vẻ như không thể được, Chúa Giêsu vẫn đề nghị một cung cách thực hành khác: cung cách của sự hiền lành. Đó là điều ta thấy Ngài làm với các môn đệ. Đó là điều ta chiêm ngắm khi Ngài vào thành Giêrusalem: “Này, vua người đang đến, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (Mt 21, 5; Za 9, 9).
  2. Đức Kitô nói: “hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm ngường trong lòng, và các ngươi sẽ tìm được sự nghỉ ngơi trong linh hồn” (Mt 11, 25). Nếu ta thường xuyên bực bội và bất nhẫn với người khác, cuối cùng ta sẽ kiệt sức và mệt mỏi. Nhưng nếu ta nhìn các lỗi lầm và giới hạn của tha nhân với sự nhẹ nhàng và hiền lành, không coi mình là kẻ cả, ta mới thực sự giúp đỡ họ và không phung phí công sức vào việc than phiền vô ích. Thánh Têrêsa Lisieux nói với chúng ta rằng “đức ái hoàn hảo bao gồm việc chịu đựng khuyết điểm của người khác và không bị sốc vì những khuyết điểm của họ.”[4]
  3. Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hòa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5, 23). Ngài đề nghị rằng, nếu một hành động sai trái của một trong những anh chị em ta làm phiền ta, ta phải cố gắng sửa lỗi cho họ, nhưng “với tinh thàn hiền lành”, vì “anh em cũng có thể bị cám dỗ” (Gal 6, 1). Cả khi ta bảo vệ đức tin và các xác tín của mình, ta cũng phải bảo vệ “với sự hiền lành” (x. 1 Pr 3, 16). Kẻ thù của ta cũng phải được đối xử “với sự hiền lành” (2 Tim 2, 25). Trong Hội thánh ta thường mắc phải sai lầm vì đã không ấp ủ lệnh truyền này của lời Thiên Chúa.
  4. Hiền lành còn là một cách diễn tả khác của sự khó nghèo nội tâm của những ai đặt tin tưởng vào một mình Thiên Chúa. Quả thật, trong Kinh thánh từ ngữ – anawim – thường ám chỉ cả người nghèo lẫn người hiền lành. Một số người phản đối: “Nếu tôi hiền thế, người ta sẽ nghĩ tôi là thằng khùng, thẳng ngu hay thằng hèn thì sao”. Đôi khi người ta có thể nghĩ thế, nhưng kệ họ. Hiền lành bao giờ cũng tốt hơn, vì khi ấy những ước vọng sâu xa nhất của ta sẽ được thực hiện. Người hiền “sẽ được đất làm gia nghiệp”, vì họ sẽ thấy được lời hứa của Thiên Chúa hoàn tất trong đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền luôn đặt hy vọng của mình vào Chúa, và những ai hy vọng vì Ngài sẽ chiếm được đất… và sẽ tận hưởng được một nền hòa bình viên mãn (x. Tv 37, 9 – 11). Về phần mình, Chúa luôn tin tưởng họ: “Kẻ được ta đoái nhìn là kẻ, đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người kinh sợ trước lời ta” (Is 66, 2).

Đối xử cách hiền lành và khiêm nhường: đó là sự thánh thiện

“Phúc thay ai khóc lóc, vì họ sẽ an ủi”

  1. Thế giới này nói với ta ngược hẳn: giải trí, khoái lạc, tiêu khiển và chạy trốn làm nên cuộc sống tốt lành. Con người thuộc thế giới này coi thường những vấn đề về bệnh hoạn hay ưu phiền trong gia đình hay thế giới chung quanh; họ nhìn ra phía khác. Thế giới này không muốn khóc than; không thích để ý gì tới những hoàn cảnh khổ đau, muốn che đậy hay ém nhẹm chúng đi.
  2. Ai, sự vật sao thấy được y như vậy và thông cảm được với đau khổ và ưu phiền, người ấy là người có thể đụng vào những cõi thẳm sâu của sự sống và tìm được hạnh phúc thật[5]. Họ được chính Chúa Giêsu chứ không phải thế giới này an ủi. Những người như thế không hề sợ tham dự vào những đau khổ của tha nhân; họ không chạy trốn những hoàn cảnh khốn khổ. Họ khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống nhờ sự trợ giúp của những người đau khổ, khi hiểu được nỗi đớn đau của những người ấy và đem lại sự xoa dịu. Họ ý thức rằng tha nhân là xác thịt của họ, và họ không ngại đến gần, thậm chí họ còn dám đụng vào các vết thương. Họ thấy xót thương tha nhân đến độ không còn sự ngăn cách nào. Theo cách này, họ có thể ấp ủ lời khuyên của thánh Phaolô: “Khóc với ngưởi khóc” (Rm 12, 15).

Biết than khóc với người khác: đó là sự thánh thiện.

“phúc thay những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa”

  1. Đói khát là những kinh nghiệm mãnh liệt, vì nó liên quan tới các nhu cầu căn bản và bản năng sinh tồn của ta. Có những người khao khát sự công chính và mong ước điều chính trực cách mãnh liệt y như đói khát cơm bánh vậy. Chúa Giêsu bảo họ sẽ được no thoả, vì sớm muộn gì sự công chính cũng sẽ đến. Ta có thể cộng tác làm cho sự công chính mau đến, dù có lẽ ta vẫn không thấy được kết quả của những nỗ lực của ta.
  2. Chúa Giêsu đem lại sự công chính không phải sự công chính của thế gian này, một sự công chính thường bị những quyền lợi chẳng ra gì phá hỏng và thao túng bằng nhiều cách. Kinh nghiệm cho thấy bị nhúng chàm trong tham nhũng, sập bẫy trong trò chính trị ăn miếng trả miếng hằng ngày, nơi mọi sự đều thành thương mại dễ biết bao. Biết bao người đang phải chịu đựng bất công, chờ đợi cách bất lực trong khi những người khác lại đang chia chác các sự tốt lành của thế gian này. Một số từ bỏ cuộc đấu tranh cho công lý thật và chọn đi theo đoàn người chiến thắng. Điều này không liên quan gì tới đói khát sự công chính Chúa Giêsu ca ngợi cả.
  3. Sự công chính thật xuất hiện trong cuộc sống con người khi chính họ công chính trong các quyết định của mình; sự công chính ấy được diễn tả trong việc theo đuổi công lý cho những người nghèo khổ và yếu thế. Trong khi đúng là từ ngữ “công chính” có thể đồng nghĩa với sự trung thành với ý Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng nếu ta mặc cho từ ngữ này một ý nghĩa quá chung chung, ta sẽ quên rằng từ này được bày tỏ cách đặc biệt trong công lý đối với những người mỏng dòn nhất: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt kẻ áp bức, bảo vệ cô nhi, bênh đỡ người góa bụa” (Is 1, 17).
    Đói khát sự công chính: đó là sự thánh thiện“Phúc thay những ai có lòng xót thương, vì họ sẽ được thương xót”
  4. Lòng thương xót có hai khía cạnh. Lòng thương xót ấy liên quan tới việc cho, giúp đỡ và phục vụ tha nhân, nhưng cũng bao gồm sự tha thứ và hiểu biết. Thánh Mathêu tóm tắt lòng thương xót ấy trong một luật vàng: “Trong mọi sự, hãy làm cho người ta những gì anh muốn người ta làm cho anh” (Mt 7, 12). Giáo lý cũng nhắc ta rằng luật này phải được áp dụng “trong mọi trường hợp”[6] nhất là khi ta phải đương đầu với những hoàn cảnh làm cho các phán quyết luân lý không được chắc chắn lắm hay làm cho việc đưa ra những quyết định gặp khó khăn”[7].
  1. Cho và tha thứ có nghĩa là sản sinh ra trong đời ta một lượng nhỏ của sự hoàn thiện của Thiên Chúa, một sự hoàn thiện bao giờ cũng cho và tha thứ cách dư dật. Vì lý do này, trong Tin mừng theo thánh Luca, ta không nghe được những lời này: “Hãy nên hoàn thiện” (Mt 5, 48), nhưng là, “hãy nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán; đừng kết án để khỏi bị kết án; hãy tha thứ và anh em sẽ được thứ tha; hãy cho và anh em sẽ được cho” (Lc 5, 36 – 38). Sau đó Thánh Luca thêm một điều ta không được bỏ qua: “Anh em đong bằng đầu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (6, 38). Tiêu chuẩn ta dùng để hiểu và tha thứ cho tha nhân cũng sẽ đo lượng sự tha thứ ta đón nhận. Tiêu chuẩn ta dùng để cho cũng sẽ đo những gì ta lãnh nhận. ta không bao giờ được quên điều đó.
  2. Chúa Giêsu không nói: “Phúc thay những ai âm mưu trả thù”. Ngài gọi những người tha thứ và tha thứ “ bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22) là “những người được chúc phúc”. Tất cả chúng ta được nhìn đến bằng lòng xót thương của Thiên Chúa. Nếu ta đến gần Chúa với lòng chân thành và lắng nghe cách cẩn thận, thì có thể có những lần ta nghe được lời trách móc này của Ngài: “Anh lại chẳng phải xót thương bạn anh như Ta đã xót thương anh sao?” (Mt 18, 33).

Thấy và hành động vơi lòng xót thương: đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”

  1. Mối phúc này nói về những người có tâm hồn đơn sơ, thanh sạch và vô tỳ tích, vì một tâm hồn có khả năng yêu thương thường không chấp nhận những gì có thể gây nguy hại, làm suy yếu hay nguy hiểm cho tình yêu ấy. Kinh thánh sử dụng tâm hồn để mô tả những ý định thật sự của ta, những điều ta thực sự tìm kiếm và khao khát, khác hẳn với mọi vẻ bên ngoài. “Con người chỉ thấy được vẻ bên ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn thấu tận tâm can” (1 Sam 16, 7). Thiên Chúa muốn nói với tâm hồn ta (x. Hs 2, 16); ở đó Ngài muốn khắc ghi luật Ngài (x. Gr 31, 33). Tóm lại, Ngài muốn ban cho ta một tâm hồn mới (x. Ez 36, 26).
  2. “Hãy tỉnh thức canh giữ tâm hồn anh em” (Cn 4, 23). “Những vấy bẩn do sự sai lầm không có giá trị gì trước mắt Chúa. Ngài “luôn tránh thói lọc lừa, xa rời những lý luận ngu dốt” (Kn 1, 5). Chúa Cha, Đấng “thấu suốt mọi kín ẩn” (Mt 6, 6), bao giờ cũng nhận ra cái gì không thanh sạch, không chân thật, chỉ phô trương hay ngoại diện, Chúa Con cũng thế, Ngài biết có gì trong con người” (x. Ga 2, 25).
  3. Dĩ nhiên, ngay trong những việc làm vì tình yêu rất có thể cũng không có tình yêu, nhưng Mối phúc này nhắc ta nhớ rằng Chúa luôn chờ mong việc ta dấn thân cho anh chị em mình xuất phát từ trong lòng ta. Vì “nếu tôi đem phát chẩn hết những gì tôi có và nếu tôi hiến mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có lòng mến, thì tôi cũng chẳng được gì” (1 Cr 13, 3). Cũng trong Tin mừng Mathêu, ta thấy rằng chỉ những gì xuất phát từ cõi lòng mới làm cho người ta ra ô uế (x. Mt 15, 18), từ cõi lòng ấy phát sinh sự sát nhân, trộm cắp, làm chứng gian và các việc xấu xa khác (x. Mt 15, 19). Từ những ý định trong lòng nẩy sinh những khát vọng và những quyết định sâu xa nhất xác định các hành động của ta.
  4. Một tấm lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại (x. Mt 22, 36 – 40), chân thành chứ không chỉ ngoài môi ngoài miệng, bao giờ cũng là một tâm hồn trong sạch; tâm hồn ấy có thể thấy Thiên Chúa. Trong bài ca đức mến, thánh Phaolô nói rằng “hiện nay ta thấy cách mường tượng như ở trong gương” (1 Cr 13, 12), nhưng khi sự thật và lòng mến thắng thế, khi ấy ta sẽ có thể thấy “cách diện đối diện”. Chúa Giêsu hứa rằng những ai thanh sạch trong lòng, “sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.

Giữ cho tâm hồn khỏi tất cả những gì làm lu mờ tình yêu: đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay những ai tác tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”

  1. Mối phúc này làm ta nghĩ ngay đến những hoàn cảnh chiến tranh triền miên trong thế giới này. Nhưng chính ta cũng thường là nguyên nhân của xung đột hay ít ra cũng là nguyên nhân gây hiểu lầm. Ví dụ, có lẽ tôi nghe thấy một điều gì đó về một người nào đó rồi tôi đi và nhắc lại điều ấy. Thậm chí lần sau khi nhắc lại tôi còn thêm thắt một chút… Và điều ấy càng tác hại, tôi lại càng thỏa mãn vì nó. Thế giới ngồi lê đôi mách này, do những kẻ tiêu cực và phá hoại đang sống, không bao giờ đem lại hòa bình. Những người như thế đúng là kẻ thù của hòa bình; họ không “được chúc phúc”[8].
  2. Người tác tạo hòa bình là người thực sự “tạo nên” hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Đối với những người gieo rắc hoà bình, Chúa Giêsu thực hiện một lời hứa cao quý: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Ngài nói với các môn đệ rằng, các ông có đi đâu đi nữa, thì cũng phải nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5). Lời Chúa khuyên mọi tín hữu phải làm việc cho hòa bình, “cùng với tất cả những người kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (x. 2 Tim 2, 22), vì “mùa gặt sự công chính được những người tác tạo hòa bình gieo trong hòa bình” (Gcb 3, 18). Và nếu có lần trong cộng đoàn khi thắc mắc ta phải làm gì, thì “ta hãy theo đuổi những gì đem lại hòa bình” (Rm 14, 19) vì sự hợp nhất bao giờ cũng được quý trọng hơn xung đột[9].
  3. Không dễ “tạo nên” một nền hòa bình theo Tin mừng, một nền hòa bình không loại trừ nhưng ôm ấp cả những người hơi kỳ cục, gây rắc rối hay khó chịu, đòi hỏi, bất đồng, thất vọng vì cuộc sống hay đơn giản không tha thiết gì. Đó là một công việc khó nhọc; đòi hỏi phải mở rộng lòng trí, vì đó không phải là tạo nên “một sự nhất trí trên giấy hay một nền hòa bình thoáng qua cho một thiểu số mãn nguyện”[10] hay một dự án “của một ít người tạo nên cho một ít người”[11]. Nền hòa bình ấy cũng không thể cố phớt lờ hoặc không đếm xỉa gì tới xung đột, trái lại, phải “trạm chán với xung đột, giải quyết và làm cho xung đột thành một mắt trong sợi xích của một tiến trình mới”[12]. Ta cần phải là những người thợ xây dựng hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một công việc đòi hỏi sự trầm lặng, sáng tạo, nhạy bén và khéo léo.

Gieo vãi hòa bình cho mọi người chung quanh: đó là sự thánh thiện

“Phúc thay những ai bị bắt bớ vì sự công chính, vì nước trời là của họ”

  1. Chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo ta rằng con đường Ngài đề nghị thường đi ngược với mọi người, thậm chí còn làm cho ta thách thức xã hội do cách sống của mình và, kết quả là, trở thành một thứ phiền toái. Ngài nhắc cho ta biết rằng biết bao người đã, và hiện vẫn đang bị bắt bớ chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, vì đã coi trọng việc dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Trừ phi ta muốn chìm vào trong tình trạng tầm thường khó hiểu, ta mới sẽ không mong ước một cuộc sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (Mt 16, 25).
  2. Trong việc sống Tin mừng, ta không chờ mong mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự thèm khát quyền lực và những lợi lộc trần thế thường chặn đường ta. Thánh Gioan Phaolô II lưu ý rằng: “Xã hội sẽ bị tha hóa, nếu các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ làm cho việc hiến mình và thiết lập một sự liên đới giữa người với người trở thành khó khăn hơn”[13]. Trong một xã hội như thế, chính trị, các phương tiện truyền thông và kinh tế, các cơ sở văn hóa và tôn giáo trở thành rối rắm đến độ thành một chướng ngại vật đối với sự phát triển của con người và xã hội. Như thế, sống các mối phúc không dễ; mọi cố gắng muốn sống các mối phúc ấy đều bị nhìn cách tiêu cực, bị nhìn với sự nghi kỵ và bị chế nhạo.
  3. Bất kể có thể ta đang có kinh nghiệm nào về sự chán chường và đau khổ trong việc sống điều răn yêu thương và theo đuổi con đường công chính, thì thập giá vẫn luôn là nguồn phát triển và thánh hóa của ta. Ta không bao giờ được quên rằng khi nói với ta rằng ta sẽ phải chịu đau khổ vì Tin mừng, Tân Ước đang nói cách chính xác về sự bắt bớ đấy (x. Cv 5, 41; Pl 1, 29; Col 1, 24; 2 Tim 1, 12; 1 Pr 2, 20; 4, 14 – 16; Kh 2, 10).
  4. Ở đây, ta đang nói về sự bắt bớ không thể tránh khỏi, chứ không nói tới một thứ bắt bớ ta có thể mang vào thân do cách hành xử sai trái của tha nhân. Các thánh không kỳ cục và không xa cách, không thể không dung thứ vì tự ái, sự tiêu cực và cay đắng của các ngài. Các Tông đồ của Đức Kitô không giống như thế. Sách Công vụ không ngừng tuyên bố rằng các ngài được “toàn dân mến chuộng” (Cv 2, 17; x. 4, 21 – 33; 5, 13), cả khi một số nhà cầm quyền quấy phá và bắt bớ các ngài (x. 4, 1 – 3; 5, 17 – 18).
  5. Các cuộc bắt bớ không phải là thực tế của quá khứ, vì hôm nay ta vẫn đang có kinh nghiệm về những chuyện ấy, bất kể đó là việc đổ máu như trường hợp của nhiều vị thánh tử vì đạo hiện nay, hay do các phương tiện tinh tế hơn, do các cuộc vu khống hay gian dối. Chúa Giêsu gọi chúng ta là “những người được chúc phúc” người ta “nop1i toàn những lời xấu xa chống lại các con vì cớ thầy” (Mt 5, 11).
    Vào những lần khác, sự bắt bớ có thể xảy ra dưới hình thức nhạo báng cố châm biếm đức tin của ta và làm cho ta có vẻ như lố bịch.
    Chấp nhận con đường của Tin mừng, dù có thể gây cho ta những rắc rối: đó là sự Thánh thiện.

MỘT TIÊU CHUẨN LỚN

  1. Trong chương 25 của Tin mừng Mathêu (31 – 46), Chúa Giêsu mở rộng Mối phúc này khi gọi những người nhân từ xót thương là những người được chúc phúc. Nếu ta tìm kiếm sự thánh thiện dẹp mắt Chúa, thì bản văn này đem lại cho ta một tiêu chuẩn rõ ràng, một tiêu chuẩn dựa vào đó ta sẽ bị phán xét. “Ta đói, các ngươi đã cho ăn, ta khát các ngươi đã cho uống, ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp, ta mình trần các ngươi đã cho mặc, ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom, ta bị tù các ngươi đã ghé thăm” (35 – 36).

Trung thành với Tôn sư

  1. Vậy sự thánh thiện không phải là ngất ngây trong trạng thái mê ly huyền bí. Như Thánh Gioan Phaolô II nói: “Nếu ta thật sự khởi sự cách mới mẻ từ việc chiêm ngắm Đức Kitô, ta phải học cách thấy được Ngài cách riêng trong các khuôn mặt mà chính Ngài đã muốn tự đồng hóa với”[14]. Bản văn của Thánh Mathêu 25, 35 – 36 không “chỉ là một lời mời gọi đến với đức ái: đó là một trang của Kitô học, một trang tỏa sáng trên mầu nhiệm của Đức Kitô”[15]. Trong lời kêu gọi nhận ra Ngài trong những nghèo khổ này, ta thấy cõi chính lòng của Đức Kitô, những tình cảm và chọn lựa sâu xa nhất của Ngài, đang được mặc khải ra, đó là điều tất cả các thánh luôn tìm cách họa lại.
  2. Dựa vào những đòi hỏi không khoan nhượng này của Chúa Giêsu, nhiệm vụ của tôi là xin các Kitô hữu nhận ra và chấp nhận những đòi hỏi ấy theo tinh thần cởi mở thật, sine glossa. Nói cách khác, không “có nếu hay nhưng” vì như thế sẽ giảm bớt sức mạnh. Chúa nói rất rõ rằng người ta không thể hiểu và sống sự thánh thiện cách tách khỏi những đòi hỏi này, vì lòng xót thương chính là “con tim luôn đập của Tin mừng”[16].
  3. Nếu tôi gặp một người đang ngủ ngoài cửa vào một đêm giá buốt, tôi có thể nhìn họ như một sự phiền toái, một người lười biếng, một chướng ngại trên đường, một cảnh tượng khó chịu, một vấn đề khiến các chính trị gia phải phân loại, hay thậm chí một đồ phế thải làm bừa bộn nơi công cộng. Hay tôi có thể đáp lại bằng đức tin và đức ái và thấy nơi người ấy một con người có cùng một phẩm giá như tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu vô cùng, một hình ảnh của Thiên Chúa, một người anh chị em được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc. Là Kitô hữu là như thế đó! Ta có thể hiểu sự thánh thiện một cách nào đó tách khỏi việc nhìn nhận cách sống động phẩm giá của mỗi con người chăng?[17]
  4. Đối với các Kitô hữu, điều này bao giờ cũng kéo theo một sự khó chịu lành mạnh. Dù nếu chỉ giúp đỡ một mình người này thôi cũng có thể để biện minh cho mọi nỗ lực của ta, nhưng vẫn chưa đủ. Ví dụ các giám mục Canada cho tháy rõ điều này khi lưu ý rằng năm thánh trong Kinh thánh muốn nói về một cái gì đó hơn hẳn việc thực hành một số việc tốt lành. Năm thánh muốn nói đến việc tìm cách thay đổi xã hội: “Vì các thế hệ sau cũng phải được giải thoát, nên rõ ràng mục đích phải là duy trì các hệ thống kinh tế xã hội công bằng, sao cho không còn có thể có sự loại trừ nào nữa”[18].

Các ý thức hệ đánh trúng vào trọng tâm của Tin mừng

  1. Tôi tiếc rằng các ý thức hệ đôi khi cũng đưa dẫn chúng ta tới hai sai lầm tai hại. Một mặt, có sự sai lầm của các Kitô hữu, những người tách những đòi hỏi của Tin mừng ra khỏi mối tương quan đích thân của họ với Chúa, khỏi sự hợp nhất nội tâm với Ngài, khỏi việc mở ra cho ân sủng Ngài. Vì thế, Kitô giáo trở thành một thứ NGO (tổ chức phi chính phủ) bị tước mất thực tại thần nhiệm minh bạch có bằng chứng rõ ràng trong cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Vincent Phaolô, Thánh Têrêsa Calcutta và nhiều vị thánh khác. Đối với các vị đại thánh này, tâm nguyện, lòng yêu mến Thiên Chúa và việc đọc Tin mừng không lấy mất của các ngài việc dấn thân cách hăng say và hiệu quả cho đồng loại, trái lại là khác.
  2. Một sai lầm tai hại khác về ý thức hệ ta tìm được trong những người nghi ngờ về sự dấn thân xã hội của những ngưởi khác, coi đó là giả hình, thế tục, trần tục, theo chủ nghĩa duy vật, theo cộng sản hay theo chủ nghĩa dân túy. Hay họ lại tương đối hóa việc dấn thân ấy, như thể còn những vấn đề khác quan trọng hơn, hay một điều duy nhất đáng kể là vấn đề đạo đức đặc biệt duy nhất hay một nguyên nhân chính họ phải bảo vệ. Việc ta bảo vệ các thai nhi vôi tội chẳng hạn, cần phải làm rõ, chắc chắn và hăng say, vì phẩm giá của cuộc sống con người đang bị đe dọa, một sự sống bao giờ cũng thánh thiêng và đòi hỏi tình yêu đối với mỗi người, bất kể tình trạng phát triển của họ tới đâu. Tuy nhiên, cũng thánh thiêng không kém là cuộc sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra rồi, những người thiếu thốn, những người bị bỏ rơi và những người không có đặc quyền, đặc lợi, những người mỏng dòn yếu đuối và những người già cả dễ rơi vào trong những cái chết êm dịu bí mật, những nạn nhân của nạn buôn người, những hình thức nô lệ mới và mọi hình thức loại bỏ[19]. Ta không thể tán thành lý tưởng của sự thánh thiện nào không đếm xỉa gì tới bất công trong một thế giới nơi một số ít đang chè chén say sưa, tiêu sài hoang phí và chỉ sống vì những mặt hàng mới nhất, cả khi những người khác chỉ biết đứng ngó từ xa, sống trọn đời trong cảnh lầm than khốn khổ.
  3. Ta thường nghe nói rằng, vì chủ nghĩa tương đối và vì những rạn nứt của thế giới hiện nay, hoàn cảnh của những người di dân chẳng hạn, là một vấn đề ít quan trọng hơn. Một số người Công giáo coi đó là vấn đề phụ so với những vấn đề “nặng” về đạo đức sinh học. Việc một chính trị gia nào đó tìm phiếu nói thế thì cũng có thể hiểu được, nhưng một Kitô hữu mà nói thế thì không thể được, vì thái độ đúng đắn của Kitô hữu là đặt mình trong địa vị của anh chị em mình, những người đang liều mạng để đem lại tương lai cho con em họ. Ta không thể nhận ra rằng đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi ta, khi Ngài bảo ta khi ta đón tiếp khách lạ là đón tiếp chính Ngài sao? (x. Mt 25, 35). Thánh Benedicto luôn sẵn sàng làm thế và tuy làm thế thường làm cho đời sống của các đan sĩ “phức tạp thêm”, ngài vẫn ra lệnh phải đón tiếp mọi người khách gõ cửa tu viện bằng thái độ tôn kính[20], “như đón tiếp Đức Kitô” vậy[21], phải gặp gỡ những người nghèo và hành khất “với sự quan tâm và âu lo nhất”[22].
  4. Ta cũng tìm được một cách thế tương tự trong Cựu Ước: “Người ngoại kiều ngươi không được ngược đãi và ức hiếp vì chính các ngươi đã là ngoại kiều trong đất Ai cập” (Xh 22, 21). “Khi có người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng ức hiếp nó, các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như một người bản xứ, một người trong các ngươi, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai cập” (Lv 19, 33 – 34). Đây không phải là một khái niệm do một Đức Giáo Hoàng nào đó sáng chế ra, hay là một ham mê nhất thời. Cũng trong thế giới hôm nay, ta được kêu gọi đi theo con đường khôn ngoan thiêng liêng ngôn sứ Isaia đề nghị để chứng tỏ cái gì làm vui lòng Thiên Chúa. “Đó chẳng phải là chia cơm sẻ áo cho đói, cho người vô gia cư một chỗ cư ngụ; khi ngươi thấy kẻ mình trần, hay cho nó mặc, đứng ngoảnh mặt làm ngơ với người cốt nhục. Khi ấy ánh sáng của ngươi sẽ bất lệ như bình minh chiếu tỏa” (58, 7 – 8).

Một việc phụng thờ đáng được Thiên Chúa chấp nhận nhất

  1. Ta có thể nghĩ rằng ta chỉ tôn vinh Thiên Chúa qua việc thờ phượng và cầu nguyện của ta hay cách đơn giản qua việc theo đuổi một số qui tắc đạo đức nào đó. Đúng là ưu tiên hàng đầu thuộc về mối tương quan của ta với Thiên Chúa, nhưng ta vẫn không thể quên rằng tiêu chuẩn cuối cùng qua đó ta sẽ bị xét xử là những gì ta đã làm cho những người khác. Cầu nguyện cao quý nhất, vì dưỡng nuôi việc dấn thân hằng ngày cho tình yêu. Việc thờ phượng của ta làm vui lòng Thiên Chúa khi ta hiến mình sống cách quảng đại và để cho ơn Thiên Chúa, được ban trong cầu nguyện, tỏa sáng trong mối bận tâm của ta về anh chị em mình.
  2. Tương tự, cách tốt nhất để phân định xem cầu nguyện có chân thành không là xem xem cuộc sống của ta được biến đổi tới mức nào dưới ánh sáng của lòng xót thương. Vì “lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha; lòng thương xót ấy đang trở thành tiêu chuẩn để khẳng định ai thực sự là con cái Ngài”[23]. Lòng thương xót “chính là nền tảng của đời sống Hội thánh”[24]. Trong lãnh vực này, tôi xin nhắc lại rằng lòng thương xót không loại trừ sự công chính và sự thật; quả thế, “ta phải nói rằng lòng thương xót là sự viên mãn của sự công chính và là sự thể hiện chói ngời của sự thật của Thiên Chúa”[25]. Đó là “chìa khóa nước trời”[26].
  3. Ở đây, tôi nghĩ tới Thánh Tôma Aquinô, người đã đặt câu hỏi các hành động nào của ta là những hành động cao cả nhất, các công việc bên ngoài nào cho thấy rõ tình yêu của ta dành cho Thiên Chúa. Thánh Tôma trả lời cách không do dự rằng đó là những công việc của lòng xót thương hướng đến đồng loại ta[27], những việc ấy thậm chí còn hơn cả các hành vi thờ phượng: “Ta tôn thờ Thiên Chúa qua các lễ hy sinh và lễ vật bên ngoài, không phải vì lợi ích của Ngài, nhưng vì lợi ích của ta và của đồng loại ta. Vì Ngài không cần những lễ hy sinh của ta, nhưng Ngài muốn các hy tế ấy được dâng lên cho Ngài để khơi gợi lòng đạo đức của ta và để mưu ích cho đồng loại ta. Vì thế, lòng xót thương, nhờ đó, ta bổ khuyết cho các khiếm khuyết của tha nhân, chính là một lễ hy sinh đáng được Ngài chấp nhận hơn, vì trực tiếp đem lại hạnh phúc cho đồng loại ta hơn”[28].
  4. Những ai thật sự muốn đem lại vinh quang cho Thiên Chúa bằng đời sống mình, những ai thật sự muốn lớn lên trong sự thánh thiện, đều được kêu gọi chuyên tâm và kiên trì trong việc thực hành các công việc của lòng xót thương. Thánh Têrêsa Calcutta rõ ràng công nhận điều này: “Vâng, tôi có nhiều lầm lỗi và thất bại của con người… Nhưng Thiên Chúa vẫn cúi xuống và sử dụng ta, bạn và tôi, để ta là tình yêu và lòng xót thương của Ngài trên thế giới này; Ngài mang lấy các tội lỗi, các phiền hà và khuyết điểm của ta. Ngài lệ thuộc ta trong việc yêu thương thế gian này và cho thấy Ngài yêu thế gian ấy biết chừng nào. Nếu ta quá quan tâm đên mình, ta sẽ không còn giờ để quan tâm tới tha nhân”[29].
  5. Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng tỏ sự suy sụp của ta, vì khi ta bị ám ảnh bởi thú vui của mình, ta thường kết cục trong việc quá quan tâm tới mình và quyền lợi của mình và ta cảm thấy một nhu cầu muốn có giờ rảnh cách tuyệt vọng để tận hưởng hạnh phúc. Ta sẽ thấy khó cảm thấy và bày tỏ sự quan tâm thật đối với những người thiếu thốn, trừ phi ta có thể vun trồng một sự giản dị nào đó của cuộc sống, hạn chế các đòi hỏi bệnh hoạn của một xã hội tiêu thụ, một xã hội luôn bỏ mặc ta nghèo khổ và thèm khát, bồn chồn muốn có mọi sự ngay tức khắc. Tương tự, khi ta để mình bị cuốn vào trong thông tin bên ngoài, vào việc tuyền thông mau qua và vào thực tại ảo, ta có thể phung phí thời giờ vàng ngọc và hờ hững với các xác thịt đau khổ của anh chị em mình. Nhưng ngay cả và ở giữa cơn lốc của hoạt động này, thì Tin mừng vẫn tiếp tục âm vang, đem lại cho ta lời hứa về một cuộc đời khác, một cuộc đời lành mạnh và hạnh phúc hơn.
  6. Chứng tá mạnh mẽ của các thánh được mặc khải trong cuộc đời của các ngài, được hình thành bởi các Mối phúc và bởi tiêu chuẩn của cuộc phán xét sau cùng. Những lời của Chúa Giêsu ít và rất thẳng thắn, nhưng thực tế và vững chắc cho mọi người, vì Kitô giáo, hơn ai khác, phải đem ra thực hành. Đó cũng là đối tượng của việc nghiên cứu và suy tư nhưng chỉ để giúp ta sống Tin mừng cách tốt đẹp hơn trong đời sống hằng ngày. Tôi đề nghị thường xuyên đọc lại những bản văn Kinh thánh quan trọng này, quay về lại với những đoạn ấy, cầu nguyện với chúng và cố gắng cụ thể hóa những đoạn ấy. Chúng sẽ đem lại lợi ích cho ta; chúng sẽ làm cho ta hạnh phúc thật.


Chú thích:

[1] Cf. Homily at Mass in Casa Santa Marta, 9 June 2014: L’Osservatore Romano, 10 June 2014, p. 8.

[2] Thứ tự của mối thứ hai và thứ ba khác theo các truyền thống văn bản khác nhau.

[3] Spiritual Exercises, 23d.AAS 107 (2015), 407.

[4] Manuscript C, 12r.

[5] Từ thời các Giáp phụ, Hội thánh đã coi trọng việc rơi nước mắt, như ta thấy trong lời cầu nguyện rất hay này “Ad petendam conpunctionem cordis”. Lời ấy có nghĩa là: lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu nhất, Đấng đã làm cho nước sự sống vọt ra từ tảng đá cho đoàn dân đang khát: xin đem lại nước mắt ăn năn từ những tâm hồn chai đá, để chúng con đau đớn về những tội lỗi của chúng con và nhờ lòng nhân từ của Chúa, chúng con được thứ tha” (x. Missale Romanum, ed. typ. 1962, p. [110]).

[6] Giáo lý của Hội thánh Công giáo 1789; Xem 1970.

[7] Ibid., 1787.

[8] Sự điên cuồng và vu khống là những hành vi khủng bố: một quả bỏ được thả, nó nổ tung và những kẻ tấn công lặng lẽ bỏ đi, hài lòng. Điều ấy khác hẳn với sự cao cả của những người luôn trực tiếp nói với tha nhân, cách thanh thản và chân thành, vì tha thiết với lợi ích của những người ấy.

[9] Đôi khi, có thể cần phải nói về những khó khăn của một anh chị em nào đó. Trong những trường hợp như thế, điều cần phải làm là chuyển giao một giải thích sự việc khách quan. Tình cảm có thể gây hiểu lầm và làm sai lạc các sự kiện của vấn đề, và khi được truyền đi thì đã ắp đầy những yếu tố chủ quan. Như thế, cả các sự kiện, tự chúng chũng như sự thật đều không được tôn trọng.

[10] Apostolic Exhortation, Evangelii Gaudium (24 November 2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.

[11] Ibid., 239: 1116.

[12] Ibid., 227: 1112.

[13] Encyclical Letter Centesimus Annus (1 May 1991), 41c: AAS 81 (1993), 844-845.

[14] Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 49: AAS 93 (2001), 302.

[15] Ibid.

[16] Tự Sắc, Misericordiae Vultus (11 April 2015), 12:

[17] Ta nhớ lại cách xử sự của người Samarita Nhân hậu khi gặp một người bị bọn cướp tấn công và bỏ mặc cho chết (x. Lc 10, 30 – 37).

[18] ỦY BAN CÁC CÔNG VIỆC XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO CANADA, Thư ngỏ gửi cho các thành quốc hội, The Common Good or Exclusion: A Choice for Canadians (1 February 2001), 9.

[19] Hội Dồng giám mục Châu Mỹ Latinh và Carribe lần thứ năm, làm vang vọng giáo huấn muôn đời của Hội thánh, tuyên bố rằng con người “bao giờ cũng thánh thiêng, ngay từ lúc mới được cưu mang, ở mọi giai đoạn của sự sống, cho tới cái chết tự nhiên và sau khi chết”, và sự sống ấy phải được canh giữ “ngay từ lúc mới được cưu mang, trong mọi giai đoạn, cho tới cái chết tự nhiên” (Aparecida Document, 29 June 2007, 388; 464).

[20] Qui luật.

[21] Qui luật, 53, 1: PL 66, 749.

[22] Ibid., 53, 15: PL 66, 751.

[23] Tự sắc Misericordiae Vultus (11 April 2015), 9: AAS 107 (2015), 405.

[24] Ibid., 10, 406.

[25] Tông huấn, Hậu Thượng Hội Đồng Giám mục, Amoris Laetitia (19 March 2016), 311: AAS 108 (2016), 439.

[26] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 November 2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.

[27] Cf. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.

[28] Ibid., ad 1.

[29] Cited (in Spanish translation) in: Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37-38.

Tags: , , ,

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ Lời ChúaXem hết

Bài giảng lễXem hết

Bài Giảng Hành HươngXem hết

Thước phim Mục vụXem hết

Tìm kiếm

Lễ Chúa nhật - Lễ Trọng - Lễ DCCTXem hết